Khoa học của ái tình và chia ly
Yêu đến mức “đau nhói lòng, quặn thắt con tim” không đơn giản chỉ là phép ẩn dụ - các phát hiện mới nhất trong ngành khoa học sức khỏe đã và đang làm sáng tỏ những biến chuyển định lượng trong cơ thể người khi đối mặt với những chuyện tình dang dở.
Yêu đến mức “đau nhói lòng, quặn thắt con tim” không đơn giản chỉ là phép ẩn dụ - các phát hiện mới nhất trong ngành khoa học sức khỏe đã và đang làm sáng tỏ những biến chuyển định lượng trong cơ thể người khi đối mặt với những chuyện tình dang dở. Thất tình không chỉ là tâm bệnh, mà còn là nỗi đau thể xác.
Có một điều ai ai cũng đồng ý: Chẳng mấy điều tuyệt vời hơn khi yêu và được yêu. Các nghiên cứu chỉ ra rằng tình yêu đôi lứa, khi được xây dựng trên niềm tin và giao tiếp, có tác động hết sức tích cực đến sức khỏe đôi bên.
Tuy nhiên, chiếu theo lời nỉ non của các nhà thơ lãng mạn và ca sĩ boléro, yêu cũng điều đau đớn nhất thế gian - một khi những phút giây ngọt ngào qua đi. Không chỉ gói gọn ở chấn thương tinh thần, không ít người đã trải qua nỗi đau thể xác - tức lồng ngực, quặn thắt vùng bụng, hay kiệt quệ sức lực - sau những cuộc chia tay.
Thất tình trong cái nhìn khoa học
Helen Fisher, nhà nhân học sinh học theo đuổi khía cạnh biến đổi hóa học của não bộ khi yêu tại Viện Kinsey (Mỹ), cho biết :“Mất đi một người bạn đời là một trong những nỗi đau lớn nhất mà con người có thể trải qua”. Mặc dù vậy, theo Fisher, đề tài này vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mực của các nhà nghiên cứu - họ phần nhiều vẫn đang chú ý đến sự phấn khích của giai đoạn mới yêu.
Trong một nghiên cứu được xuất bản năm 2010, Fisher và các đồng nghiệp lựa chọn 15 người đang sầu muộn vì bị “đá”, đưa họ xem ảnh người yêu cũ và ghi nhận phản ứng của đối tượng qua thiết bị quét sóng não. Kết quả: Khi thấy bóng hình người cũ, các vùng não bộ liên quan chặt chẽ đến cảm xúc yêu như “vùng trần trước” (ventral striatum), “hồi đai” (cingulate gyrus) cũng như VTA (ventral tegmental area) trong não bộ được kích hoạt. Đồng thời, “vùng nhân cạp” (nucleus accumbens) - vùng não đánh giá sự tưởng thưởng và sự thỏa mãn trong não bộ, có liên hệ mật thiết với cơ chế gây nghiện ở người - cũng thức giấc.
Khi còn yêu, cơ thể sản xuất ra một lượng dopamine lớn hơn bình thường, kết nối với thụ thể glutamate trong nơron để kích hoạt vòng lặp học hỏi, giúp ghi thêm hình ảnh người ta yêu vào “thư viện yêu thích” của não bộ. Càng ở gần hình bóng ấy nhiều, não ta lại càng quen với mức dopamine cao - nói cách khác, ta đã chính thức trở thành con nghiện.
Thiếu vắng “chất kích thích”, mức dopamine tụt xuống, ta lại tìm mọi cách để tìm lại cảm giác “lâng lâng” từng có. Chẳng thế mà con người ta khi lụy tình hay vứt đi lý trí: chỉ cần một tấm hình người cũ là đủ để ta nhấc điện thoại, tìm mọi cách cầu xin được thứ tha.
Trái tim đau theo nghĩa đen
Theo cây viết khoa học Florence Williams, tác giả cuốn sách Heartbreak: A Personal and Scientific Journey (Thất tình, một hành trình cá nhân và khoa học), cú sốc chia tay còn kích hoạt một lượng lớn cortisol, còn gọi là “hormone gây stress” trong cơ thể. Lượng hormone này vốn đã được được bơm vào cơ thể từ khi ta mới yêu nhằm “buộc ta phải đi tìm lại người bạn đời, hoặc chào đón họ khi họ quay lại” sau khi chia ly.
Đằng sau cơ chế này rất có thể là nguyên nhân tiến hóa, bởi việc có một người bạn đời từng mang ý nghĩa sống còn với loài người xa xưa. “Loài người là động vật có tính xã hội cao, do đó, xét trên bình diện tiến hóa, việc ở một mình không khiến ta cảm thấy an toàn. Trong rừng sâu, việc đứng một mình làm tăng khả năng bị tấn công bởi kẻ săn mồi lên đáng kể” - Williams cho biết.
Tưởng chừng là cách giúp ta tự bảo vệ mình, nhưng trong nhiều trường hợp, lo âu cũng trở thành nguyên do khiến con người sụp đổ. Florence Williams lấy trường hợp của chính mình làm ví dụ: Sau cú đổ vỡ với người chồng đã bên cô hơn 25 năm, Williams cảm thấy cơ thể mình như một thiết bị gia dụng bị cắm vào sai nguồn điện. “Trải nghiệm ấy chỉ có thể mô tả như một chấn thương não bộ. Tôi mất ngủ và lúc nào cũng trong trạng thái bị kích động” - cô kể.
Trong quá trình tìm hiểu về cú sốc chia xa bạn đời mà mình đang trải qua, Williams tìm thấy bệnh takotsubo - một hội chứng được ghi nhận trên diện rộng tại Nhật Bản sau trận động đất và sóng thần kinh hoàng khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng hồi năm 2011.
Sau nhiều tuần đương đầu với thảm họa, nhiều bệnh nhân đã phải nhập viện do trụy tim dù không hề có tiền sử bệnh tim trước đó. Các bác sĩ không tìm thấy dấu vết phình mạch hay tắc nghẽn mạch máu. Tuy nhiên, các nghiên cứu về sau đã gọi tên được bệnh, đồng thời chỉ ra mối liên hệ giữa bệnh và những người mất vợ, chồng, con cái, thậm chí thú cưng trong thảm họa.
“Đến nay, chúng ta đã có thể chắc chắn rằng giữa biến động cuộc sống và hoạt động tim mạch của mỗi người có mối liên hệ mật thiết” - Williams kết luận.
Minh họa: Beatriz Fontal Aira
Liều thuốc cho trái tim
Thất tình hại thân ta ở đâu, như thế hẳn đã rõ, nhưng vẫn còn một điều bỏ ngỏ: Vậy phải làm thế nào để tự cứu mình hậu chia tay? Theo một nghiên cứu do Sandra Langeslag và Michelle Sanchez đồng thực hiện, đăng trên trên tạp chí Journal of Experimental Psychology: General năm 2018, có thể có nhiều hơn một cách.
Trong khuôn khổ thí nghiệm, các nhà nghiên cứu tập hợp 24 người trong độ tuổi từ 20 - 37, mỗi người vừa kết thúc một mối tình dài ít nhất 2,5 năm. Một số chủ động chia tay, số còn lại bị “đá”, nhưng tất thảy đều còn ít nhiều lưu luyến với tình cũ. Tương tự nghiên cứu của Fisher, người tham gia sẽ phải đối diện với ảnh “tình xưa” nhưng khác ở chỗ lần này họ sẽ được trang bị 1 trong 3 cách “vượt qua” trước khi tái ngộ.
Nhóm đầu tiên được chỉ định phương pháp “kể xấu”, cụ thể là liệt kê các tính cách khó ưa của bồ cũ. Nhóm thứ hai lại ôn hòa hơn, chỉ cần đọc đi đọc lại các châm ngôn tích cực ghi nhận lại quãng thời gian bên nhau, chấp nhận cảm xúc hiện tại và tránh phán xét người cũ. Nhóm cuối cùng được kêu gọi “tự gây xao lãng” bằng cách nghĩ về đồ ăn hay các hoạt động không liên quan để quên nỗi âu sầu. Sau khi thực hành, cả ba nhóm sẽ được đánh giá dựa trên tình trạng cảm xúc và mức độ vương vấn cũng như mối quan tâm đến ảnh của tình cũ.
Kết quả: Cả 3 phương pháp đều làm giảm đáng kể phản ứng những cá nhân lụy tình với ảnh được trình chiếu. Nhóm 1 - những người “dìm” tình xưa - còn ghi nhận tình cảm với người cũ nguôi ngoai đáng kể, tuy nhiên cảm xúc của nhóm này lại tệ hơn ban đầu. Ngược lại, nhóm 3 - “xao nhãng” - cảm thấy khá lên trong ngắn hạn nhưng tình cảm tiếc nhớ vẫn y như cũ. Nhóm 2 - với các thông điệp tích cực - thì cả tâm trạng lẫn sự nuối tiếc đều không khá lên, duy chỉ có sự quan tâm đến hình ảnh bồ cũ thì bớt lại.
Đến đây, nhóm kết luận mỗi cách sẽ có ưu và nhược điểm riêng, tùy hoàn cảnh mỗi người mà xử lý. Nhưng nếu đọc đến đây vẫn chưa biết làm thế nào cho phải? Đã có nhóm nghiên cứu của Đại học Colorado gợi ý từ năm 2017: tự lừa mình bằng hiệu ứng giả dược.
Các nhà nghiên cứu chuẩn bị bình xịt mũi với “khả năng giảm mạnh nỗi đau cảm xúc”. Những người tham gia, vốn vừa trải qua đổ vỡ, hăm hở dùng và nói rằng tình trạng của họ được cải thiện. Máy quét sóng não cũng xác nhận kết quả này trong bài test “ảnh người xưa”.
Vậy trong bình xịt chứa gì? Không gì khác, ngoài nước muối.
Nếu nước muối có thể tạo ra điều kỳ diệu, hãy đừng ngại thử bất kỳ điều gì khiến bạn cảm thấy khá hơn - khả năng cao là bạn sẽ thấy ổn hơn thật. Hãy đi thăm bạn bè, đăng ký các lớp học kỹ năng mới, đi dạo với cún, hay đi chơi xa. Ăn các món lạ, gặp người mới và mở cửa trái tim mình khi sẵn sàng.
Não bộ con người có tính khả biến khôn cùng: nó có thể tạo ra nỗi đau nhưng đồng thời cũng có thể tự chữa lành, miễn là ta cho nó đủ thời gian.
Nguồn: Tuổi trẻ Cuối tuần