Lỗi quy kết bản chất

loi-quy-ket-ban-chat

Hành vi của con người phần nhiều là kết quả của tình huống cụ thể, hơn là do tính cách.

Bạn Vẫn Tưởng

Hành vi của mọi người đều phản ánh tính cách của họ.

Sự ThậT Là

Hành vi của con người phần nhiều là kết quả của tình huống cụ thể, hơn là do tính cách.

Bạn tới nhà hàng ăn và người phục vụ mang ra một món mà bạn không gọi. Bạn gửi trả lại đĩa thức ăn đó, nhưng phải mất rất lâu anh ta mới mang ra được đúng món bạn đã chọn. Không chỉ quên không rót thêm rượu cho bạn, anh ta dường như còn quên mất thứ rượu bạn đang uống khi quay lại kiểm tra. Nếu mọi việc đã diễn ra như vậy thì bạn sẽ boa cho anh phục vụ này bao nhiêu tiền?

Tôi đã làm nhân viên phục vụ bàn trong ba năm học đại học, và tôi có thể nói cho bạn biết nhiều điều. Nếu nhà bếp làm nhầm món thì tôi biết chắc rằng cơ hội nhận tiền boa của mình đã tiêu tan. Đó không phải là lỗi của tôi, nhưng người ta vẫn cứ đổ hết mọi sự trừng phạt lên đầu tôi. Nếu món ăn bị nguội, bị cháy, hay chỉ chín tái dù khách yêu cầu phải chín kỹ thì thực khách sẽ bày tỏ sự không hài lòng của mình bằng cách không trả tiền boa, hay tệ hơn, để lại đúng một đồng xu. Một số người sẽ giữ lịch sự cho tới thời khắc cuối cùng, khi họ có thể bỏ phiếu bất tín nhiệm bằng những tờ bạc xanh. Có những người lại tỏ thái độ tức tối kịch liệt và kêu gào đòi gặp quản lý trong khi miệng vẫn còn đang nhai. Công việc này đã dạy cho những nhân viên phục vụ bàn sự chua cay nhất định. Tôi chưa từng gặp một nhân viên chạy bàn nào không có khả năng nhận ra mình sắp sửa không được nhận tiền boa. Qua ba năm đó, tôi đã biết rằng nghề này liên quan nhiều tới tình hình cụ thể hơn là thái độ của bản thân. Tôi có thể cố gắng chữa cháy cho một tình huống xấu bằng cách giữ thái độ hòa nhã, vui vẻ, hoặc cố gợi chuyện khi cảm thấy hợp lý. Nhưng dù gì đi chăng nữa, thực khách chắc chắn vẫn sẽ đổ lỗi lên đầu tôi mỗi khi có chuyện không vừa ý.

Vậy đã bao giờ bạn boa rất ít, hoặc thậm chí là không boa cho nhân viên phục vụ để thể hiện sự bực bội của mình chưa?

Khi ăn ở nhà hàng, bạn sẽ khó lòng xác định được tính cách thực sự của một nhân viên chạy bàn. Bạn sẽ trách móc như thể đó là lỗi của anh ta, và cho rằng mình đang phải chịu đựng sự phục vụ của một kẻ lười nhác. Đôi khi bạn đúng, nhưng thường thì bạn đã mắc phải lỗi quy kết bản chất (fundamental attribution error).

Đã bao giờ bạn xem những chương trình đố vui truyền hình như Weakest Link hay Jeopardy và nghĩ, dù chỉ thoáng qua, rằng người dẫn chương trình là một người vô cùng thông minh chưa? Có lẽ bạn đã từng đặt một vài nhạc sĩ, nhà văn, hay giáo sư mà bạn thấy trên màn ảnh nhỏ lên bục vinh quang tưởng tượng. Bạn tự cho rằng mình sẽ chẳng thể trò chuyện với những con người siêu việt này, và sẽ phải viện đến những câu chuyện nhảm nhí như công thức nấu pasta, hay kể về bộ sưu tập thìa ăn của bạn. Khi bạn không biết rõ về một người, chưa có cơ hội để tiếp xúc với họ, bạn sẽ có xu hướng biến họ thành những nhân vật tưởng tượng. Bạn dựa vào những nguyên mẫu và khuôn mẫu của từng kiểu người rút ra từ kinh nghiệm thực tiễn hoặc là từ những tiểu thuyết giả tưởng bạn từng đọc. Mặc dù ý thức được điều đó không chính xác, bạn vẫn làm vậy một cách vô thức.

Bạn liên tục thay đổi những mặt nạ xã hội phụ thuộc vào bối cảnh xung quanh. Con người bạn khi ở bên bạn bè hoàn toàn khác so với bạn lúc ở nhà hay lúc đối diện với lãnh đạo công ty. Đôi khi, bạn quên mất rằng bạn bè, người thân trong gia đình, và các sếp của bạn cũng thay đổi mặt nạ như bạn.

Gần như lần nào đọc một tin mới trên báo chí, bạn cũng sẽ mắc phải lỗi quy kết bản chất. Ví dụ như việc cứ sau một khoảng thời gian, sẽ có người phát điên và thực hiện một vụ thảm sát tại bưu cục. Quay lại khoảng năm 1983, trong thời đó thì cứ khoảng hai năm lại có một vụ nổ súng ở gần một bưu điện tại Mỹ. Thường thì kẻ thủ ác là nhân viên bưu cục mang đầy những chuyện bất bình. Có thể là những người vẫn đang đi làm, và cũng có thể là những người vừa mới bị sa thải. Và thậm chí đã có cả một cụm từ lóng xuất phát từ hiện tượng này: “nổi điên ở bưu điện”1. Nó đã trở thành một phần trong tâm thức của dân Mỹ vào thời điểm đó. Một số phim ảnh, sách truyện, chương trình truyền hình, và cả ca nhạc cũng có nhắc tới chuyện các nhân viên trong ngành bưu điện lên cơn thịnh nộ mất kiểm soát, lần gần nhất có lẽ là năm 2010. Khái niệm về “nổi điên ở bưu điện” chắc sẽ còn nằm trong từ điển từ lóng tiếng Anh-Mỹ thêm vài thập niên nữa.

Đã có rất nhiều lời giải thích được đưa ra, từ sự căng thẳng trong môi trường làm việc cho tới sự chán nản trước thủ tục hành chính rườm rà, hay là hiệu ứng bắt chước tội ác. Thế nhưng, sự thật là, trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ, luôn có người phát rồ đến mức đi xả súng. Hiện trên mạng có một danh sách rất dài liệt kê hơn 300 vụ nổi tiếng. Bạn cứ thử tìm kiếm từ khóa “xả súng” hay “thảm sát” trên Google vào bất kỳ thời điểm nào trong năm mà xem, đảm bảo là bạn sẽ tìm thấy một vụ vừa xảy ra cách đó vài tuần. Và điều kỳ lạ là tỷ lệ các vụ giết người ở khu vực quanh bưu điện thực chất lại thấp hơn so với số vụ án ở quanh các cửa hàng bán lẻ, nhưng có thể lý do chỉ đơn giản là khả năng có người bị bắn chết trong một vụ cướp cửa hàng vốn cao hơn. Nhưng dù sao thì việc bạn cảm thấy quen thuộc với chuyện nhân viên bưu điện máu lạnh giết chết hết đồng nghiệp hơn là bởi vì hệ thống truyền thông quốc gia có xu hướng nhảy vào đưa tin về nó nhiều hơn về các nơi khác.

Khi nghe về một vụ xả súng tại bưu điện, trường học, hay sân bay, điều đầu tiên bạn nghĩ về tên sát nhân là gì? Theo cách suy nghĩ đơn giản nhất thì bạn sẽ cho rằng hắn là một kẻ điên loạn. Hắn vốn là một kẻ lập dị, và rồi điều gì đó đã tác động, thúc đẩy hắn thực hiện tội ác. Theo một cách đen tối nào đó, cách suy nghĩ này rất dễ chịu. Không ai muốn tin rằng những kẻ giết người tiềm tàng đang ở quanh mình, hay chính bản thân họ cũng có thể suy sụp tới mức mất trí và hành động như vậy.

Thực tế cho thấy hầu hết những kẻ thực hiện thảm sát không đột nhiên thức dậy với ý nghĩ kinh khủng đó trong đầu. Thường thì cơn giận đã được dồn nén và ấp ủ hàng năm trời. Họ chán nản và giận dữ với những bất bình trong công việc. Họ đã biến công việc thành trung tâm cuộc sống của mình, và rồi bỗng dưng mất tất cả khi bị sa thải. Họ thường phải chịu đựng sự suy đồi đạo đức và cô đơn trước khi nghĩ rằng mình có thể kết thúc tất cả một cách thật hào hùng. Nhiều người trong số này từng có cảm giác như mình đã bị hành hạ và làm nhục trong thời gian dài, và họ muốn trả thù. Đối với họ, cuộc sống đã trở thành một trận chiến dai dẳng không có hồi kết, và họ thì bất lực. Họ nghĩ rằng cuộc sống này đang khiến họ phát điên.

Bạn cho rằng những tên sát nhân này là những kẻ điên khùng, nhưng đồng nghiệp và gia đình họ hiếm khi đồng tình với quan điểm đó. Họ thường cho rằng áp lực công việc và sự căng thẳng đã đẩy người thân của họ tới bờ vực của sự mất trí. Những người bạn thân thì nhận định nếu không phải bởi công việc thì mọi việc đã khác. Đối với một người ngoài cuộc như bạn thì đẩy trách nhiệm lên tính cách của hung thủ sẽ dễ dàng hơn, như thể rằng kiểu gì rồi cũng sẽ đến ngày họ ra tay giết người. Nghe thật đáng sợ, nhưng đây cũng là một cách mà lỗi quy kết bản chất khiến bạn vội vàng đưa ra kết luận. Bạn nhìn vào một con người, bỏ qua tất cả những tác động từ môi trường xung quanh, và quy hết trách nhiệm lên cá nhân họ.

Nếu điều đó có thể xảy ra với bất kỳ ai, nó cũng có thể xảy ra với bạn. Nghĩ rằng tội ác là kết quả của một loạt những chuyện xui xẻo và áp lực từ xã hội thì ắt sẽ chẳng dễ chịu bằng việc cho rằng đó là hệ quả của một tâm hồn tội lỗi. Những tác động ngoại vi cũng chẳng phải là lời bào chữa đúng đắn cho những kẻ thủ ác và làm hại người vô tội, nhưng nó ít nhiều vẫn là sự thật. Nếu điều này khiến bạn bối rối thì đừng lo, vậy có nghĩa là bạn vẫn còn minh mẫn.

Trong ngôi trường bạn học sẽ có những người lập dị, những tên mọt sách, những kẻ bịp bợm và những công chúa cành cao. Mỗi lớp sẽ có một tên hề chuyên pha trò, một kẻ lười biếng chẳng bao giờ tham gia hoạt động, một nhà thơ ủ dột nhìn đời với con mắt bi quan, và một chính khách trẻ đầy tràn năng lượng lúc nào cũng cố gắng để có thành tích học tập đứng đầu. Bạn yêu thích những câu chuyện. Bạn hiểu các nhân vật trong phim ảnh hay tiểu thuyết bởi vì ở ngoài đời thực, bạn vẫn có xu hướng gộp mọi người vào những mẫu nhân vật mà bạn có thể dự đoán được trước hành vi. Trí não luôn cố gắng hết sức để có thể hiểu được thế giới. Và bạn lúc nào cũng ý thức về những người xung quanh, cũng như luôn đi tìm lời giải cho mỗi hành động của họ.

Các nhà tâm lý học từ lâu đã biết rằng hầu hết các hành vi của con người đều có xuất phát điểm từ trận kéo co giữa những thế lực từ môi trường ngoại vi và bên trong tâm trí. Con người không chỉ là những mẫu nhân vật nhàm chán có thể bị dự đoán trước một cách dễ dàng. Khi ở chỗ làm, bạn hơi khác một chút so với khi ở nhà; khi đi tiệc tùng bạn khoác lên mình một nhân cách có nhiều điểm khác với khi ở bên người thân. Trên giấy thì điều này nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng bạn lại thường xuyên quên mất sức mạnh của bối cảnh khi phán xét hành vi của người khác. Thay vì nói rằng: “Jack không thoải mái khi gặp người lạ, bởi vậy khi gặp anh ta ở nơi công cộng, tôi hay thấy anh ta tránh những đám đông”, bạn lại nói rằng: “Jack là người rất nhút nhát.” Đó là một lối tắt, một cách dễ hơn để định hướng xã hội. Bộ não của bạn rất thích đi đường tắt, và bởi vậy việc bỏ qua những bối cảnh trở nên dễ dàng. Nhìn nhận một con người thông qua lăng kính bối cảnh mà họ đang gặp phải là một trong những nền tảng của môn tâm lý học xã hội, được gọi cụ thể là lý thuyết quy kết (attribution theory).

Khi bạn đang ở trong quán bar và có ai đó tiến tới chỗ bạn để mời một ly rượu, điều đầu tiên bạn làm sẽ không phải là phân tích khuôn mặt họ hay nhiệt độ căn phòng. Bạn sẽ nhảy ngay đến các giả thiết về mục đích của họ. Đây là hành động tán tỉnh? Hay là hành động xuất phát từ lòng tốt? Liệu người này có nguy hiểm? Hành vi của họ có nằm trong kế hoạch lớn hơn? Bạn chẳng thể trả lời chắc chắn được, và bạn cứ đi từ khả năng này sang khả năng khác.

Khi bạn nhìn thấy một hành vi, giả sử như là một đứa trẻ đang gào khóc trong siêu thị, trong khi bố mẹ nó chẳng buồn để ý mà cứ tiếp tục mua sắm, bộ não của bạn sẽ sử dụng lối tắt để đưa ra kết luận về câu chuyện cuộc đời họ. Dù biết rằng mình không nắm đủ thông tin để có thể thực sự thấu hiểu, bạn vẫn cảm thấy thỏa mãn với kết luận mình đưa ra. Sự quy kết này của bạn về nguyên nhân của thứ hệ quả đang diễn ra có thể trúng phóc. Nhưng bạn cũng rất thường xuyên đưa ra kết luận sai, bởi vì dù sao thì bạn cũng chẳng thông minh lắm đâu.

Một nghiên cứu năm 1992 do Constantine Sedikides và Craig Anderson thực hiện đã hỏi những người Mỹ về lý do tại sao lại có công dân Mỹ muốn đào ngũ sang Liên Bang Xô Viết cũ. Hầu hết những người được hỏi đều vội vàng đưa ra kết luận, và có tới 80% số người cho rằng những kẻ này có lẽ đã bị lẫn lộn, hoặc là đã có ý phản quốc ngay từ đầu. Họ coi những người này là những nhân vật hành động chỉ đơn thuần dựa trên tính cách. Nói cho cùng thì Hoa Kỳ cũng là “vùng đất của những kẻ tự do và quê hương của những người can đảm”1. Đây là nơi mà các đối tượng tham gia nghiên cứu đã sinh ra và lớn lên. Khi các nhà khoa học hỏi về việc tại sao lại có những người Nga đào ngũ sang phía Mỹ, 90% cho rằng họ muốn trốn khỏi một nơi tệ hại để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Dưới con mắt của người Mỹ, những người Nga này đã không bị ảnh hưởng bởi tính cách, mà bởi môi trường xung quanh. Coi họ là những kẻ phản bội là một điều đáng sợ, bởi những người này đang cập bến lên chính quê hương của các đối tượng tham gia thí nghiệm. Bởi vậy, thay vào đó, họ cho rằng hành vi này xuất phát từ tác nhân ngoại vi.

Theo lời của nhà tâm lý học Harold Kelly thì khi bạn quy kết hành vi của một ai đó, bạn còn tính tới tính nhất quán. Nếu một người bạn của bạn có xích mích với một người khác mà bạn biết, việc đầu tiên bạn làm sẽ là xem hành động của họ có thống nhất với các hành vi trong quá khứ không. Nếu họ thường xuyên gây gổ vì những chuyện vặt vãnh, bạn sẽ quy kết rằng đó là tính cách của họ. Nếu đó là một người có khả năng giữ bình tĩnh tốt, bạn sẽ đẩy trách nhiệm qua tác động của môi trường bên ngoài. Thường thì lối tắt này khá hiệu quả, và trong lịch sử tiến hóa thì việc kiểm tra tính thống nhất của hành vi trong quá khứ và hiện tại của những người xung quanh là tương đối dễ dàng. Tuy nhiên trong thế giới hiện đại thì bạn chẳng thể nào kiểm tra được tính thống nhất hành vi của người phục vụ bàn hay những hành khách đi tàu điện ngầm. Bạn không thể biết chắc hành vi xả súng của ai đó có đồng nhất với suy nghĩ và hành động trong quá khứ của chính hắn không, hay là liệu người vừa tạt đầu bạn trên đường có phải là một thằng khốn bẩm sinh không. Khi không thể kiểm tra được độ thống nhất này, bạn sẽ đổ trách nhiệm cho bản chất con người họ.

Một trong những nghiên cứu đầu tiên làm sáng tỏ cách vận hành của lỗi quy kết bản chất đã được thực hiện vào năm 1967 bởi Edward Jones và Victor Harris tại Đại học Duke. Họ cho sinh viên đọc những bản ghi chép của những bài tranh luận về tư tưởng chính trị của Fidel Castro (ngày nay thì có lẽ họ có thể sử dụng Osama Bin Laden). Trong những bản ghi chép này có cả ý kiến ủng hộ lẫn phản đối. Khi được cho biết rằng người hùng biện được tự chọn quan điểm của mình thì các sinh viên nhận định rõ ràng là ý tưởng trong bài hùng biện xuất phát từ cảm nhận của người viết. Nếu bài hùng biện nói rằng họ bất đồng quan điểm với Castro, những sinh viên sẽ nói rằng họ tin nhận định này. Nhưng khi các sinh viên tham gia thí nghiệm được phổ biến rằng những người hùng biện đã không được lựa chọn mà bị chỉ định chủ đề, các sinh viên đã không tin điều đó. Ví dụ như khi đọc những bài hùng biện ủng hộ Castro, họ vẫn nói rằng người hùng biện đang nói thật về các luận điểm của mình. Ảnh hưởng từ tình hình ngoại vi đã không tác động lên đánh giá của họ; thay vào đó, họ cho rằng những câu chữ của người hùng biện xuất phát từ quan điểm cá nhân.

Ngày nay, nhiều phiên bản khác nhau của thí nghiệm này hiện vẫn được thực hiện. Tất cả những sự thay đổi trong các yếu tố biến thiên đều dẫn tới cùng một kết quả. Năm 1997, Peter Ditto đã thuê một nữ diễn viên đến để nói chuyện với các đối tượng thí nghiệm là nam giới. Cô ấy lần lượt trao đổi ngắn với những người tham gia rồi viết báo cáo về ấn tượng của mình với người đó. Khi Ditto phổ biến cho những người đàn ông tham gia rằng cô diễn viên đã bị yêu cầu phải viết những bản báo cáo tiêu cực, họ hiểu và thông cảm bởi cô ấy chỉ làm theo mệnh lệnh mà thôi. Tuy nhiên khi được biết rằng cô ấy đã được yêu cầu phải viết báo cáo mang tính tích cực, những người đàn ông lại nghĩ cô diễn viên đã viết đúng những gì cô ấy thực sự cảm thấy, và rằng cô ấy đã có cảm tình với họ.

Bạn mắc lỗi quy kết bản chất khi tin rằng hành động của mọi người xuất phát từ tính cách và bản chất của họ, chứ không chịu ảnh hưởng từ bối cảnh xung quanh. Khi một người đàn ông cho rằng cô vũ nữ thoát y thích anh ta, hay khi ông sếp cho rằng tất cả các nhân viên đều muốn nghe chuyện ông ta câu cá ở Costa Rica thế nào thì đó chính là lúc họ đang phạm phải lỗi quy kết bản chất.

Rất khó để có thể nắm được một cách đầy đủ sức ảnh hưởng của tình huống lên hành vi của bạn và những người mà bạn cho là thân quen. Vào năm 1971, Philip Zimbardo đã thực hiện một thí nghiệm tại Đại học Stanford. Kết quả thí nghiệm này đã làm rúng động chính ông và vĩnh viễn thay đổi ngành tâm lý học. Zimbardo đã nghiên cứu về những vai diễn mà bạn khoác lên mình trong suốt cuộc đời, những nhân vật mà bạn đã tạo dựng và sử dụng tùy vào các tình huống cụ thể. Ông cho rằng những hành động tàn ác trong các cuộc chiến hay trong các nhà tù không liên quan nhiều tới bản tính xấu xa, mà là hệ quả của sự nhập vai một cách vô thức.

Ông đã cho 24 nam sinh viên tung đồng xu để xác định ai sẽ phải đóng vai tù nhân và ai sẽ là quản giáo trong một nhà tù giả lập. Những người được lựa chọn một cách ngẫu nhiên để đóng vai tù nhân sẽ được mặc áo số và đeo xiềng chân. Quản giáo được mặc đồng phục, đeo kính râm, và cầm gậy gỗ. Những người đóng vai quản giáo chỉ được phép gọi tù nhân bằng số hiệu, và không được phép động tay động chân với họ. Zimbardo đã nhờ lực lượng cảnh sát địa phương bắt giữ “tù nhân” tại nhà riêng, và thực hiện lục soát ngay trước mặt những người hàng xóm. Sau đó họ phải trải qua đầy đủ các thủ tục tại đồn cảnh sát như chụp hình và lấy dấu vân tay. Sau khi bị bịt mắt và ngồi chờ trong một phòng tạm giam thật, “tù nhân” được đưa đi khám người tại nhà tù giả lập trong khuôn viên trường. Sau tất cả những thủ tục trên, thí nghiệm thực sự bắt đầu. Kế hoạch là thí nghiệm sẽ diễn ra trong vòng hai tuần. Các nhà khoa học sẽ ghi hình và ghi chú lại toàn bộ những gì diễn ra. Trên thực tế, thí nghiệm này buộc phải kết thúc sau 6 ngày.

Đã có một vụ nổi loạn xảy ra ngay trong ngày thứ hai. Một người đã được rời thí nghiệm vào ngày thứ ba. Tổn thương tâm lý mà đối tượng này phải hứng chịu lớn tới nỗi các nhà nghiên cứu đã không thể tiếp tục giam giữ anh ta. Vậy chuyện gì đã xảy ra?

Zimbardo đã cẩn thận tuyển chọn các đối tượng tham gia thí nghiệm từ nhóm các sinh viên thuộc tầng lớp trung lưu, không có tiền án tiền sự, lịch sử bạo lực hay sử dụng chất gây nghiện. Ông đã giao nhiệm vụ đảm bảo trật tự cho quản giáo, nhưng không đưa ra các hướng dẫn cụ thể. Lúc đầu, cả quản giáo lẫn tù nhân đều không thực sự nghiêm túc. Họ đùa giỡn với nhau, và mất nhiều thời gian mới có thể thực sự nhập vai. Tuy nhiên Zimbardo đã yêu cầu quản giáo phải thường xuyên đánh thức tù nhân dậy bằng cách thổi còi và tiến hành điểm danh, bắt tù nhân phải đọc số hiệu của mình. Dần dần, những người đóng vai quản giáo ngày càng trở nên hung hăng hơn khi điểm danh, ngày càng lạm quyền và tàn bạo hơn. Nếu có tù nhân nào vi phạm luật, các quản giáo sẽ bắt họ phải chống đẩy hoặc dùng tủ quần áo làm phòng biệt giam cho những người này. Trong buổi sáng của ngày thứ hai, các tù nhân cảm thấy mình đã chịu đựng quá đủ và đã dựng rào chắn bằng chăn nệm rồi hò hét đáp trả lại đám quản giáo. Tới phần mình, nhóm quản giáo đã dùng bình cứu hỏa xịt vào phòng giam để mở đường xông vào trong. Tiếp theo, họ lột trần những tù nhân nổi loạn, bỏ giường chiếu của họ ra ngoài, chửi mắng và lăng nhục họ. Để phòng ngừa những vụ nổi loạn trong tương lai, nhóm quản giáo cho phép một số tù nhân được mặc quần áo và ngủ trên giường nếu những người này chịu giữ trật tự và tuân thủ mệnh lệnh. Những tù nhân may mắn này cũng được đặc cách cho ăn đồ ngon hơn, sử dụng bàn chải và kem đánh răng. Sau một vài giờ, những đặc ân này lại bị tước bỏ để dành cho một số tù nhân khác. Các quản giáo giả làm vậy để khiến tâm trí của các tù nhân bị xáo trộn. Họ ngăn chặn sự manh nha của bất kỳ hội nhóm nào bằng cách khiến các tù nhân nghi ngờ lẫn nhau xem ai đang hợp tác với quản giáo. Không lâu sau đó, họ còn bắt các tù nhân phải sử dụng một chiếc xô để đi vệ sinh và phải thực hiện các hành vi đồi trụy với nhau.

Bản thân Zimbardo cũng bị choáng ngợp bởi sức mạnh của tình huống như các đối tượng tham gia thí nghiệm. Ông bắt đầu tưởng tượng mình là một quản ngục, và khi ông nghe tin đồn về kế hoạch tẩu thoát của các tù nhân, ông đã cố gắng biến nhà tù giả lập này thành một nhà tù thứ thiệt nhưng thất bại. Khi ông nhìn thấy đoạn phim quay cảnh một quản giáo có hành vi bạo lực đối với các tù nhân khi tưởng rằng các nhà tâm lý học đang không theo dõi, Zimbardo đã nhận ra mọi thứ đang vượt quá tầm kiểm soát. Cuối cùng thì khi một thực tập sinh của ông lần đầu tới thăm quan thí nghiệm và kinh hoàng trước cuộc sống tồi tệ mà các tù nhân đang phải chịu đựng, Zimbardo đã thức tỉnh và kết thúc thí nghiệm này. Các “tù nhân” hân hoan sung sướng khi thoát khỏi cảnh tù ngục; “quản giáo” thì không ngớt phàn nàn.

Trong các cuộc phỏng vấn sau thí nghiệm này, các sinh viên phải đóng vai tù nhân cho biết họ cảm thấy như thể đã đánh mất danh tính của mình, và bối cảnh của thí nghiệm đã trở thành một nhà ngục thật sự. Họ đã tự chất vấn sự tỉnh táo của bản thân. Họ quên rằng mình hoàn toàn có thể thoát ra bất kỳ lúc nào chỉ đơn giản bằng cách yêu cầu dừng thí nghiệm. Các quản giáo thì cho biết họ chỉ làm theo mệnh lệnh.

Hãy nhớ rằng, cách đó có một tuần, tất cả những người này đều chỉ là những sinh viên bình thường thuộc tầng lớp trung lưu. Những người xung quanh hay ngay cả chính bản thân họ đã không hề nhận ra bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ có khả năng làm những chuyện tàn ác hay phải chịu phục tùng tới mức như vậy. Tất cả chuyện này chỉ diễn ra trong một dãy văn phòng tại một tòa nhà nằm trong khuôn viên trường đại học, và tất cả những người liên quan đều nắm rõ điều này. Vậy mà bối cảnh và những tác động từ bên ngoài đã mạnh tới mức biến những con người bình thường trở thành quái vật và nạn nhân chỉ trong vòng một ngày.

Vài thập kỷ sau thí nghiệm này, Zimbardo đã phủ nhận khẳng định của chính phủ Mỹ cho rằng những hành động tàn bạo xảy ra ở nhà tù Abu Ghraib là hệ quả từ hành vi của một số người xấu. Chính phủ trong trường hợp này đã phạm phải lỗi quy kết bản chất, phớt lờ đi tầm ảnh hưởng của hoàn cảnh, và biến những kẻ phạm tội trở thành những nhân vật không đáng để quan tâm. Mặc dù ông không yêu cầu xá tội cho những người đã tra tấn và làm nhục những phạm nhân người Iraq tại Abu Ghraid, nhưng Zimbardo cho rằng khi người ta bị đặt vào tình huống giống như bối cảnh ông đã dựng nên trong thí nghiệm của mình thì mọi chuyện sẽ xảy ra y như vậy. Điều đó đã xảy ra vào năm 2004 tại Trại Cải Tạo Baghdad, cũng như ở rất nhiều những nhà tù khác trong suốt chiều dài lịch sử. Theo nhận định của Zimbardo thì không phải ai cũng mang bản chất tốt, nhưng bối cảnh xung quanh có thể khuyến khích các hành động tội ác của họ. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành một con quái vật nếu có quyền lực và cơ hội.

Khi bạn chụp mũ thái độ lạnh nhạt của những người thương yêu là sự bàng quan trước những nhu cầu và mong muốn của mình, thay vì là hệ quả của sự căng thẳng trong công việc hay của một vấn đề nào đó, bạn đã mắc phải lỗi quy kết bản chất. Khi bạn bỏ phiếu cho một ứng viên vì trông họ có vẻ thân thiện và dễ gần, nhưng lại phớt lờ khả năng hình tượng đó được dựng lên để thu hút cử tri, bạn đang phạm lỗi quy kết bản chất. Bạn cũng sẽ phạm lỗi này khi nhầm lẫn giữa sự thân thiện với sự hứng thú tình cảm lãng mạn, hay khi coi nghèo khó là hậu quả của sự lười biếng. Nếu muốn, bạn hoàn toàn có thể tìm ra nguyên nhân dẫn đến hành vi của ai đó. Tuy nhiên, rất hiếm khi bạn tính tới sức mạnh của bối cảnh. Bạn quy trách nhiệm cho chủ thể hành động, nhưng lại quên mất ảnh hưởng từ môi trường cũng như tác động của những người xung quanh họ. Bạn mắc phải những lỗi này đơn giản bởi bạn mong muốn giữ vững được niềm tin rằng hành vi của bản thân mình cũng chỉ xuất phát từ bên trong chứ không bị ảnh hưởng bởi các tác nhân ngoại vi. Mặc dù vậy, bạn biết đây không phải là sự thật. Bạn có thể chuyển từ một nhân vật hướng nội sang hướng ngoại, từ một người thông minh thành một kẻ đơn giản, từ một người đầy lôi cuốn thành một kẻ ma mãnh - tất cả đều phụ thuộc vào việc bạn đang ở trong tình huống nào, và ai đang dõi theo bạn.

Lỗi quy kết bản chất dẫn tới việc vội vàng quy kết và gán mắc người khác. Nhưng bạn nên nhớ rằng ấn tượng đầu tiên hiếm khi chính xác. Khi bạn trở nên thân quen với ai đó hơn, hiểu hơn về những tình huống và hoàn cảnh dẫn đến các hành động của họ, các ấn tượng này thường thay đổi. Nắm được điều này không có nghĩa là bạn phải tha thứ những hành động gian ác, mà là để bạn có thể ngăn chặn trước khi chúng xảy ra.

  

Trích từ cuốn sách sắp được phát hành "You are not so smart" (Bạn không thông minh lắm đâu - 46 cách khác nhau bạn đang sử dụng để tự đánh lừa bản thân). Tác giả: David McRaney. Người dịch: Voldy

  

menu
menu