Muốn hay Thích
“Trên thế gian này chỉ tồn tại 2 tấn bi kịch. Một là không có được cái mình muốn, hai là có được cái mình muốn” - Oscar Wilde
“Trên thế gian này chỉ tồn tại 2 tấn bi kịch. Một là không có được cái mình muốn, hai là có được cái mình muốn” - Oscar Wilde
Đã bao giờ bạn khát khao cháy bỏng một điều gì, để rồi đến khi có được nó, thay vì cảm giác tràn ngập hạnh phúc thì lại là nỗi thất vọng ê chề?
Bạn đã từng nghĩ rằng việc đổi ngành nghề sẽ khiến mình hạnh phúc hơn, để rồi bẽ bàng nhận ra rằng không phải như vậy chưa?
Hoặc bạn đã có ý muốn chuyển sang vùng khác một đất nước khác sinh sống, để rồi thấy hối hận với quyết định này?
Hoặc bạn ngốn hết một khoảng tiền lớn vào một thú vui mới mẻ nào đó mà bạn tin rằng mình sẽ thích. Để rồi chỉ sau vài lần thử, bạn xếp xó nó qua một bên.
Tại sao cái chúng ta nghĩ và thực tế lại có một sự chênh lệch đáng kể như vậy?
Đó là bởi chúng ta thường hay nhầm lẫn cái mình muốn và cái mình thật sự thích. Và cũng chính điều này đã khiến chúng ta đưa ra những quyết định sai lầm cũng như không thể thỏa mãn được cái muốn của bản thân.
Sự khác biệt giữa Muốn và Thích
Mặc dù trong đời sống hàng ngày chúng ta thường sử dụng từ “thích” và “muốn” với nghĩa ngang nhau, trên thực tế, theo tâm lý học nhận thức, đây hoàn toàn là 2 khái niệm tách biệt.
Muốn chỉ đơn giản là sự dự đoán rằng chúng ta sẽ thích cái gì/việc gì khi chúng ta có/trải nghiệm nó.
Thích là cảm giác tốt lành, niềm vui và sự thỏa mãn từ việc làm gì hoặc có được cái gì.
Muốn chỉ dựa trên ước đoán.
Thích dựa trên trải nghiệm đầu đời.
Vậy nên, “Tôi muốn dành thời gian ngoài trời nhiều hơn” sẽ hoàn toàn khác với “Tôi thích dành thời gian ở ngoài trời”.
Khi chúng ta muốn cái gì, chúng ta thường hay đánh đồng là ắt hẳn mình cũng phải thích nó, chứ nếu không thì chúng ta đã chả thèm muốn nó làm gì rồi.
Nhưng bạn biết không, thích và muốn của con người không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau. Và thực tế rằng, chúng ta thường muốn những cái mà mình chả hề thích.
Nguyên nhân
Tại sao lại có sự khác biệt này? Tại sao chúng ta không đủ hiểu bản thân mình để có thể đưa ra những dự đoán chính xác về cái mình thích?
Trong một bài viết với tiêu đề “Miswanting: Some Problems in the Forecasting of Future Affective States”, nhà tâm lý học Daniel Gilbert và đồng tác giả Timothy Wilson đã đưa ra vài lý giải cho điều này.
Đưa ra những dự đoán lỗi
Cuốn tiểu thuyết The Great Gatsby thực sự là một ví dụ điển hình cho nguyên nhân này. Gatsby khát khao có được Daisy nhiều đến mức anh dùng cả cuộc đời mình để cố gắng trở thành người đàn ông mà cô mong muốn. Để rồi khi có được cô trong vòng tay, mọi khát khao và hạnh phúc bỗng chốc tan thành mây khói.
Có những lúc điều mà chúng ta tưởng tượng, viễn cảnh mà chúng ta vẽ ra lại không hề giống với cái mà chúng ta thực sự trải qua. Các dự đoán của chúng ta hoàn toàn không chính xác.
Một ví dụ khác nữa là chuyến du lịch của tôi và Kate, vợ tôi, trong những ngày đầu mới cưới. Chúng tôi đền là fan của lịch sử và những thứ cổ kính, thế nên chúng tôi nghĩ rằng mình ắt hẳn sẽ thích Rome. Chúng tôi hình dung về những bước chân thong dong giữa những khu vực cổ kính, những cái gật gù chiêm nghiệm khi nhìn vào những bức tranh xưa. Thế nhưng, sự thật chỉ toàn là những hàng người dài ngoằng, những cú đẩy nhích để ráng chen chân kịp hé mắt nhìn một tác phẩm nào đó trong bảo tàng. Tôi nhận ra rằng tôi đã muốn được nhìn ngắm những khu vực cổ kính, nhưng tôi không hề thích đi nghỉ mát ở những chỗ quá đông người.
Chúng ta cũng thường lẫn lộn điều mình muốn và thích trong khi đưa ra những quyết định lớn.Chúng ta mường tượng trong đầu công việc lý tưởng mà mình muốn làm: mở 1 tiệm sách hay 1 cái homestay nho nhỏ nào đấy. Chúng ta tin là nó sẽ khiến chúng ta vui sướng hơn công việc hiện tại. Thế là chỉ với một vài lời động viên, chúng ta bỏ công việc hiện tại để bắt đầu công việc mà mình nghĩ có thể theo đuổi được đam mê của bản thân.
Lúc đầu, mọi chuyện đều tuyệt vời. Niềm hưng phấn tự nhiên đến từ sự thay đổi và mới lạ khiến chúng ta tưởng là mình đã đưa ra được một quyết định hoàn toàn chính xác.
Thế nhưng chỉ sau vài tuần, chúng ta nhận ra những khó khăn mà mình vẫn chưa hình dung đến. Chúng ta không nghĩ gì về những đêm mưa dầm dề, nằm trong giường mà cứ lo ngay ngáy cho đống sách ở tiệm, sợ nước mưa thấm vô sợ sách ướt sợ sách hư. Chúng ta không nghĩ gì đến những khách hàng khó chịu cáu gắt thích bắt bẻ từng tí một để rồi chỉ cho chúng ta 1 2 sao bình chọn, dù mình đã cố gắng chu đáo hết mình. Viễn cảnh chúng ta vẽ ra chỉ chứa một màu hồng. Chúng ta quên đi mất những góc tối khuất lấp của công việc.
Thế là chúng ta nhanh chóng nhận ra rằng chúng ta thực ra không thấy vui như mình đã nghĩ. Chúng ta không thích cái chúng ta muốn nhiều đến thế.
Nhận định sai về bản thân
Kể cả khi bạn có đầy đủ nhận thức về sự vật hoặc trải nghiệm mà mình muốn, bạn vẫn hoàn toàn có thể đưa ra quyết định sai lầm. Lý do là tại vì chúng ta thường hay ngộ nhận về niềm yêu thích của bản thân.
Điều này được minh chứng bằng một nghiên cứu liên quan đến bữa ăn vặt. Các nhà nghiên cứu yêu cầu người tham dự đưa ra thực đơn các món ăn vặt mà họ muốn cho 3 ngày Thứ 2 liên tục. Dù những người tham dự biết chính xác cái mà họ sẽ nhận được nhưng khi thực sự có được món ăn đó, họ vẫn tỏ vẻ thất vọng.
Điều này là do người tham dự tin rằng nếu họ chọn các món ăn vặt khác nhau, họ sẽ cảm thấy vui hơn. Nhận định của họ như thế này: “Tôi không phải là một gã chán ngắt chỉ thích ăn có mỗi một món. Sự đa dạng sẽ làm cho cuộc sống thú vị hơn!” Thế là thay vì chọn món ăn vặt mà họ ưa thích nhất cho cả 3 ngày thứ 2, họ quyết định chọn các món khác nhau mỗi tuần. Ví dụ nếu anh chàng nào đó biết rằng mình thích món bánh quy xoắn, anh ta sẽ vẫn chỉ chọn nó cho ngày thứ 2 đầu tiên, sau đó thanh Snicker cho ngày thứ 2 tiếp theo và khoai tây chiên cho ngày thứ 2 cuối cùng. Thế nhưng khi các món sau được đưa tới, anh ta cảm thấy thất vọng. Anh ta thực sự ước gì ngay từ đầu mình chọn bánh quy xoắn. Người tham dự thường xuyên đưa ra những quyết định sai lầm bởi vì họ dựa trên những dự đoán sai về bản thân.
Cái con người muốn tin về bản thân mình có thể khác với bản chất của họ.
Thời còn là sinh viên, tôi rất muốn trở thành một gã cool ngầu thích coi phim indie và chỉ ăn uống trong các hàng quán sang trọng chất lượng. Thế là tôi đã làm như vậy. Đã có lúc tôi cảm thấy vui, nhưng hầu như thì không. Và khi tìm thấy được các quán ăn nho nhỏ ngon lành, tôi nhận ra rằng thực ra thì tôi thích ở đây hơn. Tuy tôi không thể trở nên cool như cái gã mà tôi muốn nghĩ đến, ít nhất tôi vẫn có thể làm nhiều điều mà tôi thực sự thích.
Thật khó để có thể đưa ra được cái nhìn khách quan về cái chúng ta thích và cái chúng ta muốn mình thích. Và hệ quả của việc này có thể còn rắc rối hơn cả việc chọn quán để ăn.
Lây lan cảm xúc
Kể cả khi chúng ta biết chính xác về bản chất của hiện tượng và cái mình thích, chúng ta vẫn có lúc đưa ra những quyết định sai lầm.
Đây là do ước muốn của chúng ta về một sự vật nào đó có thể bị lây lan bởi cảm xúc ưa thích của mình lên một sự vật khác.
Giả dụ như bạn đang đi nghỉ mát ở một vùng ngoại ô nào đó, bạn cảm thấy hoàn toàn thư giãn và hạnh phúc. Bạn tự nói với mình rằng “Mình yêu nơi này quá đi mất! Nhất định mình phải dọn đến đây sống suốt đời!” Có thể chính bản thân nơi này khiến bạn cảm thấy hạnh phúc, nhưng đồng thời cũng vì bạn đang đi nghỉ và không dính dáng gì đến công việc. Hầu hết mọi người đều cảm thấy vui vẻ hơn khi đi nghỉ, dù đó là đâu. Thế là cảm xúc thoải mái bạn có được tại nơi này sẽ lây lan đến cảm xúc hạnh phúc khi được định cư ở đây hoài.
Lây lan cảm xúc còn đúng trong các mối quan hệ. Khi mới hẹn hò với một ai, lúc ban đầu ta chỉ toàn thấy những cái dễ thương của cô ấy, nhưng thực ra niềm hạnh phúc bắt nguồn từ sự hưng phấn của bản thân khi bước vào một mối quan hệ mới. Trước đó bạn đã không quen ai trong một thời gian dài, thế là khi cô gái đó bày tỏ cảm xúc với bạn, bạn cũng nghĩ rằng mình thích cô ấy. Khi đính hôn với một ai, trong ta chỉ toàn là niềm vui, nhưng thực chất cảm xúc tích cực đó xuất phát từ ý tưởng về việc chuẩn bị được làm đám cưới, chứ không hẳn là vì mình sẽ trở thành vợ ai đó nay mai.
Giáo sư Gilbert đã nói rằng “Chúng ta không biết được cảm xúc đến từ đâu, thế nên rất dễ gán chúng cho một lý do sai lầm nào đó”.
Lây lan cảm xúc cũng có thể xảy đến với cảm xúc tiêu cực. Ví như nếu bạn đang cảm thấy vô cùng tệ hại vì vừa không được thăng chức, đứa bạn thân lại nhè ngay lúc này mà gọi điện hỏi bạn có muốn đi chơi bóng rổ tối nay không. Đó hiển nhiên là điều bạn luôn thích làm, thế nhưng bạn đã để cảm xúc tiêu cực nhấm chìm bản thân nên bạn có cảm giác như mình chả thấy vui vẻ gì cái màn chạy quanh sân ném bóng. Nhưng thực tế là vào những lúc như vậy, bạn càng phải đồng ý lời mời, vì chính nhờ việc vận động thân thể sẽ giúp bạn quên đi cảm giác khó chịu và cảm thấy tốt hơn.
Làm cách nào để tránh đưa ra những quyết định sai lầm giữa muốn và thích
Không phải lúc nào chúng ta cũng phân loại rạch ròi được cái mình thích và muốn, nhưng ít nhất chúng ta cũng tìm cách để hạn chế được các quyết định sai lầm cũng như tầm ảnh hưởng của nó, đặc biệt là vào những thời khắc quan trọng của cuộc đời.
- Đừng sợ khi phải theo cái mình thực sự thích, kể cả khi nó đi ngược lại với những kì vọng của văn hóa/xã hội. Khi còn đi học tôi nhận ra rằng tôi muốn trở thành giáo viên. Thế nhưng tôi lại nghĩ rằng sự ổn định cũng như hình tượng nhà giáo mẫu mực có vẻ không phù hợp với mình, thế là tôi tự thuyết phục bản thân rằng tôi muốn làm luật sư. Để rồi khi đã trầy trật qua 2 năm học luật, tôi muộn màng nhận ra rằng tôi đã đi theo khuynh hướng của xã hội thay vì cái tôi thực sự thích.
Ngày nay chúng ta bị ám ảnh bởi những con người chôn vùi bao khát khao đam mê để làm một công việc đơn thuần nào đó. Thế là, chúng ta mặc định cho bản thân phải không ngừng bức ra, không ngừng tạo nên sự khác biệt, không được đi theo lối-mòn. Thế là, cái công việc ổn định sáng đi chiều về bị gán vào những định kiến xã hội trong khi những người khởi nghiệp lại được tung hê hết lời. Lời khuyên ở đây là đừng chọn con đường mà bạn nghĩ là cool ngầu và phá cách, hãy chọn cái mà bạn thực sự thích và mặc kệ người khác nghĩ gì.
- Cho phép được thử. Nếu bạn muốn đổi việc vì quá chán ghét công việc hiện tại nhưng lại không chắc rằng mình thực sự có thích công việc mới hay không. Thay vì bỏ việc ngay tức khắc để chạy theo cái mới không rõ ràng, hãy cho phép bản thân được thử.
Nghe bất khả thi quá phải không, đặc biệt là khi cái bạn muốn thử lại nằm trong 1 lĩnh vực hoàn toàn khác. Nhưng hãy thử nhìn rộng ra một chút. Trong tổ chức bạn đang làm, liệu có một cơ hội nào tương tự mà bạn có thể thử không? Nếu bạn đang làm luật sư trong mảng kiện tụng nhưng bạn lại đang muốn thử sức ở mảng consulting, hỏi cấp trên liệu bạn có thể tham gia vào các các vụ án liên quan đến mảng này được không.
Khi đã thực sự bắt tay vào làm cái mà bạn nghĩ mình muốn, bạn sẽ có cơ hội để 1) biết được công việc mình muốn thực sự ra thế nào và 2) biết được mình có thực sự thích công việc đó hay không. Nếu câu trả lời là không thì cũng không phương hại gì cả. Bạn vẫn hoàn toàn có khả năng quay lại công việc đang có.
Một cách khác là hãy tận dụng thời gian rảnh sau giờ làm để thử làm công việc mới đó.
Nếu bạn vẫn đang còn ngồi trên ghế nhà trường thì đây chính là thời gian lý tưởng cho những phép thử. Hãy làm thực tập sinh ở mảng mà bạn nghĩ mình muốn theo đuổi sau này. Khi người trẻ hỏi tôi liệu họ có nên vào trường luật học hay không, tôi sẽ khuyến khích họ làm việc tại công ty luật trước khi chính thức đưa ra quyết định. Không có cách nào biết được nếu bạn chưa thử.
- Ghi chép nhật ký. Cuốn nhật ký sẽ giúp bạn dễ hình dung về cái mình thực sự thích và cái mình nghĩ mình thích. Kí ức của con người bị lu mờ dần theo thời gian. Nếu có dịp đi thăm thú New York lại lần nữa, hãy xem lại trang nhật ký về chuyến đi đó trước đây để xem bạn đã cảm thấy như thế nào. Có lẽ nó chả tuyệt vời như bạn nhớ đâu.
- Nhờ đến sự trợ giúp từ bạn bè và người thân. Họ là người ngoài nên sẽ có cái nhìn khách quan hơn và đưa ra đánh giá chính xác hơn về cái bạn thực sự thích.
Chẳng hạn như nếu bạn vừa mới đọc xong cuốn sách của Wendell Berry, thế là bỗng dưng ý tưởng về một đời sống vui thú điền viên nảy ra. Bạn tự thuyết phục mình rằng bạn là kiểu người thích ăn cái mình tự trồng. Bạn nói ý tưởng này với vợ. Cô nàng ngay lập tức nhắc rằng bạn đã từng phàn nàn rất nhiều trong chuyến đi một tuần đến nhà ông bà ngay tại ngoại ô thành phố. Có lẽ bạn hoàn toàn không phải là gã thích làm nông ở nhà tranh vách lá cho lắm.
- Thay đổi nhân sinh quan. Con người là một sinh vật kì lạ. Chúng ta không thích những cái mà mình nghĩ là mình muốn. Chúng ta thậm chí còn thích cái mà chúng ta chưa bao giờ nghĩ là mình muốn. Bạn cho rằng ăn đồ sống như sushi thật là ghê cho đến khi bạn nếm thử nó. Bạn khinh bỉ cuộc sống hôn nhân cho đến khi ngã đứ đừ một cô nàng nào đó và muốn tiến tới lâu dài. Bạn chán chường khi phải quay lại sống ở quê nhà, để rồi nhận ra hạnh phúc đích thực nằm chính nơi đây. Hãy luôn cởi mở và đừng ngại thử những cái mới; bạn sẽ không bao giờ biết được mình sẽ thích cái gì.
Hãy kết thúc bài viết này bằng một góc nhìn sâu sắc của Jack Jondon. Ông đã lập luận bản chất và ý nghĩa của niềm yêu thích thuần tuý để lý giải cho chuyến dong buồm đi khắp thế giới cùng vợ, điều mà những người khác nghĩ là khùng điên.
“Bạn bè của tôi không tài nào hiểu được tại sao tôi lại quyết định thực hiện chuyến đi này. Họ rùng mình, rên rỉ kể lể bao khó khăn. Bao nhiêu lời giải thích cũng không đủ để giúp họ hiểu ra rằng đây là cách mà chúng tôi chọn để giảm nhu cầu mong muốn của chính mình. Chúng tôi thà đi ra ngoài biển trên một con tàu nhỏ hơn là tồn tại trên đất liền. Đối với họ, việc tồn tại trên đất liền lại dễ hơn việc dám đi ra ngoài biển trên con thuyền bé tẹo.
Cái lối suy nghĩ này xuất phát từ tính tự tôn quá cao. Họ không thể bỏ nó đi được. Họ không thể tách bạch bản thân với bản ngã đủ lâu để có thể nhận ra rằng cái giới hạn nhu cầu của bản thân chưa chắc đã đúng với tất cả mọi người. Họ tự cho mình những khát khao ham muốn và chối từ tất cả những thước đo nào lên ham muốn của con người. “Điều này thật không công bằng tí nào.” Tôi bảo họ vậy. Nhưng họ lại không chịu rời xa cái tôi cá nhân để thực sự lắng nghe tôi. Họ nghĩ tôi điên. Mà thực ra, tôi đang thương cảm cho họ. Tôi quá quen cái lối suy nghĩ đó. Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng gã kia có vấn đề tâm thần gì đó một khi gã bất đồng quan điểm với mình.
Từ quan trọng nhất ở đây là Tôi Thích. Triết học đã nhắc đến nó, và đó là điều cốt yếu kết nối mọi mặt trong cuộc sống. Khi triết học không ngừng nhắc nhở mỗi cá thể cái mà anh ta muốn làm, anh ta đáp lại “Tôi Thích…” và rồi làm một cái gì đó khác.
Đó là lý do tại sao tôi làm con thuyền này. Vì tôi thích, vậy thôi.
___________________________________
Bạn đã bao giờ khát khao một cái gì, để rồi khi có được nó lại bẽ bàng nhận ra mình hoàn toàn không thích? Bạn học được gì từ kinh nghiệm đau thương đó?
Dịch: Hạnh Nguyên
Nguồn: http://www.artofmanliness.com/2015/05/12/wants-vs-likes/