Ngộ nhận trong tâm lý học - Trái tính thích nhau
Đó là cốt truyện của một bộ phim Hollywood mà tất cả chúng ta đều thích, muốn xem và có thể thuật lại từng chi tiết. Hãy mua bắp rang bơ, nước ngọt, nho khô, và sẵn sàng vào chỗ ngồi, vì tấm màn sân khấu sắp được kéo lên.
Đó là cốt truyện của một bộ phim Hollywood mà tất cả chúng ta đều thích, muốn xem và có thể thuật lại từng chi tiết. Hãy mua bắp rang bơ, nước ngọt, nho khô, và sẵn sàng vào chỗ ngồi, vì tấm màn sân khấu sắp được kéo lên.
Cảnh 1: Chiếc máy quay phim chiếu cảnh một căn phòng nhỏ bừa bộn, vương vãi nhiều thứ. Ở đó, có một chàng trai đầu trọc, hơi béo, trông luộm thuộm tên Joe Cantgetadate đang nằm trên giường đọc tiểu sử của Ronald Reagan. Joe 37 tuổi, hay xấu hổ, hơi gàn và đặc biệt thiếu tự tin. Trước đây không lâu, anh làm quản lý thư viện, nhưng hiện tại không có việc làm. Joe không hề hẹn hò ai suốt ba năm nay và cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng.
Cảnh 2: Trên lối đi ra khỏi căn hộ của mình một giờ sau đó, Joe vô tình đâm sầm vào một phụ nữ tuyệt đẹp tên là Candice Blondebombshell, 25 tuổi. Joe làm rơi tất cả những túi đồ trong tay Candice xuống đất, vương vãi khắp cả lối đi. Anh cúi xuống giúp cô nhặt chúng lên. Candice không chỉ đẹp mà con cởi mở, có tài giao tiếp, sành điệu. Cô làm phục vụ bán thời gian ở một nhà hàng cao cấp và dành toàn bộ thời gian còn lại làm người mẫu cho một công ty thời trang hàng đầu. Khác với Joe, người khá bảo thủ, Candice là một người tôn thờ tự do. Rụt rè, Joe mời Candice đi ăn tối để hẹn hò, nhưng không bết bối rối thế nào lại hỏi cô muốn có bạn trai không. Candice bật cười và lịch sự nói với Joe rằng mình đã có bạn trai (Brad Crowe Cruise, một người nổi tiếng) rồi.
Cảnh 50: Sau 48 cảnh, kéo dài 2 tiếng rưỡi, Joe (sáu tháng sau lại vô tình va vào Candice ở nhà hàng, làm rơi bể tất cả chén đĩa, ly tách mà cô đang bưng) bằng cách nào đó đã chiến thắng được trái tim Candice sau khi cô vừa kết thúc mối quan hệ với anh chàng Brad Crowe Cruise. Candice, trước kia vốn không có ấn tượng gì với anh chàng Joe vụng về, giờ đây lại thấy anh đáng yêu và hấp dẫn. Joe quỳ xuống, cầu hôn Candice và cô đồng ý. Danh sách những người thực hiện bộ phim xuất hiên trên màn hình, màn sân khấu khép lại và bạn vội vàng lấy khăn giấy lau nước mắt.
Nếu cốt truyện này có vẻ quen, đó là vì quan điểm cho rằng “trái tính hợp nhau” đã quá phổ biến trong nền văn hóa của chúng ta. Phim ảnh, tiểu thuyết, hài kịch truyền hình không thiếu những câu chuyện hai người trái tính nhau cuối cùng lại phải lòng nhau. Thậm chí còn có hẳn một trang web dành riêng cho những bộ phim có cốt truyện như thế, chẳng hạn như phim Anh nhận được thư (1998) do Tom Hanks và Meg Ryan đóng, và phim Cô gái ở Manhattan (2001) do Jennifer Lopez và Ralph Fiennes đóng vai chính. Bộ phim hài nổi tiếng năm 2007 có tên Gõ cửa, do Seth Rogen và Karathine Heigl đóng vai chính, có lẽ là phim cuối cùng trong loạt phim dường như không bao giờ kết thúc về mối tình lãng mạn của những cặp đôi không đội trời chung (theo một trang web, thì bộ phim có nội dung về tình yêu của hai người có tính cách trái ngược hay nhất mọi thời đại là bộ phim hài năm 1934 có tên Điều ấy xảy ra trong một đêm).
Nhiều người trong chúng ta tin rằng những người khác nhau về tính cách, tín ngưỡng, hình dáng bên ngoài, như Joe và Candice, lại bị thu hút lẫn nhau (thuật ngữ chuyên môn dùng để chỉ sức lôi cuốn giữa hai người khác tính nhau là “bổ sung”). Chuyên gia tâm lý Lynn McCutcheon đã phát hiện 77% sinh viên tán thành với quan điểm khác tính hợp nhau trong nhiều mối quan hệ. Trong cuốn sách nổi tiếng của mình mang tên “Khác tính thì hợp nhau”, Tim Lahaye đã chia sẻ với độc giả rằng: “hai người có tính tình giống nhau gần như không bao giờ kết hôn với nhau. Vì sao? Vì tính cách giống nhau thường mâu thuẫn với nhau, họ không hợp nhau”. Niềm tin này cũng phổ biến ở những trang web hẹn hò.Trên một trang web có tên “Bạn trăm năm”, tiến sĩ triết học Harville Hendrix nhận xét rằng: “Theo kinh nghiệm của tôi, thì chỉ có những người trái tính nhau mới hợp nhau vì đó là bản chất của thực tế”. Ông nói them: “Ngộ nhận lớn trong nền văn hóa của chúng ta là quan điểm cho rằng sự tương đồng chính là nền tảng cho một mối quan hệ. Thật ra, sự tương đồng là nền tảng của sự tẻ nhạt.” Một trang web khác có tên “Bí quyết hẹn hò” chia sẻ với người truy cập rằng: “Câu nói trái tính thích nhau hoàn toàn đúng trong vài trường hợp. Có lẽ, chính nét đa dạng của sự khác nhau đã tạo ra nét thu hút ban đầu… một số người cảm thấy sự khác nhau rất thú vị”.
Nhưng cũng có một câu thành ngữ trái ngược với thành ngữ “trái tính thích nhau”. Nếu từng nghe câu thành ngữ “trái tính thích nhau” thì có lẽ, không ít lần bạn cũng nghe nó đến câu thành ngữ “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Câu thành ngữ nào được khoa học ủng hộ hơn?
Không may cho tiến sỹ Hendrix, điều mà ông cho là ngộ nhận lại đúng. Khi nói đến những mối quan hệ giữa cá nhân với nhau, sự khác biệt không tạo ra được sức thu hút. Thay vào đó, sự đồng điệu (thuật ngữ dùng để chỉ khuynh hướng những người có nhiều điểm chung thường hợp nhau), chứ không phải sự bổ sung, mới là yếu tố quyết định. Ở khía cạnh này, những trang web hẹn hò như Match.com, eharmony.com, cố gắng kết hợp hai người bạn đời tương lai dựa trên nét tương đồng cơ bản về tính cách, quan điểm, thường đi đúng hướng (dù không có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy mức độ thành công thực sự của những trang web này trong việc kết đôi mọi người).
Thật ra, rất nhiều cuộc nghiên cứu chứng minh rằng đa số mọi người thường bị cuốn hút bởi những người có tính cách giống mình hơn so với những người có tính cách khác mình.
Ví dụ, những người có tính cách thuộc mẫu A (là những người mạnh mẽ, thích cạnh tranh, đúng giờ, khó tính) thường thích hẹn hò với những người cũng có tính cách thuộc mẫu A, còn những ai có tính cách ngược lại thích hợp với những người có tính cách thuộc mẫu B. Nhân tiện đây, quy luật trên cũng đúng với tình bạn. Thực tế là ta thường thích chơi với những người có cùng tính cách hơn so với những người khác tính với mình.
Sự tương đồng về tính cách không chỉ tạo ra được cảm tình ban đầu, nó còn là dấu hiệu của hạnh phúc và hôn nhân bền vững. Sự tương đồng về tính tận tâm còn đặc biệt quan trọng đối với sự mãn nguyện trong hôn nhân. Do đó nếu bạn là một người bừa bộn, cẩu thả, thì tốt nhất không nên tfm một anh chàng hay cô nàng ngăn nắp, gọn gàng.
Quan điểm “giống nhau thích giống nhau” không chỉ đúng về mặt tính cách, mà còn về quan điểm và giá trị sống nữa. Công trình nghiên cứu kinh điển của Donn Byrne và đồng nghiệp của mình chứng minh rằng quan điểm của một ai đó càng giống ta (ví dụ, quan điểm về chính trị), ta lại càng thích người ấy hơn. Thật thú vị, mối quan hệ này cũng tương tự với cái mà các nhà tâm lý học gọi là chức năng “đường thẳng”, nghĩa là mức độ tương đồng về quan điểm hình thành nên mức độ thích nhau tương ứng. Do đó, khả năng ta thích một người có cùng quan điểm với mình ở 6/10 vấn đề sẽ cao hơn gấp đôi so với người chỉ đồng quan điểm với mình ở 3/10 vấn đề. Tuy nhiên, cũng có một vài bằng chứng cho rằng sự bất đồng quan điểm thậm chí còn dự đoán được sự hòa hợp giữa hai ngườ rõ nét hơn với sự tương đồng quan điểm. Nghĩa là dù những người có đồng quan điểm thường thích hay hợp nhau, nhưng những người bất đồng quan điểm lại đặc biệt ghét nhau. Do đó, ít ra là về quan điểm, thì những người bất đồng quan điểm không những không thích nhau, mà họ còn mâu thuẫn với nhau.
Tương tự, năm 2003, hai nhà sinh học Peter Buston và Stephen Emlen đã yêu cầu 978 người tham gia đánh giá mức độ quan trọng của 10 tiêu chuẩn mà họ dành cho người bạn đời trăm năm của mình, như giàu có, tham vọng, trung thực, cách nuôi dạy con và ngoại hình. Sau đó, họ yêu cầu những người này đánh giá về bản thân cũng dựa trên 10 tiêu chuẩn ấy. Hai bản đánh giá đều trùng khớp với nhau đáng kể, và thậm chí sự trùng khớp này ở phụ nữ cao hơn nam giới, dù nguyên nhân gây ra sự khác biệt này ở hai giới tính là không rõ ràng. Tuy nhiên ta cũng không nên đi quá sâu vào những phát hiện của Buston và Emlen, vì chúng chỉ hoàn toàn dựa vào ý kiến cá nhân. Những gì mọi người nói là mình muốn từ người bạn đời không phải lúc nào cũng đúng với những gì họ thật sự muốn, và mọi người đôi khi cũng thiên vị khi tự đánh giá bản thân. Thêm vào đó, những gì mọi người cho rằng mình đánh giá cao ở người bạn đời tương lai không phải lúc nào cũng dự đoán được cảm tình ban đầu họ dành cho người kia (không ít người trong chúng ta từng phải lòng người mà mình biết rõ không tốt với mình). Nhưng những phát hiện của Buston và Emlen cũng trùng khớp với kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu khác, chứng tỏ rằng khi tìm kiếm người bạn đời cho bản thân, ta thường tìm kiếm một người có cùng tính cách, quan điểm và những giá trị sống với mình.
Ngộ nhận cho rằng khác tính thích nhau bắt nguồn như thế nào? Không ai biết rõ, nhưng chúng tôi đưa ra ba khả năng để bạn xem xét.
Trước hết, ta phải thừa nhận rằng ngộ nhận này xuất phát từ nhiều bộ phim tình cảm lãng mạn của Hollywood. Kết thúc có hậu của Joe và Candice có thể thú vị và lãng mạn hơn với kết thúc có hậu của hai người giống nhau. Trong hầu hết mọi trường hợp, những kết thúc như thế cũng khiến người xem thỏa mãn hơn. Vì ta thường gặp những câu chuyện tình lãng mạn thuộc thể loại “trái tính hợp nhau” nhiều hơn so với thể loại “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” trong phim ảnh, sách báo, nên quan điểm “trái tính thích nhau” phổ biến hơn với ta.
Thứ hai, ta thường mong muốn tìm được người có thể làm cho mình trở nên “trọn vẹn”, người có thể bổ sung cho những khuyết điểm của mình. Bob Dylan từng viết về khao khát muốn tìm thấy “nửa còn thiếu” giúp ta toàn diện, cũng như phần còn thiếu trong trò chơi lắp hình, trong một bản tình ca của ông (Tình ca đám cưới, được trình bày năm 1973). Nhưng khi phải chọn lựa, ta thường chọn những người có nhiều điểm chung nhất với mình.
Cuối cùng, trong ngộ nhận “trái tính thích nhau” thật ra cũng có một phần sự thật, vì một vài khác biệt thú vị giữa hai người bạn đời có thể giúp cho mối quan hệ của họ mặn nồng, thi vị hơn. Cuộc sống với một người luôn nhìn nhận mọi thứ theo cách của ta, và luôn đồng quan điểm với ta về mọi vấn đề, có thể khá êm đềm, hòa thuận, nhưng lại tẻ nhạt. Tuy nhiên, cũng chưa có chuyên gia nào thực hiện một cuộc nghiên cứu có hệ thống về mối quan hệ giữa “những người có đồng quan điểm, tính cách, giá trị sống nhưng lại có một vài khác biệt”. Do đó, cho đến khi họ tìm ra, thì cách tốt và an toàn nhất cho Joe trong cuộc sống thực tế là tìm cho mình nữ quản lý thư viện cũng hơi béo và bừa bộn.
Trích từ cuốn sách “50 ngộ nhận phổ biến của Tâm lý học phổ thông”. Tác giả: Scott O.Lilienfeld, Steven Jay Lynn, John Ruscio. Người dịch: Nguyễn Hoàng