Những điều tốt đẹp chỉ đến với những ai biết chờ đợi: Sức mạnh và Niềm vui của việc Trì hoãn sự thỏa mãn  

nhung-dieu-tot-dep-chi-den-voi-nhung-ai-biet-cho-doi-suc-manh-va-niem-vui-cua-viec-tri-hoan-su-thoa-man  

Các nhà khoa học cho thấy bộ não của chúng ta trải nghiệm nhiều niềm vui hơn khi chúng ta đang nỗ lực hướng tới các mục tiêu của mình, hơn là khi chúng ta thực sự đạt được chúng.

Khi tôi hẵng còn là một cậu bé béo ú ở trường trung học, người thậm chí không thể thực hiện nổi một cú hít xà, thì từ khi vào đại học cân nặng của tôi đã về lại mức trung bình; tôi không vạm vỡ cũng chẳng thừa cân.

Nhưng cân nặng của tôi dao động lên xuống khoảng 10 pounds tùy thuộc vào việc tôi ăn uống và tập luyện tốt ra sao. Nhưng sau kỳ nghỉ ăn uống phủ phê bánh quy đường của chúng tôi gần đây, tôi thấy cái cân chỉ đến mức tối đa. Vì vậy tôi quyết định tôi cần làm việc gì đó để giảm bớt số cân nặng.

Gần đây tôi có mua cuốn sách mới của Tim Ferriss, The Four Hour Body. Ý tưởng đằng sau cuốn 4HB khá xuất sắc; trong nhiều năm, Ferriss đã trở thành một con chuột bạch, tiến hành đủ thứ thí nghiệm trên chính ông ta hướng đến việc khám phá những cách thức để đột nhập vào cơ thể con người.

Trong cuốn sách, Ferriss đề xuất “Chế độ ăn Slow Carb,” vậy nên tôi quyết định thử một lần xem sao. Chế độ ăn này khá đơn giản. Bạn ăn protein, đậu và rau trong mỗi bữa ăn. Trái cây, carbs tinh luyện, và đường hoàn toàn không được phép, ngoại trừ….một ngày một tuần. Vào ngày đó bạn có thể ăn bất cứ thứ gì bạn muốn. Bất cứ món gì mà cái bụng-thiếu tinh bột của bạn thèm muốn. Phương pháp này giống với Chế độ ăn Body for Life.

Vì vậy tôi thử làm theo chế độ ăn Slow Carb và khá hài lòng khi giảm được 10 pound trong khi tôi đang thực hiện nó. Nhưng lợi ích lớn nhất của nó là đã thức tỉnh tôi trước một sự thật vượt thời gian: trì hoãn sự thoả mãn mang lại niềm vui lớn hơn. Trong suốt tuần lễ khi tôi ngồi trước đĩa ức gà, đậu và bông cải xanh, tôi sẽ mơ tưởng đến những món mà tôi sẽ ăn vào “ngày tự do” của mình. Và khi ngày đó đến, được cắn ngập răng vào một cái bánh burger khổng lồ và òa khóc trước một bát kem thật quá đỗi sung sướng. Carbs sẽ tràn ngập bộ não của tôi và khiến tôi hân hoan.

Trước khi thực hiện chế độ ăn kiêng này, tôi từng xơi thức ăn “tồi” chỗ này chỗ kia suốt cả tuần. Và chúng rất ngon, nhưng sớm trở thành thứ tầm thường, không còn gì thú vị trên thang khoái lạc. Kiềm chế lại dù chỉ một tuần thôi cũng khiến chúng ngon hơn gấp 10 lần.

Đây là một nguyên tắc không chỉ áp dụng được cho thức ăn mà còn cho tất cả các lĩnh vực của cuộc sống chúng ta. Thứ gì đó càng hiếm hoi, và chúng ta càng trì hoãn việc chiếm được thứ mà ta muốn thì khoái lạc và phần thưởng càng lớn khi cuối cùng chúng ta cũng có được nó.

Thiết lập những giới hạn của chúng ta trong thời đại Anomie (loạn kỷ cương và lệch chuẩn)

Chúng ta đang sống trong một thế giới thỏa mãn tức thời. Rất nhiều lạc thú mà chúng ta muốn luôn sẵn sàng bất cứ lúc nào, dù đêm hay ngày. Muốn xem phim đen? Chỉ cần một cú nhấp chuột. Cần chút thức ăn? Hâm nóng bữa tối bằng lò vi sóng, xé cái túi đó, hay đi đến một cửa hàng đồ ăn nhanh 24 giờ. Muốn mua một chiếc camera mới vào lúc 3 giờ sáng trong lúc đang bận quần lót? Hãy lướt qua Amazon. Muốn nói chuyện với một người bạn? Hãy gửi một tin nhắn. Cần giải trí? Hãy vớ lấy chiếc điều khiển từ xa của bạn.

Đó là thời đại của ngay và luôn. Miệng vòi khoái lạc liên tục chảy hết công suất.  

Trong thời đại của Anomie nơi các quy tắc và tiêu chuẩn xã hội nhường chỗ cho sự tự do cá nhân hết tốc lực, sẽ không có ai ngăn cản bạn dán miệng vào cái vòi khoái lạc đó và đong đầy cho đến khi họ buộc phải lôi bạn đi. Việc đó hoàn toàn phụ thuộc ở bạn với tư cách là người đàn ông để kiểm soát dòng chảy, để bật và tắt vòi, để đặt giới hạn cho chính mình không phải vì bạn phải làm thế, mà vì bạn muốn làm thế. Trong khi xã hội từng kiểm soát những gì là thiêng liêng hoặc đặc biệt, thì bây giờ bạn phải chủ động tự mình kiểm soát chúng.

Tại sao bạn muốn làm điều đó? Để tăng niềm vui, hạnh phúc và sự nam tính của bạn.

Những lợi ích của trì hoãn sự thỏa mãn 

Rõ ràng là chúng ta đang nói về sự khổ hạnh ở đây. Ngày nay đây là một trong những từ cực kỳ kém phổ biến, giống như “hy sinh” và “kỷ luật.” Nó khiến bạn cảm thấy ngứa ngáy và nghẹt thở khi nghĩ đến. Tại sao bạn muốn khước từ bản thân thứ gì đó?

Vì thật tình là, trì hoãn sự thỏa mãn của những ham muốn của bạn mang đến vô vàn lợi ích đầy bất ngờ:

Giúp bạn hài lòng với những gì mình có

Một điều mà tôi nhận thấy trong khi thực hiện chế độ ăn kiêng Slow Carb Diet là nó phục hồi lại chồi vị giác của tôi. Trong khi bình thường sau khi ăn tối tôi sẽ muốn thứ gì đó ngọt ngọt như một cái bánh brownie, nhưng khi ăn kiêng, một tách trà thảo mộc không đường đã đủ “ngọt” để đạt hiệu quả. Các chồi vị giác của tôi từng rơi vào trạng thái chán phè; tạm dừng ăn mấy món siêu ngọt đó một thời gian sẽ mang sự nhạy cảm đó quay trở lại đến độ chỉ một tí chút đồ ngọt cũng khiến ta thỏa mãn.

Khi bạn trì hoãn sự thỏa mãn của mình, khi bạn cuối cùng cũng có được thứ bạn muốn, bạn sẽ khám phá ra bạn cần nó ít hơn bạn nghĩ hoặc bạn hoàn toàn chả cần đến nó. Bạn nghĩ là bạn cần có một chiếc laptop mới, nhưng quyết định đợi 2 tháng cho đến khi bạn mua nó, và khi cái ngày đó đến, bạn nhận ra chiếc máy cũ chạy vẫn ngon.

Truyền cảm hứng cho bạn trân trọng mọi thứ hơn    

Ngay cả nếu bạn quyết định bạn vẫn muốn có thứ mà bạn đang khao khát, khi bạn có được nó sau một khoảng thời gian trì hoãn sự thỏa mãn, bạn sẽ chăm sóc nó tốt hơn. Bố mẹ bạn luôn đúng…Nếu bạn tự mua chiếc xe điều khiển từ xa đó thì bạn sẽ giữ gìn nó tốt hơn! Nếu bạn dành dụm tiền để mua một đôi giày thật đẹp thì bạn sẽ bỏ thời gian và công sức để bảo quản chúng. Khi chúng ta có cảm giác mình giành được thứ gì đó, chúng ta không muốn phí phạm công sức của mình. Điều này đưa chúng ta đến điểm tiếp theo …

Cho phép bạn tận hưởng sự thỏa mãn không-tội lỗi   

Bạn đã bao giờ mua một thứ gì đó mà bạn thật sự thích nhưng không đủ khả năng chi trả chưa? Niềm vui bạn có được từ chuyện mua sắm đó có khả năng giảm đi đáng kể bởi cảm giác tội lỗi rằng bạn lẽ ra không nên mua nó. Và do đó bạn không thể tận hưởng trọn vẹn món đồ bạn mới mua.

Nhưng khi bạn đợi cho đến lúc kiếm đủ tiền để mua nó thì tất cả niềm vui đều là của bạn để mặc sức tận hưởng. 

Khi tôi thực hiện chế độ ăn Slow Carb, tôi có thể ăn hết một cái bánh pizza mà không một chút tội lỗi, không phải nghĩ, “Quỷ tha ma bắt, mình không nên ăn cái này.”

Cho phép bạn cảm nhận và trải nghiệm cuộc sống sâu sắc hơn 

Thiên đàng ở phía bên kia của cảm giác mà bạn có được khi bạn đang ngồi trên đi-văng rồi bạn đứng dậy và ngốn hết một cái bánh sandwich ba tầng. Nó nằm ở phía bên kia của điều đó, khi bạn không ăn bánh sandwich. Nó chỉ về sự hy sinh. Nó nói về việc từ bỏ thứ mà về cơ bản ngăn cản bạn cảm nhận. Dù sao thì tôi tin là thế. Tôi luôn tự hỏi, “Tôi sẽ từ bỏ cái gì tiếp theo?” Vì tôi muốn cảm nhận. 

Jim Carrey

Tôi biết, tôi biết, thật khó mà đón nhận lời khuyên từ người đàn ông đóng vai chính trong bộ phim Dumb and Dumber (Siêu ngốc gặp nhau), nhưng anh chàng này thật sự đã đưa ra một quan điểm rất khôn ngoan ở đây.

Một trong những thứ mà ai ai cũng mong muốn nhất trong cuộc đời là cảm nhận, trong một khoảng thời gian nào đó. Không chỉ đơn giản là cảm thấy vui, thấy sướng, mà là cảm nhận, và cảm nhận một cách sâu đậm. Đây là lý do tại sao dù phụ nữ có tiếng là thích tạo drama, tôi biết cánh mày râu cũng làm thế–giả dụ, bằng cách lừa dối cô gái mà họ yêu thật lòng–để tạo ra một tình huống bất an to lớn trong tiềm thức. Vì thật trớ trêu, dù nỗi bất an là một cảm xúc “tiêu cực” thì ở một mức độ nào đó, thật là khoái khi chỉ đơn giản được cảm nhận thứ gì đó–bất cứ điều gì–thật mãnh liệt.       

Nhưng có những cách lành mạnh hơn để cảm nhận sâu sắc hơn là tự mình tạo ra drama, chẳng hạn như cố tình tạo ra cơn đói (và ý tôi muốn nói về cơn đói ở đây theo một nghĩa rộng hơn là cơn thèm đồ ăn).

Chúng ta thường nghĩ rằng đói là "xấu" và no là “tốt.” Nhưng mỗi trạng thái là một phần của quang phổ của trải nghiệm ở con người và mỗi cái đều có giá trị của nó; mỗi người cần cảm nhận cả hai thật mãnh liệt để hiểu bản thân anh ta và thế giới.

Nếu bạn muốn trải nghiệm cuộc đời đến tận cùng, bạn phải thấy hài lòng với cả hai cảm giác no và đói; nếu bạn lúc nào cũng nhồi đầy cuộc đời mình bằng những lạc thú thì bạn sẽ bỏ lỡ hoàn toàn một chiều kích khác của trải nghiệm con người.

Tăng cường sức mạnh và kỷ luật tự giác của bạn  

Một ham muốn có thể sẽ nhận được nhiều sự chú ý quan tâm hơn những ham muốn khác, và nó sẽ đòi hỏi sự chú ý—giống như một người hầu được nuông chiều quá mức—bằng cách âm thầm thay thế luôn vị trí của chủ nhân…Toàn bộ người đàn ông, cơ thể và tâm hồn, buộc phải lao động khó nhọc để thỏa mãn một ham muốn đang chế ngự anh ta. Những khả năng thiên phú cao quý nhất trong bản chất con người bị bắt phải làm những công việc lao lực, khổ sai để cung phụng chính bản chất đó.  

-William Burns Thomson, Habit, 1864

Mỗi người nên tìm cách làm chủ chính mình. Một người đàn ông nên có khả năng quyết định khi nào và ở đâu để thỏa mãn những ham muốn của anh ta trái ngược với việc để cho mình bị ham muốn kéo qua kéo lại. Một người đàn ông là nhà vua, chứ không phải nô lệ. Trì hoãn sự thỏa mãn của bạn giúp tăng cường sự tự tin—bạn đang kiểm soát cuộc đời mình, chứ không phải cảm xúc hay hoàn cảnh của bạn–và kỷ luật tự giác của bạn. Như chúng ta đã thảo luận, kỷ luật giống như một cơ bắp phải được rèn luyện để tăng cường sức mạnh của nó.

Tự do không có được bằng việc thỏa mãn hết thảy mọi ham muốn, mà bằng cách kiểm soát ham muốn đó.

 -Epictetus triết gia Khắc kỷ

Gia tăng niềm vui và hạnh phúc của bạn 

Hóa ra tất cả những miếng sticker dán trên xe hơi đó và những lời bài hát đã đúng về chuyện tiền bạc; quan trọng là hành trình chứ không phải đích đến.

Các nhà khoa học cho thấy bộ não của chúng ta trải nghiệm nhiều niềm vui hơn khi chúng ta đang nỗ lực hướng tới các mục tiêu của mình, hơn là khi chúng ta thực sự đạt được chúng. Nghe thật kỳ lạ, nhưng hãy nghĩ về việc mong đợi và đếm ngược đến ngày Giáng sinh thì thú vị biết nhường nào hơn cả bản thân ngày lễ Giáng Sinh. Tôi chắc chắn rằng chúng ta đều có những khoảnh khắc đó, khi chúng ta rất cố gắng vì một thứ gì đó, và khi ta cuối cùng cũng có được nó, nó lại cho ta cảm giác cụt hứng kỳ lạ. Hành trình quả thực mới là phần tuyệt nhất.

Một trong những ví dụ thú vị nhất của sự thật này có thể được nhìn thấy trong một nghiên cứu được thực hiện về ảnh hưởng của kỳ nghỉ lên mức độ hạnh phúc của con người. Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy bất kể một kỳ nghỉ vui vẻ và dễ chịu như thế nào đối với con người, hạnh phúc của họ đã lập tức về lại mức cơ bản 2 tuần hoặc ít hơn sau chuyến đi của họ. Thứ thúc đẩy hạnh phúc lớn nhất của con người thực sự đến từ việc mong đợi về kỳ nghỉ chứ không đến từ việc đi nghỉ mát! Chỉ cần nghĩ đến kỳ nghỉ sắp tới sẽ tuyệt vời ra sao cũng khiến con người hạnh phúc hơn trong 8 tuần trước đó. Do đó các nhà nghiên cứu khuyên mọi người nên có nhiều kỳ nghỉ ngắn trong năm thay vì một kỳ nghỉ dài, do đó sẽ làm tăng khoảng thời gian mà họ dành để ngóng trông về kỳ nghỉ của họ.    

Và trì hoãn sự thỏa mãn của bạn cũng làm tăng niềm vui của phần thưởng, bằng cách tăng cơn đói của bạn, như nhiều người đã nhận thấy, quả thực là “gia vị tốt nhất.” Nếu không có sự tương phản, bạn không thể trải nghiệm lạc thú của một thứ gì đó; bạn không thể có ngọt bùi nếu thiếu đắng cay.

Một lần nữa, chúng tôi không chỉ nói về thức ăn ở đây. Ví dụ, điều này cũng đúng với sự gần gũi thể xác trong một mối quan hệ—bạn càng trì hoãn chuyện ấy càng lâu thì chuyện “động phòng” càng trở nên ngọt ngào hơn. Ngay cả những cặp đôi không muốn chờ đợi đến khi kết hôn mới làm chuyện ấy thì thường cũng “kiêng khem” tình dục trước đám cưới của họ, nhịn chuyện ấy trong một hoặc hai tháng trước trong một nỗ lực nhằm xây đắp sự mong đợi và háo hức cho ngày trọng đại và tuần trăng mật.

Vì vậy bất kể bạn muốn điều gì, hãy trì hoãn sự thỏa mãn của bạn để làm tăng niềm vui của bạn.

Kết

Mỗi người đàn ông đều có một nguồn sức mạnh to lớn và nguồn sức mạnh chưa được sử dụng rất lớn lao: sức mạnh để sống hướng thượng trong cuộc đời anh ta. Sử dụng sức mạnh này cùng với trí tuệ là một phần quan trọng của việc là một người đàn ông trưởng thành. Bằng cách cố tình, thận trọng tạo ra sự khan hiếm trong cuộc đời bạn và trì hoãn sự thoả mãn của bạn, bạn có thể gia tăng hạnh phúc, khoái lạc và sức mạnh của mình, cùng với sự sống động mà bạn trải nghiệm cuộc sống.

 

Nguồn

https://www.artofmanliness.com/articles/delayed-gratification/

menu
menu