Nỗi sầu công việc

noi-sau-cong-viec

Công việc khiến ta thất vọng không phải là ngẫu nhiên, mà là không thể tránh khỏi vì ít nhất là 8 lý do tâm điểm.

Giới thiệu

Mọi người đều có một cảm xúc chung về công việc, đó là thất bại. Ta thất bại vì ta kiếm ít tiền hơn mong muốn, vì ta bị cho ra rìa trong tổ chức của mình, vì rất nhiều người thân quen của ta thành công, vì kế hoạch của ta vẫn còn đang nằm trên bảng vẽ, vì ta luôn cảm thấy lo lắng và vì ta vẫn luôn, đã từ lâu rồi, rất rất buồn chán.

Ta thường nhìn nhận nỗi sầu thảm của mình trong thâm tâm. Ta tin rằng thất bại có liên hệ mật thiết với tính cách và những sự lựa chọn của mình. Nhưng có một đề xuất cho rằng nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thất bại nằm ở thứ mà những người có ý thức, khiêm tốn bình thường đều chán ghét theo bản năng: cái hệ thống ta đang sinh sống. Dù có do dự thế nào, có vẻ như ta đều xứng đáng để nhận định lại ít nhất là một số lời giải thích cho những khốn khổ của mình, không phải từ trải nghiệm cá nhân mà hướng đến những tác động lịch sử và kinh tế quy mô lớn. Dù trong cuộc sống hàng ngày, ta thường vướng vào những rắc rối (những sai lầm, ham muốn, hoảng loạn) khiến ta cảm thấy đó đều là trách nhiệm của bản thân, nhưng nguyên nhân thực sự có thể không phải ở chúng ta mà nằm ở dòng chảy lịch sử to tát, quy mô hơn: nằm ở cách cơ cấu các ngành công nghiệp, cách các chuẩn mực được định ra và cách các giả thiết của chúng ta được thành lập. Chủ nghĩa tư bản từ lâu nay vẫn luôn là một chế độ rất khó để duy trì sự cân bằng, tìm kiếm thanh thản trong tâm hồn, thỏa mãn trong công việc - và rất khó để đối phó. Lỗi không hẳn là ở ta nếu như có lúc - thực chất là rất thường xuyên - ta cảm thấy như một kẻ thất bại.

Bài viết này không nhằm mục đích đào sâu vào chủ nghĩa tư bản, hay đề xuất một chế độ khác dễ dàng hơn. Mọi nền kinh tế từng hiện diện đều ràng buộc với một vài nỗi sầu khổ. Tổ chức một hệ thống công bằng với những khuyến khích, tưởng thưởng và kích thích nằm ngoài khả năng của chúng ta. Ta nên được phép đưa ra những chỉ trích, không phải với mục đích tranh cãi về một chế độ sống lý tưởng, mà là để tách suy nghĩ thất bại ra khỏi bản thân.

Công việc khiến ta thất vọng không phải là ngẫu nhiên, mà là không thể tránh khỏi vì ít nhất tám lý do tâm điểm:

vì quy mô ngành công nghiệp đã cướp đi ý nghĩa của chúng ta,

vì yêu cầu chuyên môn hạn chế tiềm năng của chúng ta,

vì mối quan tâm tư bản vắt kiệt những sáng kiến riêng,

vì giới hạn sự lựa chọn của người tiêu dùng buộc ta phải thương mại hóa sản phẩm của mình quá mức chấp nhận được,

vì cạnh tranh tạo nên những mối lo âu vô hạn,

vì nhu cầu hợp tác khiến ta phát điên,

vì những tham vọng lớn lao khiến ta cay đắng và

vì ý niệm thế giới coi trọng nhân tài đặt lên vai ta gánh nặng trách nhiệm cho những thất bại của mình.

Hiểu được những nỗi sầu khổ của công việc không xóa bỏ chúng một cách thần kỳ, nhưng ít nhất điều này sẽ làm vơi bớt gánh nặng suy nghĩ rằng mình ngu lắm vụng về lắm nên mới phải chịu đựng những bất hạnh này.

Chuyên môn hóa

Một trong những nỗi sầu lớn nhất trong công việc bắt nguồn từ suy nghĩ chỉ một phần rất nhỏ tài năng của ta được áp dụng trong công việc ta làm hằng ngày. Ta có thể làm được nhiều hơn rất nhiều so với những gì công việc ta đảm nhận cho phép. Chức danh trên tấm danh thiếp chỉ là một trong hàng nghìn chức danh ta sở hữu theo lý thuyết.

Trong bài “Song of Myself” (Bài hát về bản thân tôi), xuất bản năm 1855, nhà thơ người Mỹ Walt Whitman đã đưa ra một câu nói đáng nhớ: “Tôi vĩ đại, trong tôi chứa đựng vô vàn điều  hay” - ý ông là trong mỗi cá nhân đều có rất nhiều phiên bản thú vị, hấp dẫn và tài năng, vì vậy nên mỗi người có rất nhiều cách tốt để sống và làm việc, nhưng hiếm trong số đó thực sự trở thành hiện thực trong cuộc đời duy nhất của chúng ta. Thế nên ta luôn âm thầm và đau đớn suy ngẫm về những định mệnh không được hoàn thành - và đôi lúc nhận ra trong khổ sở rằng mình đáng lẽ có thể trở thành một điều gì đó khác, một con người khác.

Một lý do lớn cho việc tại sao ta không thể khám phá tiềm năng của bản thân là vì ta thu được nhiều hơn khi không làm điều đó. Trong quyển The Wealth of Nations (Sự Thịnh Vượng Của Các Quốc Gia), xuất bản năm 1776, nhà kinh tế học và triết học người Scotland Adam Smith lần đầu tiên giải thích vì sao “phân công lao động” là trung tâm dẫn đến gia tăng năng suất của chủ nghĩa tư bản. Smith nhấn mạnh vào sự hiệu quả chói lọi có thể đạt được trong sản xuất cái ghim, nếu mọi người tập trung vào một nhiệm vụ nhỏ hẹp (và ngừng khám phá “những đa dạng” trong bản thân):

Một người kéo sợi dây ra, người khác duỗi thẳng, người thứ ba cắt, người thứ tư mài nhọn, người thứ năm dũa để gắn phần đầu vào; để làm phần đầu cần hai đến ba thao tác riêng biệt; lắp ráp là một công đoạn riêng, tẩy trắng là một công đoạn khác nữa; và ghim nó vào giấy cũng là một cuộc đổi chác; và theo cách này, ngành công nghiệp chế tạo một cái ghim được chia làm khoảng mười tám công đoạn khác nhau, tất cả được thực hiện bằng những bàn tay khác nhau. Tôi đã thấy một xưởng sản xuất nhỏ có thể cho ra trên bốn mươi tám nghìn chiếc ghim một ngày. Nhưng nếu mỗi người trong số họ làm tách biệt và độc lập, và không ai trong số họ được đào tạo về toàn bộ quy trình của ngành kinh doanh này, trong một ngày họ có lẽ chẳng tạo ra nổi một chiếc ghim.

- Adam Smith, The Wealth of Nations, Quyển 1, Chương 1 Of the Division of Labour (Phân công lao động)

Adam Smith dự liệu như thần. Làm một công việc duy nhất trong hầu hết cuộc đời mang lại ý nghĩa kinh tế hoàn hảo. Nhờ cái thế giới mà Smith đã tiên đoán trước - và góp phần biến nó thành hiện thực - mà hiện tại chúng ta đang làm những công việc chuyên môn như thế, và ta có những chức danh như Thiết kế Bao bì & Thương hiệu Cấp cao, Bác sĩ Tiếp nhận và Phân chia, Quản lý Trung tâm Nghiên cứu, Chuyên viên kiểm soát Rủi ro và Kiểm toán nội bộ và Chuyên viên tư vấn Chính sách Vận chuyển. Ta đã trở thành những chiếc bánh răng tí hon, tương đối giàu có trong bộ máy hiệu suất khổng lồ. Tuy vậy, trong những phút giây trầm lặng, ta lại soi vào những ao ước riêng tư được thể hiện những phiên bản đa dạng của bản thân.

Một trong những độc giả uyên bác và sáng suốt nhất của Adam Smith là nhà kinh tế học người Đức Karl Marx. Marx hoàn toàn đồng tình với phân tích của Smith; chuyên môn hóa thực sự đã thay đổi thế giới và sở hữu năng lực cách mạng để làm giàu cá nhân và quốc gia. Nhưng điểm khác biệt giữa ông và Smith là cách ông thẩm định sự phát triển này sẽ được kỳ vọng đến đâu. Ta chắc chắn có thể khiến bản thân giàu có hơn bằng cách chuyên môn hóa, nhưng ta cũng - như điều Marx chỉ ra với niềm đam mê - khiến cuộc sống trở nên tẻ nhạt và thui chột tài năng. Khi mô tả xã hội Cộng sản không tưởng của mình, Marx nhấn mạnh rất kỹ vào ý niệm mỗi người đều có nhiều công việc khác nhau. Sẽ không có chuyên. Trong một đoạn nói về Smith, Marx đã viết:

Trong xã hội cộng sản… không ai có một lĩnh vực hoạt động riêng biệt mà mỗi người đều có thể đạt được thành tựu trong bất kỳ con đường nào họ muốn… vì vậy tôi có thể làm một việc ngày hôm nay và một việc khác vào ngày mai, săn bắn vào buổi sáng, câu cá vào buổi trưa, chăn nuôi gia súc vào buổi chiều, phê bình sau bữa tối… mà không cần phải trở thành thợ săn, ngư dân, người chăn trại hay nhà phê bình.

- Karl Marx, The German Ideology (Tư tưởng người Đức) (1846)

Một số lý do cho việc tại sao công việc ta đang làm (và công việc ta không làm) lại quan trọng đến vậy là vì nghề nghiệp là yếu tố quyết định hình hài con người chúng ta. Ta thường rất khó để nhận ra tính cách của chúng ta bị ảnh hưởng bởi công việc như thế nào, những góc nhìn ấy rất tự nhiên đối với chúng ta, nhưng ta có thể quan sát được bản chất định hình-định danh của công việc ở người của lĩnh vực khác. Giáo viên tiểu học đối xử với cả người trung niên như thể họ cần được chăm nom kỹ lưỡng, nhà phân tâm học được học cách lắng nghe và tỏ vẻ không xét nét khi để thoát ra một hơi thở ưu tư phản xạ, chính trị gia cuốn trôi trong những bài phát biểu trong bữa tiệc tối thân mật. Mọi nghề nghiệp làm yếu đi hoặc củng cố những khía cạnh trong bản chất của chúng ta. Có những công việc khiến ta bị bó buộc vào khoảnh khắc tức thì (y tá cấp cứu, biên tập thời sự), một số khác rèn luyện sự tập trung vào những rìa xa hơn của dòng thời gian (nhà tương lại học, quy hoạch đô thị, trồng rừng). Những công việc cụ thể mài sắc những nghi ngờ đối với con người, cho rằng sự thật luôn khác xa những gì người ta nói công khai (nhà báo, buôn bán đồ cổ), số khác lại bắt gặp con người tại những thời điểm vô tư, chân thành trong cuộc đời của họ (nhà gây mê, thợ làm tóc, người khâm liệm). Trong một số công việc, điều bạn cần làm để tiến lên được thăng chức là rất rõ ràng (công chức, luật sư, bác sĩ phẫu thuật), động lực đem lại sự điềm tĩnh và bình ổn cho tâm hồn, và giảm thiểu khuynh hướng lập mưu bày kế; trong khi ở những công việc khác (sản xuất chương trình truyền hình, chính trị gia), luật lệ rất lỏng lẻo và thường gắn liền với tình bạn tình cờ và liên minh ngẫu nhiên, gia tăng tỷ lệ lo âu, hoài nghi và lệch lạc.

Tâm lý học liên quan đến công việc không chỉ ở yên chốn công sở, nó tô vẽ nên con người mà chúng ta sẽ trở thành. Ta bắt đầu hành xử theo cách công việc đòi hỏi ở ta xuyên suốt cuộc đời. Đồng thời, nó sẽ thu hẹp tính cách của chúng ta. Khi những cách suy nghĩ nhất định được triệu hồi thường xuyên, người khác sẽ bắt đầu cảm thấy kỳ dị và bị đe dọa. Bằng cách hy sinh một phần lớn cuộc sống cho một nghề nghiệp chuyên môn, người ta cần phải đánh mất cân bằng của những lĩnh vực tiềm năng ẩn giấu khác. Công việc có thể khuếch trương tính cách, và công việc cũng sở hữu năng lực mạnh mẽ để cầm tù tinh thần của chúng ta.

Ta có thể đặt ra câu hỏi tự truyện chua chát rằng ta sẽ trở thành một người như thế nào nếu ngày trước có cơ hội làm một điều gì đó khác. Có một số phần trong bản thân mà ta phải giết chết hoặc nhấn chìm trong bóng tối, nhưng lại giật nhao nhao lên mỗi chiều chủ nhật. Trên những con đường sự nghiệp khác kia chính là những phiên bản khác của con người chúng ta - khi ta có cái gan để suy tưởng về điều ấy, chúng sẽ bộc lộ ra những nhân tố quan trọng, nhưng đã bị hy sinh và chưa được phát triển, trong tính cách của chúng ta.

Ta được định chỉ gắn bó với một công việc duy nhất, nhưng lại thực sự có tài năng ở rất nhiều công việc mà ta không có cơ hội để khám phá hết. Ta có thể hiểu nguồn gốc của sụ bồn chồn ấy khi nhìn lại về tuổi thơ. Khi còn nhỏ, trong một buổi sáng chủ nhật, có khi ta mặc thêm một cái áo liền quần và tưởng tượng mình là nhà thám hiểm Bắc cực, sau đó lại có một khoảng thời gian ngắn làm kiến trúc sư xây một căn nhà Lego, một ngôi sao nhạc rock sáng tác bài hát về ngũ cốc và nhà phát minh tìm cách tô màu nhanh hơn bằng cách dán bốn cây bú màu lại với nhau; ta dành một vài phút làm thành viên đội cứu hộ khẩn cấp sau đó thử làm phi công hạ cánh máy bay chở hàng một cách xuất sắc trên thảm hành lang; ta thực hiện phẫu thuật cứu người trên con thỏ len và cuối cùng ta làm bếp phó giúp chuẩn bị sandwich giăm bông phô mai cho bữa trưa. Mỗi một “trò chơi” đều có thể là khởi đầu của một sự nghiệp. Nhưng ta chỉ đưa ra một sự lựa chọn duy nhất, và thực hiện công việc ấy lặp đi lặp lại trong suốt 50 năm.

So với trò chơi khi bé, ta đang sống một cuộc sống hạn chế đến tàn nhẫn. Không có phương thuốc dễ dàng nào cả. Theo lời Adam Smith, nguyên nhân không nằm ở lỗi cá nhân mà ta phạm phải. Đó là một giới hạn đè nặng lên ta bởi luận lý về một nền kinh tế thị trường cạnh tranh, năng suất cao. Nhưng ta có thể cho phép bản thân than khóc rằng sẽ có nhiều khía cạnh trong tính cách của chúng ta không được thỏa mãn. Ta không ngốc nghếch hay vô ơn. Đó đơn giản chỉ là xung đột giữa nhu cầu tuyển dụng thị trường và tiềm năng rộng lớn, không bị bó buộc của mỗi con người. Cái nhìn này mang lại chút ưu buồn. Nhưng nên nhớ rằng cảm giác không trọn vẹn này sẽ luôn theo ta trong bất kỳ ngành nghề nào ta chọn: ta không nên cố gắng vượt qua nó bằng cách đổi ngành. Không có một công việc nào là đủ cả.

Có một so sánh song song giữa trải nghiệm xung quanh công việc và những chuyện xảy ra trong các mối quan hệ. Chắc chắn là ta có thể có những mối quan hệ tốt với hàng chục, hay hàng trăm người khác nhau (mà không bị bạn đời hiện tại trách móc). Họ sẽ phơi bày ra những mặt khác trong tính cách của ta, khiến ta hài lòng (và tức giận) theo nhiều cách khác nhau và giới thiệu với ta những niềm vui mới. Tuy nhiên, đối với công việc, chuyên môn hóa mang lại nhiều lợi thế: điều đó có nghĩa ta có thể tập trung, nuôi dạy con cái trong một môi trường ổn định, và học những nguyên tắc thỏa hiệp. Trong tình yêu và công việc, cuộc sống đòi hỏi ta phải là có chuyên môn dù bản chất ta phù hợp với việc khám phá trường kỳ. Và vì thế ta mang theo trong lòng, dưới hình hài của những phôi thai, rất nhiều phiên bản quyến rũ của bản thân mà ta không bao giờ có cơ hội thực hiện. Đó là suy nghĩ ảm đạm nhưng cũng an ủi. Những khổ nhọc của ta rất đau đớn nhưng nó cũng có một phẩm giá lạ kỳ, vì với ai nó cũng như thế. CEO cũng như thực tập sinh, họa sĩ cũng như kế toán. Ai cũng có thể tìm thấy rất nhiều phiên bản hạnh phúc đang trốn tránh họ. Chịu đựng đau khổ này, ta đang là một con người bình thường. Ta có thể xóa trang tìm kiếm việc làm khỏi mục dấu trang và hủy đăng ký trang hẹn hò với niềm tự hào u uất khi nhận ra sự thật rằng - dù ta có làm gì - một phần tiềm năng của ta vẫn sẽ không được phát triển và phải chết đi mà không có cơ hội được lớn lên - để phục vụ cho lợi ích của sự tập trung và chuyên môn hóa.

Chuẩn hoá

Những nỗi sầu công việc không chỉ giới hạn ở việc bị bó buộc ở một lĩnh vực duy nhất trong suốt sự nghiệp; tệ hơn, lĩnh vực mà ta lựa chọn thực chất lại rất nhàm chán. Ta lại nghĩ rằng vai trò tẻ nhạt ấy là do lỗi của chính mình, là dấu hiệu của sự vụng về, nhưng nếu ta xét một cách vô cảm, những công việc nhàm chán thực chất là một phần vốn có và gần như không thể tránh khỏi trong nền kinh tế hiện đại.

Khi nhắc đến công việc trái ngược với nhàm chán, một công việc thú vị, ta có khuynh hướng nghĩ đến những công việc cho phép tự trị, chủ động và sáng tạo (từ này không mang ý nghĩa chỉ nghệ thuật). Trong một công việc thú vị, ta không chỉ đơn giản là làm theo lệnh, ta sẽ biết được chính xác cần chọn con đường nào để đạt được mục tiêu hoặc để tìm ra giải pháp đúng đắn cho vấn đề. Một công việc tốt được định nghĩa là công việc thừa nhận sự cá nhân hóa: con người thật của chúng ta có cơ hội được để lại dấu ấn trong công việc ta thực hiện. Ta sẽ có thể nhìn thấy được những điều tốt đẹp nhất ở tính cách của mình trong những sự vật hay dịch vụ mình tạo ra.

Có thể đọc những bài viết về bản chất công việc ra đời ở châu Âu và Mỹ vào thế kỷ 19 để hiểu vì sao cá nhân hóa lại biến mất khỏi thị trường lao động (dù cho tiền lương gia tăng). Nhà phê bình nghệ thuật và cải cách xã hội John Ruskin đưa ra ý kiến cho rằng ngành công nghiệp xây dựng Trung Cổ có dấu ấn cá nhân hóa rất lớn, thể hiện rõ ở cách các thợ thủ công điêu khắc những bức tượng gargoyle - những gương mặt thú hoặc người kỳ quặc - với hình thù độc đáo trên mái nhà của các nhà thờ. Những người thợ có lẽ đã vạch ra một thiết kế tổng thể cố định và công việc của họ không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng các gargoyle biểu trưng cho sự tự do cơ bản trong việc để lại dấu ấn trong công việc. Riskin cũng buồn rầu cho rằng những cải tiển nhà ở của thời đại công nghiệp không có chỗ cho sự tự do như vậy, cũng không có chỗ cho chủ nghĩa cá nhân nảy nở trong lực lượng lao động.

Môn đồ tận tụy nhất của Ruskin, nhà thơ và nhà thiết kế William Morris mở rộng phạm vi của ý niệm cá nhân hóa trong một cuộc bàn luận về nội thất, lĩnh vực chuyên môn của ông. Morris cho rằng cách chế tạo bàn ghế truyền thống cho phép các nghệ nhân nhìn thấy bản thân mình phản chiếu trên tính chất của những đồ vật họ tạo ra. Mỗi chiếc ghế làm thủ công đều riêng biệt như chính người đã làm ra nó. Trong thời kỳ tiền công nghiệp, hàng nghìn người ở khắp nơi tham gia thiết kế ghế và mỗi một nghệ nhân đều có thể phát triển những ý tưởng với sắc thái khác nhau về một chiếc ghế đẹp sẽ như thế nào.


(William Morris, ghế Sussex, 1865)

Nhưng một phần không thể tránh khỏi trong chủ nghĩa tư bản là quá trình tập trung và chuẩn hóa. Tiền, chuyên môn, ảnh hưởng thị trường và các hệ thống phân phối tinh vi có xu hướng tập hợp lại bởi một vài con người tầm cỡ, người đè bẹp và nghiền nát đối thủ để đạt được vị trí chí tôn trên thị trường. Những rào cản gia nhập gia tăng theo câp số mũ. Hoạt động quản lý tài chính tốt có thể cắt giảm chi phí, chú tâm nghiên cứu thị hiếu tiêu dùng, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất và cung cấp sản phẩm thu hút người tiêu dùng với giá cả tốt nhất có thể. Kết quả là, sản xuất kiểu nghệ thuật không thể cạnh tranh nổi, Morris đã nhận ra điều đó khi xưởng truyền thống mà ông thành lập để chế tạo ghế cho tầng lớp trung lưu thời Victoria bị buộc phải thanh lý tài sản sau chiến tranh giá cả.

Ngày nay tất nhiên vẫn còn một số ít nhà thiết kế nội thất, một số người còn rất nổi tiếng, nhưng điều này không thể che đậy một sự thật rằng ta gọi “thiết kế” là một lĩnh vực khác thường, một thị trường ngách chỉ tuyển dụng rất ít nhân lực. Đa số những người liên quan đến công việc làm ra và buôn bán nội thất sẽ không hề có cơ hội để lại dấu ấu của bản thân trên những đồ vật ấy. Thay vào đó họ thuộc về một đội quân lao động hiệu suất cao nhắm đến những công đoạn vô danh nghiêm ngặt.

Dù không mang mục đích thiếu quan tâm hay thờ ơ với niềm vui trong công việc, chủ nghĩa tư bản đã làm giảm đáng kể số lượng công việc cho phép sự cá nhân hóa.

Ví dụ, chiếc ghế Eames, được thiết kế bởi Charles và Ray Eames, được đưa vào sản xuất năm 1956. Đây là một sản phẩm độc đáo phản ánh sâu sắc những lý tưởng và triển vọng của người đã thiết kế ra nó. Nếu họ là những thợ thủ công, làm việc tại nhà xưởng nhỏ, có lẽ cả đời họ chỉ bán được vài chục chiếc ghế như thế cho khách địa phương. Thay vào đó, vì họ làm việc dưới chế độ tư bản cho Herman Miller - một văn phòng thương mại và tập đoàn sản xuất nội thất nhà cửa khổng lồ - hàng trăm nghìn sản phẩm được bán suốt nhiều thập kỷ cho đến ngày nay. Thành công này cũng đã thâu tóm thị trường ghế có thiết kế đẹp. Ngày nay bất cứu ai muốn làm ra một chiếc ghế công sở đều phải đối mặt với việc hiện tại người ta đã có khả năng mua một chiếc ghế rất tốt, được thiết kế bởi hai thiên tài, và được giao hàng nhanh chóng bởi một công ty toàn cầu với mức giá cạnh tranh và mạng lưới chi nhánh rộng lớn.

Ta đã quá quen với ý niệm rằng tài sản của thế giới hầu hết nằm trong lòng bàn tay của một nhóm rất ít người - nhóm 1% khét tiếng. Nhưng chủ nghĩa tư bản không chỉ đem lại tiền bạc. Có một sự thật chua chát hơn, ít người biết hơn, rằng chỉ có rất ít người - một nhóm 1% khác với nhóm trên, nhưng cũng có một số người thuộc cả hai nhóm - có thể làm một công việc thú vị, một công việc được “cá nhân hóa”.

Điều này cho thấy chúng ta cuồng những cá nhân thiên tài. Xã hội của chúng ta tôn sùng những câu chuyện về hành trình khai phá của những công ty khởi nghiệp xuất sắc, những tín đồ thời trang đầy màu sắc, những nhà làm phim và nghệ sĩ xuất chúng, nhũng con người nhào nặn thế giới theo hình ảnh của riêng mình và để lại con dấu cá nhân trên những gì họ làm và những vật họ tạo ra. Có thể ta nghĩ mình quan tâm đến những con người ấy để tìm kiếm nguồn cảm hứng. Nhưng có khi ta đang lợi dụng họ để bù đắp cho những khoảng trống đau thương của chúng ta. Những câu chuyện cá nhân hóa thành công hiện ra vào lúc cơ hội công việc cá nhân hóa trên thực tiễn đã tan biến - cũng giống như ở thế kỷ 19, thời kỳ di cư hàng loạt đến thành thị, những tiểu thuyết về cuộc sống nông thôn nhận được sự yêu thích chưa từng có từ độc giả đô thị. Qua sự ham muốn những câu chuyện về các thiên tài sáng tạo đơn độc, có thể ta đang cố gắng vẽ nên nguồn sống từ những phẩm chất thiếu thốn đến thảm thương trong cuộc sống công việc hàng ngày.

Mức độ phổ biến của những câu chuyện về cá nhân sáng tạo nuôi dưỡng ảo tưởng rằng công việc cá nhân hóa bình thường hơn hơn thực tế. Rất nhiều cuộc phỏng vấn và hồ sơ cho thấy sự thật là - đối với hầu hết chúng ta - gần như không thể nào cạnh tranh nổi với những thế lực chuẩn hóa khổng lồ. Vì lý do này, chứ không phải do ta đã làm gì sai, đa số chúng ta có khuynh hướng cảm nhận phần lớn công việc của mình rất tẻ nhạt và không có chút cơ hội nào để chạm khắc nên con gargoyle của riêng mình.

Thương mại hoá

Có một lời than phiền thường thấy ở rất nhiều ngành nghề đó là, ngày nay để thành công, không còn cách nào khác ngoài việc “bán ra”. Có vẻ như sẽ đến lúc ta đối mặt với sự lựa chọn - giữa một bên là tính nguyên bản và sự bần cùng, một bên là tính ngu ngốc và sự giàu sang. Ta tất nhiên đã quen với những lời than thở như thế trong nghệ thuật. Nhưng tình thế tiến thoái lưỡng nan ấy cũng hiện diện khi một nhà hàng độc lạ không thể kiếm lời, khi một công ty chuyên làm bánh mì bị thanh lý tài sản, khi một cửa hàng vật dụng làm vườn chuyên các giống cây quý hiếm tự nhiên không thể đứng vững trên thị trường, khi một trang tin tức chính thống không thể sinh lợi nhuận và khi một văn phòng đầu tư có tâm buộc phải hoạt động với quy mô nhỏ hơn so với những đối thủ khác thiếu đạo đức hơn.

Đằng sau lời phàn nàn ấy là một ham muốn rất dễ hiểu nhưng đồng thời cũng rất tham vọng: rằng niềm tin và lòng nhiệt thành của chúng ta sẽ trở thành ưu tiên của người khác mà không gặp nhiều khó khăn, như cách chúng đang được hưởng. Bản năng khiến ta tin rằng mình có thể dễ dàng thuyết phục được người lạ. Trẻ nhỏ càng có xu hướng tin vào nhận định này. Khi gặp người lớn, trẻ có thể sẽ hào hứng rủ họ cùng chơi trò chơi mà chúng thích, có thể là nấu gì đó trên chiếc bếp mini hay bắt chước búp bê, những hành động ấy cho thấy trẻ rất khó mà hiểu được những niềm vui của mình lại lạ lẫm với người khác như thế nào. Trẻ em không ngốc nghếch, chỉ là trẻ em sống thuần khiết với bản chất và tin rằng người khác cũng như thế. Chúng minh họa một cách ngây thơ và tiêu biểu cho bản năng sẽ theo ta suốt đời: đó là giả định rằng người khác cũng sẽ và bắt buộc phải bị tác động bởi điều đã tác động đến chúng ta, rằng những hệ chuẩn mực của họ cũng giống của ta, hoặc nên như thế, rằng những điều ta yêu thích tự động cũng sẽ được thế giới yêu thích.

Nhưng thực tế thì khác đến mức khiến người ta cảm thấy nhục nhã và tức giận. Một tiểu thuyết phân tích nhân vật tinh tế và có cấu trúc cốt truyện sáng tạo nhưng mạo hiểm sẽ chỉ bán được một lượng khiêm tốn, trong khi tiểu thuyết cuộc chiến giữa thiện và ác dễ đoán, dựa vào những thủ thuật dẫn chuyện bài bản và đi đến một cái kết có hậu không tưởng sẽ thống trị các bảng xếp hạng sách bán chạy. Một chuỗi cửa hàng cao cấp có thể buôn may bán đắt với những đôi vớ polyester-cotton giảm giá, trong khi một thương hiệu chính gốc chuyên pha trộn màu với nguyên liệu nhập từ Peru sẽ thất bại toàn tập vì không tìm kiếm được thị trường tiêu thụ.

Khó mà không đưa ra kết luận đau lòng: rằng nền kinh tế này vốn là để sỉ nhục những khía cạnh tốt hơn của bản chất con người. Sự thật thì không lắm mưu toan đến thế, nhưng thị trường thì đích thực có khuynh hướng bỏ qua hoặc vô cảm trước những công sức chân thành và tận tâm của chúng ta - và điều này hiện diện trong những bè phái thế lực bướng bỉnh có thể nhận dạng được trong cuộc sống kinh tế và tâm lý.

Một trong những thế lực cơ bản nhất là sự lựa chọn. Bản chất của nền kinh tế phát triển, thành công là mở rộng phạm vi sự lựa chọn cho người tiêu dùng và giảm thiểu những nhận định tiên nghiệm về bất kỳ một sản phẩm hay dịch vụ nào. Ta có thể liên hệ những tính chất đặc trưng của sự phát triển này với truyền thông. Năm 1952, một chương trình radio của BBC phát sóng Bản giao hưởng số năm của Beethoven thu hút năm triệu người nghe: xấp xỉ 16% dân số trưởng thành ở Anh. Ngày nay, một chương trình như thế chỉ đạt lượng người nghe bằng một phần rất nhỏ của con số đó. Lý do của sự khác biệt này không phải là vì dân số nước Anh qua nhiều thế hệ đã bớt nhạy cảm đối với lực xúc động của âm nhạc lãng mạn của Đức như một vài người bi quan văn hóa nhận định, điều khác biệt cơ bản là khán giả ngày nay có rất nhiều sự lựa chọn. Năm 1952, có rất ít nguồn giải trí cạnh tranh nhau. Người người nhà nhà nghe nhạc cổ điển trên đài BBC vì không còn thứ gì khác để làm cả. Nhà sản xuất làm việc trong tập đoàn ngày ấy có nhiều quyền thế hơn rất nhiều so với người đồng cấp ngày nay không phải vì họ tài giỏi vượt trội, mà là vì khán giả của họ rất khó để tìm thấy một sự lựa chọn khác. Điều này khiến những sự việc sự kiện cao quý nhất định được chú ý nhiều hơn, nhưng nó cũng có nghĩa là rất nhiều dịch vụ và sản phẩm không đạt tiêu chuẩn hưởng lợi nhiều hơn so với những gì chúng xứng đáng nhận được.

Ta đã biết qua nghiên cứu về những môi trường sống tự nhiên rằng trong tình huống dư thừa sự lựa chọn (vùng biển nóng ở Seychelles chẳng hạn), sự chú ý tự nhiên sẽ hướng về các cá thể của giống loài có vẻ ngoài sặc sỡ, đa dạng và độc đáo.


Điều ấy cũng đúng với những công ty giữa huyên náo và lùm xùm của xã hội loài người. Thứ mà ta gọi là “bán ra” thường ám chỉ một chuỗi hoạt động không hơn không kém những tín hiệu mà tất cả sinh vật sống gắng sức tạo ra để được chú ý. Giữa thị trường bạt ngàn, các sản phẩm và dịch vụ phải giảm chất lượng đáng kể, không màng đạo đức, tỏ ra tự tin hơn bản chất thực và khăng khăng len lỏi vào tâm trí của những vị khách hàng luôn bị phân tâm. Cũng dễ hiểu khi những người có chuẩn mực cao kiên quyết cự tuyệt nhu cầu này, oán giận lên án sự tàn nhẫn của một hệ thống tầm thường.

Một lý do khác cho việc vì sao người tiêu dùng hiện đại né tránh những lựa chọn tiêu dùng cao thượng hơn: vì ta quá mệt mỏi. Công việc hiện đại đòi hỏi rất nhiều từ những người tham gia vào đó. Ta thường trở về từ nơi làm việc khi ngày đã sắp hết, trong trạng thái cạn kiệt, bào mòn, mệt mỏi, chán nản, yếu ớt, buồn bã. Trong trạng thái như vậy, những sản phẩm và dịch vụ có thể khiến ta quan tâm phải rất cụ thể. Có thể ta đã bị bóc lột đến mức không còn quan tâm gì đến nỗi khổ của người khác hay đồng cảm với số phận trên những đồi trà hoặc ruộng bông nơi xa xôi kia. Ta có thể đã chịu đựng quá nhiều sự nhàm chán để có thể kiên nhẫn trong những cuộc tranh luận uyên thâm và tinh tế. Những lo âu khiến ta không còn sức lực khám phá những góc khuất chân thành hơn trong tâm trí mình. Có lẽ ta hơi ghét bản thân đến mức không muốn ăn uống những thứ tốt cho cơ thể. Cuộc sống của chúng ta có lẽ đang quá thiếu ý nghĩa để có thể chỉ tập trung vào ý nghĩa cuộc sống. Để cân bằng những chuyện đã xảy ra ở nơi làm việc, theo bản năng ta bị thu hút bởi những thứ rất ngọt, rất mặn, rất phân tâm, rất dễ, rất sặc sỡ, rất bùng nổ, rất gợi dục và rất tình cảm.

Điều ấy đã tạo nên một vòng tròn luẩn quẩn. Thứ ta tiêu thụ quyết định thứ ta sản xuất - và kéo theo chất lượng công việc được bày ra trước mắt. Vì ta chỉ có đủ tài nguyên cảm xúc để tiêu thụ sản phẩm thuộc phân lớp nhàm chán và đại trà, ta sẽ chỉ sản sinh ra những việc làm thiếu ý nghĩa và phẩm giá - điều này lại càng làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ bậc thấp. Ta như bị những điều kiện việc làm hiện có cản trở sự phát triển những tính cách củng cố cho sự chân thành và nghiêm túc của những khao khát trong ta và mở rộng phạm vi những công việc có ý nghĩa và không vắt kiệt sức lao động mà ta có thể tiếp cận.

Cái giá phải trả cho một thị trường từ chối hỗ trợ những công sức cao cả không chỉ có sự thiết thực và kinh tế, mà đôi lúc còn là cảm xúc. Một trong những khát khao lớn nhất trong chúng ta là được công nhận và chấp nhận với chính con người thật của mình. Ta mong muốn có được sự trân trọng kỹ lưỡng, sâu sắc đối với tính cách và các mối quan tâm của mình. Điều này cũng hơi giống với giai đoạn đầu thời thơ ấu của chúng ta, nếu bạn có một tuổi thơ suôn sẻ, khi ta có thể gây ấn tượng, hay có thể gọi là quảng bá bản thân, với người lớn mà họ không đưa ra bất kỳ đòi hỏi nào vì họ yêu thương ta. Trong những năm đầu đời ấy, ta không cần phải cần mẫn “rao bán” bản thân: ta không cần phải cười một cách cường điệu, nói chuyện với giọng điệu vui vẻ hơn cảm xúc thật sự, dùng một giọng nói quyến rũ hay gói gọn những điều cần nói trong nhũng câu khẩu hiệu dễ nhớ. Ta có thể từ tốn, ngập ngừng, thì thầm, mơ hồ và phức tạp một tí và muốn nghiêm túc thế nào cũng được - chắc chắn sẽ có người tìm kiếm, giải mã và chấp nhận ta. Tất cả những gì ta học được về tình yêu đều đi ngược lại với cơ chế Thương mại hóa.

Không có gì lạ nếu gieo trồng trong bản thân một sự tức giận đối với những hạn chế thương mại. Nhu cầu để không phải cấp thiết rao bán bản thân không chỉ là một phần của giai đoạn sớm hơn, đơn giản hơn của lịch sử thế giới (như các học giả đã nhìn nhận đúng đắn), mà chua xót hơn, nó còn là một khoảnh khắc trong lịch sử của mỗi chúng ta, điều mà trong thâm ta luôn mong muốn tìm lại.

Quy mô

 Một trong những khía cạnh kỳ lạ nhất của công việc rằng ta không làm chỉ vì tiền, hay làm chủ yếu vì tiền - điều này khiến ta không chỉ dễ trở nên nghèo khổ, mà còn dễ dẫn đến những khủng hoảng về tâm lý. Ta giữ khư khư trong đầu một tham vọng xa vời là phải tìm công việc có thể cung cấp một thứ nguyên liệu phù hợp nhất với từ “ý nghĩa”. Ta thèm khát thứ ý nghĩa này cũng nhiều như ta thèm khát địa vị và giàu sang. Công việc có ý nghĩa bao gồm bất kỳ hoạt động nào ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của người khác, giảm bớt đau khổ hoặc tăng thêm niềm vui của họ - một định nghĩa có thể mở rộng ra bao hàm mọi thứ từ can thiệp cứu sinh của bác sĩ giải phẫu tim mạch đến những nỗ lực quyến rũ của một đầu bếp làm bánh hay người thợ dệt thảm vùng Tiểu Á.

Trên thực tế, đại đa số các ngành nghề đều đóng góp ít nhiều đến lợi ích của ngành nghề khác. Chỉ rất ít công việc thực sự không có ý nghĩa gì cả, ví dụ, nghề làm giả thuốc trị rụng tóc hoặc trị ung thư chẳng hạn, hoặc kẻ chèo kéo người có thu nhập thấp đánh bạc nhiều hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là, có rất rất nhiều người có tâm thế rất kỳ lạ, bản thân họ là người có ý nghĩa nhưng lại không cảm thấy có ý nghĩa một chút nào cả.

Vấn đề này rất phổ biến trong thời hiện đại vì một lý do rất cụ thể: do sự thay đổi về quy mô và nhịp độ công việc sau công nghiệp hóa. Đa số công việc ngày nay đều là phần tử của một hệ cơ quan khổng lồ thực hiện một loạt những dự án lớn, chậm và phức tạp - một nơi rất khó để ta có được bất kỳ cảm nhận hữu hình nào ràng mình đang cải thiện cuộc sống của người khác. Trong hệ cấu trúc hiện đại khổng lồ, khách hàng và sản phẩm quá cách biệt về mặt không gian và quá xa vời về mặt thời gian. Một người khó có thể trấn an bản thân về giá trị và mục đích sống của mình khi họ chỉ là một đơn vị nhỏ nhoi trong số hai mươi nghìn tổ đội tài giỏi ở khắp bốn châu lục cùng thực hiện một dự án sẽ sẵn sàng trong ít nhất năm năm tới.

Có những lý do để giải thích tại sao những tập quán công việc ở những tập đoàn lớn diễn ra với tiến độ rùa bò. Phát triển sản phẩm ở ngành hàng không và ngân hàng, dầu mỏ và dược phẩm không thể diễn ra chỉ trong một đêm. Các khung thời gian đều rất hợp lý, nhưng xét trên trải nghiệm của một cá nhân, chúng hoàn toàn đi ngược lại với niềm vui thích bẩm sinh sâu trong ta với những câu chuyện liên tục nối tiếp nối tiếp nhau.

Nhà triết học người Hy Lạp cổ đại Aristotle nhận thấy yêu cầu chủ chốt cho một tác phẩm sân khấu khiến khán giả hài lòng chính là diễn biến nhanh. Có thể có những căng thẳng và phức tạp và đổi hướng bất ngờ, nhưng trong vài giờ ngắn ngủi và ba hồi, nó phải tạo được cảm giác hoàn thiện. Tốc độ không chỉ thu hút trong phạm vi rạp hát. Trong chín mươi phút, một trận bóng đá có thể đưa ta từ một khởi đầu hoàn hảo, trung lập đến một kết quả sát sao.

Tuy nhiên, nếu bóng đá cũng giống như công việc hiện đại trên phương diện quy mô và nhịp độ, một người có thể tưởng tượng trận đấu ấy diễn ra trên 18 sân bóng với 22 quả bóng và 1800 cầu thủ đá tới đá lui suốt hàng nghìn ngày mà không có cái nhìn tổng quan về tiến độ trận đấu. Theo tiêu chuẩn của những khao khát bản năng trong chúng ta, công việc diễn ra một cách rất lộn xộn, mơ hồ kéo dài quá mức.

Ta cảm nhận được lao động của mình có ý nghĩa không chỉ khi nó diễn ra nhanh, mà còn khi ta được chứng kiến cách ta đang giúp đỡ người khác; khi ta có thể rời khỏi văn phòng, nhà máy hay cửa hàng với ấn tượng rằng mình đã giải quyết được một vấn đề trong cuộc sống của người khác. Niềm vui này cũng bị đe dọa bởi quy mô. Trong bộ máy to lớn của xã hội hiện đại, ta thường cách quá xa người sử sụng sản phẩm và dịch vụ của mình, do đó không thể sinh ra được lợi ích từ vai trò đóng góp của mình đối với cuộc sống của họ. Dành nhiều ngày để cải thiện các điều khoản hợp động trong ngành công nghiệp hậu cần thực sự sẽ dẫn đến khoảnh khắc khi một đôi tình nhân cùng hài lòng thưởng thức bánh quy gừng trước màn hình TV, tối đa hóa quản lý dữ liệu xuyên suốt các phòng ban của cơ quan không gian vũ trụ, cùng với hàng nghìn công sức nỗ lực khác phôi hợp, thực sự sẽ có ngày một gia đình trẻ có thể gắn bó với nhau trong chuyện đi chơi biển. Thực sự có mối liên két, nhưng chúng quá xa vời và phức tạp đến mức nhạt nhẽo và thiếu chân thực trong tâm trí chúng ta.

Có một nghịch lý, và cũng từa tựa như một bi kịch, rằng vì cái quy mô không thể tránh khỏi của công việc hiện đại, ta có thể dành cả cuộc sống để giúp đỡ người khác - thế nhưng, ngày qua ngày lại nặng nề với cảm giác không tạo được bất kỳ khác biệt nào.

Một phần lý giải cho sự thiếu két nối và mất phương hướng nằm ở khuôn phép trung tâm của nền văn hóa này: nghệ thuật dẫn truyện. Khi độ phức tạp và quy mô của các tổ chức ngày càng tăng, ta cần phải học cách sắp xếp tập hợp các sự việc tách biệt thành một câu chuyện liền mạch nhắc cho ta nhớ làm thế nào để thích nghi với một tập thể có ý nghĩa. “Câu chuyện” của một công ty có rất nhiều điểm tương đồng với một tiểu thuyết lớn, nhiều phần. Ta có thể tưởng tượng một tiểu thuyết công ty bắt đầu từ lời mô tả một người truy cập vào tài khoản ngân hàng ở Salzburg. Một lát sau, ta đang ở trong một nhà hàng ở quận Loan Tể, Hongkong chứng kiến thương vụ vận chuyển những thùng hàng đến Dubai. Sau đó trọng tâm chuyển đến một cuộc họp diễn ra dưới một tầng hầm ở Whitehall, nơi các bộ trưởng và cán bộ công chức thảo luận về các quy định đối với hàng tiêu dùng. Tiếp đến là tại một tổng đài ở Phoenix, ngay sau đó là một cảnh tượng trong lớp học mẫu giáo ở Seattle. Nhưng thay vì là một mớ hỗn độn gây hoang mang, mục đích ở đây là để thể hiện những sự việc tưởng chừng ngẫu nhiên thực chất lại có mối liên hệ mật thiết - nhắm đến một kết quả tổng thể: có thể là việc dựng nên một hệ thống IT mới cho một văn phòng ở Munich hay một dự án gia tăng lưu lượng của một quy trình sản xuất máy bơm ở miền nam Tây Ban Nha. Lý tưởng thì công ty lớn nào cũng có thuê cho mình những người kể chuyện.

Jan Vermeer vẽ bức tranh cô gái bán sữa nổi tiếng vào năm 1657. Ngày nay, đó là một trong những bức tranh có giá trị nhất thế giới. Khoảng năm triệu lượt khách đến thưởng thức nó tại Rijksmuseum ở Amsterdam mỗi năm. Tuy nhiên, uy danh lẫy lừng là thế, khung cảnh được thể hiện lại không thể nào bình thường hơn.

Điều đó chỉ là do tài năng và lòng nhân văn của người nghệ sĩ khiến cho hoạt động ấy trở nên có ý nghĩa như thế. Vermeer quan sát vào thẳm sâu trong công việc của người bán sữa va tìm thấy một nghề nghiệp nâng cao sự khiêm tốn, kiên trị và tôn trọng quy trình. Vermeer hiểu rằng một cuộc sống tốt cần rất nhiều thứ, và sữa (và kem và phô mai và sữa chua) chiếm một vị trí vững chắc trong danh sách rất dài những thành phần - một khi ta đã học được cách trân trọng nó - liên kết chắc chẽ với nhau trong một chuỗi ý nghĩa liên tục. Hơn bao giờ hết, ta cần lòng quảng đại của con mắt nghệ sĩ để mục đích công việc trở nên hữu hình hơn đối với nhân viên chúng ta và đối với thế giới, để những logic trong tháng ngày của chúng ta sẽ dễ nắm bắt hơn và những phút giây chán nản sẽ bớt đau lòng và nghiêm trọng.

Chúng ta muốn giành thành tích tốt ở trường vì một lý do rất đơn giản. Chúng ta được dạy rằng đó là con đường dẫn đến một cuộc sống tốt đẹp sau này. Chỉ có một số ít trong chúng ta yêu quý điểm A vì chính nó, số còn lại muốn đạt điểm A vì mong rằng một ngày nào đó sẽ có được một công việc tốt, một ngôi nhà ấm cúng và sự tôn trọng từ người khác.

Nhưng đôi khi có một điều khó hiểu nhưng lại rất hay xảy ra trong cuộc sống: ta thấy có những người hoàn hảo ở trường nhưng lại thất bại trong cuộc sống, và ngược lại.

Ngôi sao ở trường, người luôn biết cách làm hài lòng thầy cô, có thể giờ đây đang dậm chân tại một văn phòng luật bình thường, hoặc là chuyển đến một vùng quê với hy vọng kiếm tìm điều gì đó tốt đẹp hơn. Con đường thoạt nhìn có vẻ đầy hứa hẹn sẽ dẫn đến thành công, nhưng thực tế lại chỉ để vùi xuống cát.

Chúng ta không nên ngạc nhiên vì điều này: chương trình học ở trường không phải lúc nào cũng được thiết kế bởi những người có kinh nghiệm hay tài năng trong thế giới bên ngoài. Chương trình học ở trường không được tạo ra bởi những người thành công trong từng lĩnh vực trong cuộc sống tại đây và ngay tại thời điểm này. Chương trình ấy bị ảnh hưởng bởi đủ kiểu tác động ngẫu nhiên trong hàng trăm năm phát triển được định hình bởi, trong rất nhiều nguyên nhân, chương trình học của những tu viện thời Trung cổ, những ý tưởng của vài nhà giáo dục Đức ở thế kỷ 19, và những mối quan tâm của giai cấp quý tộc. Điều này góp phần lý giải nhiều thói xấu đã khắc sâu trong các trường học:

Họ dạy rằng nhữmg điều quan trọng nhất đã được biết đến rồi, sau này ta có cố gắng đến mấy cũng chỉ đạt đến giới hạn đó mà thôi. Chẳng những không giúp được gì, họ còn cảnh báo chúng ta về sự nguy hiểm của việc sáng tạo.

Họ muốn ta phải giơ tay và đợi được gọi đến tên mình.

Họ muốn ta phải đi hỏi xin sự cho phép của người khác.

Họ dạy ta đáp ứng, thay vì thay đổi những kỳ vọng vào bản thân.

Họ dạy ta xài lại những ý tưởng thay vì nghĩ ra chúng.

Họ dạy ta tôn trọng và nghe theo những người có quyền lực, thay vì giúp ta hình dung rằng thực ra chẳng ai biết có chuyện gì đang xảy ra.

Họ dạy ta tất cả, trừ 2 kỹ năng thực sự quyết định chất lượng cuộc sống của một người trưởng thành: Cách lựa chọn đúng nghề nghiệp bản thân yêu thích, vag cách để tạo dựng được những mối quan hệ trong xã hội. Họ dạy ta bằng tiếng Latin và cách tính chu vi của đường tròn rất lâu trước khi dạy ta 2 thứ quan trọng nhất trong cuộc sống: Làm việc và Tình yêu.

Không thể nói rằng cách để thành công trong cuộc sống là rớt học, nhưng muốn có một cuộc sống tốt đòi hỏi ta phải làm hai việc khó nhằn sau: làm một chàng trai hay cô gái ngoan ngoãn trong vòng 20 năm, đồng thời đừng học kiểu thụ động theo tất cả những gì trường lớp đang dạy ta. Hãy cứ tiếp thu những kiến thức được học ở trường, trong khi bản thân luôn tìm tòi những cái mới, đồng thời "nổi loạn" một cách thông minh và không do dự.

Vì Sao Ta Không Xem Trọng Những Người Có Thu Nhập Thấp?

Tuy không phải ai cũng có định kiến với người có thu nhập thấp, nhưng chúng ta hoàn toàn nhận thấy được hiện tượng này trong xã hội: càng kiếm được nhiều tiền, người ta càng được ngưỡng mộ và được nhìn nhận là thú vị và hấp dẫn. Sự tôn trọng mà một người có được đang phụ thuộc quá nhiều vào mức thu nhập của họ. Và hậu quả là nếu bạn không được xã hội công nhận về mặt kinh tế, thì tính cách hoặc quan điểm của bạn sẽ rất khó được nhìn nhận một cách nghiêm túc.

Không khó để ta tìm ra lý do hình thành mối tương quan này, bởi có rất nhiều trường hợp cho thấy sự liên hệ chặt chẽ giữa thu nhập với tài năng, nỗ lực, kỹ năng và sự cống hiến. Những ví dụ điển hình nhất bao gồm các bác sĩ phẫu thuật tài năng, các nhà văn nổi tiếng hoặc những ngôi sao ca nhạc. Tất cả những người này đều rất có tài, kiếm được rất nhiều tiền và có những cống hiến ý nghĩa. Họ khiến nhiều người liên hệ mức thu nhập cao với các phẩm chất tốt đẹp. Những trường hợp như thế tạo cho chúng ta xu hướng nghĩ rằng: chỉ có thu nhập mới là thước đo chuẩn xác và phù hợp nhất cho giá trị mà một người tạo ra cho người khác – vì vậy mà người có thu nhập cao mới nên được tôn trọng. Đây là quan điểm của chủ nghĩa tư bản hiện đại, và là kim chỉ nam của những người sống trong các thành phố lớn tại những quốc gia giàu có nhất thế giới.

Nhưng theo những lý thuyết kinh tế trên sách vở, quan điểm về thu nhập lại được nói đến theo cách hoàn toàn khác và ít cảm tính hơn nhiều. Các nhà kinh tế khẳng định rằng thu nhập và lương bổng chỉ đơn thuần là một hình thức trao đổi. Mức lương/thu nhập không được xác định dựa trên khả năng cống hiến cho xã hội. Con số này được đưa ra sau khi người thuê lao động xem xét số người có thể và sẵn sàng làm công việc phục vụ cho nhu cầu của họ. Nếu số người này đông, thì bạn sẽ khó nhận được mức lương cao dù có “cống hiến” nhiều đến đâu. Không có cách nào để xác định được giá trị của một công việc; yếu tố quyết định thu nhập/lương bổng chỉ là mức chênh lệch giữa cầu so với cung.

Khi nhìn nhận mọi việc theo chiều hướng trên, bạn có thể sẽ hiểu được vì sao một sát thủ lại có mức thu nhập cực kỳ cao trong khi họ gần như không “cống hiến” gì cho xã hội; cũng như vì sao một y tá làm việc ở trại tế bần lại có mức lương rất thấp, dù cô ấy đang làm một nhiệm vụ vô cùng ý nghĩa. Trong cả hai trường hợp, mức thu nhập chẳng hề liên quan gì đến những cống hiến của người đó cả.

Thật trớ trêu, có vẻ như trong xã hội chúng ta, những phẩm chất tuyệt vời nhất – như lòng trắc ẩn, sự đồng cảm và sự siêng năng – lại khá phổ biến.

Trừ khi biết được sự thật, còn không thì thế giới sẽ chỉ nhìn thấy những đồng tiền của tên sát thủ làm ra: họ sẽ ngưỡng mộ căn biệt thự của hắn, chiếc xe hơi của hắn, những cô gái quyến rũ xung quanh hắn... và hắn thậm chí có thể được xã hội kính trọng khi gây quỹ ủng hộ một bệnh viện nhi chẳng hạn. Còn với người y tá kia, dù chúng ta có ca ngợi một công việc là rất đáng quý, nhưng thường thì chẳng ai chú ý đến cô; cô sẽ không được báo chí săn đón. Những người đến thăm cô thường sẽ chỉ thấy xót thương khi nhìn thấy cô sống trong căn hộ nhỏ bé, trong đó phòng tắm cần được tu sửa và chiếc máy giặt thì sắp hư đến nơi.

Khi nghĩ đến những số phận khác nhau này – tên sát thủ hào hoa và cô ý tá khổ cực – ta có thể cảm thấy cả hệ thống kinh tế có vẻ không công bằng, và ta bắt đầu chống lại sự bất công đó. Trong lịch sử phương Tây, đã có những người nỗ lực làm việc này. Câu chuyện diễn ra trong phòng đọc sách của một thư viện nước Anh vào giữa thế kỷ 19. Ở đó, một người đàn ông đã ngồi suốt từ mùa hè oi bức sang mùa đông giá buốt, soạn thảo một luận án chặt chẽ về Tài Sản. Công trình của Karl Marx đề cập đến một thế giới mới, nơi mà lần đầu tiên những người lao động được trả lương theo những cống hiến xã hội của họ. Thu nhập của những gã sát thủ, những ông chủ sòng bạc và những ông trùm khoáng sản sẽ giảm xuống; mức lương của y tá và nông dân sẽ được tăng lên.

Lúc bấy giờ, đó có vẻ là những giải pháp rất ấn tượng. Tuy nhiên, trật tự kinh tế hiện tại được thiết lập khá vững vàng và chẳng có vẻ gì sẽ thay đổi. Song, bạn vẫn có thể hy vọng vào một cách khác giúp thay đổi quan niệm bất công giữa lương bổng và mức độ cống hiến, hay thu nhập và sự tôn trọng. Nghe có vẻ lạ, nhưng giải pháp thích hợp và nhanh chóng nhất cho tình trạng này có thể đang nằm ở một nơi không ai ngờ đến: trên những bức tường của phòng trưng bày Bộ sưu tập tranh Wallace, tại Quảng trường Manchester ở Luân Đôn. Đó là nơi trưng bày bức tranh The Lacemaker (Người thợ thêu), được vẽ bởi họa sĩ người Đức tên Caspar Netscher vào năm 1664.

 

Trong hình, người thợ thêu có vẻ đang làm việc vào một buổi chiều muộn yên ả. Cô ấy đang tập trung vào công việc thêu thùa, cẩn thận từng đường kim mũi chỉ. Cô sẽ mất khoảng 5 giờ đồng hồ để hoàn thành chỉ 1 xen-ti-mét vuông vải. Cô sẽ tạo ra một sản phẩm đẹp mắt, một thành quả kết tinh từ những điều tốt đẹp nhất của cô.

Và rồi phần thưởng dành cho sản phẩm tuyệt vời đó của cô sẽ chỉ là một vài xu lẻ.


Thêu ren là ngành công nghiệp chủ yếu dành cho phụ nữ vào các thế kỷ 17 và 18, nhưng đó cũng là một trong những ngành nghề có thu nhập thấp nhất, bởi một lý do không thể chối cãi mà giờ đây chúng ta đều đã hiểu: rất nhiều người có thể làm công việc này.

Điều thú vị là nhiều họa sĩ lại thích vẽ những bức tranh miêu tả người thợ thêu khi làm việc. Dù chẳng hề hy vọng mình có thể cải thiện mức thu nhập của những thợ thêu, nhưng những họa sĩ này vẫn mong muốn thay đổi được cuộc sống của thợ thêu này. Họ muốn thay đổi vị thế của thợ thêu thông qua nghệ thuật. Bằng cách hướng người xem chú ý đến sự tinh tế và giá trị của ngành thêu, họ mong muốn bù đắp lại địa vị xã hội cho những lao động bị rẻ rúng này. Các họa sĩ vẽ những người thợ thêu với tất cả tình cảm và sự trân trọng, giống như cách một người ngưỡng mộ những nhân vật quyền cao chức trọng vậy.

Thông qua nghệ thuật, chúng ta không còn coi thợ thêu là hạng người thấp kém có mức thu nhập thấp. Thay vào đó, ta có thể xem họ là những người tài năng và cần mẫn. Nghệ thuật cho phép ta đánh giá lại một cách tinh tế hơn giá trị thật sự của một người, đồng thời xóa bỏ định kiến về mối quan hệ giữa thu nhập và giá trị của người đó. Nghệ thuật là một cách để ta thể hiện và nhìn thấy được phần nào hiện thực của cuộc sống. Từ đó, ta có thể học cách trân trọng những điều tốt đẹp, những con người thật sự xứng đáng được đối xử tử tế, được đồng cảm và ngưỡng mộ.

 

Người dịch: Thợ săn tiền thưởng

Nguồn: http://www.thebookoflife.org/sorrows-of-work/

menu
menu