Rối loạn nhân cách tránh né

roi-loan-nhan-cach-tranh-ne

Thờ ơ là một trạng thái không quan tâm đến vị trí một người trong thế giới, và lâu dần trạng thái này có thể dẫn đến việc mất khả năng hoàn thành công việc trong cuộc sống, cũng như tâm thế “tôi không muốn bị làm phiền”.

Lười biếng – một trong bảy tội lỗi lớn nhất đời người có hai biểu hiện là buồn chán (tristitia) và thờ ơ (acedia). Và hai biểu hiện này đều đại diện cho hai loại rối loạn nhân cách. Buồn chán đại diện cho rối loạn nhân cách phụ thuộc, còn thờ ơ đại diện cho rối loạn nhân cách tránh né – cũng là chủ đề ngày hôm nay.

Tại sao thờ ơ lại là đại diện cho rối loạn nhân cách tránh né? Thờ ơ là một trạng thái không quan tâm đến vị trí một người trong thế giới, và lâu dần trạng thái này có thể dẫn đến việc mất khả năng hoàn thành công việc trong cuộc sống, cũng như tâm thế “tôi không muốn bị làm phiền”. Những người mắc chứng này thường tự cô lập bản thân khi ra khỏi vòng tròn gia đình hay bạn bè. Họ cực kỳ dễ ngại ngùng, và dễ bị tổn thương bởi những dấu hiệu không hài lòng dù là nhỏ nhất từ những người khác. Vì thế họ thường tránh những hoạt động trong xã hội hay công việc đòi hỏi giao tiếp giữa người với người (Oltmanns & Emery, 2014).

Theo thống kê được đề cập trong cuốn Chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-IV), RLNC tránh né thường xảy ra trong khoảng 0.5% đến 1% dân số nói chung. Ở DSM-5 thì tỷ lệ này tăng lên thành 2.4%. Ngoài ra, trong số các bệnh nhân ngoại trú tâm thần, thì có 10% bệnh nhân mắc chứng RLNC tránh né, đặc biệt phổ biến ở những người bị rối loạn lo âu.

Các nghiên cứu cho thấy khoảng 10-50% những người có rối loạn hoảng sợ với chứng sợ khoảng trống đồng thời mắc rối loạn nhân cách tránh né, và tỷ lệ này là khoảng 20-40% với những người có nỗi ám ảnh xã hội (rối loạn lo âu xã hội).

Nếu không điều trị, người bị RLNC tránh né có thể trở nên bị cô lập khỏi xã hội, về lâu dài sẽ gặp nhiều khó khăn với công việc và các hoạt động xã hội. Họ cũng có nguy cơ bị trầm cảm và lạm dụng chất (ClevelandClinic, 2014).

Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn nhân cách theo DSM 5

Dựa theo tiêu chuẩn chẩn đoán trong DSM-5, RLNC tránh né xuất hiện ở giai đoạn đầu tuổi trưởng thành và hiện diện trong các bối cảnh khác nhau với tối thiểu 4 (hoặc nhiều hơn) trong các biểu hiện sau:

(1) Bệnh nhân tránh né các hoạt động xã hội, nghề nghiệp liên quan đến các mối quan hệ cần thiết vì sợ bị phê bình, bị phản đối, hoặc bị từ chối.

(2) Không muốn thiết lập mối quan hệ với những người khác trừ khi chắc chắn rằng mình được yêu thích.

(3) Thường dè dặt trong các mối quan hệ thân mật với người khác vì sợ hổ thẹn hay chế nhạo.

(4) Quan tâm quá mức đến việc bị phê bình hoặc từ chối trong các tình huống xã hội.

(5) Bị ức chế trong các mối quan hệ mới vì có cảm giác là không xứng đáng.

(6) Tự nhận thấy bản thân không có năng lực về mặt xã hội, không được lôi cuốn hoặc thua kém hơn những người khác.

(7) Thường ngại ngùng khi nhận các trách nhiệm hoặc tham gia vào các hoạt động mới vì sợ bị lúng túng.

Mặc dù họ rất muốn được yêu thích bởi người khác, nhưng nỗi sợ bị từ chối và không được chấp nhận càng lớn hơn khiến cho họ càng ngại ngùng, tránh né đám đông và các hoạt động xã hội (Oltmanns & Emery, 2014).

Rất khó phân biệt RLNC tránh né và rối loạn lo âu xã hội (soxial anxiety disorder). Có nhiều chuyên gia cho rằng hai loại rối loạn này là một. Tuy nhiên những người mắc RLNC tránh né thường có chiều hướng lảng tránh nhiều hơn và có rất ít các mối quan hệ thân thiết còn những người mắc rối loạn lo âu xã hội thì có thể có nhiều bạn bè nhưng sợ phải làm gì trước mặt họ vì e ngại sẽ bị đánh giá (Oltmanns & Emery, 2014).

Trường hợp điển hình

Bình An là một nam thanh niên 24 tuổi. Anh không có công việc ổn định và vẫn sống nhờ vào ba mẹ. Anh đã nghỉ học từ năm lớp 6 và thay vào đó là mướn gia sư về dạy ở nhà. Bình An kể rằng anh không thể nào đến trường vì lo sợ những ánh mắt giễu cợt hay những lời nói xì xầm đằng sau lưng. Anh luôn cảm thấy cô giáo nhìn mình với ánh mắt thất vọng khi anh trả lời sai câu hỏi và suốt một tuần sau đó anh không thể ăn uống hay nghỉ ngơi. Bình An cũng không có nhiều bạn bè vì tính cách im lặng và hay ngại của mình. Những người thân trong gia đình nói Bình An như một cái bóng. Tính cách anh có phần im lặng hay dễ xấu hổ và ngại ngùng ngay khi còn rất nhỏ nhưng càng ngày thì càng tệ hơn. Anh hiếm khi nào mở miệng nói chuyện và rất sợ khi bắt buộc phải giao tiếp với người khác. Bình An từng cố gắng đi làm nhưng nghỉ việc sau một tuần vì không qua nổi khóa huấn luyện và những lời chỉ dẫn của người hướng dẫn giống như là những lời chỉ trích anh yếu kém và không biết làm việc.

Trường hợp của Bình An là một ví dụ điển hình cho RLNC tránh né với những triệu chứng như ngại giao tiếp, tránh né các hoạt động xã hội, thậm chí nghỉ học giữa chừng vì sợ bị chỉ trích hay không được chấp nhận, không thích tạo dựng mối quan hệ với người khác và quan tâm quá mức với việc mình bị phê bình. Những hành vi tránh né của Bình An bắt đầu khi còn rất nhỏ và càng có xu hướng tệ dần khi lớn lên, gây trở ngại đến việc học, công việc và các mối quan hệ xã hội của anh, khiến anh dần dần tự cô lập bản thân.


By Dimitri Mestre

Nguyên nhân:

Cho đến ngày nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa có nhận định rõ ràng về nguyên nhân dẫn đến RLNC tránh né. Một số chuyên gia cho rằng nguyên nhân dẫn đến RLNC tránh né bao gồm yếu tố sinh học, yếu tố tâm lý và yếu tố xã hội. Những yếu tố này không tác động một cách riêng lẻ mà kết hợp với nhau tạo thành nguy cơ dẫn đến bệnh tâm lý (Bennett, 2003).

Yếu tố sinh học: các nghiên cứu cho thấy RLNC tránh né thường xuyên xảy ra trong một số gia đình thông qua gen. Tính cách – cái có khả năng di truyền một phần từ cha mẹ sang thế hệ sau được cho là có liên quan (Bennett, 2003). Trong mô hình năm yếu tố tính cách (Five Factor Model), hướng ngoại (extraversion), tận tâm (conscientiousness), dễ chịu (agreeableness), sẵn sàng trải nghiệm (openness to experience) và cảm xúc âm tính, hay tính rối loạn thần kinh chức năng (neuroticism) thì tính rối loạn thần kinh chức năng và hướng ngoại có phần trăm di truyền cao khoảng 30%. Những người có chỉ số rối loạn thần kinh chức năng cao thì dễ trải nghiệm những cảm xúc tiêu cực. Họ phản ứng rất tệ với stress và thường lý giải những tình huống bình thường dưới dạng nguy hiểm, đáng lo ngại và những khó khăn nhỏ là cực kỳ tuyệt vọng (Larsen & Buss, 2013). Với những người mắc RLNC tránh né thì họ có chỉ số rối loạn thần kinh chức năng cao và chỉ số hướng ngoại thấp (Wilberg, Urnes, Fris, Pedersen, & Karterud, 1999).

Yếu tố tâm lý: Theo thuyết nhận thức của Beck (1976), hầu hết chúng ta, qua kinh nghiệm sống, đặc biệt là những trải nghiệm thời thơ ấu, đều có những hệ thống nhận thức gọi là sơ đồ (schemas). Những sơ đồ này cho phép chúng ta phân tích những thông tin nhận được và lý giải nó theo cách có ý nghĩa với chúng ta. Tuy nhiên, sự thiếu thích nghi và phản ứng sai lệch của cá nhân đối với môi trường và các sự kiện dẫn đến những biểu hiện không thích hợp của các sơ đồ đó. Beck coi sơ đồ chính gây ra rối loạn nhân cách là bộ ba nhận thức liên quan đến bản thân, người khác và tương lai. Đối với RLNC tránh né, sơ đồ thể hiện như sau:

  • Bản thân: về mặt xã hội lạc lõng và thiếu bản lĩnh
  • Người khác: phê phán ngầm, không thích thú và đòi hỏi
  • Tương lai: bản thân vô giá trị và không được ai yêu thương

Yếu tố xã hội: cá nhân sống trong một cộng đồng xung quanh hay bị chỉ trích hoặc không được chấp nhận sẽ tạo ra cơ chế phòng thủ, một cách đơn giản mà họ nghĩ rằng cách tốt nhất để giải quyết vấn đề là tránh né các mối quan hệ xã hội có nguy cơ (Bressert, 2016).

Điều trị

Trị liệu tâm lý

Khi nói đến việc điều trị, điều trị tâm lý là phương pháp tốt nhất. Tuy nhiên, nhà trị liệu thực sự phải là một người có nhiều kinh nghiệm làm việc với các cá nhân bị rối loạn nhân cách. Nếu không, cả nhà trị liệu và người bệnh sẽ có khả năng thất vọng về kết quả trị liệu, vì đây là một quá trình điều trị khó khăn và lâu dài.

Liệu pháp nhân văn và liệu pháp nhận thức – hành vi có thể sử dụng trong quá trình điều trị cho người RLNC tránh né.

Liệu pháp nhân văn: Người bị RLNC tránh né đến gần những ai cho họ cảm giác an toàn và thoải mái nên việc thiết lập được lòng tin và xây dựng được mối quan hệ với người bệnh là chìa khóa quan trọng để việc trị liệu diễn ra có hiệu quả. Nhiệm vụ của nhà trị liệu là tạo ra một môi trường thuận lợi cho phép người bệnh học cách hành động để đạt đến sự tự khuyến khích và tự hiện thực hoá; giúp họ dỡ bỏ những “rào cản tâm lý” đang hạn chế, giúp họ làm sáng tỏ, hiểu rõ bản thân và chấp nhận tình cảm riêng của mình. Quá trình trị liệu được thực hiện trong bầu không khí của sự quan tâm tích cực vô điều kiện, tôn trọng người bệnh, giúp đỡ không áp đặt, không kèm theo sự đánh giá về năng lực.

Liệu pháp nhận thức – hành vi: Đây là liệu pháp điều trị thích hợp cho RLNC. Theo góc nhìn của nhận thức – hành vi, các RLNC là hệ quả từ những niềm tin sai lệch về bản thân và thế giới xung quanh. Vì thế cho nên mục tiêu điều trị khi dùng liệu pháp này là giúp cá nhân thay đổi những niềm tin lệch lạc, có cái nhìn đúng đắn về những hành vi không phù hợp và những hành vi đó có tác động tiêu cực đến cuộc sống của họ và của những người xung quanh như thế nào. Nhà trị liệu giúp thân chủ nhận diện những niềm tin hay kiểu mẫu suy nghĩ không hợp lý, hướng dẫn họ giải thoát khỏi sự ràng buộc và sự hạn chế của kiểu suy nghĩ cũ. Họ cũng giúp thân chủ, xây dựng các kiểu suy nghĩ mới phù hợp thông qua các phương pháp can thiệp và phòng ngừa (Matusiewicz, Hopwood, Banducci, & Lejuez, 2010). Một trong các phương pháp đó là liệu pháp cảm xúc hành vi hợp lý (REBT) áp dụng mô hình ABCDE theo tiến sĩ Ellis và Dryden (1987) dưới đây:

A: Acting event – tức những sự kiện gây nên áp lực và lo lắng, có thể là việc phát biểu giữa đám đông, thiết lập mối quan hệ mới hay những rắc rối trong các mối quan hệ cá nhân.

B: Belief system – hệ thống niềm tin, là phần nhận thức trong phản ứng của một người trước sự kiện A, ví dụ như “tôi sợ phải thiết lập mối quan hệ mới vì nếu lỡ tôi không được chấp nhận, điều đó sẽ làm tôi tổn thương đến chết mất.”

C: Emotional consequences – hệ quả cảm xúc của những niềm tin lệch lạc. Những niềm tin lệch lạc tạo ra hệ quả xấu. Điều này có thể dẫn đến sự tự hoàn thành dự đoán của bản thân. Ví dụ như thân chủ cho rằng mình sẽ run rẩy và hoảng sợ khi phải nói chuyện với người khác, thì đồng nghĩa với việc họ đã chuẩn bị cho bản thân run rẩy và hoảng sợ trước rồi. Có nhiều người lặp đi lặp lại những suy nghĩ tiêu cực thế này. Và nó giống như là kiểu tự thiết lập chương trình cho bản thân. Nếu một người cứ suy nghĩ tiêu cực thì có thể họ sẽ mãi tự ở trong trạng thái tồi tệ.

D: Disputing irrational thoughts and beliefs – đấu tranh với những suy nghĩ và niềm tin lệch lạc. Nhà trị liệu phải thách thức những suy nghĩ và niềm tin sai lệch này của thân chủ một cách thẳng thắn. Ví dụ “nếu bạn không được chấp nhận bởi ai đó, điều này có thực sự tệ hại đến mức khiến bạn muốn từ bỏ những điều tốt đẹp trước đây và tự tổn thương bản thân?”. Họ sẽ hướng dẫn nhưng thân chủ mới chính là người phải tự luyện tập và tìm ra những suy nghĩ và phương pháp thực tế để giải quyết vấn đề, thay thế cho những suy nghĩ và hành vi sai lầm trước đây.

E: Effects – ảnh hưởng từ việc thay đổi cách nhìn nhận của một người một vấn đề nào đó. Nếu liệu pháp điều trị có hiệu quả thì thân chủ sẽ giảm dần các triệu chứng lo âu và nhìn nhận tình huống khác đi.

Thuốc

Thuốc thường không được sử dụng để điều trị cho các cá nhân bị RLNC tránh né. Tuy nhiên với nhiều người mắc rối loạn lo âu xã hội lẫn RLNC tránh né thì một số loại thuốc chống hấp thụ ngược serotonin có chọn lọc (SSRI) có hiệu quả trong việc làm giảm các triệu chứng của rối loạn lo âu xã hội. Thêm vào đó, một vài nghiên cứu đã chỉ ra các loại thuốc benzodiazepines, monamine oxidase inhibitors (MAOIs) có tác dụng trong việc điều trị RLNC tránh né và rối loạn lo âu xã hội (Rettew, 2015).

 

Viết: Bảo Trâm, Anh Đào

Biên tập: Hải Đường Tĩnh Nguyệt

Nguồn: https://beautifulmindvn.com/2017/09/12/roi-loan-nhan-cach-tranh-ne/

menu
menu