Tại sao bạn có thể yêu một kẻ bạo hành  

tai-sao-ban-co-the-yeu-mot-ke-bao-hanh  

Bạn có thể đã bỏ qua những dấu hiệu của việc bạo hành lúc ban đầu vì những kẻ bạo hành rất giỏi trò quyến rũ.

Chuyện yêu ai đó thường tự dưng xảy đến với chúng ta―thường là trước khi chúng ta thực sự hiểu được bản chất của người yêu của ta. Đó là tại vì chúng ta đang phó mặc cho những thế lực vô thức, thường được gọi là “hóa chất” trong não bộ. Đừng phán xét bản thân vì đã yêu một ai đó không đối xử tử tế và tôn trọng bạn, vì đến lúc mối quan hệ chuyển thành bạo hành thì bạn đã gắn bó và muốn duy trì tình yêu và mối quan hệ của bạn. Bạn có thể đã bỏ qua những dấu hiệu của việc bạo hành lúc ban đầu vì những kẻ bạo hành rất giỏi trò quyến rũ.

Họ thường chờ đợi cho đến khi biết chúng ta đã bị dính mắc vào mối quan hệ này trước khi để lộ bộ mặt thật của họ. Đến lúc đó thì tình yêu của chúng ta đã chắc như bê tông và không dễ phá bỏ. Thật khó mà rời bỏ kẻ bạo hành. Có khả năng và thậm chí có lẽ dù biết rằng chúng ta đang gặp nguy hiểm mà ta vẫn yêu một kẻ bạo hành. Nghiên cứu cho thấy ngay cả những nạn nhân của hành vi bạo lực trung bình phải trải qua 7 lần bị hành hung trước khi vĩnh viễn rời khỏi người bạn đời của họ.

Bạn có thể cảm thấy tủi nhục khi ở trong một mối quan hệ bạo hành. Những ai không hiểu chuyện có thể thắc mắc tại sao chúng ta lại yêu kẻ bạo hành và tại sao ta không bỏ đi. Chúng ta không có câu trả lời rõ ràng. Nhưng có nhiều lý do chính đáng. Động cơ của chúng ta nằm ngoài tầm nhận thức và kiểm soát của ta, vì chúng ta khát khao gắn bó để sống sót. Những bản năng này kiểm soát cảm xúc và hành vi của chúng ta.  

Chối bỏ chuyện bạo hành để sống sót 

Nếu chúng ta không được đối xử một cách tôn trọng trong gia đình mình và có lòng tự trọng thấp thì chúng ta sẽ có khuynh hướng chối bỏ chuyện bạo hành. Chúng ta sẽ không mong đợi được đối xử tử tế hơn cái cách mà chúng ta từng bị một người cha (mẹ) kiểm soát, hạ thấp giá trị hay trừng phạt. Chối bỏ không có nghĩa là chúng ta không biết điều gì đang diễn ra. Mà thay vào đó, chúng ta giảm thiểu hoặc hợp lý hóa nó và/hoặc những tác động của nó. Chúng ta có thể không nhận ra việc đó thực sự là bạo hành. Nghiên cứu cho thấy, chúng ta chối bỏ để sống sót, để duy trì sự gắn bó và sinh đẻ để duy trì nòi giống. Những sự thật rành rành và những cảm xúc thường làm suy yếu tình yêu sẽ bị giảm thiểu hóa hoặc bóp méo để chúng ta có thể làm ngơ trước chúng hoặc đổ lỗi cho bản thân ta để ta vẫn tiếp tục yêu thương. Bằng cách nhân nhượng người bạn đời của chúng ta và mối gắn kết để yêu thương, chúng ta không còn tổn thương nữa. Tình yêu lại được nhen nhóm và chúng ta cảm thấy an toàn trở lại.  

Phóng chiếu, Lý tưởng hóa và Sự thôi thúc làm đi làm lại   

Khi chúng ta yêu, nếu chúng ta chưa từng giải quyết sang chấn tâm lý thời thờ ấu của mình thì chúng ta dễ rơi vào tình trạng tôn thờ, lý tưởng hóa người yêu của ta khi hẹn hò. Chúng ta có khả năng sẽ tìm kiếm người nào đó gợi nhắc cho ta về một người cha hay người mẹ, người mà chúng ta vẫn còn những chuyện chưa giải quyết xong, không nhất thiết phải là cha/mẹ khác giới của chúng ta. Chúng ta có thể bị thu hút trước ai đó mang những đặc điểm của cả bố và mẹ. Vô thức của chúng ta đang cố gắng sửa chữa, cải thiện quá khứ của ta bằng cách làm sống lại nó với hy vọng rằng chúng ta sẽ làm chủ được tình hình và nhận được tình yêu thương mà ta chưa có được hồi còn bé. Điều này giúp chúng ta bỏ qua những dấu hiệu dự đoán về những bất trắc.

Chu kỳ của bạo hành

Thời kỳ trăng mật thường diễn ra sau một giai đoạn bạo hành. Đây là một phần của chu kỳ bạo hành. Kẻ bạo hành có thể tìm kiếm sự kết nối và hành động lãng mạn, tỏ ra hối lỗi hoặc ăn năn. Chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm vì hiện tại hòa bình đã trở lại. Chúng ta tin vào lời hứa rằng chuyện đó sẽ không bao giờ lặp lại nữa, vì chúng ta muốn thế và vì chúng ta khát khao được gắn bó. Việc xâm phạm mối gắn bó tình cảm để lại cảm giác còn tồi tệ hơn cả bạo hành. Chúng ta khao khát cảm giác được gắn kết lại lần nữa. Thường thì kẻ bạo hành sẽ bày tỏ tình yêu với chúng ta. Chúng ta muốn tin vào điều đó và cảm thấy vững dạ về mối quan hệ, đầy hy vọng và đáng yêu. Sự chối bỏ của chúng ta mang đến một ảo tưởng về sự an toàn. Đây được gọi là “Vòng luẩn quẩn” của sự chối bỏ xảy ra trong các mối quan hệ với người nghiện rượu, theo sau một cơn say là những lời thề thốt kiêng rượu.

Lòng tự trọng thấp

Do lòng tự trọng thấp mà chúng ta tin vào những lời lẽ coi thường, đổ lỗi và chỉ trích của kẻ bạo hành, điều này càng làm suy giảm lòng tự trọng và sự tự tin của chúng ta vào những nhận thức của riêng ta. Họ cố tình làm chuyện này vì quyền lực và quyền kiểm soát. Chúng ta bị tẩy não để tin rằng chúng ta phải thay đổi để giữ cho mối quan hệ được yên ấm. Chúng ta đổ lỗi cho bản thân và cố gắng nhiều hơn để đáp ứng những yêu sách của kẻ bạo hành. Chúng ta có thể diễn giải về hành vi gạ gẫm tình dục, một chút tử tế, hoặc chỉ đơn giản là sự vắng mặt của hành vi bạo hành là dấu hiệu của tình yêu hoặc hy vọng rằng mối quan hệ sẽ được cải thiện. Vì vậy mà khi lòng tin vào bản thân ta giảm sút thì sự tôn thờ, lý tưởng hóa và tình yêu của chúng ta dành cho kẻ bạo hành vẫn còn nguyên vẹn. Thậm chí chúng ta có thể hoài nghi không biết mình có thể tìm được bất cứ cái gì tốt đẹp hơn hay không.

Cảm thông với kẻ bạo hành

Nhiều người trong chúng ta dành sự cảm thông cho kẻ bạo hành, chứ không phải cho bản thân ta. Chúng ta không ý thức được về những nhu cầu của mình và cảm thấy xấu hổ khi đòi hỏi. Điều này khiến chúng ta dễ bị thao túng, nếu kẻ bạo hành sắm vai nạn nhân, phóng đại cảm giác tội lỗi, tỏ ra ăn năn, đổ lỗi cho chúng ta hoặc kể về một quá khứ đau buồn (mà họ thì lúc nào cũng có quá khứ đau buồn). Sự cảm thông của chúng ta lại tiếp tục nuôi dưỡng hệ thống chối bỏ thực tại của ta bằng cách đưa ra lời biện minh, hợp lý hóa và tối thiểu hóa nỗi đau mà chúng ta đang chịu đựng. Hầu hết nạn nhân đều che giấu chuyện bị bạo hành với người thân và bạn bè để bảo vệ kẻ bạo hành, vừa xuất phát từ sự cảm thông và xấu hổ về việc bị bạo hành. Giữ bí mật là một sai lầm và mang lại cho kẻ bạo hành nhiều quyền lực hơn.

Những mặt tích cực

Chắc chắn là kẻ bạo hành và mối quan hệ này có những mặt tích cực mà chúng ta yêu thích hoắc nhung nhớ, đặc biệt là sự lãng mạn buổi ban đầu mới quen và những khoảng thời gian tốt đẹp. Chúng ta nhớ lại hoặc mong đợi sự tái diễn của chúng nếu chúng ta vẫn ở lại với mối quan hệ này. Chúng ta tưởng tượng rằng giá như anh (cô) ấy kiểm soát được tính nóng giận của bản thân hoặc đồng ý tìm kiếm sự trợ giúp về tâm lý, hoặc chỉ cần thay đổi một phương diện nào đó thì tất cả mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Đây là sự chối bỏ của chúng ta.

Thường thì kẻ bạo hành cũng là người chu cấp tốt cho gia đình, mang đến một cuộc sống xã hội thú vị, hoặc có những tài năng đặc biệt. Những kẻ ái kỷ (narcissist) có thể vô cùng thú vị và quyến rũ. Nhiều người nói rằng họ yêu thích lối sống và sự hiện diện của kẻ ái kỷ bất chấp việc bị hắn bạo hành. Những người mắc chứng rối loạn nhân cách ranh giới (borderline personality) có thể khiến cuộc đời của bạn bừng sáng, đầy sôi nổi, kích thích . . . khi họ đang có tâm trạng vui vẻ. Những kẻ thái nhân cách (sociopath) có thể giả vờ (sắm vai) bất cứ hình mẫu lý tưởng nào mà bạn muốn . . . để đạt được ý đồ riêng của họ. Bạn sẽ không nhận ra được họ đang làm gì trong một thời gian.

Củng cố Gián đoạn và Mối Gắn kết đau thương  

Khi chúng ta nhận được củng cố gián đoạn tích cực và tiêu cực, không thể đoán trước, thì ta sẽ liên tục tìm kiếm những củng cố tích cực này. Nó khiến cho chúng ta tiếp tục bị nghiện. Người bạn đời có thể là kiểu lạnh lùng xa cách hoặc có kiểu gắn bó né tránh. Thi thoảng họ có thể muốn thân mật gần gũi. Sau một đêm âu yếm ngọt ngào, họ lại xa lánh, khép mình, hoặc có hành vi bạo hành. Khi không nghe tin gì từ người đó, chúng ta trở nên lo lắng và tiếp tục tìm kiếm sự gần gũi thân mật. Chúng ta nhầm lẫn nỗi đau và khao khát của mình là tình yêu. 

Đặc biệt là những người mắc chứng rối loạn nhân cách có thể cố tình làm việc này để thao túng và kiểm soát chúng ta bằng sự chối từ hoặc xa lánh. Sau đó họ sẽ đáp ứng nhu cầu của chúng ta một cách ngẫu hứng. Chúng ta trở nên nghiện việc tìm kiếm phản hồi tích cực. Theo thời gian, những giai đoạn lạnh lùng, xa lánh ngày càng lâu hơn, nhưng chúng ta được huấn luyện để ở lại, cứ phải rón rén, rồi chờ đợi và hy vọng về sự kết nối. Điều này được gọi là “mối gắn kết đau thương” do các chu kỳ bạo hành cứ lặp đi lặp lại, trong đó sự củng cố của thưởng-phạt gián đoạn tạo ra mối gắn kết tình cảm, chống lại thay đổi. Nó lý giải tại sao những mối quan hệ bạo hành là mối quan hệ khó mà rời bỏ nhất, và chúng ta trở nên đồng phụ thuộc với kẻ bạo hành. Chúng ta có thể hoàn toàn đánh mất bản thân khi cố gắng làm hài lòng và tránh phật lòng kẻ bạo hành. Một chút cử chỉ tử tế hay gần gũi cũng làm ta mềm lòng làm sao (giống như cuộc ân ái sau trận cãi vã) bởi vì chúng ta từng bị bỏ đói và giờ đây cảm thấy nhẹ nhõm khi được yêu thương. Điều này lại nuôi dưỡng chu kỳ bạo hành.

Kẻ bạo hành sẽ bật cái công tắc quyến rũ lên nếu bạn dám dọa bỏ đi, nhưng đó chỉ là một mưu đồ tạm thời khác để giành lại quyền kiểm soát. Bạn cần phải vượt qua được giai đoạn ‘cai nghiện’ sau khi rời bỏ mối quan hệ. Bạn có thể vẫn còn nhớ nhung và yêu kẻ bạo hành.

Khi chúng ta cảm thấy hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của kẻ bạo hành và không thể thoát khỏi cảnh bị đánh đập, chúng ta có thể phát triển thành “Hội chứng Stockholm,” một thuật ngữ được áp dụng cho tù nhân/những người bị bắt giữ. Bất kỳ hành động tử tế nào hoặc thậm chí không có hành vi bạo lực đều được cảm nhận giống như một dấu hiệu của tình bạn và được quan tâm. Kẻ bạo hành trông bớt đáng sợ hơn. Chúng ta tưởng tượng rằng đôi ta là bạn bè và có thể yêu kẻ bạo hành, tin rằng chúng ta đang chung xuồng.

Điều này xảy ra trong các mối quan hệ thân mật bớt nguy hiểm do sức mạnh của hóa chất (não bộ), sự hấp dẫn thể xác, và quan hệ tình dục. Chúng ta trung thành với một lỗi lầm. Chúng ta muốn bảo vệ kẻ bạo hành mà ta đã gắn bó hơn là bảo vệ bản thân ta. Chúng ta cảm thấy tội lỗi khi nói chuyện với những người ngoài cuộc, rời bỏ mối quan hệ hay gọi điện cho cảnh sát. Những người ngoài cuộc đang cố giúp đỡ chúng ta cảm thấy bị đe dọa. Ví dụ, nhà tham vấn tâm lý và Chương trình 12 bước có thể bị xem là kẻ thích chỏ mũi vào chuyện người khác “muốn tẩy não và chia cắt đôi ta.” Điều này lại càng củng cố thêm cho mối quan hệ độc hại và cô lập chúng ta với sự trợ giúp từ bên ngoài . . . chính xác là điều mà kẻ bạo hành muốn!

 

Tìm đọc cuốn Tại Sao Anh Ta Làm Thế? Giải mã tâm lý kẻ bạo hành - Tác giả: Lundy Bancroft

menu
menu