Tại sao bạn nên bỏ đọc tin tức

tai-sao-ban-nen-bo-doc-tin-tuc

Chúng ta sẽ xem xét điều gì làm cho một số thông tin đáng giá còn những thông tin khác thì vô giá trị.

Mọi người đều biết rằng tin tức thật tệ. Cả đời tôi chưa thấy ai trông có vẻ thích đọc hoặc xem tin tức mỗi ngày. Nó là một kiểu trách nhiệm cay đắng hoặc điều bắt buộc phải chịu đựng cho mọi người. Tin tức giống như phiên bản xã hội của chuyện xỉa răng: dù không vui, nhưng chúng ta vẫn cứ tiếp tục đọc nó hằng ngày, giống như một kiểu bổn phận để ngăn chặn sự suy đồi của trật tự xã hội.

Tất cả chúng ta đều hiểu điều đó: vâng, tin tức quá ư tiêu cực, và phải, nó thường đưa tin sai lệch. Nhưng suy cho cùng, chúng ta được lợi từ nó. Đó thường là cách người ta lập luận. Một số người thậm chí còn nói rằng chúng ta cần tin tức, nền dân chủ không thể nào có được nếu thiếu nó.

Trong bài viết này, tôi sẽ thách thức quan điểm ấy. Trên thực tế, tôi sẽ cho rằng tin tức không chỉ trông có vẻ kinh khủng, mà nó thực sự là kinh dị ở dạng hiện tại. Nó đang chủ động hủy hoại nền văn hóa của chúng ta. Và đa phần những thứ mà chúng ta đổ lỗi trên phương tiện truyền thông hay mạng internet—sự gia tăng stress, lo lắng, bi quan, và phân cực—bị đặt nhầm chỗ. Báo chí là thủ phạm chính.

Rõ ràng thì đây là một lập luận táo bạo. Và bài viết này sẽ khá dài hơi. Chúng ta sẽ xem xét điều gì làm cho một số thông tin đáng giá còn những thông tin khác thì vô giá trị. Chúng ta sẽ xem các mạng thông tin xuất hiện như thế nào và cách tin tức được truyền đi theo cách truyền thống trong suốt lịch sử loài người. Chúng ta sẽ xem cách mà internet và phương tiện truyền thông ảnh hưởng như thế nào đến các mạng truyền thống đó, và tất nhiên, tôi sẽ thử giải thích tại sao môi trường truyền thông hiện tại của chúng ta là một phòng tắm hơi chết tiệt.

Cuối cùng, tôi sẽ bàn về những gì mà tôi xem là lựa chọn thay thế tốt hơn để cập nhật thông tin mang lại hiểu biết hơn là tiêu thụ tin tức. Sẽ có nhiều link dành cho bạn.

Vậy nên hãy hít một hơi thật sâu…có thể bóp một quả stress ball (bóng giảm căng thẳng). Việc này sẽ tốn chút thời gian.

TẠI SAO TIN TỨC QUÁ KINH KHỦNG?

Cho tôi được hỏi bạn câu này: lần cuối cùng mà bạn đưa ra một quyết định quan trọng dựa theo một bài phóng sự là khi nào? Hoặc: lần cuối cùng thông tin từ một bài phóng sự có tác động trực tiếp đến cuộc sống của bạn là khi nào? Và ý tôi không phải là, kiểu tác động “Nó khiến tôi thấy thực sự, thực sự bực mình.” Ý tôi là, thực sự tác động đến bạn.

Khả năng là bạn không thể nhớ nổi. Ấy là tại vì phần lớn thông tin là không liên quan. Đua xe. Cướp nhà băng. Người nổi tiếng bị sốc thuốc. Tỉ số các môn thể thao. Người vô gia cư quăng phân vào nhau. Không ai trong chúng ta từng có trải nghiệm xem một bài phóng sự và ngay lập tức nghĩ, “mình cần phải thay đổi lối sống của mình.” Tôi không nhớ liệu chuyện đó đã từng xảy ra với tôi hay chưa.

Tin tức không cho bạn biết nên làm công việc gì hay xử trí thế nào với người chồng hay nóng giận hoặc thương hiệu tai nghe tốt nhất là gì hay nên cho con bạn ăn gì vào buổi sáng. Nó không giúp bạn trở thành một người bạn tử tế hơn hay lý giải tại sao bạn lại có những cơn hoảng loạn hoặc lời khuyên về cách tốt nhất để dạy dỗ một đứa trẻ ngang bướng.

Tin tức khá ư vô dụng trong việc giúp bạn quyết định cái gì cần thiết cho cuộc đời bạn. Bạn có thể cho rằng tin tức giúp bạn quyết định nên bỏ phiếu cho ai, nhưng nghiên cứu cho thấy điều đó không đúng—chúng ta bị tác động bởi bạn bè, gia đình và những tình huống hằng ngày nhiều hơn là bất kỳ thông tin nào chúng ta đọc được trên báo chí.1 Nếu bạn muốn biết một nền tảng của chính trị gia ngày hôm nay, bạn chỉ cần ghé thăm trang web của họ hoặc nghe họ nói chuyện trực tiếp trên YouTube. Bạn không cần một bộ vét biết nói trên tivi hay một phần bình luận để nói cho bạn biết nên nghĩ gì.

Nếu chúng ta trung thực, phần lớn giá trị ta nhận được từ việc đọc tin tức là để có chuyện mà buôn với những người cũng đọc tin tức. Và hãy xem điều này có 50% khả năng khiến các bạn ghét nhau, thậm chí giá trị đó trở nên đáng ngờ.

Vậy nếu như tin tức không chia sẻ những sự thật hay thông tin hữu ích trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người, chính xác thì tin tức đang muốn làm gì?

Vâng, đơn giản thôi. Mục tiêu của tin tức là thôi thúc bạn tiếp tục đọc thêm tin tức.2

Chúng làm điều này bằng vài cách sau:

  • Chúng đưa ra những thông tin mang nhiều cảm xúc khiến ta CẢM THẤY quan trọng, mặc dù sự thật không phải thế (thí dụ, một chính trị gia nói hớ một câu).
  • Chúng phóng đại tất cả mọi thứ khiến bạn tin rằng đây là một sự kiện ngàn năm có một và sẽ không bao giờ có thứ gì tương tự lặp lại nữa…cho đến khi một sự kiện khác xảy ra. Vụ ám sát Soleimani gần đây ở Iraq là một ví dụ.
  • Một khi họ đã “nổ thái quá” về mức độ nghiêm trọng của một sự kiện, họ sẽ vời một nhóm nhỏ “các chuyên gia” để giúp bạn xử lý tầm quan trọng của sự kiện. Tất nhiên, phần lớn “các chuyên gia” ấy sẽ chốt lại một câu “Chúng ta sẽ phải chờ xem.”
  • Họ ám ảnh với những tiểu tiết vô nghĩa trong những câu chuyện thu hút mọi người—nạn nhân bị bắt cóc mặc đồ gì, cha mẹ của kẻ xả súng hàng loạt là ai, hôm qua Joe Biden đã ăn mấy cái bánh nhân thịt v.v.
  • Họ nhắm đến mục tiêu mang tính giải trí hơn là cung cấp thông tin. CNN hiện có cả phân khúc nơi họ chỉ chiếu các video thịnh hành trên YouTube và sau đó cười nhạo chúng.

Những chiến lược này tạo ra hiệu ứng tổng hợp khiến người đọc tin tức cảm thấy họ đang được cung cấp thông tin trong khi thực tế là chúng ta đang nhận được những quan điểm sai lệch về các sự kiện không liên quan đã bị thổi phồng lên khiến bạn bị kích động cảm xúc khó chịu và tức giận. Và tất nhiên bạn sẽ theo dõi lại vào ngày mai để biết tiếp theo sẽ ra sao!

Đây là lý do tại sao chúng ta không thể có được những điều tốt đẹp…

 

Những lời than phiền đó đã tồn tại hàng thập kỷ. Bạn có lẽ đã nghe đến chúng rồi. Và bạn có thể biện minh cho chúng là những điều xấu xa nhưng lại cần thiết. Ý tôi là, bạn muốn những thông tin quan trọng được bọc bằng cái vỏ giải trí phải không? Đó là viên đường giúp thuốc trôi xuống.

Nhưng tôi không đồng ý. Điều này không chỉ không cần thiết, mà kiểu outrage porn (cơn giận dữ đồi bại) này có hại cho chúng ta và nền văn hóa của chúng ta.

  1. Sang chấn tâm lý tái diễn – Các nghiên cứu phát hiện thấy nhiều người xem những sự kiện thảm khốc (khủng bố tấn công, xả súng hàng loạt, thảm họa tự nhiên) lặp đi lặp lại nhiều lần trên truyền hình có thể phát triển các triệu chứng tương tự như PTSD (rối loạn stress sau sang chấn), mặc dù họ không trực tiếp trải qua những thảm họa đó.3
  2. Chương trình nghị sự – Khi các phương tiện truyền thông ám ảnh với một chủ đề và liên tục đưa tin về nó, mọi người bắt đầu tin rằng chủ đề đó là quan trọng, bất kể có đúng hay không (xin chào, Monica Lewinsky).4 Tương tự vậy, sự bao phủ của tin tức tiêu cực khiến mọi người đánh giá quá mức về vấn đề, tin rằng chúng đang phổ biến hơn nhiều so với thực tế. Tệ hơn là, điều này có vẻ chỉ đúng với các tin tiêu cực. Tin tích cực không tạo được thành kiến tương tự trong cách tư duy của chúng ta.5
  3. Lý thuyết Vun bồi– Các nghiên cứu báo cáo rằng những người xem nhiều tin tức có khuynh hướng đánh giá quá mức về số lượng các vụ phạm tội và bạo lực diễn ra trong đời thực. Họ nhìn chung là thường xuyên ngờ vực người khác hơn, thành ra hoang tưởng rằng ai ai cũng chỉ chực hãm hại họ.6
  4. Thông tin sai lệch và Tuyên truyền – Những người xem các trang tin tức đảng phái (ví dụ Fox News và MSNBC ở Hoa Kỳ) thực sự kém hiểu biết hơn những người không xem tin tức. Những ông lớn trong ngành công nghiệp tin tức đang tích cực đưa thông tin sai đến mọi người.
  5. Stress và Lo lắng – Tiêu thụ tin tức có hại cho sức khỏe tinh thần của chúng ta. Đọc tin tức không chỉ sinh ra cảm giác bi quan về thế giới mà còn về cả cuộc sống riêng của chúng ta.7 Nó cũng làm tăng stress và các triệu chứng của lo âu tổng quát.8

Tóm lại: chúng ta có được những nội dung giàu cảm xúc nhưng lại chẳng mấy hữu ích hay có liên quan, làm tăng nhận thức lệch lạc và không chính xác về thế giới, về người khác và về bản thân chúng ta. Nó sinh ra lo lắng và căng thẳng, gây mất lòng tin lớn hơn đối với người khác và thực tế có thể khiến chúng ta ít hiểu biết về thế giới. Oh, và nó hoạt động 24/7, trên mọi nguồn cấp dữ liệu xã hội, mọi trang chủ, ở mọi sân bay, mọi khách sạn, cả ngày, mỗi ngày, mãi mãi…

Song, tin tức vẫn có tiếng là một thứ gì đó CẦN PHẢI theo dõi. Giống như các loại rau cho chế độ ăn của chúng ta. Bông cải xanh giúp chúng ta thưởng thức món tráng miệng.

Nhảm nhí.

Hè năm ngoái tôi đã viết một bài khá dài tên là Chế độ ăn kiêng Chú ý. Trong bài đó, tôi cho rằng thách thức quan trọng nhất mà mỗi cá nhân phải đối mặt ngày nay là học cách quản lý và chăm sóc cho khả năng chú ý chúng ta. Để chăm sóc sức khỏe chú ý của ta một cách nghiêm túc giống như cách ta chăm sóc cho cơ thể của mình (hoặc không). Điều này đặc biệt xác đáng, vì trong thời đại của Twitter, hầu hết mọi thứ được thiết kế để tấn công và chiếm quyền kiểm soát sự chú ý của chúng ta và kích hoạt những hành vi mang tính cưỡng bách và lặp đi lặp lại ở người tiêu dùng. Khi tôi viết bài đó, tôi gộp các phương tiện truyền thông như một trong nhiều thủ phạm. Ngay khi tôi quyết định cắt phần lớn các video games, mạng xã hội và memes mèo vui nhộn khỏi cuộc đời tôi, tôi đã đưa tin tức vào danh mục những thứ mà tôi có lẽ đã dành quá nhiều thời gian cho nó.

Trước đây tôi không bận tâm nhiều về nó. Tôi đọc tin tức hằng ngày suốt cuộc đời. Nửa cuối năm 2019 là lần đầu tiên tôi thử nghiệm loại bỏ nó khỏi cuộc đời mình—và nó cũng trở thành sự điên rồ văn hóa tột đỉnh

Lúc đầu bạn bè tưởng tôi bị khùng. Mọi người thách thức tôi bằng cách nói rằng tôi có trách nhiệm xã hội cần theo dõi thời sự. Nào là tin tức là cái khiến cho nền dân chủ hoạt động (này anh bạn, người nào bán câu này cho thế giới chắc chắn sẽ trúng đậm). Rằng tôi sẽ bị lạc lõng trong các cuộc tám chuyện. Nào là tôi sẽ không nắm bắt được chuyện gì đang diễn ra.

Vài tháng trôi qua… và một điều thú vị bắt đầu diễn ra. Vâng, tôi ít căng thẳng và lo âu hơn. Đúng là tôi mong đợi điều đó. Tôi cũng làm việc hiệu quả hơn (thật quá tốt). Nhưng một điều không ngờ đã xảy ra. 

Tôi trở nên lạc quan.

Lần đầu tiên kể từ bé đến giờ, tôi quả thực tin rằng thế giới này vẫn đang sống ngon lành. Còn trên cả ngon lành cơ: tuyệt vời mới đúng.

Giờ thì bạn có thể nghĩ rằng, “Ờ, dốt nát là một hạnh phúc, anh rõ ràng là không quan tâm.” Nhưng không, quả thực là tôi có quan tâm.

Tôi không tin rằng mình thiếu hiểu biết hơn trước đây. Thực tế thì, lạ lùng thay, tôi tin là mình hiểu biết nhiều hơn. Bây giờ khi các sự kiện xảy ra và tôi nghe kể về chúng thông qua bạn bè, tôi có thể đặt chúng vào bối cảnh lịch sử và toàn cầu phù hợp. Tôi không bị dao động bởi tâm trạng nhất thời. Tôi không phát điên khi Donald Trump tuyên bố hay làm việc gì đó đáng ghét—chúng ta đã có rất rất nhiều tổng thống đầu đất. Mà ta vẫn sống đấy thôi.

Thay vì cảm thấy lạc lõng, tôi bắt đầu có cảm giác mình như người duy nhất biết mọi chuyện. Thay vì để bạn bè giải thích cho tôi về tình hình thế giới, tôi thường thấy mình đóng vai trò xoa dịu lo lắng cho họ, giải thích rằng không, đây chẳng phải điều gì mới mẻ hay độc nhất vô nhị; phải, mấy chuyện này vẫn xảy ra hoài; không, chúng ta sẽ không tham chiến; phải, chết tiệt thật—nhưng chúng ta đã trải qua những điều tồi tệ hơn. Bằng cách nào đó, mặc dù không đọc hàng tá ý kiến trái chiều hay ngồi hàng giờ xem người ta nói chuyện về khủng hoảng gần đây, tôi thấy bản thân mình thông thái hơn, nắm được tình hình tốt hơn. Bình thản hơn. Điềm đạm hơn… hơn tất cả những ai tôi biết.

Có nhiều ý kiến đưa ra về những tác hại của mạng xã hội trong thập kỷ qua. Người ta tuyên bố rằng nó gây ra lo lắng, trầm cảm và tự tử.9 Nhưng hết nghiên cứu này đến nghiên cứu khác cho thấy mạng xã hội có lẽ không phải là mối nguy hiểm lớn nhất như chúng ta tưởng.10 Và trong thực tế, khi được dùng tốt, mạng xã hội có thể nâng cao hạnh phúc.11

Tôi tin rằng chúng ta đã nhầm lẫn giữa những nguy hiểm của mạng xã hội với những nguy hiểm của việc tiêu thụ tin tức. Xét cho cùng, phần lớn chúng ta đọc tin tức thông qua mạng xã hội, vậy nên rất dễ quên mất rằng chúng không giống nhau.12 Tôi đã xem xét hết lần này đến lần khác nghiên cứu về mạng xã hội nhưng không tìm thấy gì. Nhưng khi tôi tìm đọc nghiên cứu về chuyện tiêu thụ tin tức thì lại có đấy.13

Tin tức không phải là rau xanh của cơ thể xã hội của chúng ta. Tin tức giống như một cái burger phomai thịt xông khói với hai cái bánh rán.

Và mặc dù hỗn hợp béo mặn ngọt hoàn hảo đó có mùi vị rất ngon nhưng nó sẽ làm chúng ta đổ bệnh và buồn nôn sau đó. Nó là một cơn ác mộng về dinh dưỡng thông tin. Và tệ hơn, nó gây nghiện.14

Nhưng từ xưa đến giờ đã luôn luôn như vậy rồi ư? Suy cho cùng, cách đây vài thế hệ, chúng ta quen ăn nhiều rau xanh hơn. Và chưa một ai nghe đến tên chiếc bánh burger phô mai thịt xông khói. Tin tức cũng thế phải không?

Phần còn lại của bài này sẽ xem xét hai điều sau:

  1. Tin tức trở thành thảm họa văn hóa như thế nào?
  2. Chúng ta có thể thay thế tin tức bằng cái gì để trở thành một công dân hạnh phúc hơn, lành mạnh hơn?

Một số phần tiếp theo sẽ trở nên triết lý hơn. Chúng ta sẽ xem xét các câu hỏi như làm thế nào thông tin lan truyền trong xã hội loài người, công nghệ ảnh hưởng đến việc thông tin truyền đi qua các mạng lưới dễ dàng (như thế nào), và làm thế nào internet gây xáo trộn những mạng lưới đó giống như một giỏ trứng rẻ tiền.

MẠNG THÔNG TIN CỦA LOÀI NGƯỜI

Thí nghiệm suy nghĩ: giả sử bạn đang sống trong một ngôi làng nhỏ cách đây 5,000 năm cùng với vài trăm con người hôi hôi lắm lông khác. Đâu là cách tốt nhất để phát đi một mẩu thông tin quan trọng để tất cả mọi người đều biết, càng nhanh càng tốt?

Một ý là đứng giữa quảng trường thị trấn và hét lên bất cứ thứ gì bạn cần nói vài chục lần. Đương nhiên là sẽ gây khó chịu. Và thanh quản của bạn sẽ bị đau. Nhưng có thể sẽ hiệu quả—nó sẽ truyền tin ra ngoài, chắc luôn. Hãy gọi đây là hình thức tuyên bố của việc chia sẻ-thông tin. Bắt đầu với một người trung tâm thông báo thông tin cho nhiều người. 

Nhưng đó không phải cách duy nhất để truyền tin tức ra ngoài. Một cách khác là đến gặp vài người, báo tin cho họ, và sau đó nhẹ nhàng nhờ họ báo cho những người khác biết. Lý tưởng nhất là nếu tin tức này thú vị và đủ hấp dẫn, nó sẽ lan truyền từ người này sang người khác, giống như bệnh giang mai trong nhà thổ, cho đến khi tất cả đều dính bệnh… Ý tôi là thông tin sẽ hoạt động theo cách thức của nó thông qua các mạng lưới của con người cho đến khi mọi người đều hay tin. Hãy gọi đây là hình thức lời đồn của việc chia sẻ-thông tin.15

Những lời tuyên bố có thể khá hiệu quả. Nhưng chẳng ai lại có thể đứng lên và bắt đầu gào thét bất cứ điều gì họ muốn. Nhìn chung, trong suốt lịch sử, bạn cần sự cho phép của nhà vua hoặc chúa công hay đại loại thế. Thêm nữa là, nếu bạn sắp đứng giữa quảng trường thị trấn gào thét điều gì đó thì bạn chỉ có thể rống lên những thứ làm Nhà Vua vừa lòng. Bởi vậy mới nói những lời tuyên bố phụ thuộc vào sức hấp dẫn đối với tầng lớp tinh hoa.

Lời đồn cũng có hiệu quả. Bạn chỉ việc kể một số thứ tầm xàm và ngồi rung đùi xem nó được lan truyền như thế nào. Phần ‘khoai’ nhất về lời đồn là chia sẻ thứ gì đó đủ hay ho để mọi người nói về nó. Thảo luận về tỷ lệ thu hoạch giữa gạo và lúa mì gần đây khó mà khiến nhiều người bàn tán về nó trong quán rượu địa phương. Nhưng kể về cô này-cô kia cắm sừng người-mà-bạn biết đấy, và chẳng mấy chốc không ai có thể ngậm miệng. Do đó, chúng ta có thể nói rằng lời đồn phụ thuộc vào sức hấp dẫn đối với quần chúng. Hay ít nhất cũng hấp dẫn các nhóm nhỏ cụ thể.

Hóa ra hai phương pháp này—tuyên bố và lời đồn—là cách thông tin được phát tán trong lịch sử loài người. Bạn sẽ ngồi trong quán rượu địa phương làm một ly rượu mật ong và các thương gia sẽ đến quán rượu với tin tức từ thành phố lân cận để đổi lấy tin tức của nơi bạn đang sống. Những mạng lưới của gia đình và hàng xóm trao đổi thông tin về những nông dân khác—người nào kết hôn vì vật chất, người nào đang bị thất thu vụ mùa, và tất nhiên lời của những toán cướp và lũ bất lương.

Lời đồn và thông tin được lan truyền trên các mạng phân tán của các cá nhân. Mùa màng của bạn thất bát bởi một số loại nấm mới. Bạn kể với hàng xóm. Hàng xóm của bạn đi kể cho thương gia địa phương. Thương gia kể cho những người mua hàng ở thị trấn kế bên: “Năm nay không có lúa mì. Thật đáng tiếc.” Và thông tin tiếp tục lan từ người này sang người khác cho đến khi nó tràn ngập mạng lưới những người quan tâm (hoặc hết sạch mối quan hệ).

Không ai hoàn toàn độc lập. Mọi người tụ tập thành nhóm và bộ lạc. Vì vậy các mạng phân tán phụ thuộc vào những nhóm người này để phát tán thông tin. Nếu bạn muốn loan tin tức, bạn đừng chỉ kể bừa cho một anh chàng Joe Schmoe nào đó trên đường. Bạn hãy tìm các lãnh đạo và người đứng đầu của các cộng đồng, những người siêu kết nối. Các mạng phân tán phụ thuộc vào những người hợp lại thành các nhóm để nhận và truyền thông tin. Điều này sẽ quan trọng về sau.

Nhưng giả sử, có một kẻ tè vào chiếc bánh ngô nướng của nhà vua và ông ta quyết định rằng tất cả mọi người cần biết chuyện này. VÌ vậy, nhà vua sẽ cử một người xuống trung tâm thị trấn và người này sẽ đứng đó và hét lên những điều mà nhà vua muốn mọi người biết cho đến khi đôi mắt anh ta long sòng sọc và mọi người mong anh ta im miệng. Những người đó còn được biết đến như “viên mõ làng” và tin hay không, họ có rất nhiều uy tín trong phần lớn lịch sử loài người. Họ là OG Walter Cronkite và Edward R. Murrow. Khi họ xuất hiện trong thị trấn, mọi người biết ngay sẽ có một chuyện quan trọng sắp được tuyên bố. Các viên mõ làng là những sự kiện hiếm nhưng quan trọng. Tuyên bố về một cuộc chiến tranh, một loại thuế mới, một đám cưới hoàng gia. Đó là một chuyện lớn.

Những lời tuyên bố là thông tin được lan truyền qua các mạng tập trung. Đó là thông tin từ trên đi xuống.

Ngày nay các mạng tập trung và phân tán vẫn lan truyền thông tin. Trong thực tế không có gì thay đổi nhiều. Mọi người tám chuyện vớ vẩn trong các nhóm nhỏ của họ trên mạng xã hội, nói rằng thủ tướng là một tên nhát gan, sau đó ông Thủ tướng mở một cuộc họp báo và tất cả mọi người câm mồm và lắng nghe.

Những lần khác, các mạng phân tán bác bỏ các mạng tập trung của nhà cầm quyền. Các vị vua và hoàng đế bị vượt qua bởi quần chúng bất mãn, chống đối. Các phong trào dân quyền và công bằng xã hội nảy sinh từ các nhóm giống nhau, không có lãnh đạo trung tâm và thay đổi những chính sách lớn. Cả hai mạng tập trung và phân tán đều sở hữu sức mạnh. Cả những lời tuyên bố và lời đồn đều đồng thời lan truyền thông tin khắp xã hội và theo cách riêng của chúng. 

CHUYÊN CHẾ VÀ CÁCH MẠNG: SỰ PHÁT TRIỂN CỦA CÁC MẠNG CỦA CON NGƯỜI     

Xuyên suốt lịch sử, một số phát minh kỹ thuật đã khiến những lời tuyên bố (mạng tập trung) hiệu quả hơn trong việc truyền tin. Giống như, bất cứ ai phát minh ra chiếc loa đầu tiên đột nhiên giúp cho viên mõ làng của họ hiệu quả hơn 3 lần. Đến lượt nó, điều đó sẽ khiến bất cứ ai nắm quyền kiểm soát tiếng thét trong trung tâm thị trấn sẽ có nhiều sức ảnh hưởng và quyền lực hơn trước.

Tương tự vậy, bất cứ ai phát minh ra bảng thông báo sẽ gia tăng quyền lực của mạng phân tán. Bây giờ bạn bước vào một quán rượu địa phương và đọc những thông tin mà hàng chục người cần và quan tâm mà chẳng cần phải tìm họ và nói chuyện với họ. Điều này có nghĩa là bất cứ ai có khả năng viết những ghi chú hiệu quả nhất trên các bảng thông báo địa phương sẽ chiếm được quyền lực.16

Bạn gần như có thể nhìn vào lịch sử thế giới như một cuộc giằng co giữa các mạng tập trung và mạng phân tán, dựa vào bất cứ công nghệ truyền thông nào đang chiếm ưu thế tại thời điểm đó. Khi các mạng tập trung nổi bật, quyền lực có xu hướng tập trung và chuyên chế, tập trung vào số ít người tiếp cận được cái loa. Nhưng khi các mạng phân tán được tăng cương, đó hoàn toàn là về những việc mà các nhóm có thể tự tổ chức và truyền cảm hứng cho những người theo dõi. Các mạng tập trung tạo ra các tay độc tài, còn mạng phân tán sinh ra những cuộc cách mạng lật đổ chúng và xác lập lại cuộc chơi. Và trò bập bênh ấy cứ thế tiếp tục trong lịch sử loài người.

Dưới đây là một số phát triển công nghệ có ảnh hưởng nhất và cách chúng tác động đến các mạng tập trung và phi tập trung của thông tin. Bạn có thể đoán ra, chúng ta đang ở giai đoạn internet.

CHỮ VIẾT

Phát minh: Khoảng 3,200 trước công nguyên  

Khuyến khích: Mạng tập trung (Những lời tuyên bố)

Chữ viết là phát minh kỹ thuật đầu tiên và quan trọng nhất trên thế giới vì nó cho phép chia sẻ kiến thức giữa những người chưa từng gặp nhau — bao gồm cả những người thuộc thế hệ trước với thế hệ tương lai.

Nhìn bên ngoài, điều này có vẻ như sẽ khuyến khích các mạng phân tán. Mọi người sẽ bắt đầu viết những lá thư ngắn cho nhau, đục những bảng đất sét của họ và trao chúng giống như người ta trao kẹo trong một cuộc diễu hành của ngày lễ Tạ ơn.

Nhưng đó không phải là chuyện đã xảy ra. Ngày xưa, chữ viết rất đắt đỏ. Những bảng đất sét! Đ*m đâu có rẻ. Trên hết, chỉ giới tinh hoa được giáo dục đầy đủ mới biết đọc và biết viết, bởi thế mà chữ viết chủ yếu được dùng để tạo ra những lời tuyên bố từ nhà vua.

Không phải ngẫu nhiên mà khoảng thời điểm này trong lịch sử loài người, các đế chế bắt đầu xuất hiện. Chữ viết cho phép các vị vua điều phối các thần dân ở cách nhau rất xa. Nó cho phép họ thống nhất hàng triệu người khác nhau theo một bộ luật và đạo đức chung.17

Sau này, sự kiểm soát thông tin tập trung sẽ trao quyền thống trị cho các tôn giáo lớn trên hầu hết hành tinh. Các cuộc cách mạng là rất nhỏ, nếu như không nói là không tồn tại. Phần lớn dân số không thể đọc hay viết, huống chi là phối hợp được với nhau trên các khu vực rộng lớn. Trừ phi bạn có trình độ học vấn cao và quen biết rộng, bạn sẽ không có khả năng viết được gì quan trọng hay hữu ích. Và nếu bạn có học vấn cao và quen biết nhiều thì bạn đã thuộc về tầng lớp tinh hoa, vậy sao phải đi gây rắc rối? Sự kiểm duyệt là tuyệt đối. Bạn có thể bị giết nếu nói bậy bạ. Mọi thứ đều phải thông qua nhà vua hay linh mục, cấm ý kiến.

Giai đoạn này chả có gì vui.

BÁO IN

Phát minh: 1440 sau công nguyên

Khuyến khích: mạng phân tán (Lời đồn)

Đúng là trò đời khi người có phát minh có vẻ như chịu trách nhiệm cho việc tạo ra thế giới hiện đại lại lâm vào cảnh phá sản, bị lưu đày và chết không ai hay. Johannes Gutenberg đã tạo ra báo in, một cỗ máy có thể sản xuất hàng loạt sách và tờ rơi, sách mỏng với chi phí thấp. Thứ ban đầu tưởng chừng là một cách tiện lợi để sản xuất các cuốn kinh thánh và một số bài thơ thật nhanh chóng, sẽ sớm cách mạng hóa thế giới.

Lần tới nếu bạn tin rằng *bạn* bị người ta đánh giá thấp, hãy nhớ đến Johannes Gutenberg.

Lý do chữ viết ban đầu nghiêng về mạng tập trung là bởi nó đắt đỏ, cả về phương diện sức lao động và tiền bạc. Đội ngũ các thầy tu sẽ mất hàng tháng trời sao chép các tập kinh thánh bằng tay. Chỉ có nhà vua, hoàng đế, và các giáo hoàng mới có quyền viết ra hàng trăm cuốn sách về bất cứ điều gì họ muốn nói.

Nhưng báo in đã làm đảo lộn tất cả. Bây giờ ai cũng có thể tiếp cận máy in và sao chép những tư tưởng của họ. Trong khi chữ viết mở rộng phạm vi của các mạng tập trung, tương tự vậy báo in sẽ mở rộng phạm vi của các mạng phân tán. Và sự mở rộng này sẽ thay đổi cán cân quyền lực trên thế giới.

Sự thay đổi đó không mất nhiều thời gian. Năm 1517, Martin Luther xuất bản his “95 Bài luận” chỉ trích Giáo hội Công giáo và phát động Cải cách. Trong nhiều thế kỷ, Giáo hội Công giáo đã sát hại những ai bất đồng ý kiến giống như Luther. Nhưng Luther đã in ra hàng trăm bản Bài luận của ông. Ai cũng có thể nhặt được và đọc chúng. Giết Luther không còn khả thi nữa. Bạn sẽ phải giết hết tất cả những người theo ông ta. Do đó chiến tranh bùng nổ.

Cải cách của Luther cuối cùng đã châm ngòi cho một trăm năm đổ máu trên khắp lục địa châu Âu. Nó sẽ truyền cảm hứng cho các quốc vương ly khai khỏi giáo hội. Và nó sẽ giúp truyền cảm hứng cho các cộng đồng nhỏ, mộ đạo tìm kiếm tự do tôn giáo trong Thế giới mới.

Nhưng báo in không được thực hiện. Vào những năm 1600, các học giả độc lập đã xuất bản công trình của họ và khuyến khích một ý tưởng mới gọi là “phương pháp khoa học.” Phương pháp khoa học chính là phân quyền—ai cũng có thể dùng nó và đi đến kết luận cho riêng họ. Những tư tưởng về quyền con người bất khả xâm phạm, nhà nước pháp quyền và dân chủ sẽ được thiết lập. Sự dễ dàng của việc xuất bản và thúc đẩy công việc khắp các mạng phân tán cho phép triết học Khai sáng phát triển.

Các tờ báo đầu tiên xuất hiện vào cùng khoảng thời gian, độc lập quyết định thông tin quan trọng và phát tán nó thông qua mạng lưới thương gia địa phương, dùng mưu kế lách được những tuyên bố của đức vua và các viên mõ làng. Nhóm các nhà xuất bản này được xem như một đồng minh của các tư tưởng Khai Sáng mới, vì họ giúp phối hợp các phong trào xã hội trong thế kỷ 17 và 18 sẽ dẫn đến các cuộc cách mạng dân chủ. Cách mạng Hoa Kỳ phụ thuộc rất nhiều vào việc in ấn và phổ biến các tập sách nhỏ về chính trị.18 Tương tự thế, các nhà cách mạng Pháp phối hợp với nhau trên toàn quốc và lần đầu tiên họ nhận ra, họ đang bị chơi bởi nhà vua. Robert Darnton, một sử gia từ Princeton nói, “Không có báo chí, cuộc Cách mạng Pháp không thể diễn ra và không thể có chuyện đó được.”19

Điều đó nói rằng, các phương tiện truyền thông ở thời đại này cũng là một trò hề. Tin giả tràn lan. Trên thực tế, có bao nhiêu người thì cũng có bấy nhiêu tờ báo. Và bạn nghĩ là mọi người ngày nay đã bị phân cực? … Có vụ đâm chết người trong hội nghị. Các chính trị gia bắn nhau. Những kẻ ủng hộ của họ đánh bom và treo cổ và giết nhau vì những tin đồn và lăng mạ…hay đúng hơn là, lời đồn.

RADIO VÀ TRUYỀN HÌNH

Phát minh: 1895 sau công nguyên (radio); 1925 sau công nguyên (truyền hình)

Khuyến khích: mạng tập trung (lời tuyên bố)

Tôi gộp radio và truyền hình với nhau vì chúng đều xuất hiện vào những thời điểm giống nhau và chính những công ty sáng lập các đài truyền thanh cuối cùng cũng thống trị cả truyền hình.

Radio/TV một lần nữa ủng hộ các mạng tập trung bởi 2 lý do:

  1. Giống như chữ viết trong thế giới cổ đại, điều hành một đài radio/truyền hình rất tốn kém và khó khăn và chỉ tầng lớp tinh hoa mới tiếp cận được nguồn lực để làm chuyện này.    
  2. Những công nghệ này cho phép một người tiếp cận được hàng triệu người cùng một lúc với một thông tin y hệt nhau. Giống như thể một viên mõ làng bị đột biến có một trăm dây thanh quản có thể gào xa bốn phương tám hướng hàng ngàn dặm.

Thế kỷ 20 đã thể hiện sự trở lại mạnh mẽ của quyền lực tập trung: đó là chủ nghĩa thực dân đỉnh cao, sự trỗi dậy của các chính phủ chuyên chế, hai cuộc chiến tranh thế giới và toàn bộ sự kinh khủng của Đức quốc xã.  

Đài phát thanh và truyền hình khởi đầu cho ngành công nghiệp quảng cáo và quan hệ công chúng. Khi hàng triệu cặp mắt đang theo dõi cùng một thông tin, điều này mang lại một cơ hội lớn cho doanh nghiệp (và chính phủ) thuyết phục mọi người nghĩ và cảm nhận theo một kiểu nào đó. Đây là nơi mà khả năng thao túng và ảnh hưởng mọi người tin theo những ý kiến hay ham muốn nào đó được chính thức hóa thành việc thực hành tuyên truyền, hay ngày nay nó được gọi là marketing.

Đức quốc xã là một trong những chính phủ đầu tiên làm chủ nghệ thuật tuyên truyền qua vô tuyến.

Đài phát thanh và truyền hình có thể tạo ra sự đoàn kết văn hóa lớn nhất như chúng ta từng thấy trong lịch sử loài người. Tất cả mọi người đều xem cùng một chương trình, nghe cùng một bản nhạc và tham gia cùng các sự kiện. Các cuộc chiến tranh của thế kỷ 20 một nửa hành tinh đối đầu với nửa kia và mọi người đều chiến đấu rất hăng và không muốn đầu hàng. Từ Thế chiến I, cho đến khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, luôn luôn có sự đồng thuận và tin tưởng chính trị tương đối, đặc biệt bởi vì bất kể bạn thuộc về quốc gia nào, bạn vẫn có thể đoàn kết với nhau để chống lại một vài kẻ thù lớn bên ngoài.

INTERNET!

Phát minh: 1983 sau công nguyên

Khuyến khích: Mạng phân tán (Lời đồn)

Những người khởi tạo internet xem nó như một lực lượng giải phóng loài người vĩ đại. Vào thời điểm đó, họ chung sống với những người gác cổng truyền thông của đài truyền hình và đài phát thanh, hạn chế phần lớn các ý tưởng của dân chúng được phổ biến rộng rãi.

Nhưng bây giờ, với sức mạnh của các máy tính được nối mạng, bất cứ ai cũng có thể lên mạng, lập một trang web và bắt đầu khạc mấy thứ nhảm nhí của họ vào không gian mạng, hy vọng có ai đó dừng lại một lát mà lắng nghe.

Trong khi TV và đài phát thanh mở rộng phạm vi của các mạng tập trung đến khán giả trên toàn thế giới thì internet sẽ mở rộng phạm vi của các mạng phân tán trên khắp thế giới. Một giáo sư ở Canada có thể trao đổi emails với một sinh viên ở Ấn Độ và nảy ra một ý tưởng sẽ được thử nghiệm ở Trung Quốc và viết cho các tờ báo ở Úc.

Nghe như thiên đường gọi. Và mặc dầu internet cung cấp cho chúng ta rất nhiều thông tin và quan điểm, thì nó vẫn chưa đáp ứng được những kỳ vọng không tưởng của nó:

Thứ nhất, những người bảo vệ truyền thông cũ phải đối mặt với hiện thực kinh tế: dù tốt hay xấu, hầu như bất cứ đứa trẻ sở hữu một chiếc máy vi tính nào thời buổi bây giờ cũng có thể cạnh tranh với họ. Điều này khiến doanh thu giảm mạnh và khiến họ phải cắt giảm số lượng lớn nhân viên của mình, những phóng viên điều tra và nhà báo nước ngoài, những người khiến họ trở nên đáng tin và xác thực ngay từ đầu. Những tin tức đắt giá mất nhiều năm nghiên cứu và nhiều tháng để thông báo không còn tính kinh tế nữa. Vì vậy những người khổng lồ về truyền thông theo truyền thống bắt đầu trông ngày càng giống các đối thủ nghiệp dư của họ, trong khi các đối thủ nghiệp dư của họ thì tận dụng các chiến lược marketing để khiến họ trông đáng tin hơn so với thực tế.

Thứ hai, vì điện thoại của mọi người kè kè bên họ suốt và chúng ta đều có thôi thúc check mạng xã hội và email một cách cưỡng bách, thông tin có tác động đến cảm xúc (bất kể có đúng sự thật hay có ích hay không) lan truyền cực nhanh. Do đó, việc kiếm tiền nhanh trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết bằng cách thỏa mãn những khuynh hướng tệ hại nhất của con người.  

Thứ ba, bằng cách trao quyền bày tỏ quan điểm cho tất cả mọi người, internet vô tình trao quyền bày tỏ quan điểm trở lại cho những tiểu văn hóa xấu xí của xã hội từng bị cấm khỏi dòng chú ý chủ đạo: những người cuồng tín, kỳ thị chủng tộc và thuyết âm mưu, và những kẻ lập dị. Trong thứ chủ nghĩa lý tưởng của chúng ta là trao cho toàn thể thế giới một cách để thể hiện, bộc lộ bản thân họ, chúng ta quên rằng phần đông mọi người toàn nói mấy thứ chết tiệt. 

Internet giống như báo in thời hiện đại. Nó cho phép bất cứ ai đưa ra ý kiến, thách thức uy quyền và chia sẻ thông tin trên các mạng không chính thức bên ngoài các dòng chảy truyền thống. Một mặt điều này thật tuyệt vời. Nó trao quyền tự do ngôn luận lớn hơn và cơ hội cho mọi người thể hiện bản thân. Mặt khác nó là một đống hỗn độn vì với tư cách một xã hội, chúng ta không biết nên nghe ai hay tin vào đâu nữa.

Giống như giai đọan sau báo, chúng ta đang nhìn thấy nhiều thách thức rõ ràng hơn đối với tổ chức; chúng ta đang chứng kiến sự hồi sinh của các tổ chức sắc tộc và tôn giáo; chúng ta đang chứng kiến những xung đột mới nổi lên về bản sắc và phương hướng của quốc gia và văn hóa. Thời thế thật căng thẳng. Internet đã làm phức tạp…mọi thứ. Những nếu chúng ta sẵn sàng nhìn cho kỹ thì ta có thể phát hiện ra những tia sáng óng ánh của trí tuệ tập thể xuyên qua một dòng chảy thông tin nhảm nhí vô tận.

TÓM LẠI

  • Khi mạng tập trung của thông tin chiếm ưu thế, chúng ta nhận được ít thông tin nhưng phù hợp. Nguy hiểm của những mạng thông tin đó là chúng dễ dàng bị mục nát bởi các mục đích chuyên chế như Giáo hội Công giáo trong thời Trung cổ hoặc các chính phủ chuyên chế của thế kỷ 20.
  • Mạng phân tán khuyến khích nhiều thông tin có chất lượng thấp. Số lượng của thông tin nhìn chung chia rẽ dân số thành các phe phái chống đối lẫn nhau dựa trên bản sắc sắc tộc hoặc tôn giáo. Họ chỉ tin những người đưa tin được ưa thích của họ và không tin những người khác.
  • Trong khi các mạng thông tin tập trung thúc đẩy xung đột giữa các tổ chức chính trị, các mạng thông tin phân tán thúc đẩy xung đột trong các tổ chức chính trị.
  • Trong khi các mạng thông tin tập trung làm vững chắc và củng cố bản sắc văn hóa, thì mạng thông tin phân tán có xu hướng lật đổ và cách mạng hóa các bản sắc văn hóa. Đôi khi những cuộc cách mạng này là những bước nhảy vọt cho nhân loại (Triết học Khai sáng, nhân quyền, v.v) nhưng khi khác, nó chỉ là một đống cuộc đấu tranh theo cách thức tôn giáo, độc đoán.
  • Các mạng thông tin phân tán tạo ra sự đa dạng thông tin lớn hơn nhiều, nhưng tỷ lệ tín hiệu-tạp âm kém, khiến cho từng cá nhân phải điều hướng thông tin và cẩn thận chọn lựa những thông tin đáng đọc và thứ nào nên lờ đi.
  • Nói một cách đơn giản: những thất vọng của chúng ta đối với các phương tiện truyền thông—sự tiêu cực, những lời dối trá, đảng phái—chuyện này sẽ không thay đổi đâu. Tình hình sẽ không tốt hơn. Nó còn tùy vào chúng ta học cách điều hướng trong môi trường truyền thông. Để làm được điều đó, chúng ta phải hiểu được thông tin nào là quan trọng và hữu ích, và thông tin nào là tào lao.

ĐIỀU GÌ KHIẾN CHO THÔNG TIN HỮU ÍCH?

OK, hãy nói thẳng với nhau. Một số thông tin là quan trọng, số khác thì không. Một số thông tin cho ta cảm giác quan trọng trong khi chúng hoàn toàn không quan trọng. Và một số thông tin cho ta cảm giác không quan trọng trong khi thực sự rất quan trọng.

Cách cô đọng nhất để tóm tắt vấn đề ngày nay đó là các phương tiện truyền thông, báo chí được tối ưu hóa cho những thông tin mang lại cho người xem cảm giác quan trọng mà ít quan tâm đến tầm quan trọng thực sự của nó. 

Nếu chúng ta nhìn lại lịch sử, đây là một tình trạng phổ biến của thời đại nơi mang thông tin được phi tập trung cao. Những thông tin được lan truyền là những thứ có cảm giác tác động mạnh mẽ, ngay cả khi điều đó không đúng—và thậm chí nếu nó không đúng! Vì tin tức/báo chí phải cạnh tranh trong một thị trường rất đa dạng với hàng tấn tin tức ồn ào, họ phải thật tàn nhẫn trong việc thu hút cảm xúc của mọi người một cách hiệu quả nhất có thể.

Thời đại của các mạng thông tin tập trung gặp phải vấn đề ngược lại: họ chia sẻ thông tin có vẻ không quan trọng nhưng kỳ thực lại khá quan trọng. Giống như các thông báo của chính phủ Xô Viết về khẩu phần bánh mì hàng tháng hay những cuộc họp quốc hội chán ngắt dài lê thê trên đài truyền hình C-SPAN ở Hoa Kỳ mỗi ngày, những dạng tin tức này thật tẻ nhạt và buồn chán. Nhưng chúng quan trọng.

Quay lại những năm 1950, khi chỉ có hai kênh truyền hình, họ có thể chiếu một ủy ban quốc hội dài 12 tiếng và bạn chẳng còn lựa chọn nào khác. Đó là những thứ quan trọng. Đó là thứ mọi người cần nắm. Bạn sống chung với nó dù bạn có quan tâm hay không. Nhưng khi truyền hình cáp và internet xuất hiện, những thách thức cho các công ty truyền thông thúc đẩy họ giành giật trái tim hơn là trí óc của khán giả. Họ kiếm lời từ những thông tin giàu cảm xúc nhất chứ không phải là xác thực nhất.

Ngày nay, nếu ai đó cố gắng chiếu chương trình kỳ họp quốc hội thì kênh tiếp theo sẽ chôn sống họ bằng những hình ảnh về xác trẻ em ở Sudan và máy bay rơi ở Iran. Làm gì còn cơ hội nào chứ.

Đây là lý do tại sao chúng ta đều nếm mùi “biến chất” của các phương tiện truyền thông trong 30 năm qua: chúng ta trải qua sự leo thang dần dần của tác động cảm xúc phải trả bằng cái giá là tính hữu ích và sự xác thực. Một mặt, chúng ta có nhiều lựa chọn về thông tin hơn bao giờ hết. Nhưng chất lượng trung bình của thông tin đó thì thấp hơn nhiều. Đó đơn giản là sự đánh đổi đi cùng với công nghệ.21

Thông tin vĩ mô hữu ích là thông tin tác động trực tiếp đến bạn và/hoặc có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Chính sách giá thuốc theo toa là một thông tin quan trọng. Đánh giá an toàn của xe hơi của bạn là thông tin quan trọng. Thuế quan đối với đường là thông tin quan trọng.

Mấy thứ đó thiệt nhàm chán, nhưng lại quan trọng vì chúng là những tác động đầu tiên kiểm soát hầu hết mọi thứ khác. Như một câu ngạn ngữ đã nói, “Vấn đề chính là kinh tế, đồ ngốc.” Các vấn đề về văn hóa thường diễn ra ở vùng hạ lưu.22

Gần như mấy thứ khác đều là chuyện nhảm. Các cuộc tấn công khủng bố ư? Xả súng ở trường học à? Cả hai có lẽ đều không thành vấn đề nếu như nó không được đưa lên trang bìa. Trump nói một câu ngu ngốc? Rồi sao? Hãy đập tôi dậy nếu có một mức thuế 350 tỷ đôla khác.

Khi bạn tập trung vào các nguyên tắc đầu tiên, tin tức trở nên vô nghĩa. Tôi sẽ nói rằng 80-90% nội dung ngoài kia thuộc về: a) phóng đại một số sự kiện không liên quan, b) cập nhật cuộc đua ngựa khi tất cả những gì bạn cần biết là ai chiến thắng, hoặc c) ý kiến và bình luận ngụy trang như tin tức.

Bạn có thể bỏ qua tất cả những thứ này. Bạn đừng quan tâm đến các sự kiện. Bạn không cần biết về cuộc đua ngựa, chỉ cần biết người thắng. Bạn không cần biết nhiều ý kiến; bạn chỉ cần dữ liệu.

CÁCH CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG ĐIỀU KHIỂN SỰ CHÚ Ý CỦA BẠN  

Trong tâm trí chúng ta có những thành kiến nhất định khiến tất cả chúng ta đều vướng vào và các phương tiện truyền thông tận dụng chúng để khiến chúng ta đắm chìm và muốn nhiều hơn. Có thành kiến tiêu cực, một hiệu ứng được chứng thực mà con người chú ý nhiều và có phản ứng cảm xúc mãnh liệt trước những sự kiện tiêu cực hơn tích cực.23 Có thành kiến hiện tại, xu hướng chú trọng nhiều hơn tới những sự kiện mới xảy ra, trái ngược với những sự kiện xa xôi trong quá khứ hay tương lai. Rồi có thành kiến kể chuyện, muốn sắp xếp thông tin theo một cấu trúc câu chuyện mạch lạc (tức là, “Thị trường chứng khoán giảm 2% hôm nay vì trời mưa ở Michigan”) ngay cả khi điều đó không đúng. Và cuối cùng, là thành kiến xác nhận thần thánh, xu hướng sắp xếp thông tin mới để chúng phù hợp với những niềm tin đã có từ trước của chúng ta.

Khả năng là nếu bạn nghĩ về những tin tức mà bạn đọc mới đây, hầu hết chúng đều là: tiêu cực, mới xảy ra gần đây, theo hướng-chuyện kể, và ủng hộ cho những niềm tin đã có từ trước của bạn.

Các phương tiện truyền thông tận dụng những thành kiến của chúng ta để làm chúng ta bị nghiện và tiêu thụ nhiều thông tin hơn, bất kể chúng có ích lợi hay không. Đặc biệt là trong thế giới phi tập trung của internet, tên của trò chơi là sự chú ý, và các phương tiện truyền thông sẽ sử dụng mọi công cụ để lợi dụng được nhiều sự chú ý hơn của bạn. Như vậy, các phương tiện truyền thông chuyên về những thông tin nào có tính tức thời, trước mắt, nhanh chóng, theo hướng chuyện kể và rất dễ thấy.

Vấn đề là những thông tin quan trọng nhất thường có tính dài hạn, tiến triển chậm, khách quan, lạnh lùng, trừu tượng và vô hình, và không hẳn là tiêu cực:

  • Tai nạn xe hơi giết chết nhiều người hơn là khủng bố, xả súng hàng loạt và các thảm họa tự nhiên cộng lại. Bạn đã đọc được bao nhiêu bài báo về các vụ tai nạn xe hơi hoặc an toàn giao thông?
  • Thứ tự của bộ gen con người được cho là quan trọng hơn bất kỳ sự phát triển khoa học nào khác trong những năm 1990, mở ra một con đường để dự đoán bệnh và bệnh tình trước khi chúng xuất hiện, làm thay đổi và cải thiện sức khỏe của hàng triệu, nếu không nói là hàng tỷ người, trong các thế hệ mai sau. Bạn đã được nghe bao nhiêu tin tức cập nhật hàng tuần về nó?
  • Hơn 1 tỷ người đã thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực trên toàn thế giới, nhờ sự kết hợp của việc tiếp cận được hệ thống chăm sóc sức khỏe, vệ sinh và mở cửa thị trường cho thương mại phát triển hơn. Ai mà biết chứ?

Đúng là trò đời, trong nỗ lực nhằm truyền thông tin đến nhiều khán giả, bản thân các phương tiện truyền thông lại đưa thông tin sai lệch và thổi phồng quá mức những câu chuyện ngoại lệ cực đoan.

Nhưng đây không phải là lỗi của các phương tiện truyền thông. Nó đơn giản là cách thông tin được nhân rộng trong các mạng phân tán lớn của con người. Những thông tin nào có cực cảm xúc lớn nhất sẽ đi xa nhất và được phát đi to nhất. Đã qua rồi cái thời chúng ta có những trụ cột báo chí đáng tin cậy nơi người ta có thể ghim những thông tin quan trọng nhất. 

Thay vào đó, chúng ta phải dựa vào chính mình. Suy cho cùng, trong thời đại internet, chúng ta là những người được trao quyền: người sử dụng. Chúng ta phải lọc ra những thông tin nhảm nhí và có ý thức tìm kiếm những thông tin hữu ích. Chúng ta phải phát triển một nhận thức về cách mà sự chú ý của chúng ta bị cám dỗ và ngăn bản thân không bị cuốn vào các vòng xoáy mạng xã hội của những chủ đề bình luận bất tận.

Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, mối quan hệ của chúng ta với tin tức tùy thuộc vào chúng ta.

NÊN LÀM GÌ

Đây là tóm tắt: Tìm kiếm những nội dung có giá trị cao nhất mà bạn có thể, và sau đó trả tiền cho nó. Hạn chế việc đọc của bạn xuống còn một vài phần nội dung mỗi tuần. Tìm chất lượng hơn số lượng.

Về nội dung giá trị cao, hãy hỏi bản thân nội dung đó tốn kém bao nhiêu về khía cạnh sức lao động, nghiên cứu, chuyên gia, sản xuất v.v. Những nội dung dài thường đắt hơn nội dung ngắn. Nghiên cứu và trích dẫn thường khó để tổng hợp lại với nhau hơn mấy lời cường điệu, huênh hoang cũ rích. Một điều gì đó giải thích về bối cảnh lịch sử và thừa nhận nhiều khía cạnh của một vấn đề thì khó khăn hơn và ngốn nhiều thời gian hơn một câu tuyên bố phách lác đảng phái.

Tôi tập trung vào những nội dung đắt giá vì bây giờ, ngành công nghiệp truyền thông đang trải qua một cuộc khủng hoảng đang chậm chạp diễn ra về mục đích của chính chúng (và trớ trêu là, chúng cũng quá chậm trong việc thông báo về nó). Nghiên cứu, kiểm tra thực tế, đi du lịch đến quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá—tất cả đều đắt đỏ. Thuê một nhà báo có hàng thập kỷ hiểu biết về một khu vực thì thật đắt đỏ. Phỏng vấn các giáo sư và đào sâu vào nghiên cứu thì thật đắt đỏ. Trong khi đó, doanh thu quảng cáo trực tuyến gần như chẳng có mấy đồng. Vì vậy, các đơn vị truyền thông ngày càng âm thầm và tinh vi đẩy ra những nội dung rẻ tiền nhưng trông có vẻ đắt giá—một thanh niên 24 tuổi thiếu hiểu biết nhưng có thể trông giống như một phóng viên dạn dày kinh nghiệm với kỹ năng tìm kiếm thông tin trên google.

Chỉ có một vài ấn phẩm có được sự xa xỉ của việc không thèm chơi trò giật tít câu view, và đó là bởi vì họ đã tính đủ tiền để không phải làm vậy. Những ấn phẩm như The Economist, 24 Financial Times hay Foreign Policy đếch thèm quan tâm chuyện các bài báo của họ có vui vẻ, thú vị không. Họ không viết cho công chúng. Họ viết cho các chuyên gia dựa vào thông tin để đưa ra các quyết định lớn, tốn kém. Đây là chỗ mà bạn muốn chèn bản thân vào đường ống thông tin. Những bài viết vừa dài vừa chán nhưng sâu sắc, được tổng hợp bởi những con người người tẻ nhạt, chậm rãi nhưng thâm trầm, biết suy nghĩ. Một bài viết tốt của tờ báo chuyên đăng bài dạng dài tập trung vào dữ liệu thật đáng giá hơn hàng tá bài viết ngắn nhảm nhí bạn tìm đọc ở nơi khác.

Khi bạn đọc những ấn phẩm rẻ tiền hơn, bạn bắt đầu mắc phải rất nhiều thành kiến.25 Bạn có thể cảm thấy các bài viết trở nên điên cuồng hơn, còn dòng tiêu đề thì quá cường điệu. Sau đó, một khi bạn đã ngồi vào chỗ giá rẻ (hay miễn phí), bạn về cơ bản là được người ta mớm cho cách suy nghĩ và cảm nhận.

Điểm cần nhớ là bạn muốn tin tức của minh trông hơi buồn tẻ một chút. Nếu bạn cảm thấy phấn khích hoặc kích động khi đọc thứ gì đó, khả năng là bạn đang bị lừa gạt. 

Nếu bạn không thể chi trả cho những ấn phẩm báo chí đắt tiền thì tôi khuyên bạn nên bỏ đọc tin tức hoàn toàn và chọn đọc sách. Về mặt chất lượng thông tin trên mỗi đola thì sách là lựa chọn tốt nhất cho ngân sách của bạn. Dạo này tôi đặt mục tiêu khiến cho sách chiếm ít nhất 80% tổng thời gian đọc của tôi.

Bạn có thể lo rằng nếu chỉ đọc sách, bạn sẽ thành “người tối cổ”. Nhưng tôi nghĩ bạn sẽ thấy điều hoàn toàn ngược lại. Nếu bạn dành từng giờ từng phút mà bạn dùng để đọc tin tức và thay vào đó là đọc những cuốn sách về những chủ đề tương tự, thì trong một vài tháng, “những tin tức” khiến thiên hạ phát hoảng vì nó sẽ trông thật nhỏ nhặt đối với bạn. Bạn sẽ thấy thế giới này quả thực dịch chuyển chậm chạp ra sao. Bạn sẽ có nhiều bối cảnh và sáng tỏ hơn hầu hết mọi người và bạn sẽ nhận ra hầu như chả có gì cần phải biết vào thời điểm mà nó diễn ra.

Cuối cùng, thật tắc trách nếu tôi không đề cập đến các blog và podcasts. Blogs/podcasts thú vị ở chỗ chúng không chịu khuất phục trước thực tế kinh tế của các phương tiện truyền thông chính thống—chúng không đòi hỏi chi phí quá lớn để duy trì, và chúng dựa vào niềm tin cá nhân của độc giả để tiếp tục tồn tại. Ngoài ra, phần lớn các bloggers và podcasters nổi tiếng kiếm tiền từ chuyên môn của họ ở nơi khác, do đó cho phép họ cung cấp thông tin có giá trị cao.

Nói đơn giản là: phần lớn các blog và podcasts đều dở tệ. Nhưng những blog tốt nhất được cho là tốt hơn bất kỳ nội dung nào khác trên hành tinh này hiện giờ.26

Nếu bạn có thể tìm được một trong các chuyên gia đó, họ thường là một mỏ vàng của những thông tin phi-đảng phái, thú vị và quan trọng. Các blogger chẳng hạn như Tim Urban, Ben Thompson, Tyler Cowen, Scott Alexander, và Dan Wang mang đến cả tấn giá trị hoàn toàn miễn phí hoặc với chút phí.

KHÔNG NÊN LÀM GÌ

Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả việc tìm kiếm những nguồn thông tin chất lượng cao là cắt giảm những nguồn thông tin chất lượng thấp. Và có nhiều thông tin chất lượng thấp ngoài kia. Vui lòng xem xét đến việc cắt bỏ hoàn toàn những thứ sau khỏi chế độ ‘ăn uống thông tin’ của bạn:

  • DỪNG xem tin tức trên tivi – Trong các cuộc khảo sát, tin tức trên truyền hình trước giờ luôn là nguồn ít thông tin nhất và là nguồn thông tin chứa nhiều thành kiến nhất. Bản chất của truyền hình đòi hỏi sự kích thích liên tục và do đó làm suy yếu khá nhiều cuộc thảo luận nghiêm túc về một chủ đề.
  • DỪNG theo dõi các trang web trên các phương tiện truyền thông– Tin tôi đi, nếu có điều gì đó đủ quan trọng, trước sau gì bạn cũng được nghe về nó. Mọi người sẽ dẫn link tới nó. Họ sẽ gửi email cho bạn. Sao cũng được. Khi bạn theo dõi các trang web trên phương tiện truyền thông, bạn đang chọn tham gia vào trò chơi chú ý. Bạn đang cho phép mình bị kích thích bởi những tiêu đề gây sốc, gây phẫn nộ về đạo đức, và giật tít câu view. Chỉ cần không chơi. Bỏ theo dõi tất cả các nguồn tin tức trên mạng xã hội của bạn. Nó không chỉ làm cho trải nghiệm tin tức của bạn tốt hơn, mà nó còn làm cho trải nghiệm mạng xã hội của bạn tốt hơn gấp trăm lần.    
  • DỪNG click vào những tiêu đề giật tít câu view – Tôi biết nói thì dễ hơn làm. Nhưng nghiêm túc mà nói, có thói quen chủ động tìm kiếm thông tin thay vì thụ động nhận nó trên newsfeed hay apps của bạn. Các thuật toán trên những nền tảng đó không có lợi cho bạn. Hãy cắt hết và khi bạn cần biết về một chủ đề, hãy tự mình tìm thông tin, tốt hơn là trong một cuốn sách.
  • DỪNG đọc những tin đòi hỏi ít hơn 20 phút – Đa phần các tin tức dạng ngắn đều là rác. Nếu một bài nào đó đòi hỏi hơn 20 phút đọc, khả năng là người ta phải mất hàng tuần hoặc hàng tháng (năm?) để viết. Điều này có nghĩa là hãy bỏ qua các tin nóng hổi, những clip phỏng vấn nhanh, các bài xã luận và các thông báo tin tức mới. Thay vào đó, hãy tải về các bài báo dài, xem phim tài liệu, nghe những bài phỏng vấn và podcasts dài nơi người đó có thời gian để giải thích. Thế giới này thật phức tạp. Bạn cần thời gian để phân loại nó.
  • DỪNG thu thập thông tin từ một nguồn – Hãy nỗ lực kiểm tra cả nguồn cánh tả và cánh hữu. Lấy thông tin từ những dân tộc thiểu số và phụ nữ lẫn người nước ngoài. Theo dõi các giáo sư và theo dõi những đứa trẻ thật sự thông minh thừa thời gian. Có nhiều điều để nói về sự đa dạng. Nhưng sự đa dạng thật sự chính là đa dạng về tư tưởng. Phạm vi tư tưởng mà bạn tiếp xúc càng rộng, bạn càng ít khi bị mất cảnh giác bởi bất kỳ sự kiện nào mới xảy ra.

 

Chú thích

  1. Beck, P., Dalton R., Greene, S. & Huckfeldt, R. (2002). The Social Calculus of Voting: Interpersonal, Media, and Organizational Influences on Presidential ChoicesAmerican Political Science Review, 96(1), 57-73.
  2. By the way, this is true of any information source, including this blog. (P.S. Subscribe to my weekly newsletter!)
  3. Mark A. Schuster, et al., (2001)  A National Survey of Stress Reactions After the September 11, 2011, Terrorist AttacksNew England Journal of Medicine, 345(20)
  4. Dearing, J; Rogers, E (1988). “Agenda-setting research: Where has it been, where is it going?“. Communication Yearbook. 11: 555–594.
  5. Wanta, W., Golan, G., & Lee, C. (2004). Agenda Setting and International News: Media Influence on Public Perceptions of Foreign Nations. Journalism & Mass Communication Quarterly, 81(2), 364–377.
  6. Riddle, K. (2009). Cultivation Theory Revisited: The Impact of Childhood Television Viewing Levels on Social Reality Beliefs and Construct Accessibility in Adulthood. International Communication Association. pp. 1–29.
  7. Johnston, W. M., & Davey, G. C. L. (1997). The psychological impact of negative TV news bulletins: The catastrophizing of personal worries. British Journal of Psychology, 88(1), 85–91.
  8. Mary E. McNaughton-cassill (2001) The news media and psychological distressAnxiety, Stress & Coping, 14:2, 193-211
  9. The most famous claims have come from the popular (and controversial) researcher Jean Twenge. But her data is all correlative. Yes, depression, anxiety, and suicide have all increased since the advent of social media. But that doesn’t mean social media is the cause. See her scary-sounding study: Twenge, J. M., Joiner, T. E., Rogers, M. L., & Martin, G. N. (2017). Increases in Depressive Symptoms, Suicide-Related Outcomes, and Suicide Rates Among U.S. Adolescents After 2010 and Links to Increased New Media Screen TimeClinical Psychological Science, 6(1), 3–17.
  10. A longitudinal study that followed people over eight years found little negative effect from social media use. See: Coyne, S. M., Rogers, A. A., Zurcher, J. D., Stockdale, L., & Booth, M. (2019). Does Time Spent Using Social Media Impact Mental Health?: An Eight-Year Longitudinal Study. Computers in Human Behavior, 106160. Also see: See: Collis, A., & Eggers, F. (2020, January 14). Effects of Restricting Social Media Usage.
  11. OK, I’m going to get pilloried for this. But a meta-analysis of 124 studies on social media use found that when used primarily to keep in touch with relationships and entertainment, social media actually improves well-being. See: Liu, D., Baumeister, R. F., Yang, C., & Hu, B. (2019). Digital Communication Media Use and Psychological Well-Being: A Meta-Analysis. Journal of Computer-Mediated Communication, 24(5), 259–273.
  12. Amanda Zantal-Wiener, 68% of Americans Still Get Their News on Social Media, Even If They Don’t Trust It, HubSpot, Originally published Sep 14, 2018, updated Dec 11, 2019.
  13. Another example: Bodas, M., Siman-Tov, M., Peleg, K., & Solomon, Z. (2015). Anxiety-Inducing Media: The Effect of Constant News Broadcasting on the Well-Being of Israeli Television Viewers. Psychiatry, 78(3), 265–276.
  14. I have to give credit to Rolf Dobelli’s fantastic essay, “Avoid News: Towards a Healthy News Diet” for the original comparison of news to the sugar of our informational diet.
  15. Many of the ideas from this section are drawn from Niall Ferguson’s book, The Tower and the Square: Networks and Power. Just to make things even more confusing, Ferguson uses “the square” to represent decentralized networks whereas I am going to use the town square to demonstrate centralized networks.
  16. See: A History of Mass Communication: Six Information Revolutions by Irving Fang, PhD.
  17. See: Hammurabi’s Code
  18. One of these tireless publishers was named Benjamin Franklin.
  19. Bernstein, Richard (Feb 18, 1989) “How the Storming of the Bastille Liberated the Printing Press, Too.” The New York Times
  20. This actually happened. See: Pizzagate Conspiracy Theory
  21. It is important to note that I would argue that the ceiling on the quality of information has gone up. Extremely high-quality information is available for anybody today. It’s just incredibly difficult to find.
  22. There are a few significant exceptions to this: racism/sexism, for instance. But for the most part, economics drives culture, not the other way around.
  23. Vaish, A., Grossmann, T., & Woodward, A. (2008). Not all emotions are created equal: the negativity bias in social-emotional development. Psychological Bulletin, 134(3), 383–403.
  24. Coincidentally, when I went to the Economist’s website to link it here, the first article on the front page was about how car accidents are more dangerous than almost anything else and how easily they can be prevented.
  25. This includes, but is not limited to, The New York Times (sadly), The Washington PostThe GuardianSlateBreitbartTown Hall, and so on.
  26. Yes, I’m totally biased.
  27. I posted a couple of long responses to Aussies about these types of news articles and the fires in general on my Facebook Page. You can read them here and here.
  28. Research shows that small amounts of focused news consumption is optimal. See: Bourkes, M. & Vliegenthart, R. (2017) News Consumption and Its Unpleasant Side Effect Studying the Effect of Hard and Soft News Exposure on Mental Well-Being Over TimeJournal of Media Psychology, 29, pp. 137-147. 

Nguồn: Markmanson.net

menu
menu