Tại sao lại tồn tại dạng tâm lý: Càng thích lại càng muốn tránh xa?
Bạn có phải là kiểu người như vậy không? Khi bạn thích một ai đó thì bạn luôn ở trong tình trạng lo lắng và buồn bã. Vì vậy nên bạn luôn chọn cách thờ ơ với người ấy, thậm chí là tránh xa khỏi người ấy để dịu đi sự bất an trong lòng.
"Cách duy nhất để giữ cho tình yêu vẹn toàn, là phải tránh xa người mà mình muốn gần gũi."
Bạn có phải là kiểu người như vậy không? Khi bạn thích một ai đó thì bạn luôn ở trong tình trạng lo lắng và buồn bã. Vì vậy nên bạn luôn chọn cách thờ ơ với người ấy, thậm chí là tránh xa khỏi người ấy để dịu đi sự bất an trong lòng.
Khi gặp người đó, bạn tựa như con nhện bị mắc kẹt trong đống tơ vò rối rắm của mình vậy, mọi cử động đều bị khống chế. Bạn sẽ sợ rằng mình biểu hiện không tốt, sợ rằng mình quá gần gũi với người ta. Cảm giác bồn chồn và bất an khiến đầu óc bạn trống rỗng, không dám nghĩ tới điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Vì vậy vào thời điểm đó, bạn sẽ trở nên vô cùng “thành thật”, không thể tự nhiên thể hiện chính mình chứ đừng nói đến việc tiếp cận người ta để bày tỏ tình cảm.
Tôi tin rằng trong thâm tâm mỗi người, việc gần gũi với người mà họ thật sự thích không dễ dàng và hạnh phúc gì cho cam. Nhiều lúc sự căng thẳng và sợ hãi đó lên tới đỉnh điểm, ngoài việc tránh xa người đó ra thì chúng ta không còn cách nào khác.
Điều này dẫn tới việc một số người sẽ gặp trở ngại nhất định trong việc thiết lập mối quan hệ thân mật, thậm chí là không thể dùng con người thật của mình để giao lưu cùng người khác. Trong tâm lý học được gọi vắn tắt bằng thuật ngữ “Rối loạn nhân cách tránh né”.
Rối loạn nhân cách tránh né (Avoidant personality disorder) là một trạng thái không bình thường của nhân cách, có đặc điểm chung là sự ức chế về mặt xã hội, tự đánh giá thấp bản thân và rất nhạy cảm đối với nhận xét không tốt từ người khác đối với mình. Đây là một dạng trong nhóm bệnh rối loạn nhân cách. Đối với một số tác giả, AvPD là một kiểu ám ảnh sợ xã hội lan tỏa. Người bệnh bị nghèo nàn trong các mối quan hệ, họ thường chỉ có vài người bạn, ít tham gia vào các hoạt động chung.- Wikipedia
Vậy những người như vậy đã phải trải qua điều gì và nguyên do bắt đầu từ đâu?
Bản chất của động vật là gần gũi với những giống loài mà nó ưa thích, và con người cũng không ngoại lệ. Em bé sinh ra thì muốn gần gũi với mẹ, chúng cần tình yêu và sự ưa thích của người mẹ, chúng cần sự chú ý và đồng hành của người mẹ để có thể sống một cách khỏe mạnh.
Nhưng nếu trong quá trình dưỡng dục, cha mẹ thường xuyên không đáp ứng nhu cầu của đứa bé, không lắng nghe chúng, luôn thể hiện cảm xúc tiêu cực, thiếu kiên nhẫn hay không ủng hộ chúng, thì tình yêu đơn thuần mà chúng dành cho cha mẹ sẽ không được thỏa mãn lại 100%. Từ đó sẽ ảnh hưởng đến cảm giác an toàn của con trẻ trong những năm đầu đời – chúng sẽ luôn cảm thấy rằng chúng không đủ tốt để được yêu thương vô điều kiện. Những người gặp phải tình huống trên sẽ ít thân thiết với cha mẹ ngay từ khi con bé, họ luôn rụt rè và thu mình.
Sẽ chẳng có đứa trẻ nào thừa nhận là nó không đủ tốt, không đáng để được yêu thương. Vì vậy, những đứa trẻ có suy nghĩ như vậy, không biết chúng đã phải chịu đựng bao nhiêu cảm xúc đau đớn. Chúng học cánh dồn nén khao khát được yêu thương, quen với sự lạnh nhạt của người nuôi dưỡng mình. Chúng học được cách cô lập, kím nén cảm xúc của chính mình.
Bởi vậy nên những “khao khát” được yêu thương đó, một khi đã bị khơi gợi thì sẽ khiến con người ta dễ bị xấu hổ và yếu đuối. Phải trải qua cảm giác bị từ chối, thậm chí bị mắng nhiếc đã làm tổn thương lòng tự trọng của của con trẻ, thậm chí trong lòng chúng còn ẩn giấu một khối lượng lớn sự căm giận.
Chúng giống như những đứa trẻ không bao giờ được ăn “bánh mì” vậy, chúng chỉ quen ăn rau độn cám. Thật sự thì chúng rất thích bánh mì, thậm chí chúng còn khóc lóc vật vã vì không thể giành được bánh mì, nhưng rồi chúng nhận ra có khóc nhiều hơn nữa thì cũng vô dụng. Dần dà chúng hình thành suy nghĩ: “Bánh mì không thuộc về tôi, tôi được định sẵn là sẽ không bao giờ với tới được bánh mì rồi”. Thậm chí một số người còn phát triển dòng suy nghĩ đó thành: Giành bánh mì đau khổ lắm, tôi không cần nữa đâu – chính điều này đã hình thành nên sự căm giận.
“Bánh mì” ở đây chính là tình yêu, còn việc sợ tiếp xúc chính là cách kháng cự lại sự “khao khát”.
"Mình không đủ tốt, sẽ chẳng có ai thích con người thật của mình cả."
Họ không những sợ phải tiếp xúc với người mình thích, mà trên thực tế, họ sợ tiếp xúc với hầu hết mọi người. Chẳng qua là vì nỗi sợ này xuất hiện quá sớm, và đương nhiên trên bước đường trưởng thành, họ đã học được một số cách để có thể đối phó với nỗi sợ của mình. Chẳng hạn như “giả dạng”, nôm na là khi trò chuyện với người khác, họ sẽ “đóng vai” một người mà khả năng là đối phương sẽ thích, họ không hề dùng chính con người thật của mình để giao lưu.
Xét cho cùng, ngay cả cha mẹ cũng không thích con người thật của họ, họ đã phải “đóng vai” thành kẻ khác để có thể làm cha mẹ hài lòng thì huống hồ gì là người ngoài.
Dù họ đã sớm học được cách đối phó với nỗi sợ, họ thành thục trong việc “giả dạng” làm con người khác để giao tiếp với những người thường xuyên xuất hiện trong cuộc đời họ. Nhưng xác suất để gặp được một khiến họ thích lại thấp hơn rất nhiều so với những người kia, cho nên không thể so sánh được. Vì vậy, khi đối diện với vấn đề này, họ không có một chút kinh nghiệm nào trong tay. Họ càng sợ hãi hơn vì họ lo rằng những tổn thương tới từ những năm đầu đời một lần nữa sẽ lại tái diễn.
“Khi một mẩu bánh mì xuất hiện trước mặt tôi, tôi thật sự rất muốn nó, nhưng rồi tôi lại suy nghĩ, trước giờ tôi chỉ toàn ăn rau độn cám, liệu tôi có xứng để ăn mẩu bánh mì kia không nhỉ? Và một loạt những kí ức về việc lúc nhỏ muốn ăn bánh mì nhưng bị từ chối, la mắng lại lởn vởn quay về. Thế nên tôi chọn cách xa lánh, không thể hiện sự khao khát với mẩu bánh mì đó. Có như vậy tôi mới bảo vệ bản thân mình khỏi việc bị từ chối và cười nhạo.”
Con người thật của tôi không xứng đáng để được yêu thương, rõ ràng là tôi đã đeo mặt nạ lên và lựa chọn quên đi chính mình rồi mà. Sao cậu lại chạm vào trái tim của tôi làm gì. Hàm ý của “yêu” là được bộc lộ bản ngã của chính mình, nhưng tôi sợ khi tôi tháo mặt nạ xuống, để lộ con người thật của mình, thì cậu sẽ không còn yêu tôi nữa.
Phải trở nên hoàn hảo thì mới đáng được yêu, thực tế không phải như vậy.
Vì những năm đầu đời họ thường xuyên bị từ chối, không được yêu thương và không được đánh giá cao nên họ đã hình thành luồng tư tưởng muốn được yêu thì phải trở nên hoàn hảo. Nhưng họ sâu sắc hiểu được rằng bản thân họ không thể nào trở nên hoàn hảo được, và thế là họ chọn giữ khoảng cách, bởi họ tin rằng càng gần gũi với đối phương thì đối phương sẽ càng thấy rõ được khuyết điểm của họ, rồi đối phương sẽ bị vỡ mộng.
“Nếu tôi không được yêu thương, thì đó là vì tôi không xứng đáng, vì tôi không hoàn hảo”. Nhưng thực tế, là do người nuôi dưỡng bạn không thể hiện tình yêu với bạn, đó là thiếu sót của họ, không phải là do bạn không tốt.
Mọi người đều xứng đáng được yêu thương, bất kể họ mang dáng hình như thế nào, con người thật của họ mới là hoàn hảo nhất.
Nếu muốn thay đổi, bạn có thể làm như này này:
- Dùng chính con người thật của mình để yêu.
Giả sử như lúc tiếp xúc với người mà bạn thích, bạn trở nên lo lắng, sợ hãi, khó thở... Cứ chấp nhận thôi, trạng thái này chính là con người thật của bạn mà, không cần phải che đậy làm gì hết. Người thực sự quan tâm đến bạn sẽ không vì những điều trên mà ghét bỏ bạn. Nếu người đó ghét bỏ, tránh xa bạn thì tức là người đó không thấu hiểu bạn, người đó sẽ không yêu con người thật của bạn đâu.
Thực tế thì chẳng có ai lại đi ghét một người hay lo lắng và sợ hãi cả. Ngược lại, bạn lúng túng như vậy sẽ rất dễ được người ta quý và cảm thấy đáng yêu. Vì người ta sẽ cảm thấy là bạn thích người ta rất nhiều, người ta mừng còn không kịp nữa đó.
Ngoài ra, bạn phải vượt qua sự sợ hãi này thì mới vượt qua được bóng ma tâm lý của chính mình.
- Đừng xây dựng cho mình một hình tượng hoàn hảo chỉ để chứng minh rằng mình xứng đáng được yêu thương
Lúc bạn còn nhỏ chưa hiểu chuyện gì, bạn cho rằng bố mẹ mình chính là hiện thân của chân lý, họ nói cái gì thì bạn nghe cái đó. Họ nói họ không yêu bạn, bạn liền tin rằng bản thân không đáng được yêu thương. Nhưng bây giờ bạn đã lớn rồi, mối quan hệ của bạn với bất kỳ ai đều là mối quan hệ bình đẳng.
Và một mối quan hệ bình đẳng tức là bạn không cần phải chứng minh rằng mình xứng đáng được yêu, và đối phương cũng không có quyền quyết định rằng bạn có đáng được yêu hay không. Tình yêu thì làm gì phải chứng mình. Đã gần gũi với nhau rồi thì hai người phải hiểu nhau và quyết định xem có phù hợp để cùng nhau bước tiếp hay không.
- Tự yêu lấy bản thân, đề cao con người thật của mình thay vì che giấu đi nó
Cốt lõi của vấn đề nằm ở đây nè. Lý do tại sao chúng ta lại sợ tiếp xúc với người mà chúng ta thích, vì chúng ta không thật sự thích con người thật của mình. Chúng ta thường cho rằng, mọi người sẽ thích những người mang đặc điểm của “con nhà người ta:
Ví dụ như duyên dáng, đĩnh đạc, điềm nhiên, bình tĩnh, ưu tú và xinh đẹp. Một số người mẹ thường không thấy được mặt đáng yêu của con cái và cũng không hay khen ngợi con, nên chúng tự cho rằng bản thân chúng xấu xí, không xứng đáng được yêu nên phải đem con người thật đi giấu kín.
Mỗi con người chúng ta đều là kiệt tác do Thượng Đế tạo ra, chúng đầy tự nhiên và linh động. Vậy mà chúng ta lại bị những tổn thương trước đây tác động, “đóng vai” làm người khác để rồi thu hẹp lại con người thật của mình. Khi bạn “đóng vai” làm người khác để qua lại với một người, thật khó để có thể kết luận mối quan hệ đó là gì, nó giống như là đối phó hơn. Rồi kể cả khi người ta có thích bạn đi chăng nữa, thì trong lòng bạn cũng nặng trĩu. Nếu như mình dám show con người thật của mình ra biết đâu mình cũng nhận lại một chút gì đó thật lòng.
Rối loạn nhân cách tránh né và sợ hãi giao tiếp xã hội về cơ bản là giống nhau, đều là vì bạn cho rằng mình không đủ tốt. Bạn không cần phải hoàn hảo để làm gì cả, đừng vì không thể trở nên hoàn hảo mà chán ghét, lãng tránh con người thật của mình.
Động lực lớn nhất trong cuộc sống là được làm chính mình, ngoài ra thì sống hết mình và yêu hết mình cũng rất quan trọng đấy!
Người dịch: Thanh Hằng - Group Weibo Việt Nam