Trẻ em chứng kiến bạo hành gia đình: Những chấn thương tâm lý
Bài viết này đề cập đến một góc nhỏ của bạo hành gia đình, nơi con cái không phải nạn nhân trực tiếp, mà là người chứng kiến bạo hành.
Các nhà nghiên cứu tâm lý đều đồng thuận rằng, trải nghiệm ấu thơ trong gia đình đóng vai trò rất lớn trong hình thành các đặc điểm và năng lực tinh thần của cá nhân. Bài viết này đề cập đến một góc nhỏ của bạo hành gia đình, nơi con cái không phải nạn nhân trực tiếp, mà là người chứng kiến bạo hành.
Thế nào là chứng kiến bạo hành gia đình?
Bạo hành gia đình (domestic abuse), hay các cách gọi khác là bạo lực gia đình (domestic violence), bạo lực giữa cặp đôi (intimate partner violence) được Liên Hợp Quốc định nghĩa là khuôn mẫu hành vi nhằm duy trì quyền lực và sự kiểm soát đối với vợ, chồng hoặc đối phương trong mối quan hệ tình cảm thông qua bất kỳ hành vi gây ra sự sợ hãi, đe dọa, khủng bố, thao túng, làm tổn thương, làm nhục, đổ lỗi, gây thương tích cho nạn nhân1. Bạo hành có thể diễn ra trên bình diện thể chất, cảm xúc, tình dục, kinh tế, công nghệ và kể cả sự thờ ơ.
Chứng kiến bạo hành gia đình không chỉ là nhìn thấy, nghe thấy những hành động, lời nói gây tổn thương, mà còn đa dạng hơn thế. Có thể kể đến các dạng chứng kiến sau đây2.
Chứng kiến trước sinh: Ngay từ khi là bào thai còn nằm trong bụng mẹ, một số trẻ em đã có trải nghiệm chứng kiến bạo hành gia đình. Từ tuần 16 đến 24 của thai kỳ, trẻ đã có khả năng thấy những âm thanh bên ngoài và phản ứng lại bằng cách cử động trong bụng mẹ. Trẻ cảm nhận được đồng thời những cảm xúc mẹ mang. Do đó, khi người mẹ đang mang thai sống trong bối cảnh căng thẳng của bạo hành gia đình hoặc cặp đôi, trẻ cũng được tính là đã chứng kiến bạo hành.
Can thiệp: Dạng thức chứng kiến này xảy ra khi trẻ cố ngăn chặn việc bạo hành bằng lời nói hoặc hành động. Trong một số cảnh bạo hành gia đình, có những trẻ em lên tiếng yêu cầu người bạo hành dừng lại, hoặc dùng chính thân thể mình để bảo vệ nạn nhân.
Trở thành nạn nhân: Trong sự kiện bạo hành gia đình không trực tiếp hướng hành vi bạo hành đến trẻ, trẻ vẫn có thể trở thành nạn nhân bị xúc phạm bằng lời nói hoặc bị tổn thương thể chất. Chẳng hạn, trẻ bị quát mắng, chửi bới phải đi ra khỏi hiện trường sự kiện, phải ngừng hành động bảo vệ nạn nhân, hoặc trẻ vô tình bị đánh trúng, bị ném đồ vật trúng,…
Tham gia: Có những trẻ em bị người lớn bắt buộc phải trở thành một người tham gia trong xung đột gia đình. Chẳng hạn, trẻ bị yêu cầu phải theo dõi người thân trong gia đình, báo cáo lại mọi hoạt động của người ấy cho người bạo hành, hoặc trẻ bị bắt nói lời lẽ, tỏ thái độ không hay về người thân.
Trẻ em chứng kiến bạo hành gia đình có những nguy cơ lớn về giảm khả năng tự điều chỉnh cảm xúc, hành vi và giảm các năng lực giúp xây dựng những mối quan hệ xã hội đáng tin cậy.
Quan sát: Trẻ trực tiếp chứng kiến sự kiện bạo hành. Trẻ nhìn thấy hành động bạo hành tận mắt, nghe mọi lời nói của hai bên bằng chính đôi tai mình. Trẻ có thể cùng có mặt với người lớn đang bạo hành, hoặc chứng kiến từ một nơi khác mà người bạo hành không hề biết là trẻ đang quan sát.
Nghe thấy: Có thể trẻ không nhìn thấy vụ việc, nhưng nghe được âm thanh vọng vào. Thường trẻ ở phòng bên cạnh, ở tầng cận kề với nơi diễn ra sự kiện.
Quan sát thấy dấu vết ban đầu: Kể cả khi không trực tiếp nhìn thấy, nghe thấy âm thanh từ vụ việc bạo hành, trẻ vẫn có trải nghiệm chứng kiến nếu như nhìn thấy hậu quả của bạo hành trên người thân của mình. Chẳng hạn trẻ nhìn thấy vết bầm tím trên cơ thể người thân, nhìn thấy đồ đạc đổ vỡ, hoặc thấy người thân đang khóc.
Trải nghiệm hệ quả: Kể cả khi trẻ không trực tiếp tiếp xúc hay quan sát thấy dấu vết ban đầu, trẻ vẫn có nguy cơ chứng kiến bạo hành gia đình theo cách phải đối mặt với với các thay đổi trong cuộc sống do hậu quả của bạo hành. Chẳng hạn sau sự kiện bạo hành một vài hôm, trẻ nhận ra sự xa cách, căng thẳng trong bầu không khí gia đình, nhìn thấy sự thay đổi trong cách cha mẹ giao tiếp với nhau, nhận ra sự u uất của người thân.
Được nghe kể: Trẻ được kể hoặc nghe thấy người khác nói về sự việc bạo hành của gia đình trẻ. Chẳng hạn anh chị em, họ hàng hoặc hàng xóm xì xào, kể rằng có thành viên trong gia đình trẻ bị bạo hành.
Như vậy, trẻ có thể nhận biết việc bạo hành trong gia đình mình theo nhiều cách, không chỉ là trực tiếp có mặt ở hiện trường sự kiện. Câu hỏi tiếp theo là những chấn thương tâm lý nào có thể xảy ra khi một người từng chứng kiến bạo hành gia đình trong tuổi thơ.
Chấn thương tâm lý khi chứng kiến bạo hành gia đình
Một nghiên cứu tổng hợp đã chỉ ra những nguy cơ chấn thương tâm lý khi chứng kiến bạo hành gia đình trong thời gian thơ ấu và thanh thiếu niên3. Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy việc chứng kiến bạo hành gia đình làm suy giảm nhiều chức năng tâm lý và hình thành những biểu hiện hành vi kém thích ứng hoặc mẫu niềm tin sai lệch về bản thân trẻ em. Trước hết, hãy điểm lược những dấu hiệu tổn thương tâm lý từ chứng kiến bạo hành:
Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi chứng kiến bạo hành gia đình
Chậm hơn các trẻ không chứng kiến bạo lực gia đình trong việc hình thành ngôn ngữ, về mặt tương tác xã hội với người khác, về khả năng vận động tinh tế của bàn tay. Các kết quả này được đo lường và so sánh khi trẻ em đã lên 3 tuổi.
Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy việc chứng kiến bạo hành gia đình làm suy giảm nhiều chức năng tâm lý của trẻ em.
Trẻ nhỏ chứng kiến bạo hành gia đình có xu hướng gặp vấn đề hành vi ngoại hiện nhiều hơn khi đến tuổi biết đi (đập phá đồ đạc, hung tính, bùng phát cảm xúc giận dữ mà không thể an ủi hay kiểm soát,…)
Gặp khó khăn trong việc hình thành gắn bó an toàn với người mẹ (thiếu tin tưởng, khó tiếp nhận tình cảm của mẹ, khó biểu hiện yêu thương, giận hờn quá mức hoặc lảng tránh).
Trẻ chứng kiến bạo hành gia đình khi còn ở trong bụng mẹ khi chào đời có các dấu hiệu của căng thẳng nhiều hơn so với những trẻ sơ sinh không chịu đựng hoàn cảnh bạo hành.
Trẻ độ tuổi từ 3 đến 5 chứng kiến bạo hành
Gặp các vấn đề hành vi ngoại hiện (thiếu kiểm soát hành vi, khó theo các nguyên tắc chung,…) và các triệu chứng nội hiện (khó kiểm soát cảm xúc, gặp trạng thái căng thẳng, lo lắng,…) hơn so với những trẻ cùng tuổi không chứng kiến.
Ít khả năng hiểu về sự bạo hành theo thực tế diễn ra. Chẳng hạn, trẻ nhận biết được hành vi bạo hành, nhưng không hiểu được câu chuyện bắt đầu và diễn ra như thế nào, không hiểu thời điểm khởi phát của bạo hành. Do đó, trẻ khó hiểu và diễn giải xung đột hơn so với những trẻ em không chứng kiến. Khi hiểu và diễn giải được xung đột, con người hiểu rằng cùng một vấn đề, có nhiều cách giải quyết khác nhau, phụ thuộc trạng thái cảm xúc và năng lực hành vi của người trong cuộc. Nhưng nếu không hiểu và diễn giải được xung đột, con người có nguy cơ đánh đồng sự bạo hành là cách giải quyết hợp lý của nhiều vấn đề, hoặc nhầm lẫn rằng có những tình huống buộc phải sử dụng bạo hành mới có thể giải quyết được. Nhận thức như vậy tạo ra nhiều vấn đề rối nhiễu về hành vi hơn.
Tăng phản ứng sợ hãi và tăng nguy cơ tham gia vào xung đột (như yêu cầu người bạo hành dừng lại, bảo vệ nạn nhân, hoặc có lời nói, hành vi mang tính gây tổn thương cho người khác). Theo đó, trẻ chứng kiến bạo hành có nguy cơ khởi phát những triệu chứng lo âu và trầm cảm cao hơn.
Có nguy cơ ở mức độ thấp về giảm trí nhớ ngắn hạn và giao tiếp kém hơn trong độ tuổi mẫu giáo.
Phát triển một số kĩ năng xã hội ở mức độ thấp hơn so với trẻ không chứng kiến bạo hành gia đình (kĩ năng hợp tác với người khác, có trách nhiệm với hành động của mình, khả năng tự khẳng định, khả năng tự kiểm soát, khả năng thể hiện sự đồng cảm).
Trẻ em và trẻ vị thành niên (6 đến 17 tuổi) chứng kiến bạo hành
Gặp các vấn đề hành vi ngoại hiện (bùng phát giận dữ qua hành động, khó tuân thủ các nguyên tắc trong nhà trường, có các hành vi chống đối,…) và triệu chứng nội hiện (khó điều chỉnh cảm xúc, cảm giác trầm buồn, lo lắng, căng thẳng,…), có các triệu chứng căng thẳng sau chấn thương, các vấn đề khó khăn học tập và năng lực xã hội (kết bạn, làm việc nhóm, chia sẻ, đồng cảm,…) nhiều hơn so với trẻ và vị thành niên cùng độ tuổi không chứng kiến bạo hành.
Trẻ có lòng tự trọng và kĩ năng xã hội tốt hơn như biết chia sẻ, biết tìm người tin cậy để tâm sự, yêu quý và tự hào về giá trị thực của bản thân,… là những người hồi phục tốt hơn sau chứng kiến bạo hành gia đình.
Có nguy cơ cao hơn về thực hiện hành vi bắt nạt đối với bạn bè đồng trang lứa cũng như nguy cơ trở thành nạn nhân bị bắt nạt.
Có nguy cơ cao hơn trải nghiệm bạo lực hẹn hò tuổi vị thành niên so với trẻ và vị thành niên không chứng kiến bạo lực gia đình. Thậm chí, có nghiên cứu phát hiện rằng, thanh thiếu niên nữ từng chứng kiến bạo hành gia đình có xác xuất nhất bị bạo hành thể chất và tâm lý khi hẹn hò, so với các nhóm khác.
Như vậy, xuyên suốt quá trình phát triển, trẻ em chứng kiến bạo hành gia đình có những nguy cơ lớn về giảm khả năng tự điều chỉnh cảm xúc, hành vi và giảm các năng lực giúp xây dựng những mối quan hệ xã hội đáng tin cậy.
Vì sao chấn thương tâm lý lại xảy ra?
Trước hết, cần nhấn mạnh lại rằng chứng kiến bạo hành gia đình từ thời ấu thơ, khi trẻ chưa đủ năng lực tự nhận thức và phân tích vấn đề, làm trẻ không hiểu được về bản chất của xung đột. Trẻ nhìn sự bạo hành theo lát cắt ngang và khó giải thích được vì sao xung đột lại xảy ra và nhiều câu hỏi liên quan khác. Chẳng hạn như: Người bạo hành là do người đó thiếu khả năng kiểm soát cơn giận, cảm thấy bất lực trong việc xây dựng cuộc sống như ý muốn, hay còn những xung đột nội tâm chưa giải quyết được và bùng phát, trừng phạt người thân để cân bằng lại? Nạn nhân chịu bạo hành không phản kháng được là do yếu đuối hơn, hay vì không có người thân xung quanh hỗ trợ, hay vì trước đó đã có hành động không phải nên nay cảm thấy tội lỗi mà chịu đựng, hay vì lo sợ cho tương lai của bản thân và con cái nên đành chịu đựng? Một đứa trẻ có đủ khả năng làm người lớn ngừng lại hành động bạo hành hay không? Chuyện bạo hành này có nguyên nhân nào xuất phát từ chính mình (đứa trẻ) hay không?… Rất nhiều điều đứa trẻ cần được giải đáp trong suốt quá trình lớn lên của mình, nhưng nếu không có những phản hồi kịp thời và phù hợp, trẻ có nguy cơ hiểu lệch lạc về bạo hành và ngầm chịu đựng tổn thương.
Hiểu lệch lạc về bạo hành có thể khiến trẻ và sau này là người lớn trưởng thành tin rằng hành vi gây tổn thương để giành lại sự kiểm soát là điều có thể làm; nếu nạn nhân từng gây lỗi thì nạn nhân không có quyền phản kháng; nếu muốn tốt cho con cái thì tốt nhất là cha mẹ nên chịu đựng lẫn nhau;… Những niềm tin này đều phi lý, nhưng nếu ai đó chịu đựng quá lâu, sẽ thành những niềm tin bắt rễ sâu rất khó cởi bỏ.
Bên cạnh đó, có những đứa trẻ và sau này là người lớn trưởng thành luôn canh cánh rằng chính mình là nguyên nhân của việc bố mẹ hay người thân trong gia đình bất hòa. Nếu trẻ từng cố can thiệp để sửa đổi nhưng thất bại, trẻ càng nghi ngờ và nuôi dưỡng cảm xúc tội lỗi phi lý trong chính mình.
Ngoài ra, trẻ và sau này là người lớn trưởng thành có nguy cơ chịu đựng phức cảm nội tâm về hình ảnh cha mẹ hoặc người thân của mình. Rút cuộc thì khi đã thực hiện nhiều hành vi bạo hành, họ là người tốt hay người xấu? Nếu đã rõ ràng hiểu rằng họ là con người với nhiều khiếm khuyết và thiếu trách nhiệm, năng lực sống của một người trưởng thành, nhưng vì sao bên trong mình chưa thể cảm thấy sự tha thứ?,… Rất nhiều xung đột nội tâm về hình ảnh người thân trong gia đình đang còn chờ đợi đứa trẻ lớn lên từ chứng kiến bạo hành gia đình quan sát, chấp nhận từng phần và cởi bỏ.
Ở góc độ đời sống cá nhân của người trưởng thành từng là trẻ em chứng kiến bạo hành gia đình, họ có nguy cơ diễn tiến hoặc chịu đựng những hành vi bạo hành, hung hăng trong chính mối quan hệ cặp đôi của mình. Lý do là những niềm tin sai lệch về bạo hành gia đình đã ăn sâu trong họ cho phép họ đối xử với người khác, hoặc chịu đựng sự đối xử có tính bạo hành. Sự lan truyền bạo hành giữa các thế hệ có thể vì thế mà được nối dài.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi trẻ em từng chứng kiến bạo hành gia đình đều lớn lên với những tổn thương tâm lý.
Các yếu tố bảo vệ và sự phục hồi
Tuy nhiên, cũng có một số nghiên cứu không tìm thấy dấu hiệu chấn thương tâm lý ở trẻ từng chứng kiến bạo hành gia đình. Điều đó có nghĩa là, không phải bất kì ai từng chứng kiến bạo hành trong thời ấu thơ cũng lớn lên với những sang chấn. Tuy nhiên, phát hiện này không phủ nhận những ảnh hưởng tiêu cực của bạo hành gia đình lên tâm lý các em mà nó hé lộ những giải pháp hỗ trợ những trẻ em gặp sang chấn.
Có những trẻ em chứng kiến bạo hành gia đình và lớn lên với tâm lý thích ứng, bất chấp những sự kiện bất lợi thuở ấu thơ của họ. Những yếu tố tâm lý bảo vệ giúp họ có sự cân bằng như vậy gồm: kỹ năng ứng phó với cảm xúc và vấn đề, khí chất bẩm sinh, lòng tự trọng, kỹ năng xã hội. Những trẻ em có khả năng tự trấn tĩnh, an ủi bản thân bằng cách tự nói chuyện với chính mình gặp ít căng thẳng và ít có các hành vi kém thích nghi hơn4. Bên cạnh đó, trẻ nào có khí chất bẩm sinh là hăng hái thoải mái thường có các hành vi tích cực hơn so với các nhóm còn lại sau khi chứng kiến bạo hành gia đình5. Trẻ có lòng tự trọng và kỹ năng xã hội tốt hơn như biết chia sẻ, biết tìm người tin cậy để tâm sự, yêu quý và tự hào về giá trị thực của bản thân,… là những người hồi phục tốt hơn sau chứng kiến bạo hành gia đình.
Lòng tự trọng và kỹ năng xã hội là các yếu tố được trẻ xây dựng nhờ vào sự tích cực của bản thân và sự hỗ trợ của môi trường xung quanh. Do đó, những người xung quanh trẻ góp vai trò không nhỏ trong việc phục hồi và cân bằng tâm lý của trẻ em từng chứng kiến bạo hành gia đình. Chẳng hạn, thanh thiếu niên có bạn bè để tâm sự về chuyện gia đình, về cảm xúc khó khăn có ít nguy cơ trầm cảm, bỏ học, gây bạo hành hẹn hò hơn6.. Người mẹ dù bị bạo hành, nhưng vẫn duy trì cách nuôi dạy con cái tích cực, nâng đỡ cảm xúc, nhất quán trong giáo dục hành vi giúp con cái ít gặp các vấn đề rối nhiễu hành vi hơn. Khi mẹ ít dấu hiệu trầm cảm, con cái cũng có thể được nâng đỡ và ít gặp các vấn đề sức khỏe tinh thần hơn7. Sự ấm áp của người mẹ, sự kỷ luật hành vi thích hợp làm giảm nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo hành hẹn hò ở vị thành niên8.
***
Như vậy, chứng kiến bạo hành gia đình ở trẻ em mang đến nhiều nguy cơ tổn thương tâm lý, biểu hiện ra các hành vi rối nhiễu bên ngoài như thiếu thích ứng xã hội, kém kiểm soát hành vi giận dữ; các vấn đề cảm xúc bên trong như căng thẳng, lo lắng; các vấn đề mối quan hệ như nguy cơ tái diễn hoặc chịu đựng bắt nạt, bạo hành khi hẹn hò, khó khăn trong xây dựng mối quan hệ tình cảm. Nhiều người trưởng thành từng chứng kiến bạo hành gia đình thuở ấu thơ cũng mang theo mình những phức cảm như cảm giác có lỗi vì đã không bảo vệ được người thân, không dừng được hành vi bạo hành, là nguyên nhân của xung đột, phức cảm vừa oán giận vừa yêu thương người thân từng thực hiện hành vi bạo hành,… Những vấn đề này đều cần sự chăm sóc tâm lý một cách kiên nhẫn của chính bản thân và những người xung quanh. Tất cả đều có thể được chữa lành, khi mỗi người tìm ra những yếu tố bảo vệ và phục hồi tâm lý như học các kĩ năng xã hội mới phù hợp hơn; thực hiện những hành động trấn tĩnh bản thân; yêu thương giá trị đích thực của bản thân bất chấp nghịch cảnh; tìm kiếm, tìm lại và cảm nhận những cử chỉ ấm áp trong gia đình.
—–
Chú thích
1 https://www.un.org/en/coronavirus/what-is-domestic-abuse
2 Holden, G. W. (2003). Children exposed to domestic violence and child abuse: Terminology and taxonomy. Clinical Child and Family Psychological Review, 6, 151-160.
3 Carlson, J., Voith, L., Brown, J. C., & Holmes, M. (2019). Viewing Children’s Exposure to Intimate Partner Violence Through a Developmental, Social-Ecological, and Survivor Lens: The Current State of the Field, Challenges, and Future Directions. Violence Against Women, 25(1), 6-28. https://doi.org/10.1177/1077801218816187
4 Rossman B., Rosenberg M. (1992). Family stress and functioning in children—The modern effects of children’s beliefs about their own control over parental conflict. Journal of Child Psychology and Psychiatry and Allied Disciplines, 33, 699-715.
5 Martinez-Torteya C., Bogat A. G., von Eye A., Levendosky A. A. (2009). Resilience among children exposed to domestic violence: The role of risk and protective factors. Child Development, 80, 562-577.
6Tajima E. A., Herrenkohl T. I., Moylan C. A., Derr A. S. (2011). Moderating the effects of childhood exposure to intimate partner violence: The roles of parenting characteristics and adolescent peer support. Journal of Research on Adolescence, 21, 376-394.
7 Holmes M. R. (2013). Aggressive behavior of children exposed to intimate partner violence: An examination of maternal mental health, maternal warmth and child maltreatment. Child Abuse & Neglect, 37, 520-530.
8 Garrido E. F., Taussig H. N. (2013). Do parenting practices and prosocial peers moderate the association between intimate partner violence exposure and teen dating violence? Psychology of Violence, 3, 354-366.
Nguồn: Tạp chí Tia sáng