Tự tổn thương bản thân (tự cắt) – Tiếng gào trong câm lặng
Có những nỗi đau còn lớn hơn nỗi đau thể xác.
Tôi đắm chìm trong nỗi buồn vô hạn
Trôi dạt mãi tận về đâu
Cảm thấy như không còn lối thoát,
Có ai ở đó không? Tôi đang ở đâu thế này?
(Voiceless Screaming – X Japan)
Tầm giữa những năm 2000, lúc ấy có rộ lên phong trào “emo- tự cắt”. Lúc ấy có nhiều bạn trẻ được phỏng vấn có nói là do buồn phiền chuyện gia đình, học tập bạn bè cho thử cắt rồi cảm thấy đỡ hơn. Thế nhưng lúc đưa tin báo đài bỏ qua cái phần buồn phiền ấy mà lại tập trung vào phần “cắt” hơn và gọi nó là “xu hướng bệnh hoạn”. Thời điểm đó khi đọc tin tức ấy, tôi đã tự hỏi, phải buồn phiền đến mức nào thì những người trẻ tuổi ấy mới dám tự cắt lấy mình? Ông bà ta nói “tay đứt ruột xót”, chỉ một vết đứt tay thôi mà tôi xót cả mấy ngày trời. Vậy thì họ phải đau đến mức nào mới tìm thấy sự giải thoát trong từng vết cắt đó?
Tôi không hiểu. Có đôi khi tôi bị cảm xúc điên cuồng, dữ dội lấn áp, kêu gào mong muốn được giải thoát, bứt rứt không thôi thì tôi lại nghĩ về cái sự tự làm đau bản thân mình ấy. Nhưng tôi chưa bao giờ dám làm vì tôi sợ đau, vì tôi sợ để lại sẹo, vì mẹ tôi từng nói, con gái quý giá nhất là gương mặt với làn da, chẳng ai thích một đứa sẹo đầy người bao giờ.
Mãi cho đến sau này khi tôi gặp được một người bạn gái, cũng là người bạn thân nhất của tôi bây giờ. Cô ấy giải thích cho tôi nghe những nỗi đau, những áp lực mà cô ấy phải chịu cùng với sự tự cắt ấy giải thoát cô như thế nào thì tôi mới hiểu hơn về nó.
À, hóa ra có những nỗi đau tâm hồn còn nặng nề, dằn vặt hơn nỗi đau thể xác. Thế nên họ chọn cách nhẹ hơn, chọn cách tự làm tổn thương cơ thể họ để có thể tránh đi, để có thể không nghĩ về những rắc rối muộn phiền, những áp lực dày vò bản thân, những giấc mơ và trách nhiệm, những mâu thuẫn trong cuộc sống.
Trong giáo trình tâm lý mà tôi học có nói về hành vi tự tổn thương mình nhưng không gây nguy hiểm đến tính mạng như thế này, có một số người cố tình làm đau bản thân họ nhưng không để ảnh hưởng đến tính mạng. Một số phương thức mà họ thường dùng bao gồm tự cắt, tự làm phỏng hoặc tự cào trầy da mình. Thường thì vết thương hoặc sẹo nằm ở những nơi họ có thể dễ dàng che đi ánh mắt người ngoài. Những vết thương này phải được phân biệt rõ với xu hướng thời trang như xỏ khuyên, hoặc xăm mình. Mọi người xỏ lỗ hoặc xăm mình bởi vì nó được coi là hợp thời và cá tính, vì thế cho nên họ chấp nhận chịu đau ban đầu. Ngược lại, những người tự tổn thương mình làm thế vì cơn đau mang mục đích hữu dụng cho họ mà không quan tâm đến sức ảnh hưởng của nó lên ngoài hình bên ngoài.
Hành vi này có thể là triệu chứng của nhiều chứng bệnh tâm lý có trong DSM-5 như rối loạn ranh giới, đặc biệt là những bệnh có liên quan đến việc lạm dụng thuốc, chất kích thích, rối loạn ăn uống, trầm cảm hoặc rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý. Hiện nay có khoảng 4% dân số báo cáo rằng họ đã và đang có những hành vi tự làm tổn thương bản thân và nhiều người trong số họ không có đủ cơ sở để được chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, bản thân của việc tự tổn thương cũng là một vấn đề quan trọng cần được lưu ý.
Vì sao có những người tự làm tổn thương mình như vậy? Có nhiều lời giải thích khác nhau cho hành vi này. Đối với họ, tự cắt như là một cách tự trừng phạt bản thân và phản chiếu nỗi bối rối thất vọng và giận dữ. Trong một số trường hợp khác, một người chọn phương thức tự làm đau bản thân để đấu tranh với khoảng thời gian cô độc kéo dài và cảm xúc trống rỗng đi kèm với sự vắng mặt của người thân trong gia đình và bạn bè thân thiết. Tuy nhiên lời giải thích được báo cáo nhiều nhất cho rằng tự cắt là một phương thức thích nghi có hại trong việc điều tiết cảm xúc tiêu cực mãnh liệt. Trước khi bắt đầu những hành vị tự tổn thương bản thân thì một người thường có giai đoạn cảm xúc lo âu, giận dữ hoặc buồn bã, thất vọng dữ dội. Những cảm xúc này biến mất rất nhanh ngay khi tự cắt bắt đầu và người nọ trải nghiệm cảm giác thoải mái nhẹ nhõm. Nhưng ngay sau đó họ lại cảm thấy tội lỗi và thường tự trách bản thân vì những gì họ đã làm.
Ngoài ra những nghiên cứu khác đề xuất ra bốn lý do khiến một người tự cắt, 1) để giảm bớt cảm xúc tiêu cực, 2) để cảm nhận được “một thứ gì đó” ngoài tê dại và trống rỗng, 3) để tránh đi một số tình huống xã hội, 4) để nhận sự giúp đỡ từ xã hội. Mặc dù đôi lúc có những trường hợp đặc biệt xảy ra, nhưng sự hiểu lầm thường thấy nhất khi nói về tự cắt đó là cho nó là một trào lưu tệ hại của xã hội. Nghiên cứu đã tìm ra lý do nguyên nhân chủ yếu nhất cho việc tự cắt chính là lý do số 1, để giảm bớt cảm xúc tiêu cực. Khi một người tự cắt, thì vết thương ấy sẽ khiến não bộ báo động, tất cả các cơ chế trong người sẽ ưu tiên cho việc chữa lành vết thương trước, khiến cho cảm xúc tiêu cực ấy tạm thời biến mất, endorphins – một chất trong hệ thống thần kinh có tác dụng giảm đau, được tiết ra khiến người ấy cảm thấy nhẹ nhõm. Bởi vì tự cắt giúp một người thoát ra khỏi những cảm xúc tiêu cực, nó có thể trở nên gây nghiện và vì thế, mỗi khi buồn thì bản năng tự nhiên sẽ khiến người đó nghĩ về việc tự cắt.
Vậy thì làm cách nào để thoát khỏi cơn nghiện đó? Một trong những biện pháp được công nhận nhất là “Thoát vì người khác”. Họ thường chịu nhiều áp lực từ bạn bè, người thân để tránh xa hành vi gây hại này. Mandy, một cô gái từng có hành vi tự cắt chia sẻ rằng cô ấy tìm sự giúp đỡ từ người bạn thân của mình, người khuyên cô ấy không nên tiếp tục tổn thương bản thân nữa. Cuộc nói chuyện kết thúc bằng việc bạn cô dọa là nếu cô dám tự cắt thêm lần nào nữa thì cô ấy sẽ không bao giờ nói chuyện với cô nữa.
“Không phải rằng tôi sợ bạn ấy sẽ không nói chuyện với mình nữa,” Mandy chia sẻ, “mà là tôi sợ nếu tôi làm thêm lần nào nữa thì sẽ làm bạn ấy buồn hơn. Và đó là một thứ rất là riêng tư ngay khi bắt đầu, để có một người nói với bạn rằng họ quan tâm bạn, bạn cảm thấy rằng bạn nợ họ rất nhiều và điều đó cũng khiến họ lo sợ cho bạn.”
Một số người khác thì chọn cách “Từ bỏ vì bản thân”. Thường thì động cơ thúc đẩy một người chọn cách này chính là cảm xúc. Họ bỏ vì họ sợ rằng mình sẽ bị đưa vào bệnh viện, sẽ bị người khác biết và họ sợ rằng bạn bè sẽ bỏ rơi họ hoặc vết sẹo lộ ra trong buổi phỏng vấn xin việc. Với một số người, sau một thời gian dài tự cắt, họ tự nhìn lại những vết sẹo của mình và cảm thấy xấu hổ vì nó, dẫn đến quyết tâm muốn từ bỏ.
Những biến chuyển trong cuộc sống cũng góp phần ngăn chặn số người tự cắt. Một số người dừng hành vi đó lại khi họ ngày càng trở nên lớn tuổi hơn và trải nghiệm nhiều mặt của cuộc sống. Một số người từ bỏ khi họ tốt nghiệp cấp 3 và vào đại học, hoặc khi họ tốt nghiệp và có được việc làm. Hoặc có thể khi họ đang trong một mối quan hệ nghiêm túc và có con.
Tùy theo mỗi người chọn phương thức từ bỏ khác nhau. Các chuyên viên tâm lý thường giúp một số người bằng phương thức nhận thức thông qua các bài điều trị đặc biệt hoặc luyện tập nhận thức. Nhiều người thì chọn sử dụng thuốc. Bên cạnh đó việc nhận ra cảm xúc nào khiến một người chọn cách tự cắt cũng giúp ích rất nhiều trong việc từ bỏ hành vi có hại này.
Hy vọng sau khi đọc xong bài mọi người sẽ có cái nhìn rõ hơn về tự cắt. Bởi vì nó không phải là sự yếu đuối, là thú vui bệnh hoạn, hoặc là làm màu để lôi kéo sự chú ý, mà nó chính là tiếng kêu gào trong câm lặng của một người.
Là vì có những nỗi đau còn lớn hơn nỗi đau thể xác.
Dịch và Viết: Hải Đường Tĩnh Nguyệt
Nguồn:
Abnormal Psychology by Oltmann 7th Edition
Edward A. Selby Ph.D. Cutting to Escape From Emotional Pain?
Peter Adler, Ph.D., and Patti Adler Ph.D. Quitting Self-Injury