5 sự nhầm lẫn phổ biến về trầm cảm

5-su-nham-lan-pho-bien-ve-tram-cam

Sẽ có những ngày thật tuyệt khi bạn có thể khóa chặt trí óc của mình và giáng một đòn khiến cho thế giới xung quanh phải khuất phục nhưng cũng sẽ có những ngày mà bạn chẳng thể làm gì để thoát khỏi cảm giác như sắp bị quật ngã.

Tôi bị chẩn đoán trầm cảm cách đây hai năm. Buồn thay, việc này chẳng hề đưa tôi đến với một chuyện tình lãng mạn kỳ lạ với một cô gái có tâm hồn phóng khoáng, một người sẽ chỉ cho tôi cách yêu thương cuộc sống và chính bản thân mình. Những gì tôi đã làm chỉ là bắt đầu uống thuốc theo đơn, thay đổi một vài thói quen sống và cảm thấy tự thỏa mãn về việc nghe nhạc của Joy Division.

Khoảng thời gian dành cho những thứ chẳng có chút gì giống như trong phim “Tình yêu tìm lại”(1) khiến tôi nhận ra rằng nhiều điều tôi từng nghĩ về trầm cảm thật sự không chính xác, giống như những điều mà học sinh tiểu học biết về việc làm thế nào một đứa trẻ được sinh ra vậy. Nếu bạn chưa bao giờ mắc phải những chứng bệnh tâm thần, có thể bạn sẽ tin vào những điều buồn cười như:

(1) Tình yêu tìm lại (tựa gốc tiếng Anh: Silver Linings Playbook) là bộ phim tình cảm hài lãng mạn của Mỹ được sản xuất năm 2012, đạo diễn bởi David O. Russell dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Matthew Quick kể về một bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực (Pat) vừa được trả về với gia đình sau thời gian điều trị tâm thần. Khao khát lấy lại tình cảm từ người vợ cũ, Pat gặp phải một góa phụ trẻ nghiện tình dục Tiffany Maxwell. Tiffany đề nghị Pat giúp đỡ tham gia vào một cuộc thi nhảy để đổi lại sẽ giúp anh liên lạc với người vợ của mình. Suốt quá trình luyện tập, mối quan hệ của 2 người dần trở nên khăng khít.

5.  Những người trầm cảm liên tục cảm thấy khốn khổ và cô đơn

Bất chấp những gì chúng ta thường thấy trong phim ảnh, trầm cảm không phải là một chuỗi ngày tháng liên tục của nỗi ám ảnh về cái chết và sự tuyệt vọng. Đó là lí do tại sao người ta thường gặp rắc rối trong việc nhận ra bạn bè của họ đang bị trầm cảm, đại loại như: “Thế quái nào mà Steve có thể bị trầm cảm khi anh ta vừa tổ chức một cuộc chè chén say sưa và sôi động hồi tuần trước chứ?”

Người ta thường đạt trạng thái tốt nhất trong những tình huống giao thiệp xã hội, đó là do những vấn đề của cuộc sống sẽ lùi vào sau cánh gà khi một người lạ chỉ chăm chăm vào những lời sáo rỗng của bạn. Trầm cảm chỉ khiến bạn gục ngã khi bạn chỉ có một mình, co mình bên trong nỗi sợ hãi và hoảng loạn của bản thân, tựa như chú mèo con vờn nhau với cuộn len của nỗi buồn. Bạn bè của bạn sẽ chẳng ở đó để chứng kiến điều đó, và bạn cũng chẳng muốn nói với ai cả vì trong sâu thẳm bạn biết rằng họ chẳng thể làm gì cho bạn.

Cũng có những khi bạn cảm thấy khá ổn khi ở một mình nhưng lại thấy khổ sở khi có bạn bè vây quanh. Tâm trạng bạn trở nên thất thường giống như trí óc mình đang chơi trò roulette bằng quả bóng cảm xúc sau khi đã nốc một đống rượu bia miễn phí. Điều đó có thể giải thích bạn bị buộc tội vì khỏa thân nơi công cộng, nhưng thẩm phán sẽ khó chấp nhận lí do đó. Hãy tin tôi về điều đó.

Thậm chí ngay cả khi đã được chữa trị, không phải lúc nào bạn cũng cảm thấy hoàn toàn hồi phục. Có những ngày tôi thức dậy và cảm thấy mình sẽ có thêm một ngày hứng khởi giống như thứ bảy nhưng cũng có những buổi sáng tôi nằm dài trên giường hàng giờ liền bởi vì tôi nghĩ lí do duy nhất khiến mình phải thức dậy là lao đầu ra trước một chiếc xe buýt làm bằng những thanh kiếm. Rồi cũng có những ngày mà tôi chẳng làm gì ngoài việc ăn bánh Oreos và “tự sướng”, điều đó chẳng liên quan gì đến trầm cảm, chỉ là tôi thích như thế. Tôi gọi đó là “cookies và cream”, tôi sẽ không xin lỗi vì câu nói đùa này đâu.

Vấn đề là khi bạn bị trầm cảm, bạn luôn hãm mình trong một cuộc chiến liên tục với trí óc ngớ ngẩn của bản thân để giành quyền kiểm soát cuộc sống. Bạn có thể thắng một trận và bỏ lại những ngày tồi tệ đó sau lưng nhưng bạn phải biết rằng cuộc chiến vẫn đang diễn ra. Đừng bao giờ cho rằng đó là chiến thắng chung cuộc hoặc thậm chí là chẳng có cuộc chiến nào cả. Bạn có thể sẽ phải chiến đấu trong suốt phần đời còn lại. Trầm cảm thật sự là một căn bệnh kiểu Warhammer(2).

(2) Warhammer: một trò chơi chiến tranh được sáng tạo năm 1987 và tiếp tục phát triển cho đến ngày nay bởi Game Workshop, đến nay đã có 7 phiên bản được phát hành.

4. Trầm cảm nghĩa là cảm thấy buồn mà thôi

Chepko/iStock/Getty Images

Khi bạn nghe nói có ai đó bị trầm cảm, bạn liền cho rằng người đó đang buồn, bởi vì cái tên quá rõ còn gì. Trầm cảm thì không hạnh phúc. Trong khi hầu hết những người bị trầm cảm cảm thấy mình có một tuần lễ kéo dài theo phong cách Gothic, sự tác động của nó lên mỗi người là rất khác nhau.

Một vài người sẽ phát ra cơn giận mà đến người khổng lồ xanh Hulk cũng phải bái phục. Đó là do việc khiến những người khác cảm thấy tệ hại là một cách để bản thân cảm thấy thoải mái. Chẳng hạn việc nhận xét bức tranh vẽ bằng ngón tay của đứa trẻ hàng xóm trông cứ như được vẽ bởi một con tinh tinh bị liệt tứ chi có thể sẽ làm bạn thấy nhẹ nhõm hơn. Thật vậy, bạn bị trầm cảm nhưng ít nhất bạn không đần đến nỗi không vẽ được một con mèo đơn giản. Điều này thật sự là vấn đề bởi vì người thân và bạn bè sẽ ít thân thiết với những người hay gây sự với họ.

bowie15/iStock/Getty Images

Những triệu chứng trái ngược là một phần nguyên nhân khiến cho việc phát hiện trầm cảm trở nên khó khăn hơn. Bạn có thể gặp vấn đề như khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều nhưng lại không nhận thấy rằng đó là một phần của một vấn đề nghiêm trọng hơn. Tôi đã từng ngủ đến tận giữa trưa vào cuối tuần trong hàng tháng trời trước khi bắt đầu tự hỏi liệu đó có phải chỉ là do tôi đã thức khuya vào đêm hôm trước để luyện mấy bộ phim khiêu dâm hay không.

Tôi cũng đã sụt cân rất nhiều bởi vì bất cứ khi nào phải trải qua một ngày tồi tệ, tôi thấy hai nhúm quả việt quất và sơ-ri dường như là một bữa ăn ngon. Không phải đùa đâu, đó từng là bữa tối của tôi rất nhiều lần. Và tôi còn cảm thấy bồn chồn giống như mình đã qua đêm ở một khách sạn đầy rệp, ngay cả vào những ngày mà tôi không hề đụng đến heroin.

Đó là trường hợp của tôi. Những người khác có thể lại có vấn đề về trí nhớ hoặc tăng cân, hoặc có vấn đề trí nhớ hoặc nghe nhạc buồn và hút thuốc lá dưới mưa, hoặc có vấn đề về trí nhớ. Và tất nhiên là tất cả những điều này sẽ dẫn đến những vấn đề khác, ví dụ bạn sẽ thấy thật khó khăn để lấy lại động lực làm những công việc thường ngày khi bạn buồn, mệt mỏi và bị thiếu khoảng 2/3 nguồn dinh dưỡng cần thiết.

oleksagrzegorz/iStock/Getty Images

Và tiếp đó sẽ là giảm ham muốn tình dục. Tôi không quan hệ thường xuyên nên không để ý nhiều đến sự thay đổi này nhưng tác động về mặt tình dục thật sự ảnh hưởng đến nhiều bệnh nhân trầm cảm. Nếu bạn đang có một mối quan hệ và không thể làm cho “Ngài Smith phải đến cửa hàng bán mũ” (đây là một ẩn dụ về tình dục đúng không? Thôi nào, tôi thật sự không giỏi trong việc này), đối phương sẽ có thể cảm thấy không hài lòng hoặc lo lắng rằng họ không hấp dẫn trong mắt bạn. Và sau đó bạn sẽ cho rằng mình làm cho đối phương không hạnh phúc và chính bạn cũng sẽ thấy bất hạnh và rồi không còn tâm trạng nào để tiếp tục thử quan hệ nữa.

Thậm chí khi ham muốn thể xác của bạn biến mất dần như que kem Popsicle tan chảy ngoài trời nắng thì đó cũng không phải một dấu hiệu chắc chắn của trầm cảm. Một cuộc nghiên cứu chỉ ra rằng một số phụ nữ bị trầm cảm quan hệ nhiều hơn bởi với họ, sự vui sướng của thể xác giúp chống lại các triệu chứng khác của trầm cảm. Điều này khiến tôi tôi tự hỏi không biết mình có nên tham gia hỗ trợ những người phụ nữ này không.

3. Thuốc chống trầm cảm không có tác dụng

Pictac/iStock/Getty Images

Chúng ta thường nghe nói thuốc chống trầm cảm toàn là lừa đảo. Không phải chỉ từ hãng Sunshine Flower, những kẻ lập dị kinh doanh thực phẩm ở địa phương mà là trên các phương tiện truyền thông chính thống. Thông thường những tin này đi kèm với một vài dữ liệu thống kê gây hoang mang đại loại như người Mĩ đang uống thuốc chống trầm cảm nhiều hơn uống nước hoặc là những bình luận kiểu như ngày xưa người ta có cần nốc thuốc của Big Pharma như bây giờ đâu. Bạn có thể thấy điều này qua phim ảnh nữa. “Garden State” là một bộ phim về một người đàn ông đã cải thiện cuộc sống của mình sau khi dừng uống thuốc theo đơn và chúng ta đều biết rằng Hollywood luôn trung thực phải không nào.

Thứ nhất, tỷ lệ trầm cảm gia tăng bởi vì chúng ta đã nâng cao khả năng chuẩn đoán. Đây cũng là lí do tại sao nhiều người được xác định dị tật bẩm sinh về mặt tinh thần sau khi người ta dẹp bỏ giả thuyết rằng những người này bị lừa đá vào đầu khi còn nhỏ.

Đúng là trong một số trường hợp thuốc chống trầm cảm không hiệu quả. Đó là do não bộ của con người vô cùng phức tạp và chúng ta không biết nhiều về nó như những con khỉ biết về “Monolith”(3) vào năm 2001. Đó là khi bạn đang cố gắng sửa chữa một cái máy tính sinh học chứ không phải cái khóa quần bị kẹt, tất nhiên là một phương pháp chữa trị khó mà có hiệu quả đối với tất cả mọi người. Nhưng đối với một số người, thuốc chống trầm cảm thực sự có tác dụng nên việc phủ nhận chúng là rất vô trách nhiệm. Tương tự như kiểu nhận xét rằng tầm soát ung thư không đạt hiệu quả 100% nên chẳng cần phải kiểm tra làm gì.

(3) Monolith: là những cỗ máy được tạo ra bởi những sinh vật ngoài hành tinh chưa xác định được trong series tiểu thuyết của Arthur C. Clarke, mở đầu bằng cuốn “A space Odyssey” năm 2001.

Nền tảng khoa học đằng sau các loại thuốc chống trầm cảm rất phức tạp, vẫn còn đang gây tranh cãi và chưa được giải thích hết nên tôi sẽ không đi sâu vào vấn đề này, một phần cũng bởi vì đối với tôi bất kỳ loại thuốc nào khác ngoài thanh nẹp bó xương cũng đều là phép thuật của phù thủy. Tuy nhiên vấn đề ở đây là người ta đang hiểu lầm tác dụng thật sự của thuốc chống trầm cảm. Đó không phải là loại thần dược có thể thổi bay tất cả những vấn đề của bạn vào đúng thời điểm then chốt trong cuộc chiến chống trầm cảm, chúng chỉ là một giai đoạn của một quá trình điều trị gồm nhiều bước. Nói đúng hơn là một giai đoạn dài và tẻ nhạt, có thể mất hàng tháng trời thử nghiệm để xác định loại thuốc nào và liều lượng bao nhiêu là thích hợp cho từng người, bởi vì như tôi đã nói, não bộ con người rất phức tạp.

Một nửa số người thử thuốc chống trầm cảm đã từ bỏ sau khoảng 4 tháng bởi vì họ không cảm thấy hiệu quả gì. Ồ, thì có thể đó là bởi vì cần mất sáu tuần để xác định xem nó có tác dụng hay không, đừng bao giờ quá bận tâm đến khoảng thời gian cần thiết để chúng bắt đầu có hiệu quả. Nếu bạn kỳ vọng có thể chữa khỏi một căn bệnh tâm thần nghiêm trọng trong một khoảng thời gian ngắn hơn một mùa giải NFL thì có thể bạn đang mắc một chứng hoang tưởng khác rồi đấy.

Vai trò của thuốc chống trầm cảm không phải là giải quyết vấn đề của bạn mà là giúp bạn cảm thấy bình tĩnh hơn để có thể tự giải quyết chúng. 

2. Người trầm cảm chỉ cần bỏ thói xấu đó đi là được

Những người cho rằng thuốc chống trầm cảm không có tác dụng cũng rất có thể sẽ nói với bạn rằng chứng bệnh về tâm lý là một xu hướng mới, giống như nhảy khiêu gợi nhưng ít tẻ nhạt hơn thôi. Bị trầm cảm thật ngầu, bởi vì bạn có thể tỏ vẻ khổ sở suốt ngày nhưng lại nổi điên khi người ta cố giúp bạn thoát khỏi điều đó. Một cách thức thật dễ dàng để trở thành một tên khốn không ai chịu được. Ôi trầm cảm thật tuyệt!

Nhưng nếu tất cả những vấn đề bệnh lý bắt chước đó làm bạn căng thẳng thì cũng đừng lo lắng, có một giải pháp đây. Theo những mầm non báo chí ở tờ Daily Mail thì “đó là sự tự trao quyền lực cho bản thân mà không cần phải trả giá gì cả”. Bỏ qua thực tế rằng việc “tự trao quyền” thường rất vô nghĩa giống như khi bạn nói ai đó tổng hòa thế giới quan của họ với những người khác, điều đáng tranh luận ở đây là tác giả đó cho rằng người bị trầm cảm chỉ cần tự vực dậy bản thân và tiến về phía trước. Chết tiệt, vậy nên nếu tôi không muốn bị trầm cảm thì chỉ cần đừng trầm cảm nữa thôi sao? Sao trước đây tôi không nghĩ được như vậy nhỉ?

Phải thừa nhận tờ Daily Mail dùng chiến lược “trái cây treo thấp”(4), thấp đến độ như củ khoai tây vậy, nhưng đây là một kiểu thái độ rất phổ biến về trầm cảm (bạn thấy điều mà tôi nói đến ở trên chứ?). Đây là một bài báo của tờ Daily Caller trong đó lập luận rằng những người trầm cảm nên chống lại vấn đề khủng hoảng của họ bằng một thái độ khắc kỷ giống như những con chiên ngoan đạo theo kiểu cũ thay vì tiêu tốn đống tiền thuế vào những thứ ngớ ngẩn như “chữa trị”. Và lại là tờ Daily Mail với một bài báo cơ bản không khác gì một cái gif “Deal with it” (5).   

(4) “Low-hanging fruit” là một phép ẩn dụ thường được sử dụng để chỉ việc làm các công việc đơn giản hay dễ nhất đầu tiên để dễ dàng đạt được một kết quả to lớn và quạn trọng hơn. Trong kinh doanh, nó có nghĩa là đặt một mục tiêu dễ dàng để đạt được, đưa ra một sản phẩm hoặc dịch vụ dễ bán hơn hoặc hướng đến các khách hàng có khả năng mua sản phẩm hơn những đối tượng khác. 

(5) http://thefw.com/greatest-deal-with-it-gifs/ (xem một vài gif “Deal with it” ở đây)

Cũng may là những bài báo này chỉ giới hạn trên các trang dành cho những người luôn nghĩ rằng tổng thống là một người đồng tính nhưng chúng ta vẫn có thể dễ dàng tìm thấy chúng trên các diễn đàn, mục bình luận hoặc từ những kẻ nhiều chuyện tại một quán cà phê nào đó. Và chúng không chỉ sai đâu mà còn sai một cách rất nguy hiểm.

Thông điệp mà chúng đưa đến là “Trầm cảm là giả tạo, nếu bạn bị trầm cảm thì đó là lỗi của bạn”. Một người bệnh tâm thần cần phải được thuyết giáo rằng những vấn đề đang làm giảm chất lượng cuộc sống của họ chỉ là do tự họ tưởng tượng ra ư? Nó sẽ làm họ cảm thấy tốt hơn ư! Hoặc bạn biết đấy, có thể điều đó sẽ phá hủy cuộc sống và sự nghiệp của họ và góp phần nâng cao tỉ lệ tự tử.

Wavebreakmedia Ltd/Wavebreak Media/Getty Images

Rồi cũng có những người đổ lỗi cho hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm lý của Mĩ về những vụ xả súng hàng loạt. Được rồi, có một thông điệp kết hợp ở đây, nếu bạn bị trầm cảm, bạn có thể đang giả vờ nhưng nếu bạn bị thế thật thì bạn là một kẻ giết người hàng loạt đang chực chờ để thực hiện tội ác. Tôi không nói rằng không cần phải cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm lý nhưng có lẽ sẽ tốt hơn nếu chúng ta không đối xử với những bệnh nhân tâm thần như những kẻ dối trá hoặc những quả bom nổ chậm.

Phần lớn mọi người, giống như các bạn - những người thông minh hấp dẫn và ít ngờ vực đang đọc bài viết này, biết rõ điều đó. Nhưng những bệnh nhân tâm thần vẫn đang bị kỳ thị rất nhiều và điều đó sẽ dễ dàng đưa họ - những người vốn đã cảm thấy xấu hổ một cách vô lý về bản thân đến bên bờ vực thẳm. Vì vậy nếu một lúc nào đó bạn định nói với ai đó rằng hãy tự vượt qua bệnh trầm cảm đi thì hãy dừng lại một chút và tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn nói điều tương tự với một người bị gãy chân hoặc bị rối loạn dương cương.

1.     Chỉ có phụ nữ và người già bị trầm cảm

Patryk Krajewski/iStock/Getty Images

Một người bạn ở tờ Daily Mail đề cập đến một ý kiến của một đồng nghiệp của anh ta rằng đàn ông phải đối mặt với sự kỳ thị khi thừa nhận bản thân có những vấn đề về tâm lý. Nhưng đừng lo lắng, chúng tôi chỉ buồn vì bây giờ nhiều người phụ nữ kiếm được bộn tiền hơn chúng tôi mà thôi. Và đó chính là quả báo cho tất cả khoảng thời gian dài mà chúng ta đánh giá thấp phụ nữ, cho nên đừng mong đợi lòng trắc ẩn từ họ. Thật ngớ ngẩn khi cho rằng sự kỳ thị sẽ không tồn tại nếu ta lảng tránh nó, như Mark Twain đã từng nói: “Không ai mất một đồng nào khi đánh giá thấp sự thông tuệ của Internet”.

Đúng là tỉ lệ phát hiện trầm cảm ở phụ nữ cao gấp đôi nam giới nhưng điều đó không phải bởi vì bộ não của hai giới hoạt động theo những cách khác nhau như những gì mấy diễn viên hài (hack comedians) đã phán. Lý thuyết phổ biến nhất là các yếu tố xã hội không khuyến khích đàn ông tìm kiếm sự giúp đỡ  khi gặp vấn đề tâm lý. Những người đàn ông chân chính sẽ không trải qua mấy vấn đề cảm xúc ủy mị như những cô nàng ngốc nghếch, nếu họ gục ngã, họ nên ném mình vào một nơi hoang dã và bắn thứ gì đó. Đàn ông mà nói ra cảm xúc của mình thì chẳng khác gì mấy kẻ ẻo lả trong thân hình to lớn. 

Vì vậy trong khi phần lớn phụ nữ được chữa trị và hỗ trợ thì đàn ông xoay xở với những vấn đề của mình bằng cách lạm dụng chất kích thích, bạo lực (nhớ rằng đây là những triệu chứng) và những lần tự tử không thành. Cũng có khả năng là phụ nữ dễ mắc trầm cảm hơn, chính bản chất của vấn đề gây khó khăn cho việc thống kê dữ liệu một cách chính xác, cũng giống như thế giới vẫn chưa nghiên cứu được chính xác kích thước trung bình của dương vật vậy. Tuy nhiên giả định rằng một nửa dân số thế giới miễn dịch với trầm cảm dựa trên sự khác biệt về cơ quan sinh dục thì khác hẳn việc cho rằng một nửa dân số miễn dịch với ung thư tuyến tiền liệt.

Thanh thiếu niên cũng phải đối mặt với những vấn đề tâm lý của riêng chúng, bởi vì hầu hết mọi người khi nghe một thiếu nữ nói nó bị trầm cảm, họ liền cho rằng chắc tên Steve ở lớp toán mới bỏ rơi nó đây mà. Đúng là tên Steve là một vấn đề nhưng câu chuyện đằng sau đó còn phức tạp hơn nhiều. Vì vậy có khi trầm cảm ở một vài thiếu niên sẽ tự chấm dứt bằng một liều gồm hai ba bài thơ dở tệ và 5 bài hát của nhóm Linkin Park mỗi ngày, nhưng có nhiều trường hợp nó cũng nghiêm trọng như những gì người lớn phải đối mặt.

Nhưng trẻ vị thành niên ngại tìm cách chữa trị vì chúng nhầm tưởng rằng sẽ có rất nhiều trở ngại. Có thể chúng sợ rằng người ta không tin chúng hoặc sợ bị dân mạng gọi là emo (người phóng đại cảm xúc) hoặc có thể chúng không muốn nói với cha mẹ về điều đó. Cũng có thể là chúng tự thuyết phục rằng mọi nỗ lực là không cần thiết. Nên nhớ rằng, đối với rất nhiều thanh thiếu niên, đây là lần đầu tiên trong đời chúng gặp phải vấn đề này. Với chúng, cảm xúc này chỉ là một phần khác của cuộc sống cần phải trải qua, tựa như việc phải đối phó với sự khao khát vô lý của bố chúng với việc được thấy nhạc Grunge (nhạc rock của Mĩ vào thập niên 80) hồi sinh vậy.

Sẽ có những ngày thật tuyệt khi bạn có thể khóa chặt trí óc của mình và giáng một đòn khiến cho thế giới xung quanh phải khuất phục nhưng cũng sẽ có những ngày mà bạn chẳng thể làm gì để thoát khỏi cảm giác như sắp bị quật ngã. Đừng khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn cho chính bản thân bạn và những người bạn yêu thương chỉ vì tin vào một những điều tào lao ở trên nhé.

Mark Hill.

Dịch: Mai Trang Phạm

Nguồn: http://www.cracked.com/blog/5-facts-everyone-gets-wrong-about-depression/

menu
menu