Hiểu bản thân - The book of life

hieu-ban-than-the-book-of-life

Trang bị đúng kiến thức về bản thân, ta sẽ có nhiều khả năng né tránh sai lầm khi đối nhân xử thế và khi đưa ra những sự lựa chọn trong cuộc sống.

Thời Hy Lạp cổ đại, nhà triết học Socrates có một nhận định nổi tiếng rằng một cuộc đời không suy xét thì không đáng sống. Khi được bảo tóm tắt lại tất cả những quy luật triết học, ông đáp: “Nhận biết bản thân”.

Nhận biết bản thân là một điều cao sang lạ thường trong văn hóa của chúng ta. Đây được cho là ý nghĩa của cuộc sống.


Điều này nghe rất hợp lý, hợp lý đến mức đáng để dừng lại và đặt ra thêm một số câu hỏi nữa. Tại sao việc hiểu bản thân lại tốt đến vậy? Thiếu hiểu biết về bản thân có thể dẫn đến nguy hiểm gì? Và cụ thể là ta cần biết gì về bản thân? Làm sao để biết? Và tại sao lại khó để hiểu bản thân đến thế?

Khi nói về hiểu bản thân, ta đang ám chỉ đến một loại kiến thức nhất định - thuộc về cảm xúc hoặc tâm lý. Có cả triệu điều bạn có thể biết về bản thân. Dưới đây là một số lựa chọn:

  1. Bạn được sinh ra vào ngày thứ mấy trong tuần?
  2. Bạn có thể cầm một hạt nho khô bằng ngón cái và ngón trỏ lúc năm tháng tuổi không?
  3. Bạn là người hướng nội hay hướng ngoại?
  4. Mối quan hệ với bố ảnh hưởng đến hoài bão sự nghiệp của bạn như thế nào?
  5. Bạn thích đi cắm trại như thế nào: sáng hay tối? Bờ sông, công viên hay trên đồi?

Đa số chúng ta sẽ nhận ra rằng câu hỏi 3 và 4 là nên biết, những câu còn lại thì không đến mức đó.

Nói cách khác, không phải tất cả mọi thứ ta có thể biết về bản thân đều quan trọng. Ở đây ta muốn tập trung vào những lĩnh vực nhận biết bản thân có ảnh hưởng nhất đến cuộc sống: những lĩnh vực liên quan đến cốt lõi tâm lý của bản thân.

Những điềm chủ chốt của nhận biết bản thân mà ta quan tâm là:

  • trong tình yêu, bạn bị hấp dẫn bởi một người như thế nào
  • những khuôn mẫu hành vi khó xử bạn dễ gặp trong các mối quan hệ
  • tài năng trong công việc của bạn
  • những vấn đề xoay quanh thành công/thất bại
  • bạn như thế nào với những góp ý
  • bạn làm gì khi không vui
  • bạn có sở thích như thế nào
  • bạn có phân biệt được giữa cảm xúc cơ thể và suy nghĩ lý trí


Nếu bạn có câu trả lời chắc chắn cho những điều trên, bạn có thể tự nhận mình là người có bằng cấp đầy đủ về nhận biết bản thân.

MỘT: VÌ SAO NHẬN BIẾT BẢN THÂN LẠI QUAN TRỌNG VÀ ĐIỀU ẤY QUAN TRỌNG TRONG TÌNH CẢNH NÀO?

Nhận biết bản thân quan trọng vì một lý do trọng yếu: nó cho ta một con đường đến với hạnh phúc và trọn vẹn lớn hơn.

Thiếu hiểu biết về bản thân khiến bạn có thể gặp nạn và có những tham vọng phi lý.

Trang bị đúng kiến thức về bản thân, ta sẽ có nhiều khả năng né tránh sai lầm khi đối nhân xử thế và khi đưa ra những sự lựa chọn trong cuộc sống.

Cùng điểm qua một số lĩnh vực cần bạn hiểu bản thân

TÌNH YÊU

Nếu không hiểu bản thân, tất tần tật những rắc rối có thể xảy ra:

1. Chọn sai đối tượng: Ta cố gắng ở bên người không thực sự hợp với mình, vì ta không hiểu nhu cầu của bản thân

Khi lần đầu tìm kiếm đối tượng, những yêu cầu ta đưa ra đều là những điều mơ hồ không cụ thể đẹp đẽ: ta sẽ nói mình rất muốn tìm một người “tốt” hay “vui khi ở bên”, “đẹp” hay “thích phiêu lưu”...

Những mong muốn ấy không sai, chỉ là chúng không đủ chính xác để hiểu cụ thể ta cần gì để hạnh phúc - hay, chính xác hơn, ta cần gì để không khổ sở triền miên.

Tất cả chúng ta đều điên khùng theo những cách rất cụ thể. Ta thần kinh, mất cân bằng và trẻ con một cách riêng biệt, nhưng lại không biết chi tiết vì không ai khuyến khích ta tìm hiểu điều đó cả. Do đó nhiệm vụ cấp bách, chủ yếu của một người yêu là xử lý tình huống khi ta nổi điên. Họ phải chạy đua với những lần lên cơn rối loạn. Họ cần hiểu chúng từ đâu mà có, chúng gây ảnh hưởng thế nào - và quan trọng nhất, loại người nào sẽ kích thích hay xoa dịu những cơn rối loạn ấy. Một mối quan hệ tốt không hẳn là giữa hai con người lành mạnh (không còn nhiều người như thế trên hành tinh này đâu), mà là mối quan hệ giữa hai người điên có khả năng hoặc may mắn tìm được sự hòa hợp có ý thức giữa những cơn điên cuồng ấy.

Nếu không thấy được những khó khăn trong ta, các đối tượng tiềm năng sẽ lấy làm e ngại. Câu hỏi cần đặt ra chỉ là vấn đề nằm ở đâu: có thể ta có khuynh hướng nổi giận khi có người không đồng ý với mình, hoặc ta chỉ có thể thư giãn khi đang làm việc, hay ta hơi khó chịu với việc thân mật sau khi làm tình, hoặc ta không giỏi chỉ ra vấn đề khi ta lo lắng. Chính những vấn đề này - qua hàng chục năm - tạo nên những thảm họa và vì thế ta cần phải dự liệu trước nhằm tìm được người có thể chịu đựng được chúng. Một câu hỏi chuẩn cho bất kỳ buổi hẹn ăn tối nào chỉ cần đơn giản là: “Và khi bạn nổi điên lên thì sẽ thế nào?”

 

Vấn đề ở đây là kiến thức về những chứng rối loạn trong ta không phải dễ dàng mà có được. Cần phải trải qua nhiều năm và qua những tình huống ta chưa bao giờ gặp phải. Trước hôn nhân, ta hiếm khi vướng vào tình cảnh phơi bày những xáo trộn trong ta. Mỗi khi những mối quan hệ thông thường đe dọa tiết lộ những mặt “khó khăn” của bản chất con người ta, ta thường đổ lỗi cho người khác - và bỏ qua chúng. Đối với bạn bè, họ thường không đủ quan tâm để có động lực tìm hiểu con người thật của ta. Họ chỉ muốn một buổi tối đi chơi vui vẻ. Vì thế, ta thường mù mờ với những mặt không đẹp trong bản thân mình.

Khi ở một mình và tức giận, ta không la hét, vì không có ai nghe cả - và vì thế ta bỏ qua sức mạnh đáng lo ngại thực sự của cơn giận trong bản thân mình. Hay ta làm việc cả ngày không biết mệt, vì không có ai gọi ta đi ăn tối cả, ta điên cuồng làm việc để có được cảm giác điều khiển cuộc sống - và có thể sẽ hóa rồ nếu có ai đó muốn ngăn cản. Về đêm, ta chỉ biết rằng sẽ rất ngọt ngào nếu âu yếu một ai đó, nhưng ta không có cơ hội đối mặt với bản chất né tránh thân mật sẽ khiến ta trở nên lạnh lùng và xa lạ nếu cảm thấy mình ràng buộc quá sâu đậm với người khác. Một trong những lợi thế lớn nhất khi độc thân là ảo tưởng mình là một người dễ sống chung. Với kiến thức về tính cách của bản thân hạn chế như vậy, cũng chẳng lấy làm lạ khi ta không biết mình phải tìm kiếm người như thế nào.

2. Ta lặp lại những khuôn mẫu không lành mạnh từ thời thơ ấu, luôn dính vào những người luôn phiền lòng ta một cách quen thuộc nhưng đầy đau đớn

Ta tin rằng mình tìm kiếm hạnh phúc trong tình yêu, nhưng không đơn giản như thế. Đôi khi thứ mà ta thực sự tìm kiếm là cảm giác quen thuộc - điều có thể phức tạp hóa bất kỳ dự định hạnh phúc nào của chúng ta. Trong các mối quan hệ trưởng thành ta tái tạo một số cảm xúc từ thời thơ ấu. Ta lần đầu tiên biết đến và hiểu tình yêu nghĩa là gì khi còn là trẻ nhỏ. Nhưng bất hạnh thay, những bài học ta nhận được có thể không rõ ràng rành mạch. Tình yêu mà ta biết khi còn nhỏ có khi còn gắn với những động lực khác không mấy tốt lành: bị điều khiển, bị lăng mạ, bị bỏ rơi, không giao tiếp, nói ngắn gọn: khổ sở. Khi trưởng thành, có thể ta sẽ từ chối những người lành mạnh mà ta gặp, không phải vì họ sai, mà chính xác là vì họ tâm lý quá ổn định (quá chín chắn, quá thấu hiểu, quá đáng tin), và sự ổn định này quá xa lạ, gần như là áp bức. Thay vào đó ta lại hướng đến những đối tượng mà vô thức ta bị thu hút, không phải vì họ vừa ý ta, mà vì họ sẽ phiền lòng ta một cách quen thuộc. Ta chọn sai người vì người đúng có gì đó sai sai - ta không xứng đáng có được họ; vì ta không biết đến lành mạnh, vì ta không nghĩ được yêu là cảm giác thỏa mãn.

  • Ta không thể giải thích cảm giác của mình với đối phương - vì ta không hiểu đủ về bản thân. Ta biến cảm nhận thành hành động thay vì lời nói, thường sẽ dẫn đến hậu quả mang tính tàn phá. (ta phá cửa thay vì giải thích rằng mình đang giận điên lên).
  • Ta không nhận thức được ảnh hưởng từ lời nói của mình lên người khác. Ta không nhận ra mình nặng lời với họ nhiều đến mức nào.
  • Ta không thể dự báo cảm xúc: khi ta bắt đầu trở nên quá khích và nói quá nhanh, ta nên biết rằng đã đến lúc đi dạo một vòng vì nếu không rất có thể ta sẽ nổ tung…
  • Ta phản hồi lại với những sự kiện dựa trên khuôn mẫu đặt ra từ thời thơ ấu, trong đầu ta, người yêu bị lẫn lộn với những người khác trong lịch sử cảm xúc (người mẹ thích đáng xấu hổ, người cha xa cách,...).
  • Ta bị quá khứ thống trị: những thói quen xấu cũ cứ tiếp diễn. Ta không nhìn ra được điều gì đang xảy ra và vì thê ta không thể làm gì khác cả.

 

Ta có thể làm rất nhiều thứ một khi người khác có khả năng nói với ta về những vấn đề của họ. Ta không cần người không có vấn đề - ta cần có thể giải thích vấn đề nằm ở đâu.

CÔNG VIỆC

Thiếu hiểu biết về bản thân là một trở ngại cho sự phát triển sự nghiệp ở nhiều phương diện:

  • Chúng ta chỉ có một vài năm ngắn ngủi để đưa ra câu trả lời thuyết phục về những gì chúng ta muốn làm với cuộc sống của mình. Sau đó, dù chúng ta đang ở bất cứ giai đoạn nào của quá trình suy tư thì chúng ta cũng phải lao vào công việc với tất cả sức lực để có tiền trang trải cuộc sống hoặc giải quyết nhu cầu xã hội.
  • Khi không tự biết bản thân, chúng ta sẽ quá mông lung về tham vọng của mình; chúng ta không biết làm gì với cuộc đời mình và - bởi vì tiền bạc có xu hướng trở thành mối ưu tiên cấp bách - chúng ta giam mình trong một cái lồng mà có thể phải mất hàng thập kỷ ta mới nhận ra mình muốn gì.
  • Chúng ta quá khiêm tốn: ta bỏ lỡ nhiều cơ hội: ta không biết mình có những khả năng gì.
  • Chúng ta quá tham vọng: ta không biết mình không nên cố gắng trong việc gì. Chúng ta không hiểu được những giới hạn của mình một cách rõ ràng, nên đã phung phí bao năm tháng nỗ lực làm một việc gì đó mình không phù hợp.
  • Chúng ta không biết được những hành vi khó chịu của mình khi là sếp hoặc nhân viên. Chúng ta có thể phòng thủ, cảnh giác quá mức, không muốn tin tưởng vào bất kỳ ai hoặc hào hứng làm vừa lòng mọi người.
  • Ta không nhận thức được những thái độ đối với thành công và thất bại bị ẩn giấu trong bản thân. Có lẽ ta nhìn nhận bản thân (một cách sai lầm) không phù hợp với những vai trò lớn hơn khi mọi chuyện bắt đầu tiến triển tốt, ta trở nên dễ mắc lầm lỗi hơn. Có lẽ trong vô thức ta cố né tránh ganh đua với bố mẹ, hoặc anh chị em bằng cách tự vấp ngã. Những động lực từ gia đình có ảnh hưởng ngầm to lớn đến độ hiệu quả của ta trong công việc.

CHUNG SỐNG VỚI THA NHÂN

Thiếu hiểu biết về bản thân biến chúng ta trở thành "của nợ" với những người xung quanh:

  • Chúng ta không nhận ra tác động của mình lên người khác: ta vô tình xuất hiện một cách đầy kiêu ngạo, lạnh lùng trong mắt người khác, giống như đang cố giành lấy mọi ánh nhìn. Cũng có thể trông như khép kín và chần chừ quá mức hay nổi giận vào những lúc không nên nổi giận.
  • Chúng ta có thể rơi vào tình trạng cô đơn không cần thiết: chỉ vì không hiểu mình thực sự cần gì và điều gì ở mình khiến người khác khó hiểu.
  • Khó thấu cảm: không thừa nhận những phần bất an và dễ tổn thương của bản thân, đồng nghĩa với không xem bản thân mình 'giống với' những người khác ở những phương diện cốt yếu. Ta khó mà hiểu được những điều sâu kín ở người khác nếu chưa từng khám phá chúng ở bản thân trước. 

NHỮNG SAI LẦM NGU NGỐC KHI TIÊU TIỀN

Chúng ta chi tiền cho thứ gì đó dựa vào linh cảm rằng thứ đó sẽ làm ta vui vẻ. Tuy nhiên, khi không hiểu mình, chúng ta sẽ khó xác định được mối quan hệ giữa thứ ta mua và cảm xúc của mình.

  • Những kỳ nghỉ và chuyến du lịch sẽ làm ta thất vọng.
  • Ta sẽ sớm hối hận về những lần mua sắm thả phanh.
  • Chúng ta sẽ trở thành con mồi của thời trang: không hiểu bản thân, mong muốn của ta sẽ bị xã hội tiêu dùng kiểm soát.
  • Chúng ta có thể trở thành những kẻ đua đòi thiếu suy xét: ta thích thứ gì đó chỉ vì mọi người thích chúng chứ không hẳn vì ta thực lòng thích.

Tự hiểu mình lúc nào cũng quan trọng. Nhưng hiện nay nó quan trọng hơn bao giờ hết. Đây là kết quả của sự phát triển xã hội và chính trị. Khi cuộc sống bị kiềm chế khắt khe bởi truyền thông, hệ thống trật tự xã hội cứng nhắc và những quy tắc ứng xử nghiêm ngặt, thì mọi người ít cần đến Hiểu bản thân để chỉ dẫn hành động. Nhưng giờ đây, chúng ta giành được nhiều độc lập, tự chủ hơn trong công việc, tình yêu và đời sống xã hội, nên ta càng có nhiều lý do để hiểu bản thân ngay từ rất sớm.

PHẦN HAI: TẠI SAO VIỆC HIỂU BẢN THÂN LẠI KHÓ ĐẾN VẬY?

Ta vẫn thường phải trả giá đắt cho việc thiếu hiểu biết về bản thân. Vậy thì tại sao điều này lại khó khăn đến thế? Tại sao việc ta hiểu được chính mình ở những điểm này lại quá khó như vậy? Đâu phải tại vì ta lười biếng hay ngu dốt. Chẳng qua là một số khiếm khuyết về nhận thức khiến ta khó lòng có được cái nhìn thông suốt về chính mình. Ở đây có sáu nguyên do dành cho việc tại sao hiểu bản thân lại là một khó khăn đối với những sinh vật có năng lực trí tuệ như chúng ta đây. 

Một: Tiềm thức

Con người đã tiến hóa thành những sinh vật có tâm trí được chia thành các quy trình ý thức và tiềm thức. Việc tiêu hóa một bữa trưa là vô thức; suy nghĩ về những việc bạn muốn làm vào cuối tuần này là ý thức.

Nguyên do của việc phân chia này là năng lực tâm thần. Ta chỉ đơn giản là không đương đầu nổi nếu như mọi điều mà ta làm đều cần phải sàng lọc qua tâm ý thức.  

Ngoài ra, ta bắt đầu sống cuộc đời mình từ vị trí của những đứa trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc tự nhận thức bản thân. Tạo hóa đã tạo ra chúng ta với cái khả năng tự nhận biết bản thân chỉ xuất hiện vào thời điểm rất trễ trong đời: bạn chỉ cần học những điều mà những đứa trẻ cần phải biết và vì thế mà sự nhận biết về bản thân là một sự tiến hóa về nhân cách xảy ra rất đỗi muộn màng.

Nhìn chung, ta có thể biện luận rằng mình đau khổ bởi vì dường như quá nhiều lối hành xử của ta đều diễn ra trong vô thức – khi mà ta được hưởng lợi từ việc nắm rõ hơn về những gì đang diễn ra. Sự cân bằng mặc định giữa ý thức và vô thức có khuynh hướng bị sai lệch, ta được khuyến khích để cho phép quá nhiều phần trong con người ta tồn tại trong vô thức.  

Nói tóm lại, ta cần phải thực hiện những nỗ lực phi thường để điều chỉnh lại sự bất cân bằng này và đưa cuộc đời ta vào địa hạt ý thức nhiều hơn nữa.

Hai: Tâm cảm xúc và Tâm lý trí

Theo một cách truyền thống, suy nghĩ của ta được hình thành từ một phần nhỏ lý trí, và một phần lớn hơn nhiều, vượt trội hơn nhiều của cảm xúc.

Plato so sánh phần lý trí như là việc một đàn ngựa hoang kéo theo tâm ý thức.

 

Ngày nay, các nhà thần kinh học cho ta biết rằng bộ não gồm có ba phần:

- não bò sát

- não giữa

- và tân vỏ não

Não bò sát, như chính cái tên gọi của nó, là phần não được hình thành sớm nhất và có tính nguyên thủy nhất. Nó chú ý đến những vấn đề sinh tồn cơ bản và phản ứng tức thì, một cách tự động, vô thức và phần nào hung hăng và có tính hủy hoại. Đó là phần não sẽ hoạt động nếu một con sư tử bất ngờ tấn công bạn trong rừng rậm.

Phần não giữa, phát triển vào giai đoạn muộn hơn thì lưu tâm tới những xúc cảm và ký ức.

Tân vỏ não, mà được phát triển rất muộn về sau này, là nơi mà chức năng lý huận cao hơn của chúng ta được thực hiện.

Ta không cần thiết phải đi sâu vào những thuật ngữ đặc biệt này để hiểu hết vấn đề: phần lớn cuộc đời ta bị chi phối bởi những phản ứng tự động, dễ xúc cảm, méo mó của phần ‘thấp kém’ hơn của tâm trí ta; và chỉ đôi khi ta mới có thể hi vọng rằng sẽ có được cái nhìn lý trí thông qua khả năng trí tuệ cao hơn của bản thân.

Ba: Sự kháng cự học thuyết Freud

Tuy vậy, các sự việc tồn tại trong vô thức không phải vì ngẫu nhiên. Chính Sigmund Freud đã có cái nhìn sâu sắc rằng những sự việc tồn tại trong tiềm thức là bởi vì một phần khó chịu từ chính chúng ta: đó là – theo thuật ngữ mà ông sử dụng – ‘kháng cự’ bất thường trong việc biến rất nhiều những đầu vào vô thức của chúng ta thành ý thức.

Tiềm thức chứa đựng những ham muốn và cảm giác mà thách thức sâu sắc tới cái nhìn dễ chịu hơn về chính chúng ta. Ta có thể nhận ra – nếu mà ta hiểu rõ bản thân mình hơn – rằng ta cảm thấy bị cuốn hút trước người khác giới, hoặc có những tham vọng nghề nghiệp tương đối khác so với với những gì mà xã hội kỳ vọng vào ta. Ta vì thế ‘cưỡng lại’ việc tìm ra quá nhiều điều về bản thân mình trong nhiều khía cạnh. Và điều này đến lượt nó phá vỡ sự thanh thản ngắn hạn mà ta vẫn hằng mê say.

Nhưng, dĩ nhiên, theo Freud, ta phải trả một cái giá đắt cho điều này. Sự thư thái trong ngắn hạn thì bấp bênh, đó là, theo một thuật ngữ khác mà ông sử dụng, ‘sự loạn thần kinh chức năng’, và ngăn cản ta khỏi mối lợi ích mà sự chân thành dài hạn về những khía cạnh của bản sắc cá nhân mang lại.

Rất thường xuyên ta tự có cho mình cái suy nghĩ, ‘sẽ an toàn hơn nếu không chạm vào đó’. Ta chỉ đơn giản gạt bỏ các cảm xúc và ý niệm sang một bên. Sự kháng cự ở đây có nghĩa là ta đang trốn tránh sự bẽ bàng khi phải thừa nhận một số khao khát và ham muốn nhất định – đặc biệt là khi chúng thật kỳ lạ so với những điều mà ta muốn được yêu quý vì hay những gì mà người khác muốn ta trở thành. Ta nỗ lực hạn chế sự khổ sở trước mắt. Nhưng cái giá mà ta phải trả chính là việc ta không thể hướng đến điều khiến ta thật sự hạnh phúc.

Bốn: Chẳng có ai nói cho ta biết cần phải làm gì

Chỉ đơn giản là có nhiều khía cạnh trong bản sắc cá nhân của ta mà tự thân ta khó lòng nhìn ra được nếu không có sự trợ giúp từ người khác. Ta cần tới người ngoài như là chiếc gương cho mình, đưa ra những hiểu biết và quan điểm của họ về những phần khó nắm bắt, những phần khó-nhìn-thấy ở chính chúng ta.

Tuy nhiên, trông chờ vào những cứ liệu đến từ người khác là việc cực kỳ không đáng tin cậy. Chỉ rất ít người mới chấp nhận thực hiện trách nhiệm khó khăn của việc đưa ra cho ta những phản hồi.

Hoặc là họ cực kỳ không ưa ta và do đó họ chẳng thèm bận tâm. Hoặc là họ thương ta quá, và họ chẳng muốn ta buồn.

Bạn bè ta thì lịch sự quá; những định tốt đẹp khiến họ giữ lại những quan sát không mấy dễ chịu của mình. Kẻ thù của ta thì có quá nhiều điều muốn nói cùng ta: những người mà ta yêu quý không phải lúc nào cũng nhìn rõ được con người ta nhất. Có lẽ là một ai đó đang đối chọi với ta mới nhìn ra được nét bất ổn trong tính cách của ta (ví dụ như, cách mà ta làm người khác phật lòng sau khi ủng hộ kế hoạch của họ suốt một thời gian dài; hay là cái thói ba phải đầy khó chịu kia chẳng hạn). Cơ mà họ lại chẳng mấy sẵn lòng chia sẻ sự sáng suốt của mình với ta. Họ không muốn nhận lấy rắc rối, hoặc là họ sẽ tấn công ta với những lời sỉ nhục khiến ta phải thủ thế và khép mình trước sự sáng suốt trong lời nhận xét cay nghiệt của họ.

Năm: Ta sống chưa đủ

Nhiều điều thuộc về sự nhận biết bản thân chỉ có thể đạt được thông qua trải nghiệm. Ta hãy xem mình như là một cái khuôn bánh quy: chỉ khi ta ấn mình vào cục bột cuộc đời thì ta mới thấy được hình dạng thực sự của ta là gì.

Sự nhận biết bản thân do đó không là thứ mà ta thường có thể thực hiện một cách đơn độc, và rút lui khỏi thế giới để nhìn vào chính bản thân mình.

Chúng ta không ngừng thu thập kiến thức, bằng cách thử sức trong các sự việc và va chạm với những người khác – mà vẫn thường chứa đựng sự rủi ro nhất định, và đòi hỏi cả thời gian nữa.

Chẳng hạn như là trong sự nghiệp, ta chẳng thể nào biết được rằng ta muốn làm gì với cuộc đời mình nếu chỉ đơn giản là tự đặt ra những câu hỏi như thế. Ta cần phải ra đời làm việc và thử mọi thứ. Ta cần phải bỏ ra một tuần làm việc tại văn phòng kiến trức, hoặc đi và gặp một ai đó trong ngành dịch vụ công chẳng hạn.

Sự nhận biết bản thân chỉ có thể có được như là kết quả của cuộc đối thoại với thế giới này.

Sáu: Ta đang mơ hồ về mọi thứ

Suy nghĩ của ta về nhiều thứ được chứng tỏ đầu tiên và trước hết bởi sự mơ hồ. Năng lực trí tuệ của chúng ta – về mặt bản chất – khá là yếu kém. Phản ứng ban đầu của ta trước các sự việc thường là theo thứ tự của ‘tuyệt’ và ‘eo’. Ta thường bày tỏ cảm xúc thuận hoặc chống trước một điều gì đó nhưng lại cự tuyệt phải giãi bày nhiều hơn nữa. Ta thường nói đến những điều như:

  • Tôi muốn trở nên sáng tạo
  • Tôi ghét những doanh nghiệp lớn
  • Tôi cảm thấy rất bực
  • Hắn làm tôi khó chịu

Những điều này có thể đúng, nhưng chúng đâu phải là những điều chính xác trong khía cạnh của sự nhận biết bản thân. Chúng không đủ chính xác để dẫn dắt hành động. Không hẳn là những điều này là sai lầm, chỉ là chúng quá mơ hồ. Chúng không nắm bắt được vấn đề thực sự là gì. Chúng quay vòng trong một phạm vi rộng lớn, chung chung mà chẳng dừng lại ở một điểm nào cụ thể.

Đây không hẳn là vấn đề cá nhân. Đây là vấn đề mang tính toàn cầu. Tâm ý thức của ta về cơ bản là vô cùng mơ hồ - và vì thế nó cần đến sự phân tích thường xuyên.

Bảy: Nội quan là không đáng tin cậy và lạ lẫm

Nội quan là cái từ mà ta đặt ra cho việc một người tự xem xét các cảm xúc và suy nghĩ của chính mình.

Tiếc thay, nó không có ý nghĩa mấy trong xã hội của chúng ta. Ta thường chẳng mấy khi được khuyến khích để mở ra suy nghĩ của mình. Ý nghĩa của việc có một cuộc chuyện trò với một người bạn hiếm khi nào lại bao gồm cả việc cố gắng đạt được sự cải thiện trong việc phân loại cảm xúc của mình. Tâm lý liệu pháp – lĩnh vực chính trong việc phân tích bản thân – chỉ thu hút được sự chú ý của vỏn vẹn 1% dân số.

Một phần của việc nâng cao sự nhận biết bản thân trong xã hội là nhằm giúp cho cái ý tưởng về sự tự xem xét nội tâm trở nên hấp dẫn hơn; nó nên được nghĩ tới như là một quan niệm rất hợp lý để để trải qua một ngày cuối tuần hoặc tổ chức một buổi tiệc tối.

BA: LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ THỂ NHẬN THỨC BẢN THÂN HƠN NỮA – VÀ Ở NHỮNG KHÍA CẠNH NÀO

MỘT: - TRONG CÁC MỐI QUAN HỆ

I: Sự cưỡng bức tái diễn

Ta không thật quá linh hoạt khi nói đến chuyện yêu đương. Ta đều có mẫu người lý tưởng của riêng mình. Đó là những hình mẫu nhất định: mỗi người trong số chúng ta đều có khuynh hướng động lòng trước một kiểu tính cách nhất định – nhiều hoặc ít hơn một mẫu phác họa về kiểu người mà ta cảm thấy bị thu hút.

Những hình mẫu này có thể mang tính cá nhân, nhưng nếu như nhìn vào tâm trí của người khác thì ta có thể tìm thấy những điều đại loại như:

  • kiểu Byron – tóc tối màu (thường là tóc xoăn), tuy kín đáo nhưng lại mạnh mẽ; tinh nghịch

  • kiểu trầm tĩnh – điềm đạm, không dễ xúc động, vô ưu

  • kiểu táo bạo – bặt thiệp, khiêm tốn, tự do

 

Ta thường nhìn nhận về những hình mẫu lý tưởng của mình ở khía cạnh tích cực. Nhưng, thực ra, bất kỳ mẫu người nào cũng đều mang theo mình nhiều nét tính cách tiêu cực. Những người mà ta cảm thấy quyến rũ có thể hấp dẫn ta không chỉ bởi vì những lý do rất tốt đẹp mà còn bởi vì họ mang theo mình những vấn đề hay khó khăn đặc biệt nào đó mà đặc biệt thu hút ta. Hầu như ai trong số chúng ta cũng đều rơi vào sự cưỡng bức của việc tái diễn lại một số đau khổ nhất định trong cuộc sống cá nhân, thường là dựa trên một nỗi đau nào đó từ thuở bé.

Đặt các hình mẫu tương tự vào mặt tiêu cực hơn, thành ra một ai đó có thể bị hấp dẫn bởi:

  • một người lộn xộn, ích kỷ, hung hăng luôn có vẻ không kiểm soát nổi tâm trạng và chẳng khi nào đúng giờ (mẫu người Byron)

  • một ai đó sẽ tự thu mình lại và có hơi hướng trầm cảm (mẫu người trầm tĩnh)

  • một người có tính cách trẻ con với kỹ năng làm chủ bản thân kém cỏi và cần được chăm sóc triệt để (mẫu người táo bạo)

Ta cần tới sự nhận biết bản thân trong tình yêu bởi vì ta thường có khuynh hướng lặp lại những hình mẫu không lành mạnh. Ta từ bỏ một mối quan hệ tình cảm với cái hi vọng rằng có thể bỏ lại phía sau những vấn đề nhất định – điều mà hóa ra ta lại tìm thấy y nguyên trong mối quan hệ kế tiếp. Những hình mẫu này thường xuất phát từ những trải nghiệm thời thơ ấu khi mà tình yêu thương bị pha trộn với nhiều nỗi bất hạnh. Người cha với sự quan tâm và tình yêu thương mà ta hằng khao khát ấy vẫn thường khiến ta khó chịu (sự khó chịu, mà kể từ đó, đã được minh chứng là vô cùng hấp dẫn đối với một số người trong chúng ta); người mẹ mà ta luôn kính yêu vẫn thường bận rộn và luôn lao vào thực hiện những việc thú vị hơn trong khi bỏ mặc mình ta ở đó (vì thế mà người bạn đời của ta có một công việc căng thẳng cao độ và chẳng mấy khi bốc máy gọi điện thoại cho ta…)

Giờ đây khi chúng ta tình kiếm tình yêu và sự gần gũi ta cũng đồng thời tìm kiếm một nét tiêu cực nào đó, dù cho đó là những điều làm ta tổn thương đi chăng nữa, bởi vì ta đã học cách để cho rằng đó mới đích thực là tình yêu. Ta không nhận ra được điều đó, vì vậy mà những hình mẫu này tiếp tục định hướng hành vi của ta theo những chiều hướng xấu. Lý thuyết phân tâm học về sự cưỡng bức tái diễn cho thấy bạn cũng đồng thời bị lôi cuốn trước những rắc rối. Ví dụ như:

  • họ khá hách dịch
  • họ hay phán xét
  • họ dường như không trưởng thành về mặt tâm lý và phải cần đến sự giúp đỡ
  • họ kích động và cáu kỉnh

Sự nhận biết bản thân trước hết có ý nghĩa là nhìn rõ những hình mẫu này. Điều đó có nghĩa là hiểu rõ những khía cạnh tiêu cực của dạng người mà ta có ý định gắn bó lâu dài.

Về mặt văn hóa ta thường cự tuyệt kiểu tự nhận biết bản thân như thế này. Ta không hề quen thuộc với cái ý niệm rằng ta có thể sẽ bị thu hút trước người khác vì những lý do xấu. Ta những muốn nói rằng: Tôi thấy rất khó chịu khi người ta không lắng nghe hay Tôi thật sự không thích những kẻ cáu bẳn và kích động. Dĩ nhiên những điều này không có gì là sai cả. Ta làm sao mà thấy thích thú cho nổi khi người khác hành xử theo lối đó.

Nhưng rốt cuộc ta lại quá đỗi thường xuyên kết đôi cùng họ!

BÀI TẬP DÀNH CHO BẠN

_ Hãy nghĩ tới một người nổi tiếng hay một diễn viên điện ảnh mà bạn cảm thấy lôi cuốn.

_ Bạn thấy họ hấp dẫn ở những điểm tốt đẹp nào?

_ Có lý do xấu nào dẫn đến việc bạn thấy họ hấp dẫn hay không?

_ Mặt xấu ở những người mà bạn hiếm khi thấy hấp dẫn là gì?

_ Hãy phác họa ra một ‘dạng’ người mà bạn cảm thấy thật hấp dẫn.

_ Bạn thấy mẫu người này là hấp dẫn có vì một nguyên nhân tồi tệ nào không?

_ Điều này ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn như thế nào?

_ Việc có được sự nhận biết bản thân về những khía cạnh tiêu cực hơn của một kiểu người mà bạn thấy hấp dẫn sẽ cho phép ta trở nên khôn ngoan hơn.

Và khi bạn tìm kiếm một mối quan hệ mới:

  • Hãy nhận biết rằng sự hấp dẫn về mặt cảm xúc không nhất thiết – đối với chúng ta mà nói – là sự định hướng tốt nhất cho việc ta có thể có được mối quan hệ tốt đẹp với ai đó.
  • Sự vội vàng có thể sẽ gây ra sai lầm này và bạn nên nhìn nhận rằng đó là một sai lầm.

 

Trong một mối quan hệ lâu dài:

  • Hãy chấp nhận rằng ta không nên chỉ đơn giản đổ lỗi cho người kia vì những nét tính cách khó chịu nhất định – chẳng hạn như sự xa cách hay sự cáu kỉnh của họ. Ta có thể thừa nhận rằng đó là một phần của điều đã khiến ta bị họ hấp dẫn ngay từ đầu.
  • Điều này giúp cho ta có thể xác định sự cân bằng tâm lý thành thục mà một người cần đến; nếu như bạn bị hấp dẫn bởi những người khá khó tính, thì bạn không thể lúc nào cũng than phiền rằng họ thật hay xét nét.

Ii: Phóng chiếu (PROJECTION)

Tâm trí của chúng ta có xu hướng phóng chiếu mạnh mẽ một cách bản năng, nghĩa là phản ứng trước một tình huống hiện tại từ các gợi ý chưa hoàn chỉnh - dựa vào thiết lập linh hoạt trong quá khứ và những biểu thị sở thích, động lực và mối quan tâm vô thức của chúng ta.

Hãy cùng nhìn vào bức hình này, một trong những bài kiểm tra nổi tiếng về sự phóng chiếu:


Trong trường hợp bạn không hiểu chuyện quái gì đang xảy ra, thì tất cả chúng ta đều nhìn ra những điều khác nhau trong bức hình này. Người ta có thể nói rằng:

  • Đây là hai cha con đang tiếc thương trước một mất mát nào đó, có thể họ vừa nghe tin một người bạn hay người thân qua đời.
  • Đây là một quản lý đang trong quá trình sa thải một nhân viên trẻ không đáp ứng được yêu cầu (cảm giác thất vọng nhiều hơn giận dữ)
  • Tôi cảm thấy một sự thô bỉ: khung cảnh trong một nhà vệ sinh công cộng, người đàn ông lớn tuổi hơn đang nhìn vào dương vật của chàng trai trẻ và khiến anh ta ngượng ngùng.

Có một điều chúng ta không biết, rằng bức hình này thực ra không hề mang bất cứ ý nghĩa nào giống như trên. Đó chỉ là một hình ảnh MƠ HỒ.

Bức ảnh này chỉ đơn giản cho thấy hai người đàn ông ăn mặc khá lịch sự, một người lớn tuổi hơn. Rắc rối xuất hiện từ phía người nhìn vào nó. Và cách họ nhìn nhận, kiểu câu chuyện mà họ kể, có lẽ nói về họ nhiều hơn là về bức ảnh. Đặc biệt khi họ trở nên cố chấp và khăng khăng đó là ý nghĩa thực sự của bức hình. Đây chính là sự phóng chiếu.

Chúng ta không chỉ làm vậy với những bức hình, điều tương tự còn xảy ra với con người. Trong các mối quan hệ, phóng chiếu xuất hiện khi có những "tình huống mơ hồ".

Chẳng hạn, người yêu của bạn đang cười khúc khích khi đọc tin nhắn. Người ấy không cho bạn xem cùng và lén gửi nhanh một tin nhắn trả lời. Bạn bắt đầu cảm thấy bồn chồn. Có vẻ người yêu của bạn đang có người khác. Họ vừa nhắn tin cho nhau về một chuyện đùa nào đó (mà rất có thể là về bạn và những thất bại của bạn); người yêu của bạn nóng lòng muốn trả lời. Người đó không yêu bạn. Bạn bị phản bội và bỏ rơi. Giờ thì bạn giận dữ với người kia, cảm thấy mình bị lừa dối. Nhưng thực ra chẳng có gì xảy ra cả. Tin nhắn kia đến từ một đồng nghiệp nhiệt tình thái quá ở nơi làm việc, và người yêu bạn cho rằng đó chỉ là chuyện tầm phào không đáng nhắc đến. Thực tế, nỗi đau mà bạn cảm thấy bắt nguồn từ khi bạn còn đi học: Bạn phát hiện ra người mà bạn coi là bạn thân thực chất lại đi nói xấu bạn với người khác. Bạn vẫn còn bị tổn thương vì điều này dù ghét phải thừa nhận nó.


Cấu trúc sẽ là:

  • Chúng ta quan sát một tình huống nào đó không hoàn toàn rõ ràng.
  • Chúng ta đặt vào đó một loạt các động cơ, ý định, thái độ - những điều thường khiến ta mệt mỏi, gia tăng cảm giác lo lắng và tức giận.
  • Cảm giác lo âu hay sợ hãi thực ra có liên quan đến những trải nghiệm trước đây. Nhưng chúng ta không nhận ra nó.
  • Chúng ta sợ hãi hay giận dữ về những gì đang xảy ra dù không cần phải như vậy.

Phóng chiếu kể cho chúng ta nghe một câu chuyện nhằm trả lời câu hỏi: Thực chất việc đó có ý nghĩa gì? Đó có thể là một tình huống hoặc một người nào đó.

Khi phóng chiếu, ta không có cảm giác rằng mình đang làm điều gì đó phức tạp hay đặc biệt. Ngược lại, nó đem đến cảm giác như thể ta đang nhìn nhận sự việc đúng như nó vốn là. Do đó, thông thường chúng ta sẽ không thích bị nói rằng ta đang "phóng chiếu"; chẳng khác nào một lời sỉ nhục về khả năng nhận định sự việc của chúng ta. Việc thừa nhận rằng có khả năng ta đang phóng chiếu sự việc là một điều nhục nhã. Nhưng nó đáng làm bởi phóng chiếu khiến cuộc sống của chúng ta gặp nhiều rắc rối. Ta trút giận lên nhầm người. Và trong quá trình ấy ta có thể làm tổn thương ai đó một cách bất công. Chúng ta e sợ việc nhầm lẫn này. Nỗi sợ hãi ai đó trong quá khứ sẽ cản đường việc kết bạn ngày hôm nay.

Tự nhận thức nghĩa là nhận ra bản thân đang phóng chiếu và mong muốn quay lại bản chất đích thực của sự việc. Vấn đề chính không phải ở hiện tại, có những sự việc chưa kết thúc trong quá khứ vẫn đang đeo bám chúng ta.

THỰC HÀNH

- Các bạn nghĩ gì khi nhìn bức hình dưới đây?

  • Đừng suy nghĩ quá nhiều mà hãy nói ngay những điều bạn tin là đang xảy ra. Viết ra một tờ giấy và những người khác cũng làm tương tự.
    - Sau đó so sánh kết quả với nhau.
    - Tự hỏi bản thân lời giải thích nào không nói về bức hình (bản thân bức hình khá mơ hồ) mà là nói về chính bạn. Phần nào trong bạn "được phóng chiếu" qua bức ảnh mơ hồ đó?


HAI: - ĐỐI ĐẦU VÀ CHỈ TRÍCH

Một khía cạnh khác nơi việc thiếu sự tự nhận thức gây phiền phức là xung quanh cách chúng ta đối xử với người khác, bạn bè, gia đình và đồng nghiệp. Có một số vấn đề cần nêu ở đây.

I: Hình thức đối đầu

Cuộc sống thường ngày đưa đến cho ta những tình huống khó chịu không dứt buộc ta phải lựa chọn cách thức phản hồi. Tất cả chúng ta đều trưng ra một loạt biểu hiện của "hình thức đối đầu", nhưng lại thường không nhận thức được kiểu phản ứng mình đang biểu hiện cũng như hậu quả của nó.

THỰC HÀNH

Hãy hình dung:

  • Ai đó hứa sẽ đưa cho bạn tài liệu vào 12h trưa. Và giờ đã là 1h chiều.
  • Tuần tới là sinh nhật bạn, nhưng người yêu chẳng đả động gì đến nó. Bạn muốn tổ chức ở bên ngoài.


  • Lại có tiếng máy khoan ở nhà bên cạnh.
  • Một đồng nghiệp nẫng tay trên một trong số các khách hàng của bạn. Bạn cảm thấy thế nào?

Và bạn thường phản ứng như thế nào?

Thông thường sẽ có 4 kiểu phản ứng có thể xảy ra: cam chịu, nổi xung, cam chịu-nổi xung, quyết đoán:

  • Cam chịu (Passive): bạn thấy rằng cuộc đời là vậy, có những điều bạn phải chấp nhận; nếu bạn làm ầm lên thì mọi chuyện còn tệ hơn. Sau cùng thì chuyện này cũng không quá tệ. Đôi khi bạn thực sự bực bội về những điều đó, nhưng rồi cũng cam chịu cho qua.
  • Nổi xung (Aggressive): Tôi vô cùng bực bội. Tài liệu đâu rồi? Tại sao người yêu không nhắc đến sinh nhật tôi? Sao tôi phải chịu đựng chỉ vì tên hàng xóm bất tài, ngu ngốc, tham lam hay quá lười biếng để sửa chữa vào khung giờ hợp lý? Không biết điều thì sẽ biết tay tôi.
  • Cam chịu - nổi xung (Passive-aggressive): Kết hợp giữa cảm giác cam chịu và nổi xung. Người ta có thể nói rằng: "Mình chẳng muốn làm lớn trong ngày sinh nhật- và chắc là người yêu mình cũng bận bịu nhiều thứ.", nhưng sâu trong thâm tâm lại đang bốc hòa. Hoặc với tình huống tập tài liệu, một người sẽ nghĩ "Tên đó đúng là một kẻ không đáng tin cậy," nhưng khi tài liệu được đưa đến lúc 5h chiều người đó lại nói "Tốt lắm" và cho qua mọi chuyện…Có nhiều sự thù địch gián tiếp xung quanh ta. Người cam chịu - nổi xung che giấu sự giận dữ của mình đủ để có thể phủ nhận nó với người khác và với chính mình. Họ không cảm thấy mình đang tiêu cực hay hung hăng. Họ thấy mình đang phải chịu đựng bất công. Điều họ ghét nhất là làm rối tung mọi thứ - nhưng điều đó không giúp họ tránh được nỗi thất vọng. Thông thường, nỗi thất vọng không đến với người đã gây ra nó mà đến với những kẻ vô tội. Những người cam chịu - nổi xung không thể hiện cảm xúc rõ ràng ở nơi làm việc, để rồi khi về nhà họ trút giận lên con cái, vợ chồng hay cún cưng. Cam chịu - nổi xung có gốc rễ nằm ở việc có lòng tự trọng thấp. Đơn giản là họ cảm thấy mình không được phép chỉ trích một cách trực tiếp. Điều này cần đến sự tự tin. Và cùng lúc họ cũng chẳng vui vẻ gì. Do đó sự thỏa hiệp chỉ là một tấm màn che cho những giận dữ bên trong.
  • Quyết đoán (Assertive): Bạn hiểu rõ khi nào một người cư xử không đẹp với mình hay đang gây ra vấn đề. Bạn không hài lòng về việc đó. Nhưng mục đích chính của bạn là giải quyết vấn đề. Bạn không cần trả thù hay cố khiến người kia cảm thấy có lỗi. Bạn có thể gặp riêng họ và nói ra điều bạn nghĩ. Bạn không xấu hổ về bản thân hay cảm thấy có lỗi vì đã làm lớn chuyện. Bạn nghĩ việc đối xử tốt với người khác là điều đương nhiên và nếu ai đó cư xử dưới chuẩn của bạn, bạn không ngại ngần mà nói rõ cho họ biết. Đó không phải là thảm họa, chỉ là một vài khoảnh khắc khó chịu, nhưng điều đó sẽ khiến mối quan hệ được cải thiện trong dài hạn. Không có tổn thương sâu sắc nào ở đây. (Tham khảo bài viết Hội chứng người tốt có bàn về phương pháp để trở nên quyết đoán hơn)

Rất ít người trong chúng ta quyết đoán. Ước tính rằng không quá 20% dân số thẳng thắn bày tỏ một cách chín chắn những điều khó chịu trong lòng. Điều đó có nghĩa là có rất nhiều sự giận dữ ngầm, nhiều người bị quở trách dù họ không thật sự chịu trách nhiệm.



Lý do chúng ta không nhận thức được cách phản ứng cam chịu - nổi xung của bản thân (do đó cần nâng cao khả năng tự nhận thức) là có nhiều cản trở trong việc thẳng thắn về những gì một người cảm thấy khó chịu:

- Họ cảm thấy mình chẳng là gì để phải làm lớn chuyện.
- Họ có thể mang cảm giác nhục nhã hay niềm tin sâu xa rằng họ là một kẻ tồi tệ không xứng với những chuẩn mực cao, dù cho thực tế thì họ xứng đáng với nó.
- Họ cảm thấy người khác sẽ phản ứng dữ dội và khốc liệt nếu họ đưa ra lời chỉ trích.

Tất cả những giả định này đều phải đặt nghi vấn.

THỰC HÀNH

Đây là bài thực hành được gọi là nghiên cứu Ascendance-Submission do nhà tâm lý học Gordon Allport người Mỹ phát minh.

1. Một người nào đó chen lên phía trước bạn trong lúc đang xếp hàng. Bạn đã đợi khá lâu và không thể đợi thêm nữa. Giả sử kẻ chen lấn kia cùng giới tính với bạn, bạn sẽ:

- La rầy kẻ chen lấn
- Lườm nguýt kẻ chen lấn và nói móc mỉa lớn tiếng với người đi cùng mình
- Quyết định không đợi nữa và bỏ đi
- Không làm gì cả


2. Bạn có cảm thấy tự tin khi xuất hiện trước cấp trên/tiền bối trong môi trường học tập hay kinh doanh không?

- Chắc chắn rồi
- Một chút
- Hoàn toàn không

3. Một số đồ đạc của bạn phải mang ra tiệm sửa chữa. Bạn đã hẹn lịch đến lấy nhưng người chủ tiệm nói rằng "bây giờ mới bắt đầu sửa."
Phản ứng thông thường của bạn là:

- Khiển trách anh ta
- Thể hiện sự không hài lòng một cách nhẹ nhàng
- Che giấu cảm xúc hoàn toàn

Một nhà tâm lý học người Mỹ khác, tiến sĩ Saul Rosenzweig đã đưa ra bài kiểm tra Hình ảnh Thất vọng (Picture Frustration), thể hiện một số tình huống gây thất vọng và yêu cầu chúng ta điền vào chỗ trống:


Bạn thường phản ứng như thế nào trước kịch bản này?

Hãy thử làm và nhớ lại những khoảnh khắc khác trong cuộc sống mà bạn từng phản ứng theo cách tương tự…

Ii: Chỉ trích

Sự chỉ trích luôn mang đầy thách thức, nhưng người ta có những phản ứng với nó theo nhiều cách. Việc nắm bắt được phản ứng/hành vi của bản thân xung quanh việc nhận những lời chỉ trích có thể đem lại lợi ích to lớn nhằm điều chỉnh và hướng đến cách hành xử trưởng thành hơn.

Cách phản ứng trước những lời chỉ trích

1. Chắc chắn là họ đã sai:

Đây là kiểu phản ứng "tự vệ" - khi một lời chỉ trích đã giải phóng một phản ứng tự vệ mạnh mẽ không tương xứng với nó. Lời chỉ trích nguyên bản không được lắng nghe.
Một người có thể nghĩ: "Tôi làm tốt lắm rồi, nói chung thì tôi không mắc lỗi. Nếu họ khó chịu với tôi thì có thể họ đang đòi hỏi quá cao, hoặc là họ ghen tỵ hay đang cố kéo tôi xuống. Vấn đề nằm ở họ."

2. Họ có thể hoàn toàn đúng và tôi không xứng đáng được sống trên đời:

Ở đây người ta có thể nghĩ rằng một lời chỉ trích cá nhân (trong một cuốn sách, tài liệu, hay điều gì đó mà một người từng nói trong bữa tối) trên thực tế đang nhắm đến nhân phẩm và toàn bộ con người họ. Rất nhanh chóng lời nhận xét cá nhân này sẽ mang đến một cuộc khủng hoảng:

"Tôi không xứng đáng được sống. Tôi là một kẻ khốn khổ. Người ta đã nhìn ra tôi. Đúng là vậy, tôi là một thứ vô nghĩa, nhỏ bé, ngu si đần độn…"

3. Họ có thể đúng VÀ tôi cũng hoàn toàn ổn.

Ở đây một người có thể chấp nhận những lời chỉ trích một cách dễ dàng. Họ có thể phân biệt giữa chỉ trích về một khía cạnh nào đó của bản thân với cuộc công kích vào nhân phẩm con người.

THỰC HÀNH

Một trong các bài tập thực hành tự nhận thức nổi tiếng nhất trong số các nhà tâm lý học liên quan đến trò chơi hoàn thành câu.

Ý tưởng là trả lời thật nhanh, không nghĩ quá nhiều, cho phép tiềm thức đưa ra câu trả lời trước khi được kiểm duyệt.

Dưới đây là một số câu để hoàn thành liên quan đến chỉ trích:

- Khi ai đó chỉ ra một phần nào đó trong công việc của tôi chưa tốt, tôi sẽ….

- Khi sếp nói gì đó với tôi, tôi nghĩ…

- Những người sếp thường hay chỉ trích…

Thử thực hiện theo cách thức chỉ trích của bạn:

- Bạn có tự vệ không?

- Bạn có cảm thấy như bị cả thế giới quay lưng không?

- Hay bạn cảm thấy chỉ một vài người quay lưng với bạn?

Phân tích

Phản ứng với những lời chỉ trích được hình thành từ thời thơ ấu.

Đó là nhiệm vụ của tất cả các bậc phụ huynh, chỉ trích con cái và cho chúng thấy sự thật về những ước nguyện cũng như kế hoạch của họ - nhưng rõ ràng có nhiều cách khác nhau để nói về việc này.

Kiểu chỉ trích tốt nhất là khiến cho đứa trẻ cảm thấy rằng lời phê bình đó chỉ nhắm vào một khía cạnh - và chúng vẫn được yêu thương.

Hơn nữa, gợi ý là tất cả mọi người đều mắc lỗi, đặc biệt là các bậc cha mẹ, và lời chỉ trích ấy mang ý tốt và không đe dọa đến khía cạnh của cuộc sống thường ngày.

Nhưng cũng có những kịch bản về việc một đứa trẻ bị chỉ trích và không ai để ý rằng nó đã khiến đứa trẻ bị tổn thương sâu sắc. Không có một gợi ý nào về việc đây chỉ là một lời chỉ trích hạn hẹp. Đứa trẻ sẽ bị rơi vào niềm tin rằng chúng hoàn toàn vô dụng. Trong quá trình trưởng thành, một lời trách mắng nho nhỏ cũng có thể gợi lại viễn cảnh này.

Thảo luận

Bạn đã học được gì về chỉ trích khi còn nhỏ?

Cha/mẹ khiến bạn cảm thấy như thế nào khi chỉ trích bạn?

BA: - SỰ NGHIỆP

I: Sự mơ hồ xung quanh tham vọng của một người

Khi nghĩ về những khát vọng, hy vọng và những việc tốt, người ta thường có xu hướng nói ra những điều này một cách mạnh mẽ:

  • Tôi muốn giúp đỡ người khác
  • Tôi muốn trở nên sáng tạo
  • Tôi muốn làm điều gì đó lớn lao


Những tuyên bố này có thể rất đúng đắn và tạo cảm giác đáng ngưỡng mộ. Vấn đề là chúng rất mơ hồ. Chúng không chỉ ra một hướng đi nào cụ thể, không dẫn đường cho hành động hay không giúp ích gì cho việc ra quyết định. Sự mơ hồ là một dấu hiệu cho thấy ta đang gặp khó khăn trong việc tự nhận thức. Nó cho thấy rằng trong một số khía cạnh quan trọng trong cuộc sống ta vẫn chưa hiểu rõ bản thân mình.

Làm cách nào chúng ta có thể cải thiện sự tự nhận thức về tham vọng của mình?

THỰC HÀNH

1.Kể tên một vài người bạn ghen tỵ hoặc ngưỡng mộ - tuy nhiên lại quá vĩ đại và có vẻ không có thật. Một trong những nguyên nhân gây ra sự mơ hồ là chúng ta cảm thấy ngại ngùng khi coi những cá nhân có địa vị cao là một nguồn cảm hứng (khoảng sau năm 11 tuổi), chúng ta cảm giác rằng mình sẽ bị coi là một kẻ tự phụ hoặc ngây ngô. Nhưng việc liệt kê họ ra rất quan trọng vì họ là phiên bản vĩ đại nhất của con người mà bạn muốn trở thành. Đó có thể là Michelangelo hay Lady Gaga hay Goethe hoặc Bill Gates. Điểm mấu chốt không phải là bạn cần phải trở thành họ hay giống như họ. Đó là việc có những điều bạn muốn học hỏi từ họ.

2. Chuyển trọng tâm từ con người sang đặc điểm tính cách.

Phân tích điều gì từ họ khiến bạn ngưỡng mộ…

Không nhất thiết phải là điều khiến họ nổi tiếng. Nguyên nhân của sự không rõ ràng ở đây là chúng ta quá say mê họ. Ta tập trung vào con người - và có rất nhiều điều khác nhau về họ khiến ta ấn tượng. Vậy nên một việc đơn giản là gọi tên các đặc điểm ta muốn học hỏi từ người đó ra sẽ khiến sự mơ hồ biến mất.

3. Làm cách nào để phẩm chất đó có thể hiện diện nhiều hơn trong cuộc sống của bạn…

Một nguyên nhân khác của sự mơ hồ và sự không linh hoạt. Chúng ta có thể nhìn thấy phẩm chất đó đã phát huy như thế nào trong cuộc sống của người kia. Nhưng những gì ta muốn là biết rằng nó có thể phát huy ở một nơi khác hay không. Người mà ta đang nghĩ đến chỉ đơn thuần là một gợi ý.

Ii: Thái độ với tham vọng

Có rất nhiều trở ngại trên con đường hoàn thành mọi việc ở cơ quan, lấy được người bạn đời xứng đáng, hay hưởng thụ một cuộc sống đỉnh cao cả về tài chính và sáng tạo: cạnh tranh từ các đối thủ tiềm năng, không đủ chỗ ở vị trí lãnh đạo, định kiến, tài năng hạn chế. Nhưng một trong những vật cản mạnh nhất đến thành công nằm trong chính chúng ta. Chúng ta khổ sở vì những thái độ mơ hồ với thành công.

Chúng ta bị những lo âu về thành công kìm hãm. Những lo âu này có nghĩa rằng ta không toàn tâm toàn ý tìm kiếm thành công. Nếu không nhận ra điều này, ta sẽ đầu tư vào sự thất bại.

- Thành công khiến người khác ghen tỵ. Họ sẽ nghĩ tôi đang khoe khoang, thèm khát sự chú ý. Tôi thật sự không muốn trở thành mục tiêu để người khác ghen tỵ. Tốt nhất là cứ đứng bên lề thôi.
- Chủ nghĩa phong kiến trong tâm thức: Có những người được phép thành công và làm những điều lớn lao trên thế giới; đáng tiếc tôi không phải một trong số họ, những điều như vậy không xảy ra với người như tôi.

Cũng có những mối nguy hại khi đầu tư quá nhiều vào ý tưởng "thành công". Việc muốn hoàn thành tốt công việc là điều bình thường. Nhưng sự nghiệp có thể là một thỏi nam châm cho những hi vọng khác không thuộc về lĩnh vực này.

Một người có thể đi đến niềm tin rằng khi mọi thứ liên quan đến công việc hay tiền bạc suôn sẻ, thì những vấn đề khác cũng sẽ được giải quyết. Đó là kiểu suy nghĩ được khích lệ mạnh mẽ trong xã hội hiện đại. Thái độ Meritocratic (chế độ nhân tài) mời mọc những suy nghĩ sai lầm rằng cách bạn thể hiện ở nơi làm việc là thước đo cho giá trị toàn cầu của bạn; hình ảnh quảng cáo không ngừng phóng chiếu tư tưởng rằng các phẩm chất tâm lý như tình bạn, mối quan hệ tốt, cảm giác thanh thản và niềm vui đều gắn liền với sự thịnh vượng tài chính (và theo đó là thành công trong nghề nghiệp). Những kiểu tư tưởng này không trực tiếp chạy thẳng qua trí óc ta mà phản ánh trên hành vi của chúng ta, biểu thị bằng việc ta hành động như thể ta tin vào những điều như:

  • Nếu tôi thành công trong công việc, tôi sẽ xứng đáng được yêu.
  • Tôi sẽ không còn thấy cô đơn khi tôi hoàn thành xong việc này.
  • Kỳ nghỉ thật tuyệt vời - giá như ta có thể ở lại căn phòng sang trọng đó.
  • Địa vị cao đồng nghĩa với hạnh phúc



Một trong những niềm tin này đã trở nên rõ ràng và được đưa vào thử nghiệm. Ví dụ: người khác có thể thành công, nhưng tôi thì không. Điều này có đúng không? Hãy phân tích nó như một tuyên bố trước tòa. Bằng chứng nào ủng hộ điều này? Tất cả những gì được nói ra đều phải dựa trên lợi ích và được đánh giá mức độ hợp lý.

- Một số người sinh ra đã may mắn - điều này không đúng.
- Không phải ai cũng có tài năng - đúng, nhưng có nhiều người bạn nghĩ là thành công không hề tài năng hơn bạn.
- Có những định kiến ủng hộ cho một số người và gây bất lợi cho những người khác - đúng, nhưng thường thì chỉ ở một mức độ nào đó, chúng không hề có tính quyết định.

THỰC HÀNH

- Nếu tôi thành công thì…(cả mặt tích cực và tiêu cực)
- Bằng cách thành công, tôi sẽ làm…hài lòng
- Người có thể cảm thấy khó chịu về thành công của tôi sẽ là…
- Những người thành công thường…
- Tôi không muốn trở thành một người thành công vì…

Iii: Ý nghĩa cuộc sống của bạn

Giữa bộn bề cuộc sống, phải đáp ứng những kỳ vọng của người khác hay bị tấn công bởi những ý tưởng từ truyền thông và quảng cáo (điều không có lợi cho bất cứ ai), hoàn toàn không bất ngờ nếu ta cảm thấy bối rối khi đặt câu hỏi liệu những điều này quan trọng với ta đến mức nào.

THỰC HÀNH

Nếu bạn đang trong cơn hấp hối, điều mà bạn hối hận đã không làm là…

Bài tập này được thiết kế để khơi gợi những khao khát tiềm ẩn mà bạn không sẵn lòng khám phá. Việc thừa nhận nó có thể quá thách thức hay ngượng ngùng. Điều quan trọng không phải là giải thích cho người khác, mà là chú ý đến chúng và cho chúng một nơi riêng tư trong tâm trí bạn.

  • Trên thực tế, lý do nào kìm hãm không cho bạn thực hiện những điều đó?
  • Làm thế nào để những trở ngại đó được giải quyết?
  • Bước cụ thể nào bạn có thể thực hiện?


Bài tập khoảnh khắc hấp hối cũng giúp chỉ ra sự phân cấp trong nhu cầu của chúng ta.

  • Có những thứ chỉ có đóng góp rất hạn chế cho hạnh phúc của chúng ta nhưng dường như lại được đánh giá quá cao.
  • Ta đánh giá thấp tầm quan trọng của những thứ quen thuộc hoặc không đặc biệt thú vị.
     

BỐN: NHỮNG ĐIỀU NGƯỜI KHÁC CÓ THỂ BIẾT VỀ BẠN (NGAY LẬP TỨC)

Nói đến người khác, tất cả chúng ta đều ít nhiều là những mind-reader (người đọc được suy nghĩ của người khác). Mind-reader gây ấn tượng với khách hàng bằng cách nói cho khách hàng nghe về cuộc sống của chính họ - gần đây bạn đã cãi nhau với bố mẹ; bạn gần gũi với anh chị em mình khi còn nhỏ, nhưng vài năm gần đây giữa các bạn có khoảng cách và điều đó khiến bạn buồn. Và những khách hàng sẽ đặt câu hỏi: làm cách nào họ biết được những điều đó. Hẳn là có phép màu. Đôi khi họ chỉ mất một phút để nói cho ta những điều mà ta phải mất cả năm để tìm ra về bản thân mình. Họ có thể để ý thấy ta có phản ứng phòng thủ khi nhắc đến bố mẹ - như thể chúng ta cảm thấy mình sắp bị buộc tội vì một lỗi lầm nào đó; mặc dù đây là nét tính cách ta không sẵn lòng thừa nhận trong chính mình. Việc đọc suy nghĩ chỉ thể hiện một điều rằng người ngoài có thể nắm bắt những điều về bản thân ta một cách hiển nhiên và dễ dàng - dễ hơn nhiều so với việc chính ta làm điều này. Những người xa lạ bỗng nhiên lại là người nói trúng tim đen của ta nhất.

Một hậu quả là ta gặp khó khăn trong việc nắm bắt cách nhìn nhận của người khác về mình. Có khoảng cách khá lớn giữa sự tự nhận thức và quan điểm của người khác: ví dụ sự ngạo mạn xuất hiện khi một người không thể nhìn ra được rằng người khác không đánh giá cao những thành tích của họ; và có cảm giác thỏa mãn khi nhìn người đó bị ép buộc bằng các sự kiện ở mức thấp hơn bản thân họ.

Nhưng dĩ nhiên, hầu hết mọi việc không hài hước đến vậy:

Bạn không nhận ra rằng

  • Bạn đang đòi hỏi sự kiên nhẫn của người khác.
  • Người khác thường có cảm giác bạn thèm khát sự chú ý
  • Bạn thể hiện như một kẻ kiêu căng
  • Bạn có vẻ quá nhút nhát
  • Bạn thường ám chỉ rằng mọi thứ bạn làm đều là những thứ người khác đã làm rồi, như thể gây sự chú ý là một niềm đau với bạn.



Mấu chốt không phải là người khác luôn đúng. Mấu chốt cũng không phải một người nên cảm thấy đau khổ khi người khác không đánh giá đúng ý định của họ. ("Dĩ nhiên, tôi đâu có định tỏ ra ngạo mạn cơ chứ. Họ không biết phân biệt thẳng thắn với khoe mẽ à?"). Chỉ là sẽ có ích khi chúng ta biết được cách ta ảnh hưởng lên người khác vì điều này cho phép ta điều chỉnh chiến lược. Khi đó ta biết được rằng ta có thể thay đổi vì lợi ích gắn kết với người khác - trở nên ít quyết đoán hơn trong một vài tình huống hay nỗ lực đặt câu hỏi cho người khác về bản thân họ.

THỰC HÀNH

Ghép đôi với một người khác
Để họ nói 5 điều tích cực về bạn, dựa trên những hiểu biết hạn chế của họ về bạn.
Sau đó, nói một điều tiêu cực.
Họ biết điều tiêu cực đó bằng cách nào?
Đổi vai cho nhau.

THỰC HÀNH

  • Tưởng tượng bản thân trở thành một loài động vật nào đó, viết con vật đó ra giấy. Liệt kê 3 thuộc tính mà bạn cảm thấy mình có chung dưới vài góc độ với loài vật này.
  • Sau đó yêu cầu người còn lại vẽ con vật mà họ nghĩ rằng giống bạn, và chọn ra ba đặc điểm để giải thích tại sao họ lại nghĩ như vậy.

Bạn học được gì từ lựa chọn và lý do của họ?

NĂM:  ĐỘNG LỰC HỌC GIA ĐÌNH

I: Bức tranh toàn cảnh: Bạn cảm thấy như thế nào về gia đình mình

Điều bạn thực sự cảm thấy về gia đình mình là gì? Đặc biệt những điều bạn không nói ra vì đủ loại lý do: bạn có thể làm tổn thương ai đó; bạn cảm thấy có lỗi vì sau cùng họ vẫn luôn đối xử tốt với bạn; bạn cảm thấy mình là kẻ phản trắc; bạn sợ rằng mọi người sẽ cảm thấy thương hại bạn theo cách khiến bạn khó xử; bạn sợ mọi người sẽ nhìn bạn với ánh mắt khinh thường. Những suy nghĩ kiểu như vậy có thể là cái bóng rất lớn. Chúng ta có những thái độ vô thức - hoặc vừa đủ vô thức trong mối quan hệ với gia đình, vốn là thứ có thể gây ra những tổn thất nghiêm trọng cho cuộc sống của chúng ta. Những khả năng đó bao gồm:

  • Thái độ với người em trai đang kiềm chế cảm giác không bao giờ đủ.
  • Cảm giác với một người chị gái dẫn đến các vấn đề về ghen tỵ
  • Khuynh hướng muốn được tôn trọng dựa trên quyền lực có thể xuất phát từ nhu cầu làm hài lòng cha mẹ một cách quá mức.


THỰC HÀNH

Một bài thực hành tâm lý có hiệu quả là vẽ ra gia đình của bạn; cha mẹ + anh chị em + ngôi nhà + mặt trời + cây cối.

Sau đó phân tích bức vẽ.

Vẽ gia đình của bạn.

Hỏi:

Ai lớn?
Ai nhỏ?
Mọi người đang đứng ở đâu?

Một số chủ đề phân tích:

  • Người bạn vẽ gần mình nhất là người bạn thân thiết nhất.
  • Người bạn vẽ xa nhất là người xa cách với bạn.
  • Kích thước bạn vẽ bản thân mình là thước đo lòng tự trọng của bạn.
  • Ngôi nhà là phần mở rộng của bản thân bạn: đó là cái tôi. Nó có hình dáng đẹp hay không? Sáng sủa? Ngăn nắp?
  • Cửa sổ ngụ ý mức độ giao tiếp. Bạn có vẽ cửa sổ không?

    Đây chỉ là bước khởi đầu, không phải khoa học - tuy nhiên bài thực hành này vẫn hữu dụng (giống như bài tập hoàn thành câu) trong việc nắm bắt tiềm thức nhằm khám phá cấu trúc của nó.

Ii: Đổ lỗi và tự nhận thức

Chúng ta có thể không nhận ra mức độ mà ta gán các vấn đề trong cuộc sống của mình cho cha mẹ.

THỰC HÀNH

1. Bạn đổ lỗi cho cha mẹ vì điều gì?

Ở đây chúng ta tìm kiếm một phản hồi thể hiện cái tôi: họ đã làm tổn thương tôi như thế nào, những lỗi lầm họ đã mắc phải…

2. Tại sao bạn nghĩ họ làm như vậy?

Đây là một kiểu câu hỏi khác. Nó đòi hỏi bạn suy nghĩ ngoài bản thân mình, không phải tự hỏi tại sao họ khiến tôi tổn thương hay làm tôi thất vọng, mà là họ đã phải chịu những áp lực và khó khăn gì. Nó làm gián đoạn vòng lặp đổ lỗi, thay vào đó là sự thấu hiểu.

Dĩ nhiên đổ lỗi cho cha mẹ không phải lúc nào cũng sai, nhưng nó lại ngăn bạn hiểu sâu hơn bản chất của vấn đề, từ đó tìm ra các khả năng để xử lý.

SÁU: HƯƠNG VỊ VÀ Ý TƯỞNG CỦA BẠN VỀ HẠNH PHÚC

Chúng ta không quen với ý tưởng rằng trang trí nội thất có thể nói lên điều gì đó sâu kín về bản thân nhưng quan điểm thẩm mĩ có thể tiết lộ những điều rất sâu sắc bên trong chúng ta, bởi vì sở thích cá nhân thì phản ánh một con người khác của chúng ta.

  • Chúng ta có thể cảm thấy khó chịu bởi một vài sự vật hay hiện tượng làm liên tưởng đến sự xui xẻo. Hay đến một độ tuổi nhất định nào đó, sau khi xem một bộ phim có một nhân vật sống trong một căn biệt thự cổ kính rộng lớn làm bạn thấy bị hấp dẫn, và từ đó, bạn bắt đầu có những cảm xúc tích cực một cách âm thầm nhưng mãnh liệt đối với những địa điểm như vậy. Để hiểu được điều gì thu hút bản thân, chúng ta cần quay ngược lại với câu hỏi: điều gì ở nhân vật đó làm bạn bị thu hút? Hoặc có thể là một người họ hàng đáng sợ thường hay chỉ trích sự bừa bộn luôn khiến bạn cảm thấy không phục; và bạn phát hiện ra một chút pha trộn giữa những sắc màu giản dị nhưng thú vị ở nhân vật này (một kiểu hoàn toàn khác với người họ hàng kia)? Phân tích câu trả lời giúp bạn khám phá ra nhiều điều về tình yêu, sự căm ghét, hi vọng và nỗi sợ hãi – những thứ tạo nên khiếu thẩm mĩ hay sở thích riêng của bạn.
  • Chúng ta bị thu hút bởi những điều mà chúng ta thiếu sót. Khiếu thẩm mĩ thường liên kết với việc theo đuổi sự cân bằng từ bên trong. Nếu như chúng ta đặc biệt căng thẳng hoặc lo lắng, chúng ta có thể bị thu hút bởi khung cảnh yên bình. Một người thường xuyên bị làm phiền bởi những kẻ thô lỗ sẽ bị thu hút bởi những thứ gợi lên sự tinh tế, trật tự và hài hòa.
  • Chúng ta tìm kiếm những phần bên trong của bản thân bị bỏ quên trong những đồ vật xung quanh: trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường lờ đi những khía cạnh trong bản chất con người mình giúp gợi ý về thị hiếu của chúng ta. Phản ứng mãnh liệt đối với không gian nội thất đồ sộ có thể xuất phát từ một cá thể khôn ngoan khác bên trong chúng ta, điều này có thể là sự gợi ý về một khía cạnh táo bạo và đầy tham vọng hơn.

Thực hành

Xem những cách bày trí nội thất khác nhau dưới đây


Phong cách hoa văn (ornate)

 

Phong cách baroque

 

Phong cách bohemian

 

Phong cách ấm cúng (cosy clutter)

 

Phong cách tối giản (minimalist)

Bạn ghét phong cách nào?

Cái nào làm bạn bị thu hút?

Về mặt lý thuyết, chúng ta bị thu hút bởi những thứ trực quan thể hiện những điều thiếu sót trong tâm lý của chúng ta. Nói cách khác, những người bị thu hút bởi phong cách tối giản nhẹ nhàng thì bên trong họ không hề cảm thấy bình tĩnh. Họ cảm thấy bản thân ở trên bờ vực của sự choáng ngợp và muốn tìm kiếm một phong cách nào đó có thể xoa dịu cảm giác này.

Tương tự, phong cách bohemian không phải được ưa thích bởi người bohemian mà bởi những người mà tận sâu bên trong họ sợ hãi những thôi thúc bản năng không phù hợp với tính cứng nhắc bên ngoài.

Chúng ta sử dụng những phong cách bày trí trực quan để xoa dịu hay tái cân bằng tâm lý của chúng ta.

BẢY: SỰ KHÔN NGOAN VÀ VIỆC TÌM KIẾM NHỮNG KHOẢNH KHẮC NHẬN THỨC CAO HƠN  

Thường thì việc tự nhận thức liên quan đến việc mô tả chính xác hơn cảm giác của một người. Nó theo dấu sự dẫn dắt của nội tâm. Bạn cố gắng hiểu được bản thân thật sự cảm thấy như thế nào khi bạn nhìn lên bầu trời, xem một bộ phim hoặc đang dự một cuộc họp nhàm chán.


Nhưng có một khía cạnh khác của sự tự nhận thức, đó là ý thức hơn về cách làm việc của hệ thống bên trong bạn hoặc cách mà trí não bạn hoạt động và bóp méo mọi thứ xung quanh. Chẳng hạn, bạn biết rằng ăn quá nhiều sô cô la khiến cho bạn cảm thấy buồn nôn sau đó, nhưng khi bạn ăn sô cô la bạn lại không cảm thấy điều này. Nó ngon đến mức bạn không thể không ăn tiếp một miếng nữa và cứ tiếp tục như thế. Nhưng dần dần bạn sẽ hiểu được đó là cơ chế vận hành của cơ thể, nếu bạn ăn quá nhiều sô cô la, chắc chắn là có vấn đề ngay. Nếu chúng ta có thể hiểu được cách cơ thể vận hành, chúng ta cũng có thể hiểu được cách trí óc của chúng ta hoạt động.

Một trong những ý chính của thuyết tiến hóa đó là bộ não con người đã tiến hóa qua một thời gian rất dài. Cơ thể của chúng ta chọn lọc và tiếp thu những kết quả của quá trình phát triển rất lâu dài. Đôi mắt chúng ta có, cách khớp gối của chúng ta hoạt động hay cơ chế hấp thu oxi của phổi chúng ta không phải là duy nhất. Những cơ quan nội tạng và khớp loại này đã tiến hóa từ rất lâu trước khi con người xuất hiện.

Bộ não của chúng ta cũng vậy. Do đó, việc nói về phần “bò sát” trong bộ não của chúng ta vẫn rất hữu ích, mặc dù nó không hoàn toàn chính xác về mặt khoa học (chúng ta không có bộ não của thằn lằn bên trong hộp sọ của mình theo nghĩa đen đâu). Dù sao thì, chúng ta có những bản năng và các cơ chế phản ứng được tiến hóa để ứng phó với việc bị truy đuổi bởi những kẻ săn mồi hoặc để cầu yêu vào mùa giao phối, tuy nhiên điều này chỉ thích hợp để tồn tại trong kỷ pleistocene (khoảng 1.806.000 tới 11.550 năm trước ngày nay) hơn là cuộc sống trong một đô thị hiện đại (hay một khu vực nông thôn nào đó).

Phần “não bò sát” chỉ thích hợp với việc sống sót và phản ứng nhanh chóng theo bản năng. Nó tồn tại vì chính nó chứ không dành cho sự thấu cảm hay đạo đức. Nó vô cùng ích kỷ từ trong bản chất.

Nhưng chúng ta cũng có một phần não bộ tiến hóa cao hơn (được các nhà khoa học gọi là “não ngoài” hay “vỏ não”) với khả năng tiến xa hơn so với những nhu cầu tức thời của “bò sát”. Nó có thể quan sát hơn là chỉ bị thôi thúc bởi những ham muốn tình dục, nó có thể học hỏi hơn là chỉ biết vâng lời nhưng ham muốn ích kỷ v.v..


Hình ảnh của bản thân của ta với một trí óc tinh vi trên nền của một bộ não nguyên thủy rất hữu ích vì nó giải thích một số rắc rối mà chúng ta gặp phải cũng như khả năng giải quyết chúng. Bộ não nguyên thủy chủ yếu quan tâm đến vấn đề an toàn và sinh sản. Nó không thể lý giải được thế nào là xin lỗi. Tuy nhiên, nó cũng có thể tham gia vào những khoảnh khắc tồi tệ nhất. Theo quan điểm của nó thì, đập vỡ một cái cốc thủy tinh trên bàn có thể là một cách lý tưởng để làm một ai đó đồng ý với bạn; hoặc như xúc phạm, tỏ ra hung hăng hay thậm chí là thô lỗ là những cách tuyệt vời để có thể quan hệ tình dục với một ai đó.

Việc chúng ta có thể cư xử tồi tệ như vậy là một điều không hề bất ngờ, nhưng những hành vi xấu xa đó không thể nói lên tất cả về chúng ta. Sở hữu một bộ não phân mảnh – “não bò sát” và “phi bò sát” - có nghĩa là phần trí não tiến hóa cao hơn sẽ tiếp nhận nhiệm vụ khi mọi thứ trở nên phức tạp. Nếu chúng ta thực sự hiểu rõ điều này về bản thân mình thì chúng ta sẽ không còn phải đi tới đi lui và nghĩ rằng chúng ta hoàn toàn vô dụng và khốn kiếp vì những hành vi ngu ngốc và tồi tệ mà chúng ta đã làm. Thuyết tiến hóa đưa ra một lời giải thích hữu ích hơn cho vấn đề này. Bạn không hoàn toàn khốn kiếp một chút nào, bạn chỉ gặp phải một vấn đề đó là: bộ não tiến bộ của bạn không đủ mạnh như bạn cần, trong khi “bộ não bò sát” lại mạnh quá mức cần thiết.

Điều này xác định bản chất của việc phải làm: bạn cần phải khiến cho “bộ não phi bò sát” của mình chiếm ưu thế hơn. Và bạn cần phải học cách phân biệt những niềm hi vọng, nỗi sợ hãi hay ham muốn nào của mình thuộc về “não bò sát” và những cái nào sẽ được xác lập một cách hợp lý và lý trí hơn bởi phần não bộ tiến hóa cao hơn.


Cái mà chúng ta gọi là sự tự ý thức cao xảy ra khi chúng ta co giãn những “cơ bắp” của bộ não hiện đại và xoay xở để giải thoát bản thân khỏi sự kìm kẹp của bộ não “bò sát”, giành quyền kiểm soát những thôi thúc và cảm xúc nhất thời của mình. Nói cách khác, chúng ta sẽ có khả năng giải thoát bản thân khỏi bản ngã của mình và nhìn nhận cuộc sống và thế giới tách biệt khỏi những nhu cầu tức thời.

Có 5 cách để đạt được Ý thức bậc cao:

Một: Tập cách quan sát những dục vọng thầm kín

Đôi khi vào lúc nửa đêm, khi gánh nặng cơm áo tạm gác lại, chúng ta quay lại với con người đầy trí tuệ của chính mình. Dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi, chúng ta được quay lại với những ý tưởng chủ đạo đã làm nên con người chúng ta, những ý tưởng vượt ra khỏi thế giới quan bình thường, cả lớp mặt nạ phòng thủ và thói quen thích áp đặt bản thân.

Khi trời sáng và trong suốt một ngày, bạn luôn trong tình trạng căng như dây đàn. Lúc ăn tối, vị hôn thê của bạn phàn nàn vì bạn ăn quá nhanh hay bạn quá vô tâm khi người ấy ca cẩm về công việc của họ, ngay lúc đó bạn dựng lớp mặt nạ lên; bạn khăng khăng rằng bạn chẳng phải như thế, bạn nói rằng họ giống như những nhà phê bình khắt khe và rằng họ chẳng biết suy xét mà chỉ biết nhắm mắt đánh gía. Bạn tức điên lên và đóng sầm cửa lại.


Và rồi bạn nằm thao thức trong đêm với suy nghĩ có thể bạn đã luôn quá vội biện hộ cho bản thân mỗi khi nửa kia của bạn nói gì đó có phần hơi phê phán. Hình ảnh đó chạy trong đầu của bạn, chúng bắt đầu phát lớn tiếng lên, cảnh tượng đó thật quen, và bạn ngồi bật dậy để gạt hết những suy nghĩ tội lỗi đó ra. Bạn tự thú nhận - trong không gian cực kì riêng từ này - rằng bạn thường chẳng để tâm khi người ấy ca thán về công việc, không phải vì họ nói quá nhiều mà là chính bạn chẳng thèm chú ý đến cách họ nói và cách bộc lộ suy nghĩ quan trong đối với họ như thế hay tại sao họ lại nói như vậy.

Vậy ra họ cũng có lý đấy chứ. Nhưng bạn cảm thấy phải nói ngược lại như vậy. Và sự thật là bạn cũng ăn quá nhanh. Đúng vậy, thật bực mình khi bị bắt quả tang. Nhưng bạn nhận ra rằng đó là cách người bạn đời của bạn thể hiện sự quan tâm và lo lắng. Bạn muốn nói lời xin lỗi, ôm choàng lấy họ và hứa sẽ thay đổi. Trong bóng tối mọi thứ bổng trở nên sáng tỏ hơn.


Suy tưởng vào đêm đó đã đúng. Đó là khoảnh khắc của trí tuệ nội tại, khoảnh khắc của một tầng ý thức cao hơn khi mà bạn vượt khỏi mọi tri kiến và nhìn bao quát mọi vấn đề một cách rõ ràng. Bạn cảm thấy thật an tâm và thanh thản khi được quan sát bản thân mình mà không cần vội vã phán xét và biện hộ. Bản trở nên thông tuệ chính mình hơn.

Tuy vậy trạng thái tinh thần đó chỉ xảy ra nhất thời. Bình thường ta luôn phải bảo vệ quan điểm và đấu tranh vì lý tưởng của mình. Chúng ta thiếu sự tĩnh lặng để quan sát phần tâm gốc rễ xui khiến mọi hành động.

Hai: Học cách thấu hiểu cử chỉ của người khác thay thì phản ứng lại theo vô thức

Ta thưởng xuyên phản ứng ngay lập tức (và thường là dữ dội) trước hành động của người khác.

Họ bóp kèn inh ỏi vào ta, ta nổi điên lên và bóp kèn lại.

Họ nói gì đó nghe có vẻ xúc phạm, ta lập tức đáp trả ngay.


Bản năng tự nhiên đó là dùng cái thô để đối xử với cái thô. Phần con của chúng ta muốn đuổi phần con của họ trở về hang của chúng.

Nhưng dĩ nhiên luôn có lựa chọn khác, một sự lựa chọn kết tinh từ hàng triệu năm tiến hóa và hàng ngàn năm văn minh (gồm cả chuẩn mực đạo đức và tôn giáo).

Những người văn minh, họ luôn muốn biết liệu nó có đang cư xử thiếu tế nhị vì một lí do nào đó không và họ cũng chẳng thèm ba hoa về điều đó. Vì vậy họ bị chèn ép bởi những kẻ thô thiển kia.

Có thể họ trải qua một ngày mệt mỏi. Có thể họ đang căng não về vấn đề gì đó. Có thể họ đang gặp trục trặc trong công việc và nếu có người nào quẹt xe họ thì thật quá sức kiềm chế. Thay vì nhìn nhận họ như những kẻ thù “không đội trời chung”, chúng ta hãy nhìn thấu sự căng thẳng của họ và hành vi làm chúng ta không hài lòng (hú còi và chửi lầm bầm trong xe) chỉ là hệ quả của sự tổn thương chứ không phải bản chất xấu xa nào cả.



Để có được khả năng này nhân loại đã mất hàng triệu năm tiến hóa - khả năng giải thích lí do đằng sau hành vi của cá thể khác bằng nguyên nhân gốc rễ thay vì chỉ nhìn nhận khía cạnh việc đó ảnh hưởng như thế nào đến chủ thể. Và chắc chắn rằng khả năng này chỉ xuất hiện trong quá trình tiến hóa đột biến. Và trong mỗi đời người cũng có những khoảnh khắc bừng ngộ như vậy. Nhưng thưởng thì những ý thức bậc cao rất khó để có thể chiến thắng, chúng ta bị sa lầy quá nhiều vào những vấn đề dường như chẳng thể nào có thể rộng lượng mà bỏ qua cho những người đã gây ra đau khổ cho ta cả:

Hãy thử những ý tưởng này (có thể nghe rất xa vời); đó là ví dụ của những ý thức bậc cao

  • Người trợ lí trả lời cộc lốc yêu cầu của bạn, có thể anh ấy gặp vấn đề trong tình cảm chứ chẳng phải do bạn.
  • Kẻ trưởng giả thích khoe khoang nhất trong buổi tiệc suy cho cùng chỉ là do họ bất an (dù họ trông có vẻ tự tin và chẳng thèm chú ý đến bạn).
  • Tên khốn đã cào chiếc xe của bạn có thể về anh ta quá xấu hổ khi bị bạn gái cười chê vì “bất lực”
  • Kẻ huênh hoang ở trong bar chắc đang tự nhủ rằng anh ta thật đáng ghét.

 

BA: PHÁT TRIỂN KHẢ NĂNG YÊU PHỔ QUÁT

Một khi ta có khả năng nhận biết rằng hành vi gây ra tổn thương của một người bắt nguồn từ chính những tổn thương của họ, ta đã ở ngưỡng cửa dẫn đến một bước tiến lớn. Trên thực tế, không ai trên thế giới này hoàn toàn “ghê tởm”. Họ luôn bị tổn tương - và điều này có nghĩa phản ứng thích hợp của ta đối với nhân loại không phải là sợ hãi, hoài nghi hay sự hung hãn, mà là tình yêu.

Một khi ta từ bỏ bản ngã, và thả lỏng bản thân khỏi những quá trình suy nghĩ phòng ngự và tấn công, ta được tự do nhìn nhận loài người dưới một ánh sáng tốt đẹp hơn. Đến cực độ (điều này có thể chỉ xảy ra vào một đêm khuya thanh vắng nào đó), ta có khì còn có cảm giác rằng mình có thể yêu tất cả mọi người, rằng không có một ai nằm ngoài vòng tròn cảm thông của ta cả.


Ta đạt đến trạng thái như những bậc thầy yoga, những con chiên khổ hạnh và những nhà sư Phật giáo - ta cảm thấy mình đã nới lỏng bản thân khỏi bản ngã: ta nhìn ra thế giới như thể ta không còn là chính mình, khòng còn những bộ lọc về sở thích, đam mê và nhu cầu như thường ngày nữa.

Và thế giới, vào lúc ấy, bộc lộ khác hẳn: một nơi tràn đầy những khổ đau và nỗ lực lầm lạc, một nơi tràn đầy những con người phấn đấu để được công nhận và tranh đấu với người khác.

Phản ứng phù hợp trong tình cảnh này là sự cảm thông và lòng tốt phổ quát.

Ta đã mang kiến thức về bản thân đến một hướng mới và thú vị. Ta có ý thức về bản thân đủ để cởi bỏ “bản ngã thấp hơn” khỏi lớp kính chắn gió mà ta dùng để nhìn ra thế giới bên ngoài - và vì thế nhìn sự việc theo cách chân thực và vị tha hơn.


 Bao năm qua bạn phải chiến đấu trong góc nhỏ của mình: bạn phải nắm bắt lấy mọi cơ hội, phòng ngự bản thân, chăm chút cho những sở thích của mình. Bản phải ăn phải mặc, chỉ tả hóa đơn, quản lý việc học hành, giải quyết khí sắc và những con quỷ trong tâm hồn một cách tốt nhất. Bạn phải đòi quyền lợi của mình, lý giải cho những hành động và lựa chọn của mình. Làm người ai chẳng thế. Bạn chỉ bị cuốn vào cuộc đời của riêng bạn - còn lựa chọn khác sao?

Nhưng có những khoảnh khắc một người cảm thấy cuộc sống của họ ít quý giá hơn, hay ít quan trọng hơn - và không phải theo chiều hướng mất hết hy vọng, và không có sự hỗ trợ từ cái kiếp sau trong tưởng tượng. Có lẽ nỗi sợ không tồn tại chợt bớt kịch liệt đi - dù chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. Có lẽ ngắm nhìn hoàng hôn trên bãi biển hay đi dạo trong rừng vào mùa đông, hay nghe một bản concerto nào cho hai đàn violin của Bach, không tồn tại cũng không sao cả, một người có thể thưởng ngoạn thế giới mà họ không còn tồn tại, với một sự yên bình mà vẫn cảm thấy trân trọng cuộc sống. Trong những khoảnh khắc nhận thức cao hiếm có ấy, cái chết không còn là một gánh nặng, sở thích có thể gạt qua một bên bạn có thể hòa hợp với những sự vật trong chốc lát: cỏ cây, gió trời, sóng xô vào bờ. Từ góc nhìn cao hơn ấy, địa vị không còn quan trọng, của cải không có ý nghĩa, những lời than trách cũng không còn cấp bách, lòng ta thanh thản. Nếu có người nào đó bắt gặp bạn lúc này, họ sẽ kinh ngạc trước sự biến hóa ấy.


Những trạng thái nhận thức cao này không tồn tại lâu. Ta phải chấp nhận điều đó. Ta không nên khao khát biến nó trở nên vĩnh cửu - vì nó không chịu ngồi chung một chỗ với rất nhiều những nhiệm vụ thực tiễn quan trọng khác mà ta cần phải thực hiện. Ta không nhất thiết lúc nào cũng đạt đến những trạng thái đó. Nhưng ta cần tận dụng chúng một cách tối đa. Ta phải thu hoạch và giữ gìn chúng để có thể tìm đến những trạng thái ấy khi ta cần chúng nhất. Vấn đề là khi ta ở trong trạng thái tâm trí cao, ta có được những cái nhìn sâu sắc, nhưng chúng sẽ nhanh chóng biến mất khi ta trở lại với những điều kiện bình thường trong cuộc sống. Và vì thế ta không có được lợi ích từ cái nhìn sâu sắc trong những khoảnh khắc đặc biệt ấy.

Trong quá khứ, tôn giáo rất hứng thú với bước đi này. Ví dụ như các nhà thờ Công giáo tin rằng đôi lúc ta có thể nhận ra mình đã thiếu công bằng và bất trung với người khác. Đó là một thành công vang dội so với tâm trí nguyên thủy trước đây hiếm khi có dược những suy nghĩ ấy. Họ đặt ra những lễ nghi để tăng cường, kéo dài và khắc sâu những suy nghĩ mong manh ấy. Lấy ví dụ những câu sau trong một bài kinh đặc biệt, Confiteor (kinh xưng tội):

Tôi thú nhận với Chúa Toàn năng và với các anh chị em của mình

rằng tôi đã gây ra những tội lỗi, trong suy nghĩ và lời nói,

trong những điều tôi đã làm và những điều tôi không làm được…

Mục đích của những lễ nghi ấy là để con người thường xuyên có được trải nghiệm mạnh mẽ khi nhận ra họ có thể đã tàn nhẫn, khắc nghiệt, thiếu suy nghĩ, tham lam hay xấu tính. Điều này tất nhiên không phải lúc nào cũng có tác dụng, nhưng xuất phát điểm là rất có ý nghĩa. Đây là một nỗ lực để biến trải nghiệm này không còn hoàn toàn là ngẫu nhiên nữa, cho nó thêm sức mạnh và giúp ta tận dụng nó một cách triệt để nhất.


 Lý tưởng ở đây, tất nhiên không chỉ nói riêng về đạo Công giáo hay bất kỳ niềm tin huyền bí nào cả, chính là những trạng thái cao cấp trong tâm trí nên đáng tin hơn và mạnh mẽ hơn.

BỐN: PHÁT TRIỂN SỰ HOÀI NGHI VỀ CẢM GIÁC CỦA BẢN THÂN

Thường thì ta đã quen với ý niệm gia tăng hiểu biết về bản thân bằng cách đặt ra những câu hỏi: mình cảm thấy thế nào về điều này?

Có nghĩa là bạn biết “bạn thực sự là ai”, bằng cách tìm hiểu cảm giác của mình.

Nhưng đề xuất sau đây lại khác, hay thực chất là ngược lại hoàn toàn.

Điều chúng tôi khuyên bạn là khả năng tách rời khỏi cảm xúc để nhận ra bản chất dối lừa tiềm ẩn của nó. Điều này có nghĩa là thừa nhận sự khác biệt cơ bản giữa cảm xúc của ta về một tình huống - và tình huống ấy thực sự là gì.


Một ví dụ kinh điển cho vấn đề này là khi con người lần đầu tiên chấp nhận rằng dù cho trái đất có cảm giác như là phẳng, nhưng thực chất nó lại tròn. Nói cách khác, khi con người học cách nghi ngờ cảm nhận của mình, thay vào đó là tin tưởng dữ kiện từ lý trí - vượt qua cảm xúc để duy trì lý trí. Điều này xuất hiện rất trễ trong quá trình tiến hóa của loài người, và trong cuộc sống hằng ngày, đa số chúng ta đều vận hành theo cách tiền Copernicus, đặc biệt là với đời sống cảm xúc.

Tuy vậy cũng có một ngoại lệ, mà ta có thể học hỏi rất nhiều, là trẻ em. Đối với trẻ nhỏ, ta dễ dàng bỏ qua những phản ứng của loài bò sát và nhắm đến một cách giải nghĩa bậc cao. Ta vượt qua vẻ bề ngoài, và cố gắng mường tượng điều gì đang xảy ra.

Tưởng tượng một đứa trẻ đang buồn rầu và rồi đến chỗ ba mẹ, đánh ba mẹ một cái và nói, con ghét ba mẹ.


Phản ứng nguyên thủy sẽ là đánh trả. Nhưng phản ứng tinh vi và phức tạp hơn chính là hỏi rằng: chuyện gì đang xảy ra đằng sau điều tôi có thể thấy từ hành vi của đứa trẻ?

Và, vì đã là 6 giờ tối mà nó vẫn chưa ngủ trưa và có hơi bị cảm, ta thường gán những yếu tố này là nguyên do cho khí sắc tồi tệ của trẻ. Tâm trí bậc cao sẽ lý giải tình huống.

Dù cách làm này rất khôn ngoan, thật khó để thực hiện lên chính bản thân mình.

Có thể ta cũng cảm thấy mệt và đói. Nhưng ta không hỏi bản thân điều này có vai trò như thế nào trong việc ta tự dưng cảm thấy mọi người ghét mình và sự nghiệp của mình đang là thảm họa.

Đó có vẻ là kết luận rất hợp lý rút ra từ những thực tế xung quanh. Thế nhưng, thực chất, chúng là kết quả của việc vừa mệt vừa đói mà vẫn phải giải quyết vấn đề tồn tại. Sau một buổi ăn nhẹ và nằm nghỉ, quan điểm của ta sẽ rất khác.


Nói cách khác, tâm trí ta bị lấp đầy bởi những suy nghĩ trông có vẻ như do lý trí tạo ra nhưng thật ra không phải vậy, những suy nghĩ phần nhiều là do những quá trình sinh lý bậc thấp mà ta chối bỏ hay không nhận ra.

Kiến thức về bản thân có nghĩa là trở nên giỏi nhận biết có bao nhiêu quá trình tâm lý (mở rộng ra những sự việc như quan điểm chính trị và đánh giá của ta về sự nghiệp và người yêu) có thể được lý giải bởi:

  • uống không đủ nước
  • ngủ không đủ giấc
  • ăn không đủ no

Nếu vài đêm gần đây bạn ngủ không ngon giấc và làm việc quá sức, một vài lời bình luận thiếu khéo léo từ người bạn đời có thể khiến bạn nghĩ đến việc li dị. Có cảm giac như mối quan hệ đang vỡ vụn, rằng bạn cần một nước đi mạo hiểm, kịch tính và mang tính thay đổi cuộc sống, rằng những thỏa hiệp, ổn định và yêu thương vài năm qua đều bỏ phí. Vấn đề trông có vẻ khổng lồ. Nhưng thật ra không phải. Điều sai ở đây chỉ là bạn đang mệt. Vô cùng khó để chúng ta phân biệt giữa nhu cầu của cơ thể và mâu thuẫn cảm xúc bi lụy. 

 

Hoặc có thể là, bỏ bữa sáng, một cuộc họp công việc khó nhằn khiến bạn quyết định từ chức. Mọi chuyện sau đó có thể sẽ khó khăn, tất nhiên rồi, nhưng gì cũng được miễn là không phải tiếp tục bán linh hồn cho những kẻ ngu xuẩn không có đầu óc này. Vấn đề trông có vẻ khổng lồ - sự nghiệp trên bờ vực thảm họa. Thế nhưng nguyên do thật sự có thể chỉ đơn giản là lượng đường trong máu giảm sút.

Ngay tại thời điểm này, quan điểm tồn tại không phải sản phẩm của lý trí mà là của chứng khó tiêu hay mệt mỏi, nghe có vẻ điên rồ. Nhất là khi điều đó là sự thật. Ta muốn tin rằng những khổ sợ của mình đều là vấn đề trên trời - trí tuệ, đạo đức và hiện sinh - trong khi đó chỉ là những xáo trộn trong cơ thể không hơn không kém.

 

Ta nên cẩn thận với việc duy tâm quá mức. Để vui vẻ và hạnh phúc, ta cần những điều to lớn (tiền bạc, tự do, tình yêu), nhưng ta cũng cần rất nhiều nhỏ nhặt khác (ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ, bầu trời nắng đẹp). Trẻ sơ sinh rất giỏi điều này. Chúng không có trí tuệ một cách hữu dụng. Chúng nhắc ta nhớ một số sự thật thâm thúy.

Câu hỏi cần đặt ra ở đây không phải lúc nào cũng là “ta cảm thấy thế nào?”. Hiểu biết về bản thân có khi đến từ câu hỏi: ta hoạt động thế nào? Cảm xúc đóng vai trò như thế nào trong cuộc sống của ta? Và điều đó đôi lúc có thể khiến ta gạt bỏ cảm xúc dù cho chúng có mạnh mẽ đến đâu. Đây là khả năng bậc cao để tách biệt khỏi cảm xúc.

Khi bạn mệt mỏi, thiếu nước hoặc đói, căng thẳng hoặc sợ hãi, những trạng thái tinh thần này thay đổi nhận thức thực tại của bạn. Ý thức bị sai lệch. Hành vi của người khác trông có vẻ ác ý hơn thực tế, ta khó có thể hiểu được những động lực phức tạp sâu xa hơn. Những mối đe dọa có vẻ lớn hơn, những nguồn cung sự an toàn hay vui vẻ trông nhỏ đi, mong manh hon và xa vời hơn thực tế.

Vị trí bậc cao chính là nhận ra đây là một cách thức hoạt động của bản thân. Đây là những gì mà sự mệt mỏi, mất nước và những thứ tương tự gây ra với chúng ta. Vậy nên ta cần biết cách nghi ngờ những trang thái tâm lý nhất định, ta phải học cách không hành động dựa trên chúng. Trí khôn có nghĩa là giỏi đặt câu hỏi: đây là sự thật hay mình đang nhìn sự việc theo một chiều hướng méo mó, do không ăn trưa hay thiếu 2 giờ ngủ.

PHƯƠNG PHÁP THIỀN TRIẾT HỌC: SẮP XẾP TÂM TRÍ THAY VÌ TRÚT BỎ CHÚNG

Dù tâm trí có vẻ như thuộc về chúng ta, nhưng không phải lúc nào ta cũng điều khiển hay biết được nó đang chứa đựng điều gì. Luôn có những ý tưởng xuất hiện rành rành trong nhận thức rất rõ ràng và dễ hiểu: ví dụ, ta yêu những đứa con của mình. Hay ta phải ra khỏi nhà trước 7:40 sáng. Hoặc, rằng ta muốn ăn một món nào đó mặn mặn ngay bây giờ. Những suy nghĩ này hiển nhiên và không đè nặng lên ta những mơ hồ hay yêu cầu ta phải hao tâm vì chúng.

Nhưng có những ý tưởng khác lại hay bay lượn trong một trạng thái không tập trung hơn rất nhiều. Ví dụ, có thể ta biết rằng sự nghiệp của mình cần thay đổi, nhưng lại không thể nêu được gì thêm. Hay ta cảm thấy oán giận với người tình sau một sự việc không vui vào đêm hôm trước, nhưng ta không thể chỉ ra chính xác mình thực sự cay đắng hay buồn bã vì điều gì. Những mơ hồ trong ta đôi lúc có chút tích cực nhưng tất cả đều khiến ta rối tung: có lẽ có gì đó “thú vị” sâu xa nơi quán cà phê bên bờ kênh ta tìm thấy ở Amsterdam hay cảnh một người đọc sách trên tàu hay ánh mặt trời thắp sáng trên bầu trời về chiều tối sau cơn bão, nhưng thật khó để có thể xác định chính xác ý nghĩa của những cảm giác ấy.

Những suy nghĩ không tập trung liên tục luẩn quẩn trong tâm trí, nhưng từ phía ta, từ góc nhìn của nhận thức, ta không thể hiểu rõ chúng là gì. Ta hay nói là cần “sắp xếp lại suy nghĩ” hay “điều khiển lại mọi thứ”, nhưng cách làm điều đó thì không hề hiển nhiên - cũng không ai bàn luận về nó cả. Có một ý kiến về chuyện tâm trí đã trở nên cực kỳ phổ biến ở các nước phương Tây những năm gần đây. Xuất phát từ truyền thống của Phật giáo, thiền đã len vào trí tưởng tượng của người dân phương Tây, chứng minh mình là một giải pháp cho những vấn đề về tâm trí hỗn loạn. Ở Mỹ cứ 10 người trưởng thành thì có 1 người tham gia vào các hoạt động thiền có bài bản.

Những tín đồ của thiền khuyên ta ngồi yên lặng, trong tư thế thẳng người, thông qua một số bài luyện tập, và cố gắng trút bỏ tâm trí, đẩy xa những thứ không tập trung và gây nhiễu loạn ra khỏi đầu óc, để lại một khoảng không trung tâm trống rỗng và thanh thản. Trong thế giới quan Phật giáo, nỗi lo âu và sự phấn khích không nói cho ta biết bất cứ điều gì đặc biệt thú vị hay có giá trị cả. Ta thường xuyên lo nghĩ mà không có mục đích tốt nào cả, lo nghĩ về thứ này thứ nọ và những thứ vô nghĩa - và vì thế giải pháp tốt nhất là đẩy chúng hết sang một bên.

 

 Liệu pháp thiền của Phật giáo rất thành công khiến ta quên đi một cách khác hiệu quả và có phần vượt trội hơn để tìm kiếm bình yên trong tâm hồn, cách này bắt nguồn từ văn hóa phương Tây: Thiền Triết học. Cũng như thiền phương Đông, Thiền Triết học muốn những suy nghĩ, cảm xúc và lo âu bớt gây trở ngại cho chúng ta, nhưng cách sắp xếp lại tâm trí thì rất khác. Về cốt lõi, Thiền Triết học không tin rằng những thứ trong tâm trí là vô lý hay vô nghĩa. Những mối lo âu trông thật phiền toai nhưng chúng thực ra là những tín hiệu quan trọng cho ta biết nên điều hướng cuộc sống như thế nào. Chúng chứa đựng những manh mối phức tạp cho sự phát triển của bản thân. Vì thế, thay vì muốn xóa sạch tâm trí, những người luyện tập Thiền Triết học khuyến khích ta dọn dẹp tâm trí: họ muốn đưa những vấn đề ấy vào sự tập trung, và từ đó bình tĩnh hiểu rõ về chúng thay vì gạt bỏ.

Làm sao để đưa những sự vật sự việc gây bối rối trong tâm trí vào vùng tập trung? Có những hướng dẫn cho Thiền Triết học, cũng giống như Thiền Phật giáo (một chút yếu tố nhân tạo có thể là những gì ta cần để thêm kỷ luật vào quá trình). Ưu tiên trước nhất là dành ra một chút thời gian, lý tưởng là 20 phút, một lần mỗi ngày. Bạn nên ngồi với một tờ giấy và bắt đầu hỏi bản thân những câu hỏi đơn giản: hiện tại tôi đang hối hận, lo lắng, hay phấn khích vì điều gì? Ta có thể tải về những nội dung trực tiếp nhất từ tâm trí. Ta tự nhiên sẽ cảm thấy không chắc rằng những cảm nhận này có ý nghĩa gì, vì vậy tốt nhất là viết lại - mà không suy nghĩ hay kiểm duyệt bản thân - một hoặc hai từ cho mỗi cảm nhận. Điều cần làm là đưa những thứ trong tâm trí ra giấy một cách vô thức nhất có thể. Ví dụ một người có thể viết: Darren, chuyến đi Cologne, cuối tuần, giày dép, mẹ, khuôn mặt ở ga tàu… Nhiệm vụ sau đó là cố gắng chuyển đổi từng từ ngữ này từ một mối lo âu, tiếc nuối hay phấn khích mơ hồ và thầm lặng thành một điều gì đó dễ hiểu, dễ sắp xếp và sau đó là kiểm soát tốt hơn. Thành công trong phương pháp thiền này nằm ở quá trình đặt câu hỏi. Tưởng tượng những suy nghĩ ấy là những người lạ lộn xộn và thiếu sáng suốt, người tràn ngập những ý tưởng quý giá, nhưng cũng là người ta cần tìm hiểu bằng cách đặt ra những câu hỏi đung đắn.

Thiền Triết học giúp ta bình thản không phải qua loại bỏ vấn đề, mà là giúp ta hiểu được chúng, từ đó loại trừ những hoang tưởng và quan ngại cứ bám víu lấy chúng. Khi những sự việc gây bối rối trong nhận thức trở nên sáng tỏ hơn, chúng không còn làm phiền ta nhiều như trước. Vấn đề không biến mất, nhưng chúng chỉ còn là một phần nào đó và có thể được chế ngự. Ví dụ, ta có thể thoải mái với những mối lo âu đã được trấn ấp xoay quanh dòng tựa đề mơ hồ “chuyến đi Cologne”. Từ “Darren” có thể nhắm đến một người mà ta ghen tỵ, nhưng cũng là người nắm giữ những manh mối thú vị giúp ta tạo nên một bước tiến mới trong sự nghiệp. Từ “cuối tuần” mang đến cảm xúc đối với người yêu của bạn khi cả hai đều đang giận nhau nhưng vẫn có thể ngồi xuống thảo luận và có thể là giải quyết vấn đề trong tối hôm đó. Sắp xếp lại tâm trí không chỉ đem lại cảm giác dễ chịu (giống như dọn dẹp nhà cửa), mà nó còn giúp ta tránh những lỗi lầm nghiêm trọng.

Sự phấn khích nhầm lẫn có thể sẽ rất nguy hiểm nếu có liên quan đến tham vọng sự nghiệp. Tưởng tượng một người có khuynh hướng phấn khích khi đọc tờ Vogue hay Gourmet Traveller - và sau đó tuyên bố, mà không phân tích cảm xúc một chút nào, rằng họ muốn “làm việc cho một tờ tạp chí”. Họ sẽ thấy rất hợp lý khi gửi CV đến tòa soạn. Sau nhiều nỗ lực họ có thể được nhận với chức vụ thực tập bèo bọt. Phải mất vài năm và rất nhiều lần thất vọng đau lòng thì họ mới nhận ra tạp chí không phải là đối tượng thật sự thu hút họ. Thứ thật sự hấp dẫn họ chính lá ý niệm làm việc với một nhóm thân thiết trong một lĩnh vực không phải là tài chính (là ngành nghề của mẹ họ, một người hay miệt thị và khó gần, khắt khe trong chuyện tình dục và tiền bạn). Thiền Triết học có thể giúp ta tiết kiệm rất nhiều thời gian.

Mối nguy hiểm tương tự cũng xuất hiện khi ta tức giận hay lo âu. Tưởng tượng hôm qua bạn ăn tối tại nhà một người bạn rất thành công. Họ vừa trở về từ chuyến du lịch đến Maldives và đang kể cho bạn nghe về mối làm ăn gần đây nhất trong ngành dược phẩm. Bạn cảm thấy bồn chồn và khó chịu, nhưng không biết vì sao. Cuộc sống của bạn trở nên nhạt nhẽo và vô vị. Những dự định mơ hồ quay cuồng trong đầu bạn. Có thể bạn đã có một ý tưởng tuyệt vời và khởi nghiệp. Tự nhiên bạn muốn cuộc sống của mình giống với của người bạn kia. Nhưng ý tưởng khởi nghiệp tuyệt vời là cái gì? Và bắt đầu như thế nào?

Rồi người yêu của bạn đề cập đến việc ăn tối với mẹ của cô ấy. Vào lúc đó, từ đâu đó trong bạn, bạn cảm nhận một làn sóng giận dữ - và lớn tiếng một điều gì đó về việc nhà cửa lúc nào cũng bề bộn. Thực chất chỉ là một chồng đĩa bẩn trong tầm mắt của bạn. Nhưng người yêu của bạn nói rằng bạn điên rồi, nhà đâu có lộn xộn đến vậy, và dọn một vài cái đĩa thì mất bao lâu chứ…? Cô ấy cáu kỉnh rời căn phòng và vì thế nên tối nay, bạn sẽ ngủ lại ngủ trên ghế sofa vì một mớ lý do nay đã trở nên rất khó để gỡ rối, chứ đừng nói là thảo luận một cách tỉnh táo.

Vô số những khổ sở và lỗi lầm xuất phát từ việc không phân tích kỹ lưỡng những trải nghiệm rối bời trong nội tâm. Ta chọn sai ngành nghề, yêu sai người, mà đúng người thì ta lại rời bỏ, tốn tiền sai mục đích và không tận dụng tài năng và những khát vọng sâu thẳm. Xử sự mà không có Thiền Triết học giống như được phép bắt đầu chuyến đi mà không kiểm tra trang thiết bị hay bản đồ. Ta tin tưởng cảm xúc mà không thừa nhận rằng chúng có thể xúi giục ta đi những hướng đi thảm họa.

Mong muốn xóa sạch tâm trí, trấn tĩnh những suy nghĩ hỗn loạn không hoàn toàn đối lập với việc dọn dẹp tâm trí, giải mã, phân tích và sắp xếp lại mọi thứ. Chỉ là trong khoảnh khắc ấy, ta đã cho phép bản thân bị lời hứa hẹn cho sự bình yên quyến rũ, để ta luôn nỗ lực xóa sạch tâm trí, thay vì cố gắng hiểu trong tâm trí có gì. Ta xem sự kích động của mình là kết quả của việc suy nghĩ quá độ, chứ không phải là chưa suy nghĩ được đủ nhiều. Đã đến lúc xã hội đón lấy những hứa hẹn và lợi thế của Thiền Triết học.

NGHỆ THUẬT TRÒ CHUYỆN:

LÀM THẾ NÀO ĐỂ CẢI THIỆN VÀ ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ HIỂU BIẾT BẢN THÂN?

Một trong những phương thức chủ chốt để hiểu rõ bản thân và người khác là thông qua trò chuyện. Tuy nhiên, ta thường nghĩ về trò chuyện theo chiều hướng “lãng mạn”. Ta tin rằng trong bối cảnh chuẩn - bên bàn gỗ cũ, với thức ăn vùng Liguria, bánh mì bruschetta - cuộc trò chuyện sẽ diễn ra trôi chảy tự nhiên mà không cần nỗ lực gì đặc biệt.

Trên thực tế trò chuyện là một thành tích, là thứ ta cần luyện tập. Chìa khóa để đạt được điều đó là có trong tay những câu hỏi đúng đắn.

Tiếp cận nhận thức bản thân như một trò chơi. Có thể sẽ vui đấy.

Cùng xem qua những câu hỏi rất hay trong bộ 100x câu hỏi của The School of Life:

Ví dụ:

Bạn muốn được khen về điều gì nhất trong một mối quan hệ? Bạn nghĩ mình đặc biệt giỏi điều gì nhất?

Bạn muốn người khác hào phóng hơn đối với khuyết điểm nào của mình?

Bạn sẽ nói điều gì về tình yêu với bản thân khi còn trẻ?

Có một sự việc nào đó bạn muốn xin lỗi người yêu hay bạn bè của mình?


Hoàn thành những câu sau đây:

Khi tôi lo lắng về một mối quan hệ, tôi thường…

Đối phương khi đó thường đáp lại là…
điều đó khiến tôi…

Khi tôi tranh cãi, bề ngoài thì tôi…, nhưng trong thâm tâm tôi cảm thấy…

Không suy nghĩ quá nhiều, hãy hoàn thành những câu sau về cảm nhận của bạn đối với người khác:

Tôi tức giận…

Tôi bối rối bởi…

Tôi bị tổn thương bởi…

Tôi hối hận…

Tôi e sợ rằng…


Tôi bực bội vì…

Tôi vui hơn khi…

Tôi muốn…

Tôi trân trọng…

Tôi hy vọng…

KẾT LUẬN

Người khôn biết gì về bản thân?

Tất nhiên, thân ai thì biết phận người đó thôi. Nhưng ta vẫn có thể nhận biết được đại khái những gì họ biết. Nếu một người có nhiều kiến thức về bản thân thì họ thể hiện ra hành vi như thế nào? Kiến thức về bản thân ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống? Kiến thức về bản thân không phải là một loại những mệnh đề mà ta đồng thuận. Thay vào đó nó là một bộ những khả năng ứng phó với nhu cầu, với khuyết điểm và quản lý bản thân tốt hơn. Một người khôn ngoan, hiểu rõ về bản thân…

 

  • Sẽ ít đổ lỗi cho người khác vì những vấn đề của mình. Họ buồn bực, họ phiền muộn, họ lo âu, vẫn sẽ có những bất ổn. Nhưng kiến thức về bản thân dẫn đến tinh thần trách nhiệm. Vì thế cảm giác phiền phức không hóa thành hành vi giận dữ với một người không liên quan - người không có lỗi và không đáng trách.
  • Họ thường ít phiền muộn vì công việc: không phải là họ có công việc hoàn hảo. Họ đủ hiểu bản thân để tìm kiếm loại hình công việc khiến họ thoải mái, họ không hối thúc bản thân tiến lên, họ có thể đương đầu tốt với những chỉ trích, vì thế họ không lo sợ vô ích trong môi trường cạnh tranh.
  • Họ ít hoảng loạn hơn: hoảng loạn bắt nguồn từ nỗi sợ, và đa phần là nỗi sợ tâm lý chứ không phải sinh lý - sợ bị bẽ mặt hoặc bị từ chối hoặc buồn chán. Kiến thức đầy đủ về bản thân có thể xóa bỏ những nỗi sợ này.
  • Họ không hay ghen tỵ - vì ghen tỵ thường xuất phát từ việc không biết rõ điều bạn cần là gì.
  • Họ không hay đau đầu về vấn đề tiền bạc, đó là vì họ cảnh giác hơn đối với những gì quan trọng với mình, họ ít chi tiêu bộc phát, họ giỏi tiết kiệm hơn.
  • Có thể họ sẽ ít rung động hơn. Họ không điên cuồng phóng chiếu bản thân với người khác và vì thế ít khả năng nghĩ rằng một người lạ gặp trên tàu hay ngồi bàn bên là tri kỷ lý tưởng của mình.
  • Họ giỏi xin lỗi, một phần vì họ có thể hoàn toàn tôn trọng việc đôi lúc mình có hơi phiền phức - cho dù có là vô ý. Họ có thể suy tư về việc có thể họ đã sai, mà không quá bảo thủ.
  • Họ thường rất khéo trò chuyện. Vì họ cảnh giác với những việc mình làm - và không phải lúc nào cũng nói ra những gì mình nghĩ. Họ cũng không tự cho là người khác cũng suy nghĩ giống mình. Họ có thể hòa hợp với nhiều loại người khác nhau vì họ có thể khai quật nhiều khía cạnh khác nhau của bản thân ở nhiều giai đoạn khác nhau trong cuộc sống.

 

HẾT 

Xem video có phụ đề tiếng Việt:

 

 

Người dịch: TLHTP

Nguồn: http://www.thebookoflife.org/know-yourself/

menu
menu