Ký ức sang chấn tâm lý và kỹ thuật trị liệu để xóa ký ức cũ, tạo ra ký ức mới
Một trải nghiệm sang chấn là một ký ức sang chấn. Khi người ta bị sang chấn là khi ký ức đó không được update, nó mãi mãi cũ, được chia ở thì quá khứ.
Bài viết dựa theo bài giảng của Ths Ngô Toàn ở lớp học sang chấn tâm lý tại Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng và Đà Lạt vừa qua.
Trước khi nói về sang chấn thì mình sẽ giới thiệu khái niệm cơ bản liên quan đến sang chấn là: RANH GIỚI (boundary).
Ranh giới là những giới hạn của bạn. Ranh giới liên quan đến cảm nhận mình có giá trị, đáng giá ,có nhân phẩm, nhờ thế người ta còn được là họ. Hãy liên tưởng đến ranh giới như cái la bàn nội tại mà bạn đưa ra hai cái kim ‘yes’ or ‘no’ (đồng ý hoặc từ chối)
Vì trong cuộc sống, có rất nhiều người rất thích xâm phạm ranh giới của người khác cho nên bạn thường xuyên phải thiết lập, lặp đi lặp lại ranh giới của mình, bạn phải liên tục lập ranh giới với họ để bảo vệ mình. Và bạn không phải lúc nào cũng biết mình bị xâm phạm ranh giới, chạm đến giới hạn. Khi người ta xâm phạm ranh giới thể lý, không gian của bạn thì bạn dễ dàng nhận ra (ranh giới hữu hình). Nhưng còn những ranh giới vô hình như cảm xúc, tâm linh, xã hội thì lại khó thấy (ranh giới vô hình). Đặc biệt trong nền văn hóa lúa nước của nước ta, nơi mọi người có sự chung đụng cao, sự nhạy cảm thấp, họ hay có những câu hỏi xâm phạm ranh giới của bạn như: ‘Lương bao nhiêu?’ ‘Khi nào lập gia đình?, ‘Có con chưa?’…
Những dấu hiệu của ranh giới lành mạnh:
- Từ chối bẻ gãy luật pháp, uốn cong các nguyên tắc
- Không phản bội các giá trị đạo đức
- Không để mình bị ép buộc quá mức về cảm xúc hay bị tiến sát quá mức về mặt thể lý
Lý do lập ranh giới: để có bình an hạnh phúc, tôn trọng và hòa hợp. Gìn giữ ranh giới cho 2 điều lợi căn bản là : sự ổn thỏa (well-being) và quan hệ giữa mình và người khác tốt hơn.
Ranh giới giống như cách mình phải lo cho mình trước, mình phải ổn thì mình mới giúp đỡ người khác được. Ranh giới là câu chuyện của mình, chứ nó không liên quan đến cách người khác đánh giá về mình.
Đặt để ranh giới không hề dễ dàng. Bạn cần có trách nhiệm xử lý khi ranh giới bị vi phạm. Ranh giới rất dễ bị xâm phạm. Chính những người thương yêu mình nhất lại là người khó chịu nhất khi thấy mình lập ranh giới, là những người rất dễ vi phạm ranh giới của mình. Chính vì thế nhắc mình cần phải kiên trì, quyết tâm mạnh mẽ không ngừng gìn giữ ranh giới của mình vì ranh giới thường xuyên bị xâm phạm.
Làm thế nào để đặt ranh giới:
(1) là làm thế nào để nói “không” với những thứ người ta ép buộc mình, và
(2) là tuyên bố những hậu quả khi người ta ép mình làm. (nếu anh tiếp tục nói những câu, hành vi như vậy thì em rất tiếc, chắc là em phải kết thúc quan hệ này, đó là dạng tuyên bố về hậu quả).
Đây là nền tảng để nói về sang chấn. Vì sang chấn là hình thức của sự xâm phạm ranh giới một cách quá đáng, thô bạo không mong muốn, để lại nhiều cảm giác tổn thương, bất ổn.
Những hậu quả của sang chấn để lại cho một người là:
(1) Cái tôi giả tạo: cách họ trưng ra những bộ mặt giả tạo với thế giới để đạt được những thứ mà họ không có. Họ có thể đóng được rất nhiều vai, duy chỉ có cái vai bản thân mình là không đóng được.
(2) Xung hấn thụ động: bộc lộ nhiều bức xúc căng thẳng bạo lực, những hành xử gây hấn nhưng không trực tiếp, vì họ thấy mình yếu thế, không đủ quyền lực để chơi lại, nên phải chơi đểu sau lưng.
(3) Thụ động: không chịu làm gì hết vì nghĩ mình có làm gì đi nữa thì đời mình cũng vậy, không thay đổi. Họ sẽ chôn vùi toàn bộ cuộc đời mình.
(4) Tâm thế Nạn nhân: luôn nghĩ mình hay bị xui rủi, những chuyện tiêu cực hay rơi xuống đầu mình, mình đáng bị như vậy.
(5) Nhìn hiện tại thông qua con mắt của quá khứ: người ta phải sống với ký ức cũ mà không được thay mới.
Những ký ức cũ sẽ lặp lại, những cơn hồi tưởng sẽ sống động, làm cho những ký ức mang tính chất xâm lấn, không ưng ý sẽ làm người ra rất mệt mỏi khổ sở vì nó choáng ngập toàn bộ tâm trí của mình. Họ muốn thoát mà không thoát ra được. Điều này lý giải vì sao những lời động viên, nhưng cách nói lên tinh thần không có tác dụng khi người ta trải qua sang chấn. Việc hiểu biết về não bộ thần kinh của một người khi trải qua sang chấn là cơ sở giúp ta hỗ trợ người mình quen biết, người thân.
Một trải nghiệm sang chấn là một ký ức sang chấn. Vậy kí ức được vận hành như thế nào? Ký ức là nền tảng để người ta tư duy. Khi người ta bị sang chấn là khi ký ức đó không được update, nó mãi mãi cũ, được chia ở thì quá khứ. Khi đời sống thay đổi, khi họ lớn lên rồi, các quan hệ thì khác đi, năm tháng và nơi chốn hoàn toàn mới mẻ, nhưng ký ức thì vẫn vậy.
Có 2 dạng khác nhau của ký ức:
(1) ký ức hàm ẩn (implicit memory) và (2) ký ức minh thị (explicit memory). Ở đây ta quan tâm chủ yếu tới ký ức implicit, vì nó thuộc về vô thức và nó thường ghi nhớ những trải nghiệm mang tính chất cảm nhận. Trong khi đó ký ức explicit là những ký ức nói thành lời, mang tính chất kể chuyện.
Một trong những nguyên tắc để xử lý sang chấn là cố gắng làm cho những ký ức cũ được update và làm mới. Đây là lý do vì sao khi ký ức của những người sang chấn không được làm mới thì những kỷ niệm và những dĩ vãng quá khứ tiếp tục lặp lại, trở nên sống động và làm người ta kinh hoàng. Vì những ký ức sang chấn mang tính chất xâm lấn và không mong muốn nên nó càng làm cho sự sống động trở nên đau đớn.
3 dấu hiệu diễn ra ở não bộ khi một người bị sang chấn:
1. Thùy trước trán của não bộ là nơi quản lý suy nghĩ và quyết định không hoạt động.
2. Phần não liên quan đến kiểm soát cảm xúc cũng không hoạt động.
3. Phần hạnh nhân (quản lý nỗi sợ hãi) lại hoạt động quá mức.
Đây là lí do vì sao khi người ta sang chấn, họ không thể nghe bạn, khuyên nhủ cần phải cố gắng lên, bình tĩnh, sống tích cực lại vô dụng. Người ta không đủ khả năng kiểm soát cảm xúc, không thể suy nghĩ đúng đắn và hợp lý được vì những phần não đó bị ức chế khi người ta trải nghiệm sang chấn. Vì não bộ diễn ra như thế nên người sang chấn rất đau đớn khổ sở và thường có yếu tố lặp lại khi họ hồi tưởng. Chính vì thế sang chấn nằm ngoài khả năng kiểm soát của họ, làm họ sống lại với những điều họ không muốn, những cơn hoảng sợ khó giải thích. Một mặt, bạn muốn thoát khỏi nó, nhưng một mặt khác bạn lại bị thu hút để sống lại nó. Nó làm bạn tốn rất nhiều năng lượng.
Giới thiệu lý thuyết để can thiệp và cách trị liệu cho một ca sang chấn
Từ việc cập nhật kí ức mới và tạo ra những trải nghiệm mang tính cảm nhận, muốn não tin thì não phải cảm nhận được. Vậy làm thế nào để não tiếp nhận được những trải nghiệm cảm nhận thì não sẽ tin và nó sẽ vận hành theo ý mình muốn. Đây chính là bí quyết và nguyên tắc của phương pháp tạo ra trải nghiệm mismatch.
Một trải nghiệm mismatch là bất kì trải nghiệm nào có 4 thành phần sau đây:
(1) tin tưởng,
(2) an toàn,
(3) cảm thấy có quyền lực và cảm thấy được trao quyền,
(4) cảm thấy mình có các nguồn lực để làm việc. (Làm họ có trải nghiệm CẢM NHẬN là họ đang có quyền lực, khác với tôi NGHĨ là tôi có quyền lực, trong khi thực tế họ không cảm thấy. cái cảm nhận rất quan trọng, dù bé thôi nhưng họ cảm thấy như thế thì trong họ sẽ có sức mạnh rất lớn. Cảm nhận là 1 điều mà mình biết là có sự thật. Ví dụ, mình nói mãi về chuyện mình uống 1 ly trà gừng như thế nào, mình mô tả rất nhiều nhưng chẳng ai hiểu được hết, nhưng chỉ cần bạn nhấp môi vào, khi nước chạm vào môi bạn và lưỡi bạn liếm trà gừng thì bạn biết thế nào là trà gừng. Và đó gọi là trải nghiệm cảm nhận. Còn trước khi uống nước, bạn nói trên trời dưới đất đi chăng nữa cũng không bao giờ tạo ra sự cảm nhận. Vì vậy khi có trải nghiệm cảm nhận thì não mới tin vì phần cảm xúc của não bộ cần cái đó.)
Đó là những yếu tố ngược lại với những gì mà một người sang chấn trải nghiệm. Người sang chấn cảm thấy không an toàn, không tin tưởng, bất lực và họ không có các công cụ và nguồn lực để giải quyết.
Cũ là sợ hãi, mới là tin tưởng. Cũ là lo lắng, mới là an toàn. Cũ là bất lực, mới là cảm thấy được trao quyền lực. Cũ là cảm thấy không có khả năng giải quyết, mới là đầy đủ các công cụ để giải quyết.
Đây là cách khi não bộ được update thì nó sẽ xóa được ký ức cũ.
Mình lại nói qua một chút về KÝ ỨC CẢM XÚC. Ví dụ khi bạn chơi 1 bản nhạc, việc bạn sống lại ký ức này thật ra là bạn nhớ lại sự kiện. Khi nhớ sự kiện thì cảm xúc hiện ra. Cảm xúc đi kèm là vấn đề. Vậy nên muốn xử lý ký ức này thì phải xử lý cảm xúc đi kèm. Hay bạn muốn xóa mặt thằng bồ cũ thì phải xóa cái cảm xúc đi kèm cái mặt của nó. Ngược lại nếu bạn vẫn giữ cảm xúc cũ thì khả năng lớn là không thay đổi được. Muốn thay đổi thì bạn phải update, thay nó, đưa yếu tố mới vào thì sẽ xóa ký ức cũ. Vậy thời gian để xóa thì mất bao lâu? Thì theo nghiên cứu (chưa được chắc lắm) thì cỡ tầm 10 phút đến 5 tiếng đồng hồ là khoảng thời gian để cho 1 ký ức được cập nhật và update tùy loại ký ức. Có những ký ức cập nhật rất nhanh sau 10 phút, có những ký ức phải đến hàng tiếng đồng hồ.
(Bạn lớn được như hôm nay vì ký ức không mãi mãi, vì có rất nhiều ký ức mới đã chồng lên ký ức cũ, nếu không bạn điên luôn nếu ký ức mãi mãi như vậy thì làm sao bạn sống. Cho nên đó là tác hại rất lớn của sang chấn. Sang chấn là một dạng của việc người ta phải sống với ký ức cũ mà không được thay mới. Suy nghĩ bạn không thể khác đi bởi vì bạn không có cái gì mới hơn trong ký ức của bạn, trong kho tang trí nhớ của bạn chỉ có vậy thôi thì tư duy của bạn cũng chỉ có vậy. Vì ký ức là nền tảng để bạn suy nghĩ và tư duy. Bạn muốn tư duy cái gì thì bạn phải lôi ra những cái bạn quen. Update được hiểu là nó hơi giống cái cũ nhưng nó mới hơn)
Bây giờ ta sẽ đi cụ thể vào cách người ta tạo ra mismatch
Ví dụ về một ca trị liệu:
Hãy tưởng tượng có một người phụ nữ khoảng ba mấy tuổi vào phòng trị liệu. Chị này tới trị liệu vì cảm thấy khó khăn trong việc không biết vì sao mình quá sợ không cho đứa con trai mình đi tham gia hướng đạo sinh (trong đó có học bơi). Chị ý thức rất rõ việc chị cấm đoán không cho con đi học bơi là phi lý nhưng chị không hiểu được vì sao nỗi sợ đó lại có. Khi trị liệu, nhà trị liệu nhận ra một điều, và chị này cũng nhận ra là, hóa ra chị sợ như vậy là vì nó liên quan đến một ký ức hồi bé chị chứng kiến cảnh mẹ mình suýt chết khi tắm biển và suýt bị sóng cuốn ra biển và chết. May là kịp cứu và sau sự kiện đó, cả nhà kéo nhau vào khách sạn và chị nhớ lại ký ức đó. Đó là ký ức sang chấn rất nặng với chị. Mặc dù chị sợ và kinh hoàng khi nghĩ đến cảnh đó, nhưng bà mẹ của chị thì không hề như vậy. Sau đợt đó bà mẹ vẫn đi tắm biển, bơi được và cưỡi sóng vô tư. Như vậy, cùng một sự kiện mà hai người trải nghiệm không giống nhau. Làm thế nào nhà trị liệu xử lý sang chấn cho chị này?
Họ đã làm các bước sau đây để tạo ra mismatch (Mình chỉ viết chung chung thôi chứ không đi sâu vào cụ thể)
Đầu tiên họ đề nghị thân chủ đó tóm tắt, kể lại một cách NGẮN GỌN sự kiện.
Bước hai, họ để cho thân chủ sống lại và nhận ra những cảm xúc nào họ có. Để làm việc này, họ dùng rất nhiều kỹ thuật, trong đó có 2 kỹ thuật cơ bản là sử dụng lời nói hoặc biểu tượng, thôi miên để đưa đối tượng vào trạng thái họ muốn hình dung. Vì họ muốn tạo ra trải nghiệm mang tính chất cảm nhận, vì chỉ có trải nghiệm cảm nhận mới có tác dụng. Sau vụ này thì người phụ nữ có thể hình dung rất rõ một cách cảm nhận sự kiện đã xảy ra. Hai bước này là chuẩn bị để mismatch hình thành.
Bước 3 : người ta bắt đầu đưa mismatch vào. Thường các kỹ thuật trị liệu liên quan đến sang chấn và phobi (ám sợ) là kỹ thuật phơi nhiễm. Để giúp đối tượng tập làm quen với sự sợ hãi. Ví dụ nếu muốn xử lý nỗi sợ rắn, họ cho người đó nhìn còn rắn từ xa, rồi sau đó sờ con rắn nhựa…mục tiêu là phơi nhiễm, làm họ quen dần với nó. Nhưng điểm yếu của kỹ thuật này là không phải ai cũng theo đuổi đến cùng nỗi sợ đó. Vậy nên nó không có tác dụng vì không phải ai cũng làm được kỹ thuật này. Và lúc này kỹ thuật mismatch ra đời.
Lúc cơn sóng chồm lên, họ sẽ hình dung nó như khuôn mặt tươi cười của bà mẹ đang bơi trên sóng hoặc người ta hình dung những điều mà được cảm nhận. Nó ngược lại với cảm giác sợ hãi là sóng đang cuốn mẹ mình. Cho nên nó phải gắn với sự kiện nhưng nó được bổ sung những yếu tố này vào…và nó phải làm thân chủ cảm nhận được chứ không phải nói miệng vì nó không tạo được ký ức trong não. Não chỉ tin khi não cảm nhận. Lâu hay mau, nông hay sâu phụ thuộc vào tương tác và trình độ của người trị liệu, sự hợp tác và năng lực của thân chủ. Sau khi mismatch hình thành được thì người ta tiến tới bước 4 rất quan trọng.
Bước 4: mô tả một cách KHÁCH QUAN cái cách họ cảm nhận về sự kiện này. Mục đích là kiểm tra xem mức độ mismatch ở đâu trong ký ức của họ. Nhờ đó người ta biết được mismatch là ổn hay không ổn và cần thay đổi cái gì.
Bước cuối cùng: trung hòa mọi thứ, trung hòa các trải nghiệm đó. Đó là ký ức bắt đầu làm việc thật sự trong đời sống.
Câu chuyện diễn ra tiếp theo là bà mẹ cho con đi học, thằng bé báo về đầy rắn rỏi, nó học bơi được. Bà mẹ rất vui và những cảm xúc sang chấn của bà được xóa sạch và bà hứng khởi chờ con quay về. Trong quá trình làm việc, bà mẹ nhận ra bà sợ đứa con chết đuối vì một chuyện nữa là bà từng bị sảy thai. Việc chị này bị sảy thai thì chị nghĩ lỗi do chị. Nhà trị liệu làm việc thế nào với cảm giác này?
Họ nhận ra rằng chuyện sảy thai là có thật nhưng sảy thai không phải là lỗi ở chị mà đó là một lỗi y khoa , một số biến chứng trong sinh nở, ngoài ước muốn của mình. Nhờ chuyện đó, chị càng thoải mái hơn và ít ám ảnh hơn với tác động quá khứ.
Trường hợp ngoại lệ: Có những sang chấn mãi mãi không bao giờ xử lý được, nó ở mãi trong đầu người ta khiến họ chỉ muốn chết, muốn bắn súng vào đầu họ để quên đi ký ức. Vì có dùng bao nhiêu thứ trị liệu đi nữa thì ký ức đó vẫn ở trong đầu họ. Sang chấn bàn ở bài này mang tính căn bản, vừa phải mà các kĩ thuật trị liệu có thể giải quyết được. Còn với những sang chấn quá mức thì không dễ xử lý, đòi hỏi trình độ rất siêu, thời gian trị liệu kéo dài và nhiều nguồn lực khác, sự hỗ trợ đặc biệt như môi trường sống, vật lý, công cụ đi kèm.
Hình ảnh lớp học về Sang chấn tâm lý tại Đà Lạt (3-4/10/2018) của Ths Ngô Toàn