Suy nghĩ xâm nhập: Nguyên nhân và Giải pháp
Suy nghĩ xâm nhập là những suy nghĩ dường như trở nên mắc kẹt trong tâm trí bạn. Chúng có thể gây ra đau khổ, vì bản chất của suy nghĩ có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu. Chúng cũng có thể thường xuyên tái diễn, làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Suy nghĩ xâm nhập là gì (intrusive thoughts)?
Suy nghĩ xâm nhập là những suy nghĩ dường như trở nên mắc kẹt trong tâm trí bạn. Chúng có thể gây ra đau khổ, vì bản chất của suy nghĩ có thể khiến bạn cảm thấy khó chịu. Chúng cũng có thể thường xuyên tái diễn, làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Những ý nghĩ xâm nhập có thể mang tính bạo lực đáng quan ngại. Chúng có thể là những suy nghĩ về tình dục, bao gồm những huyễn tưởng. Chúng cũng có thể là về những hành vi mà bạn thấy không thể chấp nhận được và đáng ghê tởm.
Tuy nhiên, những suy nghĩ này chỉ là suy nghĩ. Dường như chúng mọc ra từ hư không và gây lo lắng, nhưng chúng chẳng có ý nghĩa gì trong cuộc đời bạn. Chúng không phải là thông điệp cảnh báo hay dấu hiệu báo nguy. Chúng chỉ đơn giản là những ý nghĩ mà thôi.
Thứ mang lại sức mạnh cho chúng là những ai đang trải qua chuyện này trở nên bận tâm lo lắng về tầm quan trọng của chúng. Người ta có thể chú tâm (quá mức) vào chúng và cảm thấy xấu hổ, muốn giữ kín chúng, không cho ai biết.
Chừng nào bạn nhận ra chúng chỉ là những suy nghĩ thôi và bạn không muốn hành động theo đó thì những suy nghĩ xâm nhập sẽ không gây hại.
Những suy nghĩ xâm nhập xuất hiện trong những tình trạng/ chứng bệnh nào?
Bất kỳ ai cũng có thể trải qua suy nghĩ xâm nhập. Hơn 6 triệu người Hoa Kỳ có thể gặp phải tình trạng này. Nhiều người có thể còn không thông báo chuyện này với bác sĩ hoặc nhà trị liệu của họ.
Những suy nghĩ xâm nhập không phải lúc nào cũng là kết quả của một chứng bệnh tiềm ẩn. Chúng cũng không phải là dấu hiệu cho thấy bạn đang có vấn đề cần chữa trị y tế.
Tuy nhiên, đối với một số người thì những suy nghĩ xâm nhập có thể là một triệu chứng của một chứng bệnh tâm thần.
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD) xảy ra khi không thể kiểm soát được những suy nghĩ xâm nhập. Những suy nghĩ xâm nhập (ám ảnh) đó có thể khiến bạn phải lặp đi lặp lại hành vi (mang tính ép buộc) với hy vọng rằng bạn có thể chấm dứt được những suy nghĩ đó và ngăn chúng xuất hiện lại trong tương lai.
Ví dụ về loại suy nghĩ xâm nhập này bao gồm lo lắng về chuyện khóa cửa, tắt lò nướng hoặc sợ vi khuẩn trên bề mặt đồ vật.
Người mắc OCD có thể xây dựng một thói quen luôn kiểm tra và kiểm tra ổ khóa nhiều lần hoặc rửa tay nhiều lần trong ngày. Ở cả hai trường hợp, đây là một hệ quả không lành mạnh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ.
Rối loạn stress sau sang chấn
Những người đang phải chung sống với rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) thường trải qua những suy nghĩ xâm nhập có thể liên quan đến một sự kiện đau thương, gây chấn động tâm lý. Những suy nghĩ này có thể kích hoạt một vài triệu chứng thể lý của PTSD, chẳng hạn như tăng nhịp tim và đổ mồ hôi.
Trong một số trường hợp, những suy nghĩ này có thể trở nên nghiêm trọng tới nỗi dẫn đến sự hồi tưởng và nhiều phiền muộn tâm lý.
Rối loạn ăn uống
Người mắc chứng rối loạn ăn uống có thể gặp phải những suy nghĩ xâm nhập có hại cho sức khỏe tinh thần. Cuối cùng, những suy nghĩ này có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thể chất của họ.
Người mắc chứng rối loạn ăn uống thường xuyên lo lắng về tác động của thức ăn đến cơ thể họ. Đến lượt điều đó lại dẫn đến nhiều khổ não về chuyện ăn uống. Nó cũng có thể gây ra những hành vi khác, chẳng hạn như đi ngoài, hòng chấm dứt dòng suy nghĩ.
Nguyên nhân
Những suy nghĩ xâm nhập có thể xảy ra một cách ngẫu nhiên. Một vài suy nghĩ vẩn vơ trong não bạn. Rồi sau đó chúng nhanh chóng biến mất mà không để lại ấn tượng dài lâu nào.
Những suy nghĩ vặt vãnh sẽ qua đi, còn suy nghĩ xâm nhập thì ở lại lâu hơn và thường quay lại.
Trong một số trường hợp, những suy nghĩ xâm nhập là kết quả của một chứng bệnh tâm thần tiềm ẩn nào đó, như OCD hoặc PTSD. Những suy nghĩ xâm nhập này cũng có thể là một triệu chứng của một vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như:
- một chấn thương não
- chứng suy giảm trí nhớ
- bệnh Parkinson
Không nên xem nhẹ những thay đổi về sức khỏe tâm thần. Những triệu chứng ban đầu của một số chứng bệnh có thể bao gồm:
- những thay đổi trong lối suy nghĩ
- những suy nghĩ ám ảnh
- những suy nghĩ ở dạng hình ảnh gây lo lắng
Những suy nghĩ này chẳng có gì đáng xấu hổ, nhưng chúng là một lý do để tìm đến chẩn đoán và điều trị.
Có cách chữa trị không?
Cách tốt nhất để kiểm soát những suy nghĩ xâm nhập là giảm bớt mức độ nhạy cảm của bạn trước suy nghĩ và nội dung của nó. Các chiến lược sau có thể hữu ích.
Những cách kiểm soát ý nghĩ xâm nhập
- Trị liệu nhận thức–hành vi (CBT). Liệu pháp trò chuyện là một cách để bạn thảo luận về những suy nghĩ gây phiền muộn với một chuyên gia về sức khỏe tâm thần. Bạn sẽ học cách suy nghĩ và phản ứng mà có thể giúp bạn trở nên bớt nhạy cảm hơn trước những suy nghĩ xâm nhập. Trong một môi trường được kiểm soát, nhà trị liệu của bạn cũng có thể cho bạn tiếp xúc với những tác nhân kích thích các suy nghĩ xâm nhập của bạn để bạn có thể rèn luyện được lối phản ứng lành mạnh.
- Thuốc. Bác sĩ có thể kê thuốc cho bạn để giúp cân bằng các hóa chất trong não bộ. Việc này phổ biến đối với các chứng bệnh như trầm cảm và OCD. Các loại thuốc theo toa này bao gồm thuốc chống trầm cảm và thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc.
- Tự chăm sóc bản thân. Một biện pháp tốt để điều trị những suy nghĩ xâm nhập đó là nhận ra bản chất của chúng: chỉ là suy nghĩ mà thôi. Bạn có thể học cách dán nhãn cho chúng khi chúng xuất hiện và nhận ra những suy nghĩ thì không giống như ý định hoặc hành vi. Ngoài ra, học cách quản lý căng thẳng thông qua việc tự chăm sóc bản thân và phát triển các chiến lược đối phó chủ động tích cực có thể giúp làm giảm tần suất hoặc cường độ của những suy nghĩ không mong muốn.
Chẩn đoán suy nghĩ xâm nhập như thế nào?
Bước đầu tiên để chẩn đoán là nói chuyện với bác sĩ. Họ sẽ xem xét các triệu chứng và tiền sử sức khỏe của bạn. Họ có thể tiến hành khám tổng quát và trong một số trường hợp là đánh giá tâm lý sơ bộ.
Nếu không tìm thấy vấn đề thể chất nào có thể dẫn đến tình trạng suy nghĩ xâm nhập thì họ có thể giới thiệu bạn đến một bác sĩ/chuyên gia về sức khỏe tâm thần. Những người này được đào tạo để nhận diện các dấu hiệu và triệu chứng của những nguyên nhân có thể gây ra suy nghĩ xâm nhập, bao gồm OCD và PTSD.
Thông qua buổi làm việc một-một, bạn và nhà trị liệu sẽ cùng nhau khám phá những suy nghĩ khi chúng xuất hiện và cách bạn phản ứng với chúng. Điều này sẽ giúp họ đi đến chẩn đoán và quyết định xem liệu có nguyên nhân nào khác có thể xảy ra hay không.
Đâu là viễn cảnh dành cho bạn khi bạn đang có suy nghĩ xâm nhập?
Có thể phải mất một thời gian để điều trị và ngăn chặn những suy nghĩ xâm nhập, nhưng bạn đừng bỏ cuộc. Với những tình trạng như OCD và PTSD, tuân thủ kế hoạch điều trị của bạn có thể giúp giảm bớt các triệu chứng cũng như ngăn ngừa những suy nghĩ ngoài ý muốn.
Nếu bạn đang trải qua suy nghĩ xâm nhập do hệ quả của một căn bệnh mãn tính như bệnh suy giảm trí nhớ hay Parkinson, thì việc tuân thủ kế hoạch điều trị của bạn cũng có thể giúp giảm bớt những suy nghĩ không mong muốn.
CBT cũng hữu ích trong những trường hợp này. Bạn có thể học các kỹ thuật đối phó với những suy nghĩ này và nhanh chóng vượt qua chúng.
Bài học rút ra
Suy nghĩ xâm nhập rất mạnh bởi vì chúng “bám chặt” vào tâm trí bạn. Bản chất bất thường của chúng có thể gây ra phiền não và lo lắng. Chúng khiến ta khó chịu vì chúng có cảm giác xa lạ.
Đang gặp phải những suy nghĩ xâm nhập không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với việc bạn đang có một vấn đề hoặc hành vi tiềm ẩn nào đó. Giống như nhiều suy nghĩ khác mà bạn có trong một chúng, chúng cũng chỉ là suy nghĩ mà thôi.
Nhưng nếu những ý nghĩ xâm nhập đang ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của bạn thì hãy nói chuyện với một bác sĩ về trải nghiệm này của bạn. Việc điều trị có thể giúp bạn giảm bớt sự nhạy cảm của mình đối với những suy nghĩ và phản ứng theo cách tốt hơn khi chúng xuất hiện.
Hồng Nga dịch
Nguồn
https://www.healthline.com/health/mental-health/intrusive-thoughts?fbclid=IwAR3WYxaktD7l9oSyQOwgN9LpPPDQ6pOt3lLWpV6OTyrJZTJf2RlbyOie4go#takeaway