Bệnh trầm cảm (Major depressive disorder)

benh-tram-cam-major-depressive-disorder

Trầm cảm không phải là khi bạn thấy buồn vì mọi thứ không xảy ra theo ý bạn mà là bạn thấy buồn mặc cho mọi việc vẫn đang diễn biến tốt đẹp.

“Tôi sẽ ngủ khi tôi chết đi”

Nguồn: Abnormal Psychology by Thomas F. Oltmanns, 7th edition.

.

.

.

Đã lâu lắm rồi tôi mới trở lại cái series Tâm Lý và Bệnh Chứng này nhỉ. Thời gian qua tôi cũng có viết một số bài nhưng đó là về tâm lý xã hội, thế nên giờ tôi phải quay lại trả bài cho các bạn đây, nếu không có nguời oán tôi chết. Mấy tháng truớc có một số bạn hỏi mong tôi viết về chứng trầm cảm, tự hành hạ bản thân và tự tử. Nhân dịp trên lớp vừa mới được cô giáo giảng bài này, tôi vội vàng viết và dịch lại cho các bạn đây.

Tôi không biết các bạn như thế nào chứ lứa 91,92 bọn tôi dùng từ trầm cảm khá nhiều. Những khi buồn chán không muốn làm gì cả hay vừa trải qua một chuyện gì đó tồi tệ thì bọn tôi thường nói “Tao bị trầm cảm mày ơi” để giải thích tình huống của bản thân. Lâu dần từ trầm cảm mất đi cái nghĩa vốn có của nó và mang nghĩa gần giống như là đau đớn, buồn bã. Thế nên khi đọc bài này tôi hy vọng các bản quẳng cái suy nghĩ đó đi và hãy đọc từ từ để tìm hiểu một căn bệnh tâm lý là nguyên nhân chính dẫn đến sự ốm yếu, khuyết tật trên toàn thế giới. Bệnh đó được gọi là trầm cảm.

(Khuyết tật ở đây là chỉ về sự khiếm khuyết mặt tinh thần gây ra suy giảm đáng kể và ảnh hưởng lâu dài đến khả năng thực hiện các hoạt động, sinh hoạt hàng ngày)

Khác với mọi khi, lần này tôi sẽ bắt đầu với case bệnh truớc tiên để mọi người có thể đọc và sau đó áp dụng nó trong việc tìm hiểu triệu chứng và chẩn đoán.

Cathy là một công tố viên vừa mới được thăng chức thành cổ đông năm ngoái. Trong công ty, cô được coi là một trong những nguời trẻ tuổi đầy hứa hẹn nhất. Thế nhưng mặc cho những thành tựu mà mình đạt được, Cathy thường xuyên nghi ngờ về khả năng của bản thân và cho rằng mình không xứng đáng với chức vụ vừa nhận được. Hơn cả chuyện thấy chán nản, mệt mỏi, cô còn cảm giác mình đang tê dại dần đi. Mấy tháng vừa qua cô mỏi mệt và khó chịu với mọi thứ một cách bất bình thường. Cảm xúc của cô càng trở nên tệ hại hơn khi một khách hàng của công ty mà cô chịu trách nhiệm đổi sang một công ty khác. Dù quyết định chuyển công ty nằm ngoài vòng điều khiển của cô nhưng Cathy không ngừng tự trách chính mình. Cô giải nghĩa sự kiện này như một tấm gương phản chiếu sự bất lực của mình trong công việc dù những khách hàng khác của cô đều khen ngợi khả năng làm việc và những cổ đông lâu năm đều có những lời nói tích cực dành cho cô.

Cathy lúc nào cũng mong được đi làm và cô thực sự yêu thích công việc của mình. Nhưng kể từ khi vị khách đó chuyển công ty, thì chuyện đi làm trở thành một gánh nặng không thể chịu nổi với cô. Cathy không thể nào tập trung vào công việc được và thay vào đó cô suốt ngày nghiền ngẫm về sự bất lực của mình. Dần dà cô thường gọi cáo ốm và dành hầu hết thời gian ngồi ở trên giường nhìn đăm đăm cái TV mà không để ý chương trình gì đang chiếu trên đó và cô hầu như không ra khỏi nhà. Cathy thường xuyên cảm thấy cả người lờ đờ thiếu sức sống nhưng không thể nào ngủ được, khẩu vị cũng mất đi. Bạn thân lo lắng gọi điện cô cũng chả buồn nhấc máy mà chỉ ngồi đó thụ động nghe tin nhắn để lại trên máy bàn. Cô không muốn làm bất kỳ thứ gì, cũng không muốn nói chuyện với ai. “Cuộc sống đã đánh mất đi ý nghĩa cũng như sự thú của nó. Công việc làm không tốt, ngay cả các mối quan hệ cũng xử sự không xong. Mình đáng bị cô độc như thế”. Cô nghĩ.

Cathy nghĩ các mối quan hệ xã hội của cô là tai họa và dường như mọi chuyện chẳng hề chuyển biến theo chiều hướng tốt đẹp nào. Cô ly dị với chồng đã năm năm và người bạn trai gần đây nhất cũng đã có bạn gái mới. Cô đã cố gắng đến tuyệt vọng mong muốn bản thân mình trở nên năng động hơn một tý nhưng dần dà cô chả còn quan tâm nữa. Mọi chuyện dường như trở nên vô vọng. Mặc dù cô thường hay đến các buổi tiệc của công ty nhưng dường như cô không thuộc về nơi đó. Ai cũng có đôi có cặp chỉ có cô là lẻ loi một mình. Mọi nguời không ai hiểu sự cô đơn sâu thẳm ấy và dường như mọi chuyện sẽ khá hơn nếu cô chết đi. Mặc dù cô thường suy nghĩ đến việc tự tử nhưng cô lại sợ điều đó sẽ khiến cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn bây giờ. Dựa vào tiêu đề và đoạn mở đầu của tôi, chắc các bạn cũng biết Cathy mắc chứng bệnh gì rồi phải không? Đúng vậy, Cathy được chẩn đoán là mắc bệnh trầm cảm nặng.

Có nhiều người nghĩ rằng mất đi khách hàng, lại gặp phải chuyện người yêu cũ có người yêu mới mà bản thân vẫn đang lẻ loi một mình ai mà chả buồn? Tại sao lại bảo cô ấy mắc chứng trầm cảm? Đúng vậy, làm sao chúng ta phân biệt được giữa trầm cảm và nỗi buồn bình thường?

Trong cuốn Abnormal Psychology mà tôi đang sử dụng có liệt kê ra cách phân biệt giữa bệnh trầm cảm và nỗi buồn thông thường. Trong đó có những điểm chính như sau. Với những người bị bệnh trầm cảm.

1. Sự thay đổi tâm trạng lấn chiếm mọi tình huống, dai dẳng và dần trở nên tồi tệ hơn. Tâm trạng người đó không được cải thiện, thậm chí là tạm thời, khi anh/cô ta tham gia vào các hoạt động được coi là giải trí.

2. Tâm trạng thay đổi mà không có bất kỳ sự kiện hay nguyên nhân nào xảy ra trước đó, hoặc sự việc không tồi tệ đến mức khiến cảm xúc của họ bất ổn cực kỳ đến như vậy.

3. Tâm trạng chán nản, mệt mỏi buồn bã đi cùng với việc người đó không thể hoạt động bình thường trong các hoạt động xã hội và việc làm. Ngay cả những chuyện đơn giản nhất dường như trở nên quá sức với anh/cô ta.

4. Sự thay đổi cảm xúc đi kèm với tổ hợp những triệu chứng khác có liên quan đến nhận thức, hành vi và sinh lý cơ thể.

5. Sự thay đổi tâm trạng khác hẳn với nỗi buồn bình thường. Nó có thể rất “lạ” cảm giác như bản thân bị nuốt chửng bởi những đám mây mù hoặc chìm sâu trong những hố đen không lối thoát.

Trên lớp, cô tôi có cho tôi xem một đoạn video ngắn của một người bị bệnh trầm cảm nói về cuộc đời của mình. Trong đó có một câu anh nói mà tôi nghĩ nó đủ để định nghĩa bệnh trầm cảm là gì, xin phép được trích ra đây. “Trầm cảm không phải là khi bạn thấy buồn vì mọi thứ không xảy ra theo ý bạn mà là bạn thấy buồn mặc cho mọi việc vẫn đang diễn biến tốt đẹp.” (Depression is not when you feel sad that everything goes wrong. Depression is when you feel sad even if everything is going right)

Vậy thì những triệu chứng đi kèm mà tôi nói ở phần số 4 là gì? Bệnh trầm cảm có rất nhiều rất nhiều triệu chứng nghiêm trọng được chia ra vào bốn hạng mục khác nhau : cảm xúc, nhận thức, sinh lý và hành vi. Chúng ta sẽ khám phá các triệu chứng dưới mỗi hạng mục này sau đây.

1. Triệu chứng của cảm xúc:

Tâm trạng chán nản, khó chịu là triệu chứng thông thường nhất và dễ thấy nhất của chứng trầm cảm. Những người mắc bệnh thường diễn tả rằng họ hoàn toàn cảm thấy tăm tối, ảm đạm. chán nản, thất vọng. Và vì phần chịu trách nhiệm cảm xúc trong não bộ cũng là phần chịu trách nhiệm cho những cơn đau vật lý mà bạn cảm nhận nên khi cảm xúc của bạn tiêu cực thì đồng thời bạn cũng cảm thấy đau đớn ở phần nào đó của cơ thể mình. Mức độ nặng nhẹ khi mắc bệnh trầm cảm có để chạm đến mức cực kỳ đau đớn và quá sức chịu đựng.

Andrew Solomon, tác giả của cuốn “Quái vật giữa ngày trưa” đã diễn tả quá trình từ một nỗi buồn bình thường thành trầm cảm nặng của mình như sau:

” Tôi trở về khu rừng nơi tôi thường ra chơi lúc nhỏ với em mình. Ở đó có cây sồi đã đứng sừng sững giữa đất trời hàng trăm năm qua. Tôi và em trai thường hay quanh quẩn dưới bóng râm của nó. Vậy mà chỉ trong vòng 20 năm, một nhánh tầm gửi đã phát triển và gần như nhấn chìm cây sồi dưới những vòng dây tươi tốt và xum xuê. Những gì bạn có thể thấy bây giờ chỉ là vài nhánh sồi yếu ớt cố gắng bám trụ lại. Tôi thấy mình như cây sồi ấy. Bệnh trầm cảm đã bủa vây lấy tôi như nhánh tầm gửi chiếm đoạt thân cây sồi nọ. Nó đang hút dần sức sống bên trong và quấn quanh tâm trí tôi, trở nên xấu xí nhưng lại còn “sống” hơn cả bản thân tôi.”

2. Triệu chứng của nhận thức:

Bên cạnh việc thay đổi cảm xúc của người bệnh, bệnh trầm cảm còn khiến cho họ thayy đổi suy nghĩ về bản thân và môi trường xung quanh. Những người mắc bệnh thường để ý thấy dòng suy nghĩ của họ bị chậm lại, khó tập trung và dễ bị phân tâm. Song song còn có cảm giác tội lỗi và vô dụng. Họ thường tự trách bản thân nếu có chuyện gì không như ý xảy ra dù cho đó không phải là lỗi của họ đi chăng nữa. Họ dồn hết sự chú ý vào những mặt còn khiếm khuyết của băn thân, môi trường và tương lại. Rất nhiều người sau đó còn nảy ra ý nghĩ tự hại bản thân. Suy nghĩ muốn tự tử dần dần trở nên rõ rệt hơn. Sau một khoảng thời gian, người bệnh cho rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn nếu họ chết đi. Cô Cathy trong ví dụ mà tôi đưa ra ban đầu cũng từng nghĩ đến cái chết không ít lần. Đó là một trong những dấu hiệu quan trọng nhất của bệnh trầm cảm.

3.Triệu chứng của sinh lý cơ thể.

Người bệnh lúc nảo cũng thấy mỏi mệt, cả cơ thể đều đau, thay đổi mạnh trong khẩu vị và giấc ngủ. Như Cathy, cô thường xuyên cảm thấy mệt mỏi. Ngay cả những việc đơn giản nhất như đánh răng, tắm rửa và thay đồ bỗng trở nên quá sức với cô.

Sự thay đổi của giấc ngủ là triệu chứng thường thấy của bệnh trầm cảm, nhất là khó ngủ. Cái này thường đi cùng với chuyện nhận thức, suy nghĩ bị ảnh hưởng mà tôi đã đề cập bên trên. Một số người còn không thể ngủ yên giấc và họ thường dậy sớm khoaangr một, hai giờ so với bình thường. Một triệu chứng ít thấy khác là ngủ nhiều hơn bình thường.
Người bệnh còn không cảm thấy hứng thú gì với những hoạt động giải trí mà họ từng thích. Một trong những ví dụ thường thấy nhất là họ không còn tâm trạng gì với chuyện chăn gối nữa. Một số người còn cảm thấy đau cả người và nhức đầu không thôi.

4. Triệu chứng của hành vi.

Các triệu chứng của bệnh trầm cảm còn thể hiện ở những thứ mà người bệnh làm và mức độ họ làm những chuyện đó. Hành vi dễ thấy nhất ở những người này là hành động chậm chạp. Bệnh nhân đi và nói chuyện như thể họ đang ở trong một cuốn phim chiếu chậm. Một số người còn trở nên bất lực, không thể di chuyển được và ngừng luôn việc nói chuyện, hoặc họ có thể ngừng một khoảng thời gian cỡ chừng vài phút trước khi trả lời một câu hỏi nào đó.

Một người phải có từ năm triệu chứng trở lên thuộc bất kỳ hạng mục nào mà tôi nêu trên, xuất hiện gần như là hằng ngày trong khoảng 2 tuần thì người đó mới được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm. Cathy có những dấu hiệu như khó ngủ, tự trách bản thân, không thể rời nhà, không thể tự làm vệ sinh cá nhân, không muốn nói chuyện với ai, cảm xúc chán nản… Theo DSM-5, tất cả những triệu chứng trên của Cathy đều phù hợp với những triệu chứng của người mắc bệnh trầm cảm.

Một điều quan trọng trong việc xác định một người có bị trầm cảm hay không là họ phải chưa bao giờ trải qua cảm giác quá khích, hoặc quá vui vẻ đến mức không thể điều khiển bản thân mình trước hoặc sau khi tâm trạng trở nên tồi tệ như lọt vào hố đen không lối thoát. Nếu không thì họ sẽ được chẩn đoán là mắc bệnh lưỡng cực thay vì bệnh trầm cảm.

Đọc đến đây chắc bạn sẽ hỏi tôi rằng, nguyên nhân gì gây ra bệnh trầm cảm và cách chữa trị của nó?

Các nhà tâm lý học hiện nay vẫn còn đang tranh luận đâu là nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm. Thật khó để mà đưa ra câu trả lời xác định khi có quá nhiều vấn đề còn đang nằm trong vòng nghiên cứu và thí nghiệm.

Các học giả theo thuyết tiến hóa cho rằng những triệu chứng từ nhẹ đến trung bình của bệnh trầm cảm có thể phần nào đó hữu ích với bệnh nhân ngoài việc gây ra đau đớn và làm gián đoạn cuộc sống của họ. Dưới góc nhìn của tiến hóa, những triệu chứng như hoạt động chậm chạp , mất đi động lực, cách ly ra khỏi những người khác…có thể là đại diện cho hệ thống phản ứng giúp cho người đó thoát ra khỏi một tình huống đang dần xấu đi. Ở mức thấp và trong khoảng thời gian ngắn, tâm trạng chán nản có thể giúp chúng ta tìm lại được động lực của mình, đồng thời lưu trữ năng lượng cơ thể và dùng nó vào việc đối phó với những tình huống mất mát và thất bại.

Dưới góc nhìn của xã hội, từ khi sinh ra đến chết đi, cuộc sống của chúng ta lúc nào cũng quấn với cuộc sống của những người khác. Chúng ta sống trong một tập thể và chúng ta cảm thấy buồn khi một người nào đó thân thiết đột nhiên mất đi, hoặc một mối quan hệ chấm dứt, hay lúc chúng ta mất đi việc làm…Trong những trường hợp như vậy, một số bác sĩ cho rằng thay vì cảm giác buồn vì mất đi người khác, chúng ta cảm thấy chán nản vì chúng ta có thể mất đi “vai trò xã hội” của mình hoặc cách mà chúng ta nghĩ về bản thân.

Với những nhà sinh học thì họ lại cho rằng nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm có thể nằm trong gien của mỗi người và nó có thể là kết quả từ sự ảnh hưởng của nhiều gien khác nhau. Hàm lượng chất dẫn truyền thần kinh, serotonin, thấp có thể là nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm. Bởi vì serotonin quan trọng trong việc điều khiển giấc ngủ, khẩu vị và những phản ứng khác trong cơ thể nên thiếu hụt chất này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng dẫn đến các bệnh tâm lý như trầm cảm, tâm thần phân liệt, lo lắng… Một số loại thuốc chữa trị bệnh trầm cảm có cơ chế hoạt động làm tăng hàm lượng serotonin trong cơ thể như Prozac được sử dụng rộng rãi vì tính an toàn và ít tác dụng phụ.

Bên cạnh với việc dùng thuốc, thì phương thức chữa trị dựa trên suy nghĩ – hành vi cũng được sử dụng rộng rãi. Phương thức này hướng dẫn người bệnh tập thay đổi cách suy nghĩ về mình và về mọi thứ xung quanh. Người bệnh sẽ phải suy nghĩ một cách khoa học, hệ thống hơn, thay vì cứ đổ lỗi cho chính mình khi gặp phải trắc trở, thất bại nào đó thì họ phải học cách xem xét tình huống xung quanh họ, những vấn đề, hoặc nguyên nhân ngoài lề có thể góp phần làm nên sự thất bại đó. Hiệu quả của phương pháp này càng tăng nếu đi kèm với việc dùng thuốc điều độ.

Tôi nghĩ bài này mình viết đủ dài rồi. Hy vọng mọi người đọc xong sẽ hiểu thêm về bệnh và có cái nhìn đúng đắn hơn về nó. Với những bạn nghĩ mình mắc bệnh và cần giúp đỡ thì hy vọng các bạn hãy mau chóng đi tìm bác sĩ hoặc chuyên viện tâm lý để có thể được chữa trị sớm nhất vì bệnh trầm cảm không tự nhiên khá lên mà sẽ ngày càng xấu đi, đến một lúc nào đó nó sẽ ăn mòn tâm trí của bạn như những dây tầm gửi rút hết sức sống của cây sồi già kia.

Đợt tiếp theo của series này tôi sẽ nói về bệnh lưỡng cực, tự hại, một phần về câu chuyện đời tôi về cách mà tôi chiến đấu với những cảm xúc tiêu cực của bản thân và vượt qua khỏi những khoảng thời gian tăm tối trong cuộc đời như thế nào.

 

Hải Đường Tĩnh Nguyệt

menu
menu